Việc Trung Quốc lại tụt vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu về trình độ thành thạo tiếng Anh tiếp tục gây tranh luận về triển vọng của sinh viên Trung Quốc và các rủi ro tiềm tàng đối với khả năng cạnh tranh quốc tế của quốc gia này.
Xếp sau Singapore, Philippines, Malaysia và cả Ấn Độ
Chỉ số thành thạo tiếng Anh năm 2022 (EF EPI) xếp Trung Quốc đứng ở vị trí 62 (mức thấp), giảm đáng kể từ mức 49 vào năm 2021 và mức 38 vào năm 2020.
Trung Quốc tụt lại phía sau Philippines (xếp thứ 22) và Malaysia (xếp thứ 24) theo xếp hạng của EF Education First được công bố tháng 12/2022. Ấn Độ dịch chuyển lên mức thành thạo trung bình là 52.
Học sinh Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.
Báo cáo cho hay: “Thanh niên ở Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản có trình độ tiếng Anh đặc biệt thấp khi so với những người trên 30 tuổi”.
Kết quả của Trung Quốc tương phản mạnh với Singapore. Đảo quốc này cải thiện mạnh thứ hạng của mình, từ thứ 10 vào năm 2020 lên số 2 vào năm 2022, và đứng đầu trong số 24 nền kinh tế châu Á . Hà Lan xếp số 1 trong bảng xếp hạng thế giới này.
Trong lúc Trung Quốc đại lục giảm về mức độ thành thạo tiếng Anh thì đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) lại ổn định trong 3 năm qua. Năm nay, Hong Kong xếp thứ 31.
Tiffany Wong – Giám đốc thương mại tại Robert Walters Hong Kong cho biết, nhiều nhà tuyển dụng ở đặc khu hành chính này mong muốn tìm kiếm các ứng viên biết 3 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Quảng Đông (phương ngữ miền Nam Trung Quốc) và tiếng Quan thoại (tức tiếng phổ thông Trung Quốc).
Định hướng mới trong ngành giáo dục Trung Quốc
Các cải cách giáo dục trong vài năm qua tại Trung Quốc đã dẫn tới việc giảm thời lượng dành cho dạy tiếng Anh.
Các cải cách trên về bề ngoài là làm giảm tải cho học sinh – sinh viên Trung Quốc. Thượng Hải – thành phố quốc tế nhất của đại lục Trung Quốc, tuyên bố vào năm 2022 rằng học sinh sẽ không phải dự cuộc kiểm tra thành thạo tiếng Anh cuối kỳ nhằm giảm gánh nặng học tập.
Tuy nhiên, việc cải cách đó diễn ra trong bối cảnh dư luận nước này ngày càng tranh luận về việc liệu hầu hết người Trung Quốc có cần dành nhiều thời gian để học ngôn ngữ này hay không. Tranh luận bắt nguồn một phần từ làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng ở nước này – một số nhân vật nổi tiếng đã cảnh báo không nên để người dân tiếp xúc nhiều với các ý tưởng ngoại lai.
Theo một số nghiên cứu, các thay đổi về chính sách này đồng nghĩa với kỹ năng tiếng Anh đi xuống trong các công dân Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cấm các trường tiểu học và trung học sử dụng sách giáo khoa nhập từ nước ngoài về kể từ năm 2020. Bộ này cho hay, dạy ngoại ngữ chiếm 6-8% chương trình giảng dạy tiểu học và trung học, thấp hơn nhiều so với mức 20-22% dành cho tiếng Hán và 13-15% dành cho toán học.
Theo một số vị giáo sư giấu tên, các trường đại học của Trung Quốc cũng khuyến khích không dùng tiếng Anh nguyên gốc hoặc các bản dịch, đặc biệt là ở các ngành học nhạy cảm như báo chí và hiến pháp.
Trong khi đó, Adam Forrester – trợ lý trưởng khoa tại khoa Nhân văn, Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết tiếng Anh không chỉ là ngữ pháp mà còn là khả năng giao tiếp rõ ràng và phù hợp. Ông cho biết, thái độ của sinh viên Hong Kong khác với đại lục do họ ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với việc phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Dịch chuyển trong nền kinh tế Trung Quốc
Christ Liang – một cán bộ của một nhà sản xuất chip Trung Quốc, cho biết, việc thành thạo tiếng Anh vẫn quan trọng đối với các nhân viên kỹ thuật nhưng việc gia tăng các sản phẩm sản xuất nội địa đã làm giảm nhu cầu về ngoại ngữ.
Liang cho biết, “trong các năm gần đây, công nghệ nước ngoài được thay thế bằng các phương án phát triển tại Trung Quốc, nhiều khách hàng nội địa cần tài liệu về sản phẩm bằng tiếng Trung, nên các kỹ sư không nhất thiết phải giỏi tiếng Anh”.
Theo các chuyên gia trong ngành xuất khẩu của Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng làm giảm tính cấp bách của việc thành thạo tiếng Anh.
Kent Liu – nhà đồng sáng lập nhà máy in bằng công nghệ số ở Quảng Đông, nói: “Một số nhân viên bán hàng trong công ty của tôi sử dụng phần mềm dịch thuật trực tuyến để giao tiếp với khách hàng. Tôi không quan tâm lắm đến điều đó miễn là họ nhận được đơn hàng mới”.
Penny Lin, Giám đốc tại Thượng Hải của một công ty quảng cáo quốc tế, cho biết, cách tiếp cận địa phương hóa của các công ty đa quốc gia cũng góp phần giảm mức độ sử dụng ngoại ngữ trong công việc.
Bà Lin nói: “Một số thương hiệu quốc tế cắt giảm ngân sách ở Trung Quốc và thuê nhân lực địa phương cho chi nhánh Trung Quốc, khiến tiếng Anh càng ít cần thiết trong công việc hàng ngày”.
Tuy nhiên, Qu Duanxian – một công chức ở thành phố Thành Đô, nói rằng tiếng Anh vẫn là một phần quan trọng trong việc học hành của con cái mình.
Bà Lin nói: “Ngoại ngữ giúp bọn trẻ mở rộng chân trời tri thức. Thành thạo tiếng Anh hữu ích cho nghiên cứu, trao đổi đối ngoại và đi học ở nước ngoài”./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/trung-quoc-lac-hau-so-voi-philippines-malaysia-ve-trinh-do-tieng-anh-20230102074521981.chn” name=””]