Trẻ sơ sinh bị nấc vốn là một trong những hiện tượng sinh lý bình thường. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng mẹ cũng cần phải chú ý quan sát và biết cách trị nấc nhanh để bé cảm thấy thoải mái hơn.
Trẻ sơ sinh bị nấc là gì?
Nấc hay nấc cụt là một hiện tượng sinh lý xuất hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ, xuất hiện do sự ngắt quãng, co thắt không tự chủ tại cơ hoành và liên sườn khiến cho không khí hít vào một cách đột ngột ngừng lại. Điều này khiến cho thanh môn bất ngờ bị đóng kín và tạo nên những tiếng nấc, nấc cụt. Nấc cụt có thể diễn ra trong vài phút hoặc vài lần rồi hết.
Trẻ sơ sinh bị nấc là hiện tượng sinh lý bình thường. (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh bị nấc nhiều có sao không?
Thực tế cho thấy, đa số trẻ sơ sinh đều không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi hiện tượng nấc cụt và nấc không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nó diễn ra thường xuyên, liên tục và kéo dài sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, nôn trớ hoặc thở dốc, mệt mỏi. Lúc này. mẹ nên tìm đến các mẹo trị nấc cụt cho trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh bị nấc
Trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị nấc nhất. Nấc ở trẻ có thể xuất hiện từ một số nguyên nhân như:
– Do bú bình:
Trong khi bé bú, không khí từ trong bình sữa vô tình bị bé nuốt cùng với sữa. Khi bé bú liên tục và nhiều lần sẽ gây kích thích phổi, khiến cho cơ hoành co thắt và tạo nên tiếng nấc.
– Nhiệt độ không khí thay đổi đột ngột:
Nhiệt độ thay đổi đột ngột khi mẹ cho bé từ phòng mát, dễ chịu ra ngoài trời lạnh hoặc nắng nóng. Không khí sẽ đi vào phổi và tạo nên tiếng nấc cụt ở trẻ sơ sinh.
– Bé bị trào ngược dạ dày:
Hiện tượng này thường xuất hiện do axit có trong dạ dày của bé đi ngược vào thực quản, phần lớn trẻ sơ sinh bị nấc cụt là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện hết khiến trào ngược dạ dày.
– Bé bú quá no:
Khi bé bú quá no sẽ kèm theo vấn đề nuốt cả hơi vào trong dạ dày, dẫn đến tình trạng bị nấc. Tuy nhiên, sau khoảng từ 5-10 phút, cơ thể bé có thể sự tự cân bằng lại và hết bị nấc.
– Bé bị dị ứng:
Một số bé có thể bị dị ứng với sữa mẹ hoặc sữa công thức nên dẫn đến tình trạng viêm thực quản và khiến bé bị nấc cụt.
Trẻ sơ sinh bị nấc cụt kéo dài dễ bị nôn trớ. (Ảnh minh họa)
– Bé bị hen suyễn:
Với trường hợp bé bị hen, những ống phế quản phổi sẽ dễ bị viêm dẫn đến tình trạng hạn chế luồng không khí vào phổi, bé sẽ thở khò khè, làm cho cơ hoành co thắt và khiến bé bị nấc cụt.
– Bé hít phải không khí bị ô nhiễm:
Hệ hô hấp của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh, nên nếu hít phải khói hoặc không khí bị ô nhiễm, bé sẽ rất dễ bị ho. Ho quá nhiều sẽ khiến cơ hoành bé bị tổn thương.
Mẹo dân gian chữa nấc cho trẻ sơ sinh
Thực hiện massage lưng cho bé
Khi trẻ sơ sinh bị nấc, nguyên nhân có thể do mẹ đặt bé nằm ngay sau khi bú hoặc bế, lắc mạnh bé. Tốt nhất sau khi bé bú xong, mẹ hãy để bé ngồi thẳng hoặc nằm ngay trên bụng mẹ, thật nhẹ nhàng massage trên lưng bé theo vòng tròn. Cách này sẽ giúp bé hết nấc cụt nhanh hơn.
Để bé ngồi thẳng sau khi vừa bú mẹ xong
Nếu như bé bị nấc cụt ngay sau khi vừa bú mẹ, mẹ nên giữ cho bé ngồi thẳng (với những bé đã biết ngồi) trong khoảng 15 phút. Đặt bé ở tư thế này sẽ giúp cơ hoành được thư giãn, làm giảm áp lực và giảm nấc cho bé.
Nhẹ nhàng bịt lỗ tai bé lại
Mẹ sử dụng nhẹ nhàng 2 ngón tay và bịt vào 2 lỗ tai của con trong khoảng nửa phút. Nếu bé vẫn còn nấc, mẹ hãy tiếp tục làm thêm 3-4 lần nữa. Tuy nhiên, mẹ không nên bịt tai bé quá 30 giây và làm thật nhẹ nhàng để bé không bị đau tai.
Sử dụng núm vú giả
Nếu núm vú ở bình sữa quá nhỏ hoặc quá lớn, mẹ hãy thử thay núm vú giả vừa vặn với bé hoặc cho bé ngậm núm vú giả để bé không nuốt không khí từ trong bình vào. Việc ngậm núm vú giả sẽ giúp các cơ hoành được thư giãn, ngăn chặn những cơn nấc xuất hiện và kéo dài ở trẻ.
Mẹo dân gian chữa nấc cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Thay đổi tư thế bú cho bé
Bé thường nuốt phải không khí nên gây ra hiện tượng nấc do bú sai tư thế. Trường hợp này, mẹ có thể thay thế tư thế bú bằng cách ngồi, nằm, đứng cho bé bú để hạn chế không khí vào miệng bé.
Chơi với bé để bé quên cơn nấc
Những cơn co thắt thường được tác động, kích hoạt bởi những xung thần kinh gây nấc cụt. Vì thế, nếu thấy trẻ sơ sinh bị nấc, mẹ có thể chơi một số trò chơi như: ú òa, chơi đồ chơi với bé để bé quên nấc.
Gãi môi hoặc gãi mang tai của trẻ
Mẹ hãy dùng ngón tay và gãi thật nhẹ nhàng ở môi hoặc mang tai cho bé khoảng 60 cái. Mẹo này sẽ giúp bé được thư giãn, những dây thần kinh tác động vào đường hô hấp giúp làm giảm, hết nấc nhanh ở trẻ sơ sinh.
Làm cho bé khóc
Nếu bé khóc, những dây thần kinh thực quản sẽ được giãn ra và cắt được các kích thích lên cơ hoành. Do vậy, cơn nấc của trẻ sơ sinh sẽ giảm nhanh chóng.
Để con tự ngừng nấc
Nếu như bé nấc ít, mẹ có thể để con tự dừng cơn nấc của mình bằng cách đặt bé nghỉ ngơi, không tác động và can thiệp vào.
Sử dụng lá trầu không
Theo các bài thuốc dân gian, lá trầu không là loại lá có tính ấm, nóng, chứa tinh dầu mang đến tác dụng chống lạnh, hạ khí, tiêu sưng và sát trùng tốt. Để trị nấc ở trẻ sơ sinh, mẹ có thể dùng lá trầu không hơ nóng ấm, không nên quá nóng, tránh làm bỏng da trẻ rồi đắp lên trán bé trong khoảng 2-3 phút.
Sử dụng cuốn chiếu hoặc giấy
Sử dụng những vật nhỏ như cuốn chiếu và giấy dán lên tại vùng giữa 2 đầu lông mày của bé. Điều này sẽ làm cho cơ thể của bé có phản xạ tự nhiên, chú ý đến những vật đặt trên trán và quên đi tình trạng nấc cụt đang diễn ra.
Trẻ sơ sinh bị nấc có nên cho bú?
Khi trẻ bị nấc, mẹ có thể cho bé bú thêm sữa mẹ để giảm hoặc giúp bé hết nấc nhanh. Sữa mẹ sẽ giúp cơ hoành và cơ liên sườn được thư giãn, ổn định cơ thể bé. Ngoài ra, sữa mẹ còn giúp bổ sung thêm khoáng chất, vitamin để bé tăng cường đề kháng, hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị nấc nhiều. Tuy vậy, mẹ không nên để bé bú quá no hoặc khi đang bú mà thấy bé bị nấc thì mẹ nên dừng cho bé bú.
Massage thật nhẹ nhàng để trị nấc cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh bị nấc không nên làm gì?
Mặc dù nấc ở trẻ sơ sinh có thể chữa và khắc phục nhanh chóng, đơn giản. Tuy nhiên, nếu mẹ không chữa trị sẽ dẫn đến cách chữa sai cách, khiến trình trạng kéo dài, nôn trớ. Mẹ không nên làm những việc này khi trẻ sơ sinh bị nấc:
– Không được uống nước lạnh: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa ổn định và còn non yếu nên mẹ không nên cho trẻ uống nước lạnh hoặc những loại nước hoa quả để trị nấc.
– Không vỗ mạnh lưng bé: Khung xương của trẻ sơ sinh vẫn còn mềm, khi gặp tác động từ bên ngoài sẽ rất tổn hại.
– Không lớn tiếng, dọa con: Bố mẹ không nên quát mắt, hù dọa, lớn tiếng với bé khi con bị nấc. Điều này sẽ khiến bé dễ bị nấc nhiều, kéo dài và hoảng sợ hơn.
– Ấn vào nhãn cầu mắt bé: Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, chưa biết tự điều khiển mắt mình nên nếu làm sẽ khiến bé khó chịu, đau nhức. Mẹ không nên ấn vào nhãn cầu của bé dù ấn và day rất nhẹ.
– Không kéo lưỡi của trẻ: Tuyệt đối không dùng phương pháp này vì có thể khiến con hoảng sợ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
– Rung và xóc bé lên xuống: Khi trẻ đang bị nấc cụt, tốt nhất hãy đặt bé nằm nghỉ ngơi, không bế rung lắc bé hay lộn nhào để khiến bé hết nấc. Thậm chí còn khiến bé hoảng sợ, nôn trớ và trào ngược dạ dày.
– Không nên hoảng sợ, lo lắng: Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, do vậy, bố mẹ không nên quá hoảng sợ, lo lắng.
Cách ngăn ngừa nấc ở trẻ sơ sinh
Để giảm và hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị nấc cụt, mẹ nên thực hiện một số việc sau:
– Cho bé bú đúng tư thế.
– Không ép bé ăn quá no, chia nhỏ làm nhiều bữa ăn trong ngày.
– Không cho bé nghe nhạc trong thời gian đang bú, ăn.
– Điều chỉnh núm vú phù hợp, đảm bảo bé ngậm kín toàn bộ núm vú, tránh không khí đi và dạ dày bé.
– Nếu như bé ngồi uống sữa, mẹ hãy đỡ phần lưng phía sau của bé. Tư thế này sẽ giúp thức ăn đi thẳng vào dạ dày, không có không khí đi vào.
– Không để bé vừa ngủ vừa bú bình sẽ khiến không khí đi vào miệng bé.
– Vệ sinh núm vú để đảm bảo loại bỏ sữa khô còn sót lại núm và đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tre-so-sinh-bi-nac-nhieu-co-sao-khong-d306623.html” alt_src=”” name=””]