Những câu chuyện cổ tích với các chủ đề khác nhau nhưng nội dung thú vị, truyền tải bài học ý nghĩa.
Bác nông dân và con Gấu
Ngày xưa có một bác nông dân già sống cùng với một cô con gái. Vợ bác mất sớm nên mọi tình yêu thương bác đều dành cho con. Một hôm bác quyết định đi thăm họ hàng ở xa và để cô con gái ở nhà một mình.
Bác ra đi, qua bao nhiêu rừng sâu, núi cao, suối dài, rất vất vả nhưng cuối cùng bác cũng đến nơi an toàn. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi nói chuyện quên hết mọi thứ xung quanh. Ở chơi với họ hàng vài hôm, bác lên đường trở về nhà. Khi băng qua khu rừng rậm, còn chưa tìm được lối ra thì trời đã sẩm tối.
Phải tìm một chỗ nghỉ qua đêm là điều cần nhất bây giờ. Bác nghĩ vậy nên đi loanh quanh trong rừng, mong tìm được nhà nào đó để xin nghỉ nhờ.
Lát sau bác nhìn thấy có ánh đèn le lói sau đám lá rừng. Bác vội bước tới, nhưng trước mặt bác không phải là một ngôi nhà bình thường mà là tòa lâu đài cổ. Bác gõ cửa và một con gấu to xuất hiện. Gấu hỏi:
– Ông ở đâu đến và ông muốn gì?
– Tôi đi thăm họ hàng nhưng chẳng may lạc đường, trời tối mà vẫn chưa về được. Xin ông cho tôi nghỉ nhờ một đêm – Bác nông dân lo sợ trả lời Gấu.
– Ông có thể ở lại đây. Chỉ có một mình tôi thôi.
Thấy Gấu nhẹ nhàng, hiền lành, bác nông dân mới thấy yên tâm và bước vào lâu đài cùng với Gấu. Gấu làm việc như người bình thường, dọn cơm mời bác nông dân ăn, dọn giường cho bác nông dân ngủ.
Sáng dậy, bác nông dân cảm ơn Gấu, xin phép ra đi. Nhưng bác không biết lối ra nên nhờ Gấu chỉ đường Gấu bảo:
– Tôi sẽ chỉ đường cho ông nếu ông gả con gái cho tôi.
Bác nông dân nghe vậy thì không đồng ý, bác chỉ có mỗi một người con gái, nếu gả cho Gấu thì bác sẽ mất con. Thế nên bác quyết tâm tự tìm đường về mà không cần sự giúp đỡ của Gấu.
Thế nhưng rừng già bạt ngàn âm u, bác lại không thuộc đường nên loay hoay suốt cả ngày trời bác không thể nào ra được. Đêm xuống bác lại quay về tòa lâu đài của Gấu xin ngủ nhờ. Gấu đón tiếp bác ân cần như buổi tối hôm trước, trò chuyện rất vui vẻ. Đến sáng người nông dân lại nói với Gấu:
– Gấu hãy chỉ giúp tôi đường về nhà.
Gấu trả lời:
– Tôi sẽ giúp ông nếu ông gả con gái cho tôi.
Người nông dân biết rằng muốn ra khỏi cánh rừng này thì chỉ còn cách duy nhất là nhờ sự giúp đỡ của Gấu. Bác đành hứa gả con gái của mình cho Gấu. Gấu đón tiếp ông nồng hậu đúng như thái độ của cha vợ và con rể và chỉ lối cho bác nông dân trở về. Bác hứa sẽ dẫn con gái mình trở lại.
Ảnh minh họa.
Bác nông dân ra về mà lòng nặng trĩu. Cô con gái nhận ra ngay nét mặt không vui của cha, cô nghĩ là đã có chuyện gì xảy ra. Còn bác nông dân thấy thật khó có thể nói với con gái về chuyện con Gấu kia, nhưng trước sau gì thì bác cũng phải nói sự thật. Cuối cùng không thể giấu con được nữa bác đành phải kể lại toàn bộ câu chuyện, cả về lời hứa gả cô cho Gấu.
Cô gái chăm chú lắng nghe cha kể, cô không hề thấy lo sợ mà cảm thấy có gì uẩn khúc ở trong đó. Thế là cô gái bằng lòng. Hai cha con cùng nhau đến tòa lâu đài của Gấu đúng như đã hẹn. Gấu đón họ rất long trọng, niềm nở và ân cần. Bác nông dân ở lại chơi vài hôm cùng con gái rồi từ giã trở về nhà.
Gấu cùng cô gái sống hoà thuận bên nhau, yêu quý tôn trọng nhau như vợ chồng. Tuy nhiên cô gái để ý thấy ở dưới lớp da Gấu là thân thể của một con người. Nàng quyết định khám phá bằng được điều bí mật ấy.
Một đêm, nàng không ngủ mà lén đến phòng của Gấu. Nhìn qua khe cửa, nàng thấy Gấu trút bỏ bộ lông và biến thành một chàng trai, chỉ có cái đầu là của Gấu. Thế là chờ Gấu ngủ say, nàng đã lén vào phòng, ném bộ da Gấu vào bếp lửa.
Bộ da Gấu biến thành than, nhưng từ hôm đó Gấu lâm bệnh nặng. Biết lý do Gấu ốm, nàng ân hận lắm, dành hết tình cảm của mình để quan tâm chăm sóc Gấu, hy vọng Gấu khỏe lại.
Thế nhưng bệnh của Gấu ngày càng nặng hơn, đến hôm thứ hai thì Gấu nằm gần như sắp chết. Cô gái ngồi bên giường Gấu, than thở, khóc lóc nhưng những giọt nước mắt không làm đỡ cơn đau của Gấu. Ngày thứ ba, Gấu nằm khò khè thở những hơi thở nặng nhọc. Cô gái nghĩ thế là hết, ta sẽ chết theo Gấu thôi.
Nhưng đêm thứ ba qua đi, khi cô gái tỉnh dậy thì thấy trên giường bệnh không phải là Gấu ốm yếu nữa mà là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Cô gái vô cùng kinh ngạc. Họ sung sướng ôm lấy nhau khóc vì quá mừng vui. Chàng trai kể hết sự thật cho nàng nghe.
Chàng bị một mụ phù thuỷ độc ác biến thành Gấu. Chỉ khi nào có một người con gái yêu thương Gấu thật lòng thì Gấu sẽ trở lại thành người và bộ da Gấu kia phải được đốt thành tro. Chàng rất biết ơn người vợ yêu quý đã dũng cảm cứu chàng để chàng được quay trở lại làm người.
Thế rồi ngay hôm sau, hai người đã tổ chức một lễ cưới linh đình, mời tất cả mọi người tới dự. Bác nông dân được mời đến và bác rất ngạc nhiên không tin vào mắt mình được nữa. Con Gấu đã biến thành một chàng trai tuấn tú. Bác rất mừng cho cô con gái của mình được hạnh phúc. Từ đấy, bác ở lại luôn trong lâu đài, sống vui vẻ cùng con gái và con rể không trở về nhà nữa.
Chàng đốn củi và ba vật quý
Ngày xưa, có một anh chàng nghèo khó sống một thân một mình. Tuy làm việc vất vả nhưng anh vẫn đói rách. Những bông lúa do bàn tay anh vun bón cứ thi nhau chạy về nhà lão trọc phú. Cuối cùng, anh đành bán hết những thứ còn lại trong nhà để mua một lưỡi búa, làm nghề đốn củi nuôi thân. Nhưng kiếm được gánh củi không phải là dễ.
Một hôm, theo thường lệ, anh vào rừng sâu tìm củi. Sắp giơ búa giáng vào một cây cổ thụ thì bỗng có một con vật từ trong thân cây hiện ra trước mặt, van lạy rối rít. Anh dừng tay hỏi:
– Ngươi muốn gì?
– Xin ngài làm ởn đi chặt chỗ khác, tha cho tôi ở đây được yên ổn.
– Không được. Ta đi hết hơi hết sức mới tìm được cây gỗ dễ chặt này để bán lấy tiền nuôi thân, ngươi bảo ta đi đâu!
Thấy anh lại giơ búa, con vật hốt hoảng:
– Cây này với tôi như bóng với hình không thể nào rời được. Ngài hãy thương cho, tôi sẽ xin biếu ngài một vật quý.
Con vật bảo anh chờ một lát rồi mang đến một cái mâm đồng và nói:
– Ngài chỉ cần gõ vào mâm ba tiếng là có thức ăn ngay. Muốn thức ngon vật lạ bao nhiêu cũng có.
Nghe nói, anh đốn củi vô cùng mừng rỡ, vội nhận lấy mâm ra về.
Khi đi qua chợ, anh ghé ngay vào quán cơm, nơi anh vẫn thường tới mua cơm ăn. Lần này, anh có ý khoe với chủ quán là từ nay mình không cần ăn chịu và cũng không cần ăn khổ như trước nữa.
Nghĩ vậy, anh bèn đặt mâm của mình trước mặt vợ chồng chủ quán và mọi người rồi gõ vào mâm ba tiếng. Tự nhiên trong lòng mâm đã thấy đầy những thức ăn ngon, những thức ăn mà suốt đời anh chưa bao giờ được nếm.
Trước con mắt ngạc nhiên của mọi người, anh chàng đốn củi mời họ cùng ngồi dự tiệc. Ăn xong, say rượu, anh lăn ra giường làm một giấc li bì. Lão chủ quán động lòng tham.
Hắn chọn một cái mâm giống với mâm kia rồi đánh tráo. Anh đốn củi thức dậy, không biết là mâm đã bị đánh tráo, hí hửng mang về. Sắp về tới làng, anh muốn đãi làng xóm một bữa ra trò nên vào đình đánh trống ầm ĩ. Tất cả mọi người, từ lớn đến bé đều đổ ra đình đông như hội. Anh chàng đốn củi trịnh trọng lên tiếng:
– Không mấy khi cháu có bữa rượu, vậy mời quý cụ và bà con ngồi vào dự cuộc.
Nói rồi, anh đặt mâm xuống chiếu, gõ lên thành mâm ba tiếng. Nhưng anh ngạc nhiên thấy lần này mâm không còn màu nhiệm như lần trước nữa. Anh gõ mãi, gõ mãi, mâm vẫn trơ trơ. Cho là bị anh đánh lừa, các cụ liền sai người đánh cho anh một trận nên thân.
Ảnh minh họa.
Trở về nhà, anh chàng đốn củi bực mình vô hạn. Anh cho là con vật đã lừa anh nên chuyện mới xảy ra như thế. Vì vậy, ngày hôm sau, anh lại vác búa lên rừng tìm cái cây cũ ra sức giáng búa vào. Con vật lại hốt hoảng chạy ra van lạu và xin tặng anh một con ngựa nhả ra vàng để được yên ổn.
Chỉ một lát sau, con ngựa đã hiện ra. Anh cưỡi lên phi thử một đoạn để cho ngựa há mõm. Quả nhiên có rất nhiều vàng văng ra. Anh mừng quá, cảm ơn con vật, giắt búa vào lưng và cưỡi ngựa ra về.
Đến chợ, anh xuống ngựa, vào khoe với vợ chồng lão củ quán:
– Lần này tôi có con ngựa vô cùng quý báu. Trong bụng nó là cả một kho vàng. Rồi nó sẽ làm cho mà xem!
Lão chủ quán thấy quả đúng như thế nên hoa cả mắt. Hắn sung sướng được anh biếu cả số vàng rơi ra. Nhưng vì lòng tham lam, hắn còn muốn được cả con ngựa. Hắn vội dọn cho anh một mâm đầy rượu thịt. Chờ lúc anh ngủ say, hắn lại đi tìm một con ngựa khác cũng có màu lông hung hung y hệt để thay vào và dắt con ngựa kia đi biệt.
Khi tỉnh dậy, anh chàng đốn củi vẫn không ngờ vực gì cả. Anh lại nhảy lên ngựa cưỡi về đầu làng, bụng bảo dạ: “Lần trước ta mang tiếng là đánh lừa mọi người. Lần này ta phải biếu bà con một ít vàng để bà con thấy ta thực bụng”. Thế rồi anh lại vào đình đánh trông ầm ĩ. Dân làng lại đổ ra đình. Anh nói:
– Lần này, tôi có con ngựa rất quý, có phép nhả ra vàng. Vậy tôi xin biếu làng một ít.
Đoạn anh phi cho ngựa há mõm, nhưng con ngựa ấy thì làm gì có vàng. Cuối cùng, anh bị làng tịch thu con ngựa và lại bị đánh một trận đau hơn.
Ngày hôm sau, anh lại dậy sớm, vác búa lên rừng, quyết trị cho con vật một mẻ. Lần này, anh bổ những nhát búa rất dữ dội. Thấy con vật hiện ra, quỳ lạy khóc lóc, anh quát to:
– Sao nhà ngươi dám lừa ta? Hai lần làm cho ta mang oán với mọi người. Mâm và ngựa của ngươi chỉ là những thứ bỏ đi!
Con vật hết sức phân trần, vạch tội lão chủ quán, rồi nói tiếp:
– Để tôi xin biếu ngài cái ống này, dùng để lấy lại những của đã mất.
Con vật đưa một cái ống ra và dặn:
– Cái ống này có phép làm cho mọi người phải chổng ngược chân lên trời nếu ta cầm ống chỉ lên trời ba lân. Đến khi nào gõ xuống đất ba lần thì mọi việc sẽ trở lại như cũ.
Nghe bùi tai, anh đốn củi cầm ống thử xem, khiến con vật chổng chân lên trời xem thử, thấy hiệu nghiệm rồi mới ra về.
Đến chợ, anh lại ghé vào quán cơm, tươi cười hỏi mọi người:
– Các ông các bà có muốn chổng chân lên trời không?
Vợ chồng chủ quán quen như những lần trước có lợi, liền tình nguyện. Lập tức cái ống màu nhiệm bắt cả nhà chủ quán chống hau tay xuống đất, giơ chân lên trời. Tưởng chàng đốn củi đã rõ mưu gian của mình, lão chủ quán van khóc hết lời. Hắn hứa trả mâm và ngựa để xin được tha.
Khi đã lấy lại được mâm và ngựa, anh phi ngựa trở về làng. Anh lại vào đình và thúc một hồi trống như hai lần trước. Dân làng lại ra đông đủ. Anh đặt mâm xuống chiếu và mời mọi người ngồi. Tiếng gõ mâm lần này rất có hiệu quả. Cơm rượu và mọi thức ngon vật lạ hiện ra đầy mâm. Cả làng ăn uống thả sức.
Ăn xong, anh chỉ vào con ngựa và nói:
– Nếu làng vui lòng nhận mỗi người một ít vàng, tôi sẽ bảo con ngựa này làm ngay.
Không ai từ chối lòng tốt đó. Quả nhiên, ngựa chạy đến đâu thì vàng rơi ra đến đó, mọi người tha hồ nhặt.
Từ đó, anh chàng đốn củi đi khắp thiên hạ, dùng cái mâm cùng với con ngựa để giúp đỡ những người nghèo khổ, và dùng cái ống để trị tội những bọn lam lam, độc ác.
Bông hoa với ba điều ước
Ngày xưa, ở buôn nọ có một cậu bé tên là Rít. Rít mồ côi bố mẹ, được bác thợ rèn trong buôn đem về nuôi. Chẳng bao lâu, cậu đã biết kéo bễ giúp cha nuôi rèn cuốc, dao cho bà con trong buôn.
Cha nuôi Rít là một người thợ rèn giỏi. Bác được bà con trong buôn và người quanh vùng yêu mến. Dù ở xa mấy, họ cũng lội suối, trèo đèo, mang cuốc hư, dao hỏng đến cho bác rèn chữa hộ. Nhờ công bác mà người dân quanh vùng có dao, cuốc, thuổng dùng trong việc trồng trọt. Nương rẫy đầu ắp lúa, ngô. Buôn làng vui tươi no ấm.
Bác thợ rèn thấy Rít chăm chỉ, siêng năng nên truyền tất cả mọi điều hay trong nghề cho con. Rít cặm cụi học cha.
Ít lâu sau, người cha nuôi qua đời. Nghe tin bác thợ rèn mất, mọi người đều thương tiếc. Rít lại càng buồn hơn, đi lang thang trong rừng chẳng chịu làm gì.
Rít đang đi bỗng nghe tiếng gọi đằng sau. Quay lại, Rít thấy một ông già tay chống gậy, tóc bạc phơ, đôi mắt sáng như sao. Đặc biệt là trên chiếc gậy của ông cụ lại nở rất nhiều bông hoa đẹp, hương thơm ngào ngạt. Ông cụ đến gần Rít xoa đầu, vỗ vai cậu bé rồi hỏi:
– Sao cháu lại đi lang thang trong khu rừng này?
Rít buồn rầu thưa:
– Thưa ông, cha cháu là bác thợ rèn nổi tiếng nhất vùng này. Nay cha cháu mất rồi, cháu buồn quá.
– Thế cháu có muốn trở về làm thợ rèn như cha cháu không?
– Thưa ông, cháu không muốn. Nghề ấy vất vả quá!
– Nếu vậy ông cho cháu ba bông hoa với ba điều ước. Cháu muốn ước điều gì thì cầm bông hoa tung lên là sẽ được điều ấy. Nhưng mỗi bông hoa chỉ được một điều ước thôi. Khi nào cháu không thích điều đó nữa thì tức khắc cháu lại được như ý muốn.
Ảnh minh họa.
Ông lão ngắt ba bông hoa ở chiếc gậy trúc đưa cho Rút rồi biến mất.
Rít cầm ba bông hoa và tiếp túc đi.
Bỗng Rít nhớ lại lời cha kể, trên đời chỉ có vua là giàu có nhất, có nhà cao cửa rộng, lại mặc quần áo sang nhất, ăn ngon nhất. Rít nhìn bông hoa và tự nhủ [8]:
– Ồ, thế thì tội gì ta không làm vua?
Rít liền tung bông hoa thứ nhất lên. Trong nháy mắt, mọi thứ đều thay đổi. Rít bệ vệ trong bộ quần áo thêu rồng và giát vàng óng ánh. Rít ở trong cung điện lộng lẫy, có kẻ hầy người hạ… Nhưng chỉ mấy ngày sau, Rít cảm thấy vướng víu trong bộ quần áo lụng thụng và chán cái cảnh ăn không ngồi rồi ấy. Rít nghĩ: “Thôi, chẳng làm vua nữa. Chán lắm!”.
Bỗng chốc Rít trở lại cậu bé nghèo, đang lang thang như hồi nọ. Trên đường, Rít gặp một người đi buôn, lừa ngựa thồ hàng nhiều vô kể, đồ đồng và tiền bạc chứa hàng bao to, Rít liền tung bông hoa thứ hai lên và nói:
– Ta phải được hơn thế!
Dứt lời thì mọi thứ đã chất ngổn ngang quanh mình. Rít hả hê với cảnh giàu có của mình. Nhưng từ khi có của, Rít luôn cảm thấy thấp thỏm trong lòng, nơm nớp sợ bị mất trộm.
Rít lại nghĩ: “Thế ra có của rồi cũng chỉ những lo là lo! Thôi, ta chả thích giàu nữa!”.
Rít lại trở lại cậu bé nghèo đang lang thang như hồi nọ, trong tay chỉ còn mỗi một bông hoa. Rít nhìn lên trời, những đám mây đủ màu sắc rực rỡ, lơ lửng đuổi nhau trên bầu trời. Rít cảm thấy thèm được bay bổng trên không như những đám mây kia. Rít tung nốt bông hoa cuối cùng.
Bây giờ Rít ở giữa những đám mây ngũ sắc cao tít đó. Rít tha hồ ngắm cảnh trên trời dưới biển. Ngày đêm, Rít cứ bay bổng như thế. Nhìn mây trời, sóng biển rồi cũng chán! Rít nghĩ: “Bay thế này mãi cũng chẳng thú vị gì! Thôi, chẳng bay nữa, trở về thôi”. Rít lại quay trở lại mặt đất.
Qua bao ngày phiêu bạt, Rít bỗng nhớ quê hương, nhớ túp lều với đôi bễ lò rèn của cha. Rít nhất quyết trở về.
Nghe tin Rít, con nuôi bác thợ rèn giỏi nhất trong vùng đã trở về, tất cả bà con xa gần kéo đến chúc mừng cậu bé.
Từ già đến trẻ đều khuyên nài Rít giữ nghề cũ của cha.
Lò bễ đã lâu tắt ngấm, nay lại đỏ lửa, ngày đêm vang tiếng búa đe của Rít. Tất cả những điều hay trong nghề được cha truyền cho, Rít đều mang ra dùng. Bà con khắp vùng ai ai cũng yêu mến Rít chẳng kém gì họ kính nể cha nuôi của Rít ngày xưa. Dần dần, Rít cảm thấy cuộc sống thật là ý nghĩa với nhiều niềm vui.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích với các chủ đề khác nhau nhưng nội dung thú vị, truyền tải bài học ý nghĩa.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/truyen-co-tich-3-cau-chuyen-co-tich-chu-de-khac-nhau-nhung-mang-den-bai-gia-tri-c59a10684.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/truyen-co-tich-3-cau-chuyen-co-tich-chu-de-khac-nhau-nhung-mang-den-bai-gia-tri-c429a529616.html” name=””]