“Trả hết nợ đời em chắc bớt khổ, đầu óc mới bớt lơ mơ” – Nhung vừa quạt bánh tráng vừa nói.
“Khổ quá nên lơ mơ” – Nhung nói vu vơ khi cúi nhặt thứ gì đó. Câu nói khiến tôi bật cười, chú ý hơn vào cô bán bánh tráng nướng và sữa đậu bên trên dốc chợ Đà Lạt.
Lúc này là 3g30 sáng, trời đen kịt, gió nhẹ, thời tiết chừng 14 độ C. Chậu than ấm của Nhung dưới chân cứu tôi khi bị “sốc nhiệt” vì cái lạnh cắt thịt của cao nguyên.
Nhung hỏi chồng con tôi đâu mà “một mình như thất tình”, rồi giải thích cái ý “khổ quá nên lơ mơ” vừa nãy, rằng bếp bánh tráng nướng và nồi nước đậu của cô đang phải nuôi 6 miệng ăn: 2 đứa con đang đi học; 1 ông chồng bị bệnh tâm thần hay chửi bới; 1 bà chị khuyết tật; tiền thuê nhà; tiền trả nợ cho nhóm vay nóng…
Đang lo cho 6 miệng ăn, đang gánh nợ nhưng Nhung vẫn lạc quan “ngày mai sẽ tốt hơn” |
Nhung gọi khoản tiền nhà và trả nợ tín dụng đen là miệng ăn, vì chúng cũng tương đương nhau. Một cách ví von thật dễ hiểu, khiến tôi bật cười. Tên cô được ghi trên chiếc ghế nhựa tôi ngồi – một cách đánh dấu để khỏi lạc ghế khi khách quá đông. Nhung tự nhận mình thông minh, lanh lẹ, nên mới trụ được ở vỉa hè buôn bán. Cô cũng nhận mình là gái đẹp, hồn nhiên khoe nhiều vụ khách xin chụp hình vì cô “có nét”, khổ mà vẫn đẹp.
“Em từ quê Thanh Hóa vào Đà Lạt bán vé số. Em dễ thương, lại siêng năng dọn dẹp nên một bà giàu có để ý. Bả thương em, hay gọi em vào nhà nhờ việc này việc kia. Rồi bà mối lái em với con trai bà. “Nhìn vẻ ngoài, anh ta cũng đẹp trai chị ạ. Nào ngờ anh ta mắc bệnh thần kinh, tâm lý bất thường, hay chửi bới đánh đập. Con gái em bảo là có lẽ mẹ khổ nhất trần đời này” – Nhung kể bằng giọng tỉnh queo.
Nhung bán bánh tráng nướng trên vỉa hè đêm đã gần 20 năm. Nhung tiếc rẻ: “Năm vừa hết COVID-19, mở cửa du lịch, người ta đi Đà Lạt đông, em bán được lắm. Có ngày bán cả 3 triệu đồng, em mua chục tờ vé số. Giờ ế quá, có ngày bán chưa đủ trả lãi và gốc cho chủ nợ, chỉ dám mua 1 vé”. Tôi nói cô mua vé chi cho thêm nghèo; cô lý luận rằng, phải có ước mơ trúng số để mà vịn vào chứ.
Nhung từng có miếng đất nho nhỏ: “Loại chia thửa viết giấy tay, hồi xưa rẻ lắm. 3 năm trước bà chị ruột ở Hà Nội gấp rút hối em đưa tiền cho bả vay. Em cầm cố miếng đất, đưa tiền cho bả. Kết quả, bà chị vỡ nợ tiền tỉ, trốn mất, thế là em vô sản. Mẹ chồng em cũng vỡ nợ trước khi bà mất”.
1 năm trước, người chị ruột khuyết tật té xe, nằm viện thay khớp hết 70 triệu đồng, cô phải vay mượn để chăm lo, vừa mất thu nhập do phải ra vô bệnh viện. Năm nay khách vắng, Nhung bán không được nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con, hiện ôm nợ hơn trăm triệu đồng. “Trả hết nợ đời em chắc bớt khổ, đầu óc mới bớt lơ mơ” – Nhung vừa quạt bánh tráng vừa nói.
Nhung chỉ được bán từ 23 giờ tới 6 giờ sang hôm sau. Thức suốt đêm, về ngủ được vài tiếng cô lại tất bật đi chợ mua nguyên liệu và cơm nước, con cái.
Đi Đà Lạt, mỗi lần tiếp cận ở góc khác, tôi lại một lần gặp những khuôn mặt mới. Người giàu khủng khiếp từ các miền về đây “giải ngân”, người tứ xứ tới kiếm cơm qua ngày cũng đông. Vui sướng an nhiên có, lam lũ bất hạnh có…
Hôm sau, tôi đưa chồng con xuống chợ 2 lần vào ban ngày, đều đi qua con dốc ấy, cố ý tìm Nhung – người phụ nữ đã cho mình sưởi than hồng trong đêm cao nguyên lạnh lẽo. Vào ban ngày, nơi tôi ăn bánh tráng nướng và uống sữa đậu nành là một vỉa hè đậu đầy xe.
Hôm sau nữa, chúng tôi đi sau 23 giờ mới gặp Nhung, nhưng tôi không nhận ra cô nữa. Nhung đang rất đông khách, quay cuồng xếp ghế, dọn rác, múc sữa, nướng bánh tráng… và điều khiển ê kíp phục vụ gồm người chị có thân hình nhỏ thó như đứa trẻ cùng đứa con gái lớp Tám còi cọc.
“Doanh nghiệp” của Nhung vận hành nhanh gọn với hàng loạt yêu cầu vội vã của khách đi chơi đêm đang đói ngấu. Tôi gọi bánh tráng và sữa đậu cho cả nhà, cố ý nhìn vào mắt Nhung, nhưng cô lướt qua tôi một cách xa lạ.
Người phụ nữ đã mở lòng thở than trong một đêm vắng không còn. Chỉ còn bà chủ quán lanh lẹ, giỏi giang đang tả xung hữu đột. 2 hình ảnh của Nhung cũng như hình ảnh chính tôi, một phụ nữ cô độc xuống xe giữa đêm lạnh, thật khác với khi đủ đầy chồng con.
Tôi nhớ câu mình nói với Nhung đêm trước, khi chào em để dời lên quán cà phê: “Nhung đẹp, có sức khỏe, cố gắng nhé, rồi bọn trẻ lớn lên, mẹ sẽ đỡ vất vả. Trên đời có ai khổ mãi”. Lúc ấy Nhung đã nở một nụ cười thật tươi…
Chiêu Thương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tren-doi-nay-co-ai-kho-mai-a1484941.html” name=””]