Điện thoại vợ báo lịch hẹn với bác sĩ, trong khi cô ấy có biểu hiện hoàn toàn bình thường. Liệu vợ có giấu tôi điều gì hay không?
Từ hồi có bầu, vợ tôi nghỉ việc ở nhà nên gần như không biết quá nhiều về công việc, các mối quan hệ bên ngoài của tôi.
Tôi làm phòng kinh doanh, hay đi công tác, công việc ở ngay thành phố cũng quá nhiều. Có một khoảng thời gian dài tôi vất vả tăng ca buổi đêm. Về thu nhập, tôi không để mẹ con cô ấy thiếu thốn, tôi cũng chưa bao giờ đề nghị vợ đi làm, càng không để con thua kém đứa trẻ khác. Tôi luôn tự hào vì là chỗ dựa cho cả nhà, cho vợ có thời gian bỉm sữa thoải mái.
Bạn bè, người thân gặp vợ tôi hay nói: “Sướng nhất cô Thanh, sinh con xong là nghỉ luôn, khỏi phải đi làm. Tiền chồng mang về, nhà cửa rộng rãi, chẳng phải lo kinh tế”. Mỗi lần nghe thế, tôi phổng mũi tự hào, cảm giác mình là chỗ dựa vững chãi cho vợ con.
Cũng đôi lúc tôi thấy vợ mệt mỏi. Tôi hiểu em cũng có áp lực ở nhà nội trợ, chuyện nhà cửa, con cái phải vun vén mới gọn gàng, nhưng rồi công việc cuốn tôi đi. Từ khi mẹ tôi bị té, phải nhập viện, tôi nhắc vợ lo cơm nước, mỗi ngày dẫn cháu qua bệnh viện thăm bà. Hàng ngày tôi cũng ba chân bốn cẳng lo thu xếp việc rồi lại vào với mẹ, buổi tối phải đóng cửa tập trung giải quyết công việc dồn ứ.
Tôi ít khi để ý đến áp lực tinh thần của vợ (ảnh minh họa) |
Một hôm vợ để điện thoại ở trên bàn ăn, trong lúc dọn bàn tôi thấy tin nhắn báo lịch hẹn bác sĩ tâm lý hiện lên. Thông báo chỉ đơn giản là nhắc lại ngày giờ hẹn, nhưng khiến tôi sững sờ. Tôi đặt câu hỏi trong đầu: “Phải chăng vợ có gì đó giấu giếm? Cô ấy có chuyện gì không thể chia sẻ cho chồng?”.
Tôi đặt ra nhiều nghi vấn, nhưng tôi không thể hỏi thẳng điều ấy với vợ, vì thế đến tối, tôi vờ hỏi dạo này chuyện con cái có ổn không. Cô ấy đáp bằng tông giọng bình thường: “Ổn mà”.
Lúc ấy tôi thật sự muốn hỏi thẳng rằng vợ đang gặp chuyện gì mà không muốn san sẻ cho tôi. Rồi tôi kiếm cớ rủ cả nhà đi du lịch. Vợ tôi không đồng ý, cô ấy nói đang chán, chỉ muốn ở yên trong nhà.
Hết cách, tôi nhắn tin hỏi người bạn của cả vợ và chồng, cô ấy khuyên tôi cứ ở bên lắng nghe, tìm hiểu xem vợ đang có áp lực gì không đã.
Nghe lời bạn, tôi xin nghỉ phép mấy hôm và bày tỏ với vợ sẽ phụ giữ con cho cô ấy. Ngày đầu tiên, tôi thức dậy rất sớm, chủ động xuống nấu ăn sáng, dọn nhà. Xong xuôi, tôi mệt phờ, chỉ muốn nằm vật ra nghỉ, nhưng tiếng con khóc ré kéo tôi về hiện thực phải phụ vợ con để cô ấy được thảnh thơi.
Bình thường 7 giờ sáng là tôi đã ra khỏi nhà, làm một ly cà phê với ông bạn, ăn một tô phở hoặc cái bánh mì thịt. Nhưng nay 7 giờ của tôi là ngồi đút bữa sáng cho con và thằng bé thì không chịu ngồi im nên vương vãi khắp nhà.
Đút được mấy muỗng, tôi tính bỏ cuộc, nhưng vợ không chịu, cô ấy kiên trì ngồi xuống, dụ thằng bé ăn. Tôi nhìn thấy tóc vợ còn chưa kịp chải, gương mặt cô ấy lộ rõ vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ.
Con ăn xong, tôi nhắc vợ lên phòng nghỉ để tôi trông con. Nhưng chưa được 30 phút thì thằng bé làm đổ nước đầy sàn. Lau dọn bở hơi tai vừa xong thì con lại đi vệ sinh. Tôi chưa từng quen với mấy việc này nên chẳng có cách nào khác ngoài dọn đại rồi lại tất bật mắt nọ mắt kia canh đứa con cứ chạy khắp nhà.
Đến cuối ngày, tôi đuối. Mẹ tôi gọi điện, bà hỏi chúng tôi cả ngày làm gì mà không gọi video call cho bà gặp cháu, đồng thời thông báo mai bà sẽ lên tái khám và ở vài hôm.
Lúc này thì tôi đã hiểu phần nào cảm giác của vợ. Đến ngày nghỉ phép thứ ba, những công việc không tên vẫn lặp lại và phát sinh không ngừng. Tôi thấy mình như đi đánh vật.
Tin nhắn hẹn gặp của bác sĩ tâm lý làm tôi bất ngờ (ảnh minh họa) |
Tôi chợt nghĩ tới 2 năm vợ ở nhà chăm con. Từ khi con tôi còn bé tí, quấy khóc suốt đêm. Tôi nghĩ tới việc mẹ tôi đau yếu tháng nào cũng lên thành phố ở cùng chúng tôi để ra vào bệnh viện khám chữa đủ thứ bệnh. Trong khi tôi đi làm cả ngày, chẳng phụ giúp vợ được mấy.
Khi tôi “tường trình” lại cho cô bạn, bạn “phán”: “May mà ông phát hiện kịp. Ở chung nhà mà vợ trầm cảm cũng không biết, ông coi có tệ quá không? Thôi hôm nào ông đi với vợ thì tôi thu xếp qua nhà giữ con giùm cho”.
Câu ấy khiến tôi sực tỉnh, dù đọc nhiều bài viết về chứng trầm cảm của phụ nữ trên báo, nhưng tôi vẫn không ngờ vợ mình đang kiệt quệ vì đủ thứ, từ chồng con, nhà cửa…
Tôi quyết định nói thật với vợ rằng tôi biết chuyện vợ hẹn gặp bác sĩ tâm lý và bày tỏ ý định muốn chở cô ấy đi, tiện thì cho tôi tư vấn luôn để cùng vợ vượt qua khủng hoảng này. Nghe vậy, vợ tôi vừa gật đầu vừa khóc.
Thế đó, nếu hôm ấy không thấy tin nhắn của vợ, tôi vẫn tưởng mình đã đủ tốt với vợ con…
Anh Huy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/toi-cu-nghi-minh-da-du-tot-a1529624.html” name=””]