TikTok tạo ra nhiều giai điệu bắt tai và là sân chơi mới dành cho các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực, làm thay đổi thói quen của khán giả.
“Phố đã lên đèn, con đường có môi kề môi…”, hẳn các bạn trẻ thuộc Gen Z (những người sinh sau năm 1995) đã không còn xa lạ với câu hát này. Thậm chí nhiều người từng nghe rất nhiều lần mà vẫn chưa biết mặt mũi người hát ra sao, là nam hay nữ, phong cách có gì đặc biệt…
Thế nhưng, giai điệu đó vẫn đủ sức bám chặt vào tâm trí người nghe, khiến họ lặp đi lặp lại như một câu thần chú, thông qua hàng loạt clip được ưa thích trên TikTok – mạng xã hội có xuất xứ Trung Quốc.
TikTok làm mới cuộc chơi hay kẻ phá luật đáng ghét?
Ra mắt từ năm 2016 nhưng cái tên TikTok chỉ thực sự bùng nổ trong vòng hai năm gần đây, cùng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Khi đó, người người đua nhau tạo tài khoản, nhà nhà tìm cách dựng clip để up lên TikTok như một phương thức giải khuây khi mà ai ai cũng bị nhốt trong không gian riêng vì giãn cách xã hội.
Các trào lưu TikTok bắt đầu nở rộ tại Việt Nam đầu năm 2020 khi bắt đầu giãn cách xã hội vì Covid-19
Còn nhớ, thời điểm cuối thập niên 2000 là lúc YouTube đánh bật mọi đối thủ để trở thành mạng xã hội video có nhiều người dùng nhất. Khi ấy, hàng loạt nghệ sĩ Vpop liên tục đổ tiền đầu tư thực hiện MV để chiếu trên nền tảng gây sốt của Google. Họ đua nhau lập kênh YouTube riêng, tự hào khi có chứng nhận chính chủ, sau đó dùng mọi cách để giành nút vàng, cạnh tranh về lượt xem lẫn lượt theo dõi.
Sự lên ngôi của MV là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của album.Theo thời gian, số lượng các đĩa nhạc vật lý được phát hành ngày càng suy giảm và dần mất hút khỏi thị trường. Các nghệ sĩ không còn dành nhiều tâm huyết, đầu tư tiền bạc và chất xám để làm album nữa. Thay vào đó, họ tìm cách mua các bài hát đơn lẻ và khai thác MV để đẩy nó trở thành hit.
Nếu ví YouTube là quý ông U40 dày dặn kinh nghiệm, TikTok chính là cậu bé tuổi teen, vừa tươi trẻ lại vừa có nhiều ý tưởng mới lạ.
Danh sách thịnh hành (top trending) của YouTube bỗng trở thành một thước đó mới về sự thành công của ca khúc và ca sĩ, bên cạnh những bảng xếp hạng quen thuộc.Những tưởng đế chế YouTube sẽ tồn tại bền vững thì TikTok xuất hiện và hoàn toàn làm thay đổi cuộc chơi. Nếu ví YouTube là quý ông U40 dày dặn kinh nghiệm, TikTok chính là cậu bé tuổi teen, vừa tươi trẻ lại vừa có nhiều ý tưởng mới lạ.
Dù mới xuất hiện, chàng tân binh TikTok tỏ ra rất đỏng đảnh, ban đầu chỉ cho phép người dùng đăng tải video dài tối đa 15 giây, mãi về sau mới nới lỏng thời gian thành 60 giây.Trái lại, quý ông YouTube lại khá hào phóng khi không hề giới hạn độ dài của video clip. Người dùng thoải mái đăng tải và chia sẻ nội dung mà không cần cắt dựng hay biên tập. Thậm chí, vào năm 2012 có người từng lập kỷ lục khi up clip dài đến gần 600 tiếng lên YouTube.
TikTok giống với Twitter ở chỗ giới hạn nội dung mà người ta có thể đăng tải trên nền tảng
Ấy vậy mà, quy luật khắt khe của TikTok không trở thành rào cản mà lại là điểm giúp nó trở nên thu hút. Thực tế, luật 15 giây có phần tương tự Twitter vì khi mới ra mắt mạng xã hội này cũng chỉ cho phép người dùng đánh tối đa 140 ký tự vào dòng trạng thái.
Khi Tik Tok áp dụng giới hạn với âm nhạc, nó biến một ca khúc dài trở thành giai điệu ngắn gọn, dễ nghe, dễ nhớ và có hiệu quả thính giác tức thời hệt như nhạc chuông điện thoại di động. Chẳng phải khi những chiếc “dế cưng” của Nokia đang ở thời điểm huy hoàng nhất, dân tình cũng đua nhau đi tìm những ca khúc hot để làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại hay sao?
Sự gọn gàng và đơn giản là yếu tố giúp các ca khúc lan truyền nhanh chóng trên Tik Tok, nhưng đồng thời cũng rút ngắn đời sống của tác phẩm lẫn trải nghiệm của người nghe. Không như trào lưu sưu tầm CD hay đĩa than giúp con người sống chậm lại, thưởng thức một sản phẩm âm nhạc trọn vẹn từng phút từ giây, thì quy luật mà mạng xã hội Trung Quốc đặt ra ép chúng ta sống nhanh hơn, gấp gáp hơn. Thế nên, không có gì khó hiểu khi nhiều người sẵn sàng so sánh “nhạc TikTok” với “mì ăn liền”.
Khi lứa Gen Z tìm bệ phóng ở TikTok
Về cơ bản, TikTok thực ra cũng chỉ là một kênh để nghệ sĩ đăng tải và quảng bá sản phẩm đến khán giả, tương tự những nền tảng đình đám một thời như Myspace hay Soundcloud. Ở khía cạnh tích cực, đây là công cụ cực kỳ hữu hiệu dành cho các nghệ sĩ mới, ít kinh nghiệm. Họ dễ dàng đăng tải và gửi gắm những “đứa con tinh thần”, ngay cả khi các sản phẩm chỉ ở dạng demo (bản nháp), chưa hoàn thiện.
Các thế hệ ca sĩ 8X, 9X có cuộc thi âm nhạc, gameshow như Sao Mai, Giọng hát Việt, Vietnam Idol,… làm bệ phóng, thì lứa nghệ sĩ Gen Z dùng TikTok làm bàn đạp. Tốc độ lan truyền chóng mặt cùng với sự đơn giản, tính miễn phí là những ưu điểm giúp Tik Tok được lòng các bạn trẻ. Hàng loạt tên tuổi mới bỗng trở nên nổi tiếng nhờ phát hành sản phẩm trên mạng xã hội này. Nên không phải ngẫu nhiên mà Tik Tok được xem là mạng xã hội dành cho thế hệ Z.
Huyền Tâm Môn – nữ ca sĩ Gen Z nổi lên nhờ TikTok
Huyền Tâm Môn – chủ nhân của câu hát “Phố đã lên đèn, con đường có môi kề môi…” – là một ví dụ điển hình “from zero to hero” nhờ TikTok.
Sinh năm 2003, cô gái có tên thật là Đỗ Ngọc Huyền này đã bắt đầu thể hiện niềm đam mê âm nhạc ngay từ nhỏ. Nhưng chỉ đến khi phát hành sáng tác trên TikTok thì Huyền Tâm Môn mới được khán giả chú ý. Hai ca khúc Phố đã lên đèn và Lần hẹn hò đầu tiên đều gây bão, giúp cô trở thành “hiện tượng TikTok” với hàng triệu lượt view và chia sẻ ngay từ khi mới ra mắt.
Có điều, giới hạn thời gian mà TikTok đặt ra thực sự là rào cản lớn. Thay vì được thưởng thức một sản phẩm hoàn thiện, khán giả chỉ nhận được một bản snippet (đoạn trích) dài 15 giây. Một nửa sự thật thì mãi chẳng thể trở thành sự thật, và người nghe không thể nào đánh giá một ca khúc chỉ dựa vào một phần bài hát. Điều đó dẫn đến một thực trạng là người dùng TikTok có thể nhớ được phần điệp khúc, đoạn hook đóng đinh của bài, hay đơn giản chỉ là một câu hát vu vơ, nhưng chưa chắc họ đã được nghe hoặc nhớ trọn vẹn ca khúc.
Khán giả chỉ biết sản phẩm mà không hề quan tâm tác giả là ai
Trường hợp tệ hơn, khán giả chỉ biết sản phẩm mà không hề quan tâm tác giả là ai. Điều này hoàn toàn đúng với Huyền Tâm Môn. Mặc dù sở hữu nhiều ca khúc gây bão trên Tik Tok, bản thân cô lại không phải cái tên gây sốt. Bằng chứng là trên Facebook, trang cá nhân của nữ ca sĩ chỉ đạt tầm hơn 12.000 lượt like, thấp hơn hẳn Vũ Thanh Vân (hiện gần 30.000 lượt like) dù đồng nghiệp đi hình thức nghệ sĩ indie (độc lập) và chưa có bản hit nào.
Tương tự, khán giả có thể nhớ Hạ Còn Vương Nắng nhưng không biết gì nhiều về tác giả DATKAA (sinh năm 2000), hoăc từng nghe “Bỏ em vào ba lô” nhưng chẳng hay đó là sáng tác của Tân Trần.
Đến nay, khi nhắc đến nghệ sĩ Gen Z thì truyền thông thường chỉ đề cập đến những cái tên như Mỹ Anh, Wren Evans, Amee, Hoàng Duyên,… Trong khi đó, một loạt những nghệ sĩ trẻ như Huyền Tâm Môn, DATKAA, Changmie,… đều bị bỏ qua. Giống như các đàn anh đàn chị Bảo Thy, Hồ Quang Hiếu, Khởi My,… một thời, họ vẫn chỉ được xếp vào hàng “ca sĩ mạng” và chưa thực sự có chỗ đứng nhất định trong làng nhạc Việt.
Công thức “mì ăn liền” lại tạo điểm nhấn
Cơn sốt TikTok và các bản nhạc trên nền tảng đưa khán giả trở về giữa thập niên 2010 – thời hoàng kim của nhạc remix với sự ra đời của chương trình Hòa âm ánh sáng, trào lưu nhạc EDM và đặc biệt là Vinahouse. Theo thống kê, trong danh sách top 10 ca khúc nhạc Việt được sử dụng nhiều nhất trên nền tảng TikTok năm 2021 thì có đến 7 bài là remix. Các ca khúc khác dù không phải remix nhưng cũng được phối theo các dòng nhạc dance-pop, EDM trẻ trung và sôi động.
Ưu điểm của remix (phối lại) là nó có thể mang đến sức sống mới cho các ca khúc cũ, hoặc biến những ca khúc khó nghe trở nên dễ cảm. Đó là lý do tại sao nhiều ca sĩ liên tục remix các bản ballad và đem chúng đi trình diễn trên các sàn nhảy, quán bar nhằm khuấy động không khí.
Erik tự quảng bá những ca khúc ballad được remix để tiếp cận giới trẻ thông qua TikTok
Erik và Thiều Bảo Trâm là hai cái tên nắm bắt được xu hướng này. Bản hit Chạy Về Khóc Với Anh và Sau Lưng Anh Có Ai Kìa đều là những bài pop ballad quen thuộc trong nhạc Việt, ca từ viết về tình đơn phương hoặc sự phản bội trong tình yêu. Một điểm chung khác là cả hai đều phổ biến trên Tik Tok nhờ những bản remix chứ không phải ca khúc gốc.
Kết quả là, Erik vừa có thể hát dòng nhạc ballad yêu thích lại vừa có thể “cân” được nhạc sàn. Còn Thiều Bảo Trâm đã có được bản hit đầu tiên trong sự nghiệp ca hát nhiều năm trời, lại càng tăng độ phủ sóng nhờ mạng xã hội Trung Quốc.
Thiều Bảo Trâm cũng tự phối lại ca khúc ballad Sau Lưng Anh Có Ai Kìa
Hai ca khúc của Erik và Thiều Bảo Trâm là minh chứng cho thấy phương thức phát hành sản phẩm của các ca sĩ Việt cũng đã phần nào thay đổi. Bên cạnh hình thức đầu tư thu âm và thực hiện MV truyền thống, các ekip cũng tìm cách remix các khúc để tạo thành những bản nhạc bắt tai, tạo trào lưu và thu hút sự chú ý của khán giả trên Tik Tok.
Nghe có vẻ hơi chạnh lòng, nhưng công thức “mì ăn liền” của TikTok mang lại hiệu quả tốt hơn hẳn so với việc đầu tư thực hiện album. Đầu năm 2021, Văn Mai Hương giới thiệu album phòng thu thứ ba mang tên Hương sau nhiều năm ấp ủ thực hiện, đánh dấu sự trở lại của cô sau 8 năm không ra album kể từ Mười Tám + (2013). Đáng tiếc, sản phẩm và loạt MV cho các ca khúc không tạo được tiếng vang mạnh mẽ như nhiều người dự đoán.
Thế nhưng, TikTok bỗng giúp cô “nổi như cồn” chỉ nhờ một bản remix của hai producer trẻ Haozi và Rinv. Từ một ca khúc ít người biết nằm ở cuối album cùng tên, Hương bất ngờ trở thành bản “sleeper hit” (bản hit bị ngủ quên) được giới trẻ lan truyền và yêu thích. Khán giả dù chưa nghe bản bản gốc vẫn có thể nhớ mang máng giai điệu và câu hát “Mùi hương em nồng say/ Một chút Martini/ Hòa cùng một chút Armani…”
Hai Phút Hơn version remix
Tương tự, ra đời từ năm 2020 nhưng ca khúc Hai Phút Hơn của Pháo và Masew cũng không đạt được hiệu ứng mạnh cho đến khi được remix, thậm chí còn được khán giả quốc tế đón nhận, xuất hiện trên chuyên trang phê bình như Pitchfork.
Thông thường, cấu trúc cơ bản của một ca khúc chỉ bao gồm các phiên khúc (verse) và điệp khúc (chorus). Hai thành phần này được nối với nhau bằng phần tiền điệp khúc (pre-chorus) hoặc đoạn nối (bridge). Trước đây, nhiều nghệ sĩ tìm cách phá vỡ cấu trúc này bằng cách thêm bớt hoặc đổi vị trí các thành phần. Chẳng hạn, điệp khúc để đưa lên đầu bài để tạo điểm nhấn hay chỉ có một phiên khúc lặp đi lặp lại như điệp khúc. Một số sáng tác thậm chí không có điệp khúc nhưng vẫn đáng nhớ, dễ dàng đi vào lòng người nghe.
Erik cùng Chạy Về Khóc Với Anh remix nhận về hơn 11,3 triệu lượt yêu thích trên TikTok
TikTok và quy luật 15 giây khiến cho công thức tạo hit bị bẻ cong một lần nữa, khi mà giờ đây chỉ cần một câu hát cũng đủ sức rung chuyển mạng xã hội. Nắm bắt được quy luật 15 giây, các nhà sản xuất đã tìm cách tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi như là thời điểm vàng làm nên thành công của ca khúc. Không chỉ có ekip Erik hay Thiều Bảo Trâm, nhiều đội ngũ đã nhận thức được tầm quan trọng của Tik Tok và chủ động tìm cách tạo ra các sản phẩm phục vụ nền tảng này.
Chẳng hạn như Đông Nhi với ca khúc đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm vắng bóng – Đôi Mi Em Đang U Sầu. Đoạn hook của bài hoàn toàn được cắt gọn, thậm chí dùng hẳn tên bài hát làm điểm nhấn, sau đó ngay lập tức đẩy người nghe vào đoạn drop. Tất cả với mục đích để giai điệu vừa vặn với thời lượng của clip ngắn trên TikTok.
Đôi Mi Em Đang U Sầu được Đông Nhi cắt gọt đoạn điệp khúc cho phù hợp với TikTok
Thậm chí, có nhà sản xuất còn cao tay hơn khi cắt nhỏ một ca khúc ra thành nhiều phần và phần nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng thuật toán của TikTok. Hoàng Thùy Linh là một ví dụ. Ba năm trước, nữ ca sĩ từng gặt hái rất nhiều thành công với album Hoàng (2019) đến mức nhiều người lo ngại cô sẽ khó thể vượt qua được cái bóng quá lớn của chính mình. Tuy nhiên, giọng ca Để Mị Nói Cho Mà Nghe đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Trong vòng hai tháng đầu năm 2022, cô liên tiếp tung ra hai sản phẩm mới là Gieo Quẻ (hợp tác Khắc Hưng) và See Tình (hợp tác DTAP). Cả hai ca khúc đều được đầu tư mạnh về phần nghe lẫn phần nhìn. Đặc biệt, giai điệu và đoạn điệp khúc của hai ca khúc được lan truyền mạnh mẽ trên Tik Tok, giúp Hoàng Thùy Linh trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất nửa đầu năm nay. Điều đó cho thấy nếu tận dụng tốt thì TikTok vẫn đủ sức mạnh để tạo viral, giống trường hợp Hương hay Hai Phút Hơn.
Nhưng 15 hay 60 giây không thể là sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh
Điều đáng chú ý là các bản remix chỉ tạo hiệu ứng trên TikTok, nhưng hoàn toàn không tồn tại trên các bảng xếp hạng nhạc Việt. Nói cách khác, các sản phẩm này chưa thể có đời sống riêng mà chỉ có thể sống nhờ vào mạng xã hội Trung Quốc. Hiện tại, điều mà Văn Mai Hương có thể khai thác từ thành công của Hương là đem ca khúc đi trình diễn trên các sân khấu lớn nhỏ để ăn theo hiệu ứng TikTok. Đến nay, sản phẩm vẫn chưa được thực hiện MV như các ca khúc khác trong album dù đã là hit.
Văn Mai Hương khai thác từ thành công của Hương bằng cách đem ca khúc đi trình diễn trên các sân khấu lớn nhỏ để ăn theo hiệu ứng TikTok
Ngay cả khi đã là “hiện tượng TikTok”, Huyền Tâm Môn sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể được xuất hiện trên các sân khấu lớn, đứng cạnh các đồng nghiệp cùng lứa. Để được công nhận tài năng, cô cần có những sản phẩm hoặc dấu ấn mạnh hơn bên ngoài TikTok. Dù có độ phổ cập lớn, TikTok vẫn chưa thể tạo thành một thước đo mạnh mẽ như danh sách thịnh hành của YouTube. Các nghệ sĩ vẫn phải tìm cách quảng bá sản phẩm ở các kênh khác chứ không thể phụ thuộc vào một nơi.
Vì có thời lượng ngắn, các ca khúc trên TikTok dễ nghe, dễ nhớ và dễ tạo trend. Tuy nhiên, theo thời gian phần sản xuất dần đi vào lối mòn với công thức quen thuộc.
DTAP – nhóm producer đứng sau hàng loạt hit của Hoàng Thuỳ Linh từng bày tỏ quan điểm bất cập về TikTok
Hơn nữa, các bản remix cũng phần nào đập tan công sức của các nhà sản xuất. Người nghe hoàn toàn không ấn tượng gì về bản phối ban đầu. Tất cả đều được thay thế bằng một nền nhạc Vinahouse kém sáng tạo và đi vào khuôn mẫu: dùng thật nhiều tiếng bass và trống để tái tạo cảm giác ồn ào, náo nhiệt của các câu lạc bộ đêm, mọi âm thanh đổ dồn vào đoạn drop bắt tai làm điểm nhấn.
Giống YouTube mười năm trước, sự trỗi dậy của Tik Tok cũng khiến lứa nghệ sĩ đương đại phải loay hoay, không biết nên thay đổi ra sao để chiều lòng và thu hút khán giả trẻ. Ngay cả những tên tuổi lớn như Mỹ Tâm hay Sơn Tùng M-TP cũng chưa hề tạo ra bất kỳ trào lưu nào. Điều đó chứng tỏ họ vẫn đang chậm một nhịp so với các đồng nghiệp trẻ tuổi. Thay đổi mà không mất chất lại đáp ứng được công thức của Tik Tok quả là bài toán khó với nhiều nghệ sĩ vốn chỉ đóng đinh với một công thức quen thuộc. Nhất là khi trước nay nhạc Việt vốn chiều chuộng người nghe, thống trị chủ yếu vẫn là các ca khúc pop ballad.
Chưa kể, tốc độ lan truyền của TikTok dễ khiến người nghe bị choáng ngợp. Trào lưu này vừa xuất hiện đã có trào lưu khác lên ngôi. Người dùng dần mất đi thói quen thưởng thức một tác phẩm trọn vẹn mà chỉ liên tục bị cuốn vào những clip ngắn, những giai điệu công thức.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, khán giả cũng đã dần bắt đầu trở nên nhàm chán với công thức TikTok. Mặt trái của mạng xã hội này là sản sinh ra những ca khúc vô nghĩa và nhạt nhẽo như abcdefu hay Twinkle Twinkle Little B—-.
Một ca khúc sáo rỗng như abcdefu xếp hạng cao trên BXH Hot 100 vì hiệu ứng TikTok
Một ca khúc không thể nào lột tả hết ý nghĩa của tác giả nếu chỉ được phát trong 15 hoặc 60 giây. Sự phấn khích mà các giai điệu TikTok mang lại chỉ có thể tạo ra cảm giác tức thời, chứ không phải là một cảm xúc mạnh mẽ đến mức khó quên. Có lẽ sau một thời gian, âm nhạc trên TikTok cũng sẽ trở về đúng với bản chất của nó: nhanh gọn lẹ và không gì hơn ngoài “nhạc ăn liền”.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/tiktok-co-bop-meo-lang-nhac-viet-20220610163926948.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]