Tỷ lệ trẻ bị ho sổ mũi ngày càng tăng do thời tiết thay đổi hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mỗi khi bé bị như vậy, cha mẹ thường rất lo lắng và mong muốn dùng thuốc ngay cho con. Vậy bé bị, sổ mũi phải làm sao cho nhanh khỏi?
Trẻ bị ho sổ mũi nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho sổ mũi bao gồm cả chủ quan và khách quan. Một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây nên tình trạng này bao gồm:
– Do yếu tố khách quan:
+ Do trẻ có thể bị nhiễm cảm lạnh, cảm cúm do virus, vi khuẩn gây ra.
+ Do bé hít phải khói thuốc lá, khói bụi từ môi trường bên ngoài.
+ Do thời tiết thay đổi.
Trẻ bị ho sổ mũi luôn trong tình trạng cảm thấy khó chịu. (Ảnh minh họa)
– Do yếu tố chủ quan:
+ Do trẻ có sức đề kháng yếu nên khi thời tiết thay đổi dễ bị ho, sổ mũi.
+ Do trẻ mắc phải một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, viêm họng…
Bé bị ho, sổ mũi phải làm sao?
Việc chăm sóc cho trẻ bị ho và sổ mũi là rất quan trọng. Những loại thuốc kháng sinh để điều trị ho và sổ mũi thường không mang đến hiệu quả với những nguyên nhân từ virus. Thực tế, ho và sổ mũi là một trong những phản xạ cần thiết để giúp cơ thể bé có thể tống đờm cùng những chất tiết ra ngoài giúp đường thở thông thoáng hơn. Do vậy, cha mẹ không nên cho trẻ dùng thuốc giảm ho nếu như chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
Một số cách chữa ho, sổ mũi cho bé mà mẹ có thể áp dụng như:
– Làm ẩm không khí trong phòng: Việc chạy máy tạo độ ẩm bằng nước mát trong phòng của bé có thể giúp làm giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý, cần thay nước hàng ngày và thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên thiết bị.
– Thực hiện vệ sinh, mũi, miệng: Điều này là hoàn toàn cần thiết, mẹ nên sử dụng loại khăn giấy mềm để giúp lau sạch nước mũi và nước dãi của bé. Sau đó, phải vứt bỏ ngay khi vừa dùng xong. Ngoài ra, mẹ cũng nên dùng nước muối sinh lý để nhỏ vào 2 bên cánh mũi của bé, ngày nhỏ từ 2-3 lần (không nhỏ liên tục trong 4 ngày). Bên cạnh đó, mẹ cũng nên thực hiện hút dịch mũi cho bé 1 lần/ ngày để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Thực hiện vệ sinh mũi, miệng cho trẻ khi bị ho, sổ mũi là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Phụ huynh nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa vitamin, khoáng chất thiết yếu để giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất. Đồng thời, việc cân bằng dinh dưỡng cũng giúp bé tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp.
Mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và chuẩn bị các thức ăn mềm lỏng, dễ cho việc tiêu hóa của trẻ như nước trái cây, sữa, cháo, súp, nước canh,… tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
– Bổ sung nhiều nước cho trẻ: Khi bị ho, sổ mũi, cha mẹ nên đảm bảo lượng nước cho bé. Điều này sẽ giúp làm lỏng lượng chất nhầy có trong đường hô hấp để giúp trẻ dễ ho, xì mũi hơn, hỗ trợ cơ thể tống khứ bớt virus, vi khuẩn và đờm nhớt ra khỏi đường thở. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung cho bé bằng việc cho trẻ uống sữa thường xuyên hơn.
Mẹ chữa ho, sổ mũi cho bé bằng dân gian
– Dùng mật ong: Mật ong cũng có công dụng kháng khuẩn, giảm ho và đau họng, đồng thời bổ sung thêm năng lượng cho bé mỗi khi bị bệnh. Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé uống khoảng 1/2 thìa mật ong trước khi đi ngủ để cải thiện tình trạng này của bé.
– Dùng lá húng quế kết hợp tỏi: Húng quế và tỏi rất giàu thành phần kháng khuẩn, kháng virus tự nhiên. Đặc biệt, tỏi còn có thành phần kháng sinh giúp đẩy lùi viêm xoang và viêm mũi dị ứng, cảm cúm ở trẻ một cách an toàn. Mẹ lưu ý, chỉ nên dùng cách này với bé trên 1 tuổi thôi nhé.
– Bấm huyệt nghinh hương: Mẹ dùng đầu ngón tay trỏ day bấm vào huyệt ở 2 bên lỗ mũi trong 1 – 2 phút (huyệt nghinh hương nằm cách 2 bên đầu mũi khoảng 0,8 – 0,9 cm). Lưu ý, mẹ không nên dùng lực quá mạnh và chỉ dùng 2 ngón tay vuốt dọc sống mũi của bé, làm nhiều lần trong ngày để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Việc day bấm huyệt này an toàn với hầu hết lứa tuổi.
Bấm huyệt nghinh hương sẽ giúp mũi trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị ho, sổ mũi nên tắm lá gì?
– Lá kinh giới: Thành phần lá kinh giới chứa nhiều chất sát khuẩn có tác dụng làm giảm mẩn ngứa, rôm sảy. Đồng thời, loại lá này cũng có công dụng điều hòa thân nhiệt, đẩy lùi sốt, chữa ho, sổ mũi cho trẻ. Cách làm cũng khá đơn giản, mẹ có thể dùng lá kinh giới tươi, mang rửa sạch, vò nát, nấu cùng nước sôi rồi hòa cùng nước lạnh cho bé tắm khi nước ấm.
– Lá me và hành tây: Các mẹ dùng một ít lá me kết hợp hành tây, rửa sạch rồi đun sôi. Đợi cho nước còn ấm thì pha nước ra chậu cho bé tắm. Lá me có công dụng rất tốt trong việc phòng ngừa bệnh ngoài da và giải độc. Trong khi đó, hành tây có công dụng kháng khuẩn hiệu quả. Khi kết hợp cả 2 loại nguyên liệu này sẽ cải thiện nhanh chóng chứng ho, sổ mũi của bé.
– Chữa ho, sổ mũi cho bé bằng gừng: Gừng có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm cao giúp nhanh làm dịu cơn ho, làm ấn cổ họng, cải thiện tình trạng sưng đỏ, viêm, rất tốt cho trẻ bị ho, sổ mũi. Để chữa ho, sổ mũi cho bé bằng gừng, mẹ có thể tắm hoặc ngâm chân cho bé trong nước ấm cùng gừng đập dập hoặc nước cốt gừng. Lưu ý, không nên tắm quá lâu dẫn đến bị nhiễm lạnh do lỗ chân lông nở to sau khi tắm.
Chữa ho, sổ mũi cho bé bằng gừng được nhiều mẹ áp dụng. (Ảnh minh họa)
Lưu ý khi trẻ bị ho, sổ mũi
– Người chăm sóc trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi thực hiện vệ sinh hoặc chăm sóc bé.
– Tránh cho bé tiếp xúc với thuốc lá, khói bụi, nơi đông người.
– Luôn theo dõi biểu hiện của trẻ để có cách xử lý kịp thời.
– Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu không có sự tư vấn của bác sĩ.
– Nếu bé có các biểu hiện bị mất nước, sốt trên 38 độ C, khó thở, đau tai, nôn mửa, không ăn uống, hôn mê bất thường, ho dai dẳng…cần phải đưa trẻ đến ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tre-bi-ho-so-mui-phai-lam-sao-d309175.html” alt_src=”https://eva.vn/benh-tre-em/tre-bi-ho-so-mui-phai-lam-sao-c360a517098.html” name=””]