Cuộc thi “Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022” chiêu mộ thí sinh từ 13-16 tuổi dự thi gây xôn xao dư luận.
Khi ngày càng nhiều người muốn sở hữu các danh hiệu sắc đẹp để làm bàn đạp nhanh chóng tiến thân thì các cuộc thi nhan sắc cũng mọc ra ngày càng nhiều. Sáu tháng với hơn 10 cuộc thi nhan sắc được diễn ra khiến công chúng đặt câu hỏi, liệu danh hiệu hoa hậu có còn giá trị?
Những ngày qua, thông tin về cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 – Miss Teen Việt Nam 2022 công bố khởi động và tuyển sinh mùa giải mới. Đáng chú ý, cuộc thi chiêu mộ thí sinh từ 13-16 tuổi dự thi. Đồng thời, 3 thí sinh giành chiến thắng cao nhất sẽ được cử đại diện thi Miss Teen Universe; Miss Eco Teen International và Miss Teen Earth.
Chia sẻ trong họp báo hồi đầu tháng 6/2022, bà Nguyễn Như Quỳnh – Trưởng BTC Hoa hậu thiếu niên Việt Nam cho biết cuộc thi “giúp các bạn trẻ tự tin hơn, mang nét đẹp tuổi teen Việt Nam để giao lưu với bạn bè thế giới”.
Các thí sinh ứng tuyển Hoa hậu thiếu niên Việt Nam
Cuộc thi này sau khi phát động đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa phần đều phản đối về độ tuổi thí sinh chưa đến tuổi vị thành niên, từ 13-16 tuổi.
“Tuổi thiếu niên hãy để cho các cháu học hành chứ đừng vội cuốn vào những cuộc thi hoa hậu quá sớm kiểu này. Lợi chả nhìn thấy mà họa. Rồi các em học sinh sẽ chẳng cố học nữa mà chịu khó tìm cách dự thi Hoa hậu thiếu niên để nhanh chóng đổi đời”; “Tổ chức kiểu thi hoa hậu này để làm gì? Phụ huynh nào nỡ mang con mình đi thi những cuộc thi vô bổ này vậy!”; “Nói như bà trưởng BTC thì kể cả mẫu giáo cũng nên tổ chức thi hoa hậu, các chị em nông thôn chưa bao giờ ra thành phố cũng nên được tổ chức thi… Vì tất cả đối tượng này đều cần sự tự tin để phát triển?”;… một số ý kiến dư luận bất bình.
Cũng có ý kiến bày tỏ sự “ngán ngẩm” về thực trạng “loạn” nhan sắc hiện nay: “Việt Nam mình có thống kê được tổng cộng có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu không? Có tác dụng và lợi ích gì cho văn hóa, nghệ thuật không? Nếu chỉ để giải trí thì cũng có cần phải nhiều cuộc thi đến thế không? Nói thật ngày xưa nghe thấy hoa hậu còn có chút háo hức xem đẹp hay giỏi thế nào!”.
Cũng bàn về vấn đề này, nhà thơ Dương Kỳ Anh – Trưởng BTC kiêm chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ 1988 – 2008 cho biết, không nên tổ chức cuộc thi nhan sắc cho thí sinh từ 13-16 tuổi. Ông từng là người soạn thảo quy chế về cuộc thi hoa hậu hồi năm 1989 và được Bộ Văn hóa thông qua, ban hành từ năm 1989 đến 2006, quy chế này sau đó được sửa đổi lại.
Theo quy chế đầu tiên do ông Dương Kỳ Anh soạn thảo do Bộ ban hành có đề cập độ tuổi thí sinh thi các cuộc thi sắc đẹp là từ 16-28 tuổi. Tuy nhiên sau đó, rất nhiều ý kiến đưa ra là 16 tuổi đang là học sinh, chưa thể tham gia các cuộc thi sắc đẹp, cho nên ông đã sửa thành từ 18 tuổi trở lên.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng: “Độ tuổi 13-18 nên thi ‘Bé khỏe, bé đẹp’ hay ‘Học sinh thanh lịch’ thì được. Trước đây có cuộc thi ‘Bé khoẻ, bé đẹp’ do báo Nhi Đồng tổ chức nghe còn được, chứ còn Hoa hậu thiếu niên nghe thấy hơi lạ, không nên để như thế. Hoặc trước đây, Hội Thanh niên, Đoàn thanh niên cũng có tổ chức thi học sinh thanh lịch, những cuộc thi như thế lại rất hợp lý. Còn Hoa hậu thiếu niên bây giờ là có xu hướng chạy theo loạt các cuộc thi hoa hậu rồi”.
Trước luồng ý kiến dư luận, chiều 21/7, NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP.HCM khẳng định, Q Talent – BTC Hoa hậu thiếu niên Việt Nam 2022 không nộp hồ sơ thực hiện cuộc thi, cũng như chưa được chấp nhận tổ chức cuộc thi.
Sau đó, Sở VH-TT đã có buổi làm việc với BTC Hoa hậu thiếu niên Việt Nam 2022, đơn vị này thừa nhận chưa thực hiện thủ tục hành chính về thực hiện tổ chức họp báo thông tin về cuộc thi và thủ tục xin tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên 2022.
Sở đã yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và làm báo cáo giải trình. Khi hoàn thành hồ sơ, Sở văn hóa và Thể thao thành phố sẽ có cuộc làm việc chính thức với Q Talent.
Ảnh: Tổng hợp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tranh-cai-gay-gat-ve-cuoc-thi-hoa-hau-thieu-nien-viet-nam-20220722115455857.chn” name=””]