Chuyện làm đẹp là nhu cầu chính đáng, phụ nữ ai cũng muốn trẻ mãi không già. Nhưng vẫn còn quá nhiều phụ nữ làm đẹp “thiếu thông minh”…
Bây giờ, chẳng cần gõ gì đó liên quan đến thẩm mỹ thì các clip, video về “xăm chân mày”, “tiêm filler”, “làm môi hồng tự nhiên” cũng ngập tràn trên Facebook. Thuật toán chủ động hiển thị và định hướng suy nghĩ của tôi, hẳn vì biết tôi cũng là phụ nữ.
Nói đâu xa, ở nơi làm việc, hôm nay, một chị ở phòng hành chính đã đi phun thêu thẩm mỹ cặp chân mày và nhận được nhiều lời trầm trồ (không biết đâu là thật đâu là khen lấy lòng) từ những nữ đồng nghiệp khác. Hôm kia, em gái phòng kế toán xuất hiện với làn môi hồng ngọt lịm. Tôi hỏi em mua son ở đâu đẹp vậy, em kêu nhờ tẩy môi phun màu tự nhiên.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Rồi chị lao công bữa kia nhìn còn nét chân quê, hôm nay đã thấy mắt to một cách ấn tượng nhờ xăm mí mắt, da mặt căng không một nếp nhăn. Phong trào “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” khiến cái người chẳng có chút khái niệm một ngày nào đó đem thân mình cho thẩm mỹ cũng có chút lung lay trong lòng. Nhìn vào gương, thấy cặp chân mày mờ nhạt thưa rỉnh của mình, tôi cảm thấy thật chán…
Sửa sắc đẹp với phụ nữ bây giờ dễ quá, hôm nay chích một phát, ngày mai trẻ liền. Nhanh, gọn, lẹ, bắt mắt, đẹp liền tại chỗ… quá phù hợp với trào lưu sống ảo trên mạng – đăng tấm hình bản thân chút xíu là được cả ngàn like, chớ đăng một cái bông, một món ăn thì còn lâu mới nổi. Có lẽ điều này khiến cho việc muốn đẹp nhanh thành một trào lưu hơn là một nhu cầu chính đáng.
Mấy năm trước, tắm trắng, lột da bằng kem trộn gần như là cơn sốt. Phụ nữ nông thôn, những chị tiểu thương chỉ cần xài món kem mấy trăm ngàn đồng truyền tai nhau là vài ngày sau mặt ai cũng trắng hồng, tạm biệt nám và tàn nhang nhanh như được phù thủy thổi một làn hơi phù phép. Ai dè chuyện làm đẹp này không lâu sau đó trở thành nguy cơ. Cú “trở mặt” của chuyện làm đẹp nhanh khiến không ít chị vẫn còn hối hận.
Bây giờ, người ta còn gán cho việc sửa chữa, đập ra làm lại liên quan đến phong thủy, nhân tướng học, nhân diện… gì gì đó, thành ra không đơn giản chỉ là chuyện phá cái nốt ruồi mọc không đúng chỗ hay chỉnh sửa mấy cái răng mọc lệch. Trào lưu làm chân mày hợp phong thủy với gương mặt, trào lưu môi hồng đổi số, trào lưu căng da trẻ mãi không già… không biết đã cải số được cho bao nhiêu phận đời.
Chị tiểu thương mà tôi quen ở chợ vẫn ngày ngày ngồi bán mấy món quen và hễ gặp tôi là than chợ gì vắng, ế quá mua nhiều giùm chị chút đi dù hôm trước chị mới chỉnh lại đôi chân mày, tẩy màu đen xám đi để chuyển thành màu nâu đỏ.
Làm đẹp thì vui nhưng nhiều chuyện cũng bi hài, như trường hợp một cô giáo gần nhà tôi lỡ bơm môi mà sưng vù, sốt hầm hập vì nhiễm trùng phải vô bệnh viện cầu cứu bác sĩ. Chị bạn quen của tôi bởi lỡ “lên màu” cho cặp chân mày, về nhà, ông chồng thấy mặt vợ hôm nay lạ quá, hỏi tới hỏi lui rồi quát cho một trận. Chồng chị nói làm như vậy là thiếu tôn trọng chồng, vì dám đánh giá ổng khoái cái đẹp không tự nhiên, trong khi nét mặt tự nhiên vợ chồng sống với nhau mấy chục năm quen thuộc, thân thương quá chừng thì làm cho mất.
Đúng là cơ thể của mình, mặt mày của mình nhưng làm đẹp cũng phải tôn trọng người cùng nhà thì gia đình mới hạnh phúc.
Nhìn thấy phụ nữ biết thương và chăm sóc chính mình nhiều hơn, biết ăn mặc đẹp hơn, trang điểm đúng cách hơn thì thấy vui chứ. Nghĩ lại ngày xưa của má mình, dì mình, sắm cái áo, uốn cái tóc cũng phải đắn đo. Rồi đến tuổi ngoài 50, tóc đã bới một cục sau ót, con cái đã lớn, sắp ngồi sui không lẽ còn nhuộm tóc, uốn quăn thì kỳ…
Chuyện làm đẹp là nhu cầu chính đáng, phụ nữ ai cũng muốn trẻ mãi không già. Nhưng vẫn còn quá nhiều phụ nữ làm đẹp “thiếu thông minh”, nhờ cậy vào những nơi không chính danh để rồi chính mình lãnh chịu hậu quả nặng nề không thể khắc phục.
Nghe có vẻ hơi lý thuyết nhưng thực sự, nếu cái đẹp toát lên từ sự an nhàn, từ thể dục thể thao giữ sức khỏe… thì ở tuổi nào, hẳn cũng sẽ khác hơn nhiều.
Nói đến đây, tôi nhớ đến cụ bà Tasha Tudor – nghệ sĩ vẽ tranh minh họa người Nhật 92 tuổi sống trong căn nhà và khu vườn cổ tích tự tay bà chăm sóc. Những tấm hình váy vóc áo quần của bà trong khu vườn sao mà đẹp. Dù da dẻ nhăn nheo, mặt đầy tàn nhang nhưng mắt vẫn sáng, môi vẫn cười thì đẹp muôn đời.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Công nghệ thẩm mỹ nở rộ đến mức ai cũng có thể trở thành… bác sĩ thẩm mỹ và ai cũng có thể đẹp nhanh chóng mà quên đi chuyện sống đẹp, đẹp ở trong lòng đẹp ra, tự nhiên cũng là một cái đẹp.
Bữa kia, trên đường đi làm về, vừa định quẹo vô quầy hàng quen mua bó rau, thì ngay trước đầu xe tôi, một phụ nữ đi xe ngược chiều xẹt tới, dựng cái xe quay ngang rồi hùng hổ bước vô quầy mua cà rốt. Người phụ nữ tóc xoăn mắt bồ câu môi mọng chân mày đen nhánh kia chắc không biết sự phẫn nộ của tôi và nhiều người khác đang bực bội nhìn mình, bỏ cái xe ngang ngược như vậy rồi len qua mấy gian hàng khác mua đồ. Đường hẹp, chiếm lòng đường đã đành, không quẹo xe vô được thì phải qua chỗ khác mua hàng.
Tôi không “ấm ức” chuyện đó mà chỉ tức rằng phải chi chị đẹp nọ biết mình “hết đẹp” qua hành động thiếu tinh tế kia. Lúc này đây, cái đẹp bên ngoài cũng không thể bù điểm cho cái không đẹp ở bên trong.
Trở lại chuyện mình, việc chống lại sự phai tàn của thời gian chắc có lẽ là không thể. Sống nhờ vào cái gì đó gia giả mà làm cho mình hồi hộp thì cũng không yên. Nên thôi, tôi chấp nhận cái chân mày lợt nhách của mình. Được vui sống, được khỏe mạnh là tôi thấy mình đẹp lắm rồi.
Nhã Linh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/toi-dep-vi-toi-vui-song-a1522470.html” name=””]