Nghiên cứu về khí hậu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change đã xác nhận việc băng tan chảy tại Greenland sẽ góp phần làm mực nước biển tăng ít nhất 27cm ngay cả khi chúng ta dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức.
Tốc độ băng tan hiện tại đã đạt đến mức ”không thể cứu vãn”, và còn nghiêm trọng hơn khi đây mới chỉ là tính toán về một nhân tố duy nhất là băng trôi tại Greenland.
Mực nước biển sẽ tăng ít nhất 27cm.
Các dự án nghiên cứu khác cũng xác nhận tình trạng nóng lên toàn cầu đã vượt quá mức ước tính ban đầu, đặt chúng ta vào trong một thiên niên kỷ báo động nếu không hành động ngay lập tức.
Các dữ liệu vệ tinh gần đây đã đo lượng băng mất đi tại Greenland trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 và cung cấp các phép tính chính xác hơn so với những nghiên cứu trước.
Kết quả của các phép tính cho phép nhà khoa học đo lường tình trạng tan thực tế của băng, bao gồm cả những nhân tố như tuyết rơi. Đối với những người sống sâu trong đất liền, rất khó để có thể nhận ra những tác động lâu dài của hiện tượng này, tuy nhiên, ước tính có khoảng 600 triệu người sống ở các vùng ven biển sẽ sớm gặp rủi ro do băng tan.
Đây mới chỉ là mức tối thiểu
Theo Jason Box, người đứng đầu nghiên cứu trên thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Quốc gia Đan Mạch và Greenland (GEUS), đây mới chỉ là “mức tối thiểu” có thể xảy ra. Ông dự đoán rằng tình trạng này có thể còn tồi tệ gấp đôi trong thế kỷ tiếp theo vì ngoài việc nóng ên toàn cầu, còn có nhiều nhân tố khác khiến băng tan nhanh hơn. Vì vậy, nghiên cứu này tuy ước tính lượng băng mất đi nhưng không thể cung cấp mốc thời gian xác định.
Trong lĩnh vực nghiên cứu biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, “tipping point” là thuật ngữ chỉ thời điểm “không thể cứu vãn”, tại thời điểm đó, những tác động xấu sẽ tăng lên theo cấp số nhân bất kể chúng ta có thực hiện biện pháp nào đi chăng nữa. Và đáng buồn thay, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng chúng ta đang nằm ở “tipping point”.
Nghiên cứu chỉ ra tình trạng băng tan đã đạt đến mức không thể cứu vãn.
“Dù là 100 năm hay 150 năm nữa thì thời điểm đó sẽ đến, và việc mực nước biển dâng lên chính là dấu hiệu chứng minh điều đó”, nhà nghiên cứu William Colgan thuộc GEUS chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Colgan, chúng ta vẫn có cơ hội để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra thông qua thỏa thuận chung Paris (thoả thuận giữa 170 quốc gia về việc giảm khí thải nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu).
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Những thay đổi về chính sách của các quốc gia một cách nhanh chóng và dứt khoát có thể giúp giảm thiểu các sự kiện thảm khốc liên quan tới biến đổi khí hậu trong tương lai, khi băng tan trên Trái đất, bao gồm cả khu vực Nam Cực đang tan nhanh.
Tình trạng băng tan có thể được giảm thiểu nếu các quốc gia đưa ra biện pháp cứng rắn.
Các nhà khoa học cũng đang cố gắng lan tỏa thông tin này, vì họ tin rằng thay đổi chỉ thực sự xảy ra khi có sự can thiệp cứng rắn của pháp luật.
Theo ông Gali Whiteman thuộc Đại học Exeter “Kết quả của nghiên cứu này là một tin tức khó có thể bỏ qua đối với những nhà lãnh đạo cũng như chính trị gia quan tâm đến tương lai của nhân loại. Đây là một tin rất xấu cho gần 600 triệu người sống ở các vùng ven biển. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta sẽ ngày càng dễ bị tổn thương, và 1 nghìn tỷ USD của cải toàn cầu có thể bị đe doạ”.
Nguồn: Inverse
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/toc-do-bang-tan-va-nuoc-bien-dang-khong-the-cuu-van-it-nhat-600-trieu-nguoi-se-bi-anh-huong-20221010113620921.chn” name=””]