Những câu chuyện truyền thuyết giúp trẻ biết nhiều hơn về nguồn gốc, tín ngưỡng, văn hóa vùng miền ở một số nơi của người Việt.
Sự tích chiếc gương soi
Vua Hùng thứ 18 có hai nàng công chúa tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Một buổi sớm mùa xuân, hai nàng dậy sớm để đi hội. Qua một giống trong bên hồ sen thơm mát, Ngọc Hoa cúi múc nước rửa mặt. Tiên Dung vội ngăn lại vì nhìn thấy hình em hiện lên trong giếng nước.
Ngọc Hoa sợ hãi, nín lặng nhìn xuống. Quả nhiên, dưới nước có gương mặt quen quen. Ngọc Hoa lắc đầu, gương mặ dưới nước cũng lắc theo.
Ngọc Hoa đưa tay vuốt tóc mỉm cười, gương mặt dưới nước cũng cười theo. Nụ cười hiền quá. Ngọc Hoa kéo chị cùng nhìn vào. Rồi cả hai thích thú ngắm nhìn dung nhan mình trong giếng. Suýt nữa hai chị em bị nhỡ hội.
Ảnh minh họa.
Vua Hùng vốn yêu quý hai con gái. Biết chuyện, vua cho đào trong cung một cái giếng trong vắt. Phía trên có mái trổ để nâng lên cho ánh sáng hắt vào, in rõ mặt người.
Từ đó giếng tròn nhắc cho hai chị em biết cách trang điểm và sửa lại mái tóc mình. Cứ thế, hai nàng ngày một xinh đẹp hơn. Họ sung sướng cảm tạ vua cha.
Chuyện cái giếng tròn soi rõ bóng hai nàng công chúa lan ra. Trai gái xung quanh vùng rủ nhau soi mình xuống giếng mỗi khi đi trẩy hội… Sau này, người ta phát minh ra cách làm kính và gương soi. Nhưng vẫn giữ dáng gương giống như chiếc “giếng tròn”.
Nếu có dịp về thăm đền Hùng, các bé sẽ được thăm lại chiếc gương tròn, trong như gương của vua Hùng thuở ấy.
Sự tích bà chúa Ngọc
Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân, tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ chồng già không có con cái. Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách núi, làm nghề trồng dưa. Năm ấy, đến độ dưa chín, sáng nào ra ruộng thăm, ông bà cũng thấy dưa bị hái trộm. Lạ một điều, chỉ có một quả dưa lớn nhất đẹp nhất là bị hái, nhưng kẻ trộm không ăn mà cũng chẳng mang đi. Quả dưa còn nằm ở một chỗ trống, nhưng bưng lên đã thấy bị nẫu.
Thấy sự lạ, hai ông bà bèn bàn nhau cất công để ý rình. Rồi một đêm trăng sáng, họ đến nấp vào một bụi cây cạnh ruộng. Gần đến nửa đêm, bỗng đâu có cô gái trạc độ mười ba mười bốn tuổi tự nhiên hiện ra ở giữa ruộng dưa.
Cô gái rón rén đi, nhìn ngắm từng quả dưa một, rồi sau đó, hình như đã chọn được quả ưng ý nhất thì cúi xuống hái lên. Cô ngắm đi ngắm lại mãi, rồi tìm ra một chỗ trống, tung quả dưa từ tay bên này sang tay bên kia, và cứ như thế, một lúc lâu, sau lại ôm lấy quả dưa mà ngắm nghía mãi không biết chán.
Đúng lúc ấy, từ chỗ nấp, hai ông bà chạy ùa cả ra, nắm ngay lấy tay cô gái. Còn cô gái, tuy không chạy trốn kịp nhưng cũng chẳng tỏ ra có chút gì sợ hãi. Cô trả cho họ quả dưa, và khi được hỏi thì cô lễ phép trả lời: Cô là con nhà nghèo không còn cả cha lẫn mẹ, nhà cô ở cách đây rất xa và cô cũng chẳng nhớ được quê mình ở đâu nữa. Thấy cô gái dễ thương, lại nghĩ mình không có con cái, nên ông bà bàn nhau nhận cô về làm con nuôi, rồi cả hai cùng ngủ ý với cô gái.
Còn cô gái, thấy cử chỉ, lời lẽ của hai ông bà đều chân thành thì cô im lặng lắng nghe và suy nghĩ, sau đó nhận lời, rồi cô theo họ về nhà.
Sáng hôm sau, hai ông bà sửa lễ gia tiên, hai bên chính thức nhận nhau là bố mẹ và con cái. Từ đấy trong ngôi nhà của họ, không khí vui vẻ đầm ấm hẳn lên. Hai ông bà hết lòng yêu thương chăm sóc cô, còn cô thì cũng rất mực yêu thương kính trọng bố mẹ.
Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn tràn về mênh mông, khiến mọi người đều ở trong nhà không ai đi làm được cả. Bố mẹ cô, lẽ dĩ nhiên là rất lo lắng, mong sao cho nước mau cạn để cây cối khỏi bị chết úng, thì cô, do tính tình còn trẻ dại, lại thích nô đùa, cô xuống bên mé nước cậy đá lên, xếp chúng thành một hòn núi giả, lại đi tìm những cành lá gẫy cắm vào xung quanh, để chơi.
Thấy vậy, ông bà bực quá, nghĩ rằng con cái chẳng hiểu được lòng bố mẹ, bèn lên tiếng trách cứ rồi la mắng. Nào ngờ, cô gái thấy tủi thân quá, bèn lủi ra đầu hồi nhà, đứng khóc một mình.
Một lúc lâu sau, nhân lúc bố mẹ không ai để ý, cô lại lén ra khỏi nhà, rồi men theo những dải đất cao, đi ra phía bờ biển. Cũng lúc ấy, dập dềnh bên mé nước có một cây gỗ kỳ nam, không biết trôi từ đâu đến.
Cô gái còn khóc hồi nữa, rồi nhìn quanh nhìn quẩn, thấy mình hoàn toàn lẻ loi, cô đơn, cô bèn nhảy luôn lên cây gỗ, và một điều kỳ lạ xảy ra: cô gái đã nhập thân vào cây gỗ. Cây gỗ dập dềnh ở đấy một lúc nữa, như có điều gì còn ghi nhớ và lưu luyến, rồi sau đó, theo sóng biển, trôi mãi lên phương Bắc.
Ông bà bố mẹ nuôi cô gái đang bận việc chẻ củi và may vá trong nhà, tưởng con khóc rồi chơi ở ngoài đầu hồi, nên cũng không để ý. Đến mãi sau, khi lên tiếng gọi thì chẳng thấy con đâu! Hai ông bà bèn nháo nhào đi tìm nhưng khắp chốn cùng nơi, cũng vẫn tuyệt âm vô tín.
Nước lụt mênh mang như thế, lại đang cuộn chảy mãi ra biển, họ cho là con gái xảy chân đã trôi ra biển mất rồi. Thế là ông bà gào thét, khóc than thảm thiết, sau đó làm lễ cúng chay cho con, và từ đấy trở đi, sống âm thầm, rầu rĩ cho đến cuối đời,
Còn cây gỗ kỳ nam, sau một hồi dập dềnh rồi trôi lên phương Bắc, và cứ thế trôi mãi, trôi mãi… Đến khi sóng lặng gió yên thì đã trôi được cả ngàn dặm đường và dạt vào bờ.
Ảnh minh họa.
Một buổi sáng dân địa phương nọ ra bờ biển, vô cùng ngạc nhiên thấy có cây gỗ lạ rất đẹp trôi từ đâu đến. Họ bảo nhau mang thừng chão ra buộc vào rồi cùng kéo lên bờ, nhưng hàng trăm người xúm vào mà cây vẫn không nhúc nhích. Họ bèn đóng cọc ghim lại để tìm kế sách khác, và cũng từ đấy, dường như ngay tức khắc, tiếng đồn về cây gỗ kỳ lạ đã lan ra khắp cả vùng.
hoàng tử ở phương Bắc bấy giờ vào tuổi kén vợ, đang đi chu du khắp chốn cùng nơi để tìm cho ra một người ưng ý. Khi đến vùng này, nghe chuyện cây gỗ kỳ lạ, chàng cũng tò mò tìm đến. Thấy cây gỗ đẹp thì có đẹp nhưng cũng không lớn lắm mà sao cả trăm người kéo không được thì chàng lấy làm lạ lắm. Cũng vẫn là tò mò, chàng xắn tay áo lên, bảo mọi người cho mình kéo thử một cái xem sao.
Chiều ý hoàng tử, mọi người lui cả ra. Nhưng thật vô cùng bất ngờ, khi hoàng tử vừa cầm thừng co tay lại thì cây gỗ cũng lập tức chuyển động, rồi dần dần, theo sức kéo mà tiến vào bờ. Đến khi chạm đất, hoàng tử kéo mạnh một cái nữa thì cây hoàn toàn đã nằm trên bãi biển.
Mọi người vô cùng phấn khởi, vỗ tay reo hò không ngớt. Xong xuôi, sau khi hỏi ý kiến dân làng, hoàng tử cho quân lính đem cây gỗ về kinh đô. Về phía dân làng, tuy cũng có người còn tiếc rẻ, nhưng đa phần cho rằng, đưa cây gỗ về kinh là hợp lý hơn cả, vì như vậy tất cả bàn dân thiên hạ sẽ đều được chiêm ngưỡng.
Còn về phía hoàng tử thì cũng chẳng có vui mừng nào hơn, chàng cho là có duyên cớ, bèn không tiếp tục đi tìm vợ nữa, mà lệnh cho quân lính trở về kinh, cùng với cây gỗ.
Khỏi phải nói, khi về đến kinh đô thì mọi người, mọi nơi nghe tiếng, náo nức tìm đến xem đông như thế nào. Nhưng rồi sự kiện ấy cũng mau chóng qua đi bởi lẽ mọi người nhìn mãi rồi cũng chán, vì cây đẹp thì có đẹp nhưng chẳng thấy có biểu hiện gì là lạ lùng cả. Mà dân chúng cần là cần sự lạ lùng, xưa nay chưa từng có, chứ không phải là một cái cây đẹp. Chỉ riêng có hoàng tử, do chính tay mình đã chứng kiến và thực hiện được một điều kỳ diệu, nên còn giữ mãi trong lòng sự vui mừng và niềm mong đợi.
Khi mọi người đã xem chán xem chê, đến mức không còn ai thiết xem nữa, thì hoàng tử mới sai quân lính đem cây về trước Đông cung để hàng ngày được nhìn ngắm và gần gũi với cây. Cây quả là đã có tình ý với hoàng tử thật.
Từ đó trở đi, mỗi đêm trăng sáng, hoàng tử bỗng thấy trong thân gỗ bước ra một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, và cùng lúc, là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra theo mỗi bước chân của nàng. Mê mẩn trước người đẹp, hoàng tử vội vàng chạy tới, nhưng lần nào cũng vậy, hễ cứ giáp mặt, là người con gái lại biến ngay vào trong thân gỗ.
Sau vài lần như thế, hoàng tử đã nghĩ ra được một cách, cũng khá đơn giản chứ chẳng có gì ghê gớm lắm. Chàng cho mấy người lính hầu đứng nấp ở xung quanh, còn tự mình cũng nấp sẵn ở gần đấy.
Khi cô gái vừa xuất hiện thì hoàng tử đã bước ra nắm chặt lấy tay nàng, và mấy người lính cũng lập tức khiêng cây gỗ đem dấu biến đi. Hoàng tử bảo cô gái hãy vui lòng vì chàng mà ở lại. Cô gái e lệ cúi đầu. Thế rồi, ngay lúc đó chàng dẫn nàng đến trình với đức vua cha và hoàng hậu, kể lại hết đầu đuôi ngọn ngành, và xin cha mẹ hãy tác thành cho họ.
Nhà vua lắng nghe, rồi nói: “Được. Để xem”, xong cho gọi thị nữ đưa nàng về phòng riêng, còn hoàng tử thì trở về Đông cung.
Sáng hôm sau thiết triều, nhà vua cho triệu quan Thái bốc (vị quan phụ trách việc tính âm dương bói toán) vào để bói xem điều lành điều gở thế nào. Sau khi nghe tấu trình là quẻ đại phúc, nhà vua cả mừng rồi ngay sau đó, cho cử đại lễ để hoàng tử sánh duyên cùng cô gái.
Từ đó, cuộc sum vầy của đôi trai gái diễn ra thật vô cùng êm ả, hạnh phúc. Ba năm sau, họ sinh được một gái và một trai.
Tưởng rằng cuộc tình duyên ấy sẽ mặn nồng mãi mãi đến lúc đầu bạc răng long. Nào ngờ hoàng tử cũng là kẻ bạc tình, chỉ chung thủy được có mấy năm đầu. Khi vợ đã có con thì chàng ta đâm ra hay chơi bời chứ chẳng quan tâm được như trước. Nay rượu chè, mai cờ bạc, rồi đi dong duổi khắp nơi, không chú ý gì đến việc dạy dỗ con cái.
Nàng đã nhiều lần khuyên can nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy, làm nàng rất chán nản. Vì vậy, ở trong hoàng cung, sống giữa nhung lụa, kẻ hầu người hạ không thiếu, mà nàng cảm thấy bơ vơ, rồi buồn tủi xót xa, chỉ muốn tìm cách bỏ đi, không chút luyến tiếc. Bởi vì con người ta vốn là vậy, nên dẫu là thần thánh, thì khi tình yêu đã hết, tất cả sẽ chỉ là vô nghĩa.
Thế rồi một hôm, nhân khi hoàng tử bỏ đi chơi lâu ngày, nàng tìm thấy cây kỳ nam mà khi trước bọn lính đã đem dấu biệt. Nàng gọi hai con đến rồi đọc một câu thần chú, thế là cả ba mẹ con cùng nhập vào cây kỳ nam. Cây kỳ nam tự chuyển động rời khỏi hoàng cung rồi lăn xuống sông. Từ sông, kỳ nam dòng nước trôi ra biển. Biển lúc ấy bỗng nhiên nổi luồng gió trái.
Và theo chiều gió, cây kỳ nam trôi mãi, trôi mãi. Cuối cùng trở lại biển phương Nam. Đến đúng trước cù lao Huân thì gió lặng và cây kỳ nam dừng lại. Cây trôi vào sát mép nước. Từ thân cây, cả ba mẹ con bỗng chốc hiện ra, bước lên bờ, rồi trở về nhà cũ.
Cả hai ông bà cha mẹ nuôi lúc ấy đều đã mất. Nhà vắng vẻ tiêu điều. Ba mẹ con bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sửa sang cửa nhà, lập bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi cùng làm ăn sinh sống với dân làng. Từ đấy trở đi, quê hương, vùng cù lao Huân mỗi ngày một thêm ấm no, trù phú.
Thế rồi đến một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, trước sự chứng kiến và ngạc nhiên của mọi người, cả ba mẹ con cùng bay vút lên trời. Ở phương Bắc, hoàng tử đi chơi về thấy vợ con mất tích. Tìm cây kỳ nam ngày trước thì cũng chẳng thấy đâu. Chàng hối hận vô cùng, lòng tự nhủ lòng sẽ tìm ra bằng được ba mẹ con, dẫu có phải đi xuống tận địa ngục.
Khi xưa, lúc ở bờ biển chàng có nghe dân chúng nói cây gỗ này trôi từ biển phương Nam lại. Thế là hoàng tử vào từ biệt vua cha và hoàng hậu, rồi cùng một số gia nhân, binh lính và thủy thủ xuống thuyền, dong buồm vượt biển hướng về phương Nam.
Khi thuyền vừa đúng đến cửa Đại An thì bỗng đâu một trận cuồng phong dữ dội nổi lên. Thuyền đắm, cả hoàng tử cùng gia nhân thủy thủ đều chìm sâu xuống đáy nước. Nhưng khi cơn bão tan thì tự nhiên biển ở chỗ ấy cũng nổi lên một mô đá nhỏ, vượt cao khỏi mặt nước.
Trên mặt mô đá có những hình thù ngoằn ngoèo tựa như những hàng chữ nổi. Từ bao đời nay, đã có nhiều người hay chữ và kiến thức uyên bác đi thuyền tới đó, nhưng chưa ai đọc được đấy là những chữ gì. Và có lẽ như thế nên có thể cho rằng, những điều bí mật của thiên cơ, chắc còn lâu người ở dưới trần gian mới có thể hiểu thấu được hết.
Ba mẹ con nàng tiên đã về trời, nhưng từ đó đến nay vẫn thường hiển linh ở các nơi gần xa quanh vùng cửa Đại An, vùng cù lao Huân, cù lao Yến.
Vì vậy dân đi biển, đi đánh cá, đi tìm tổ yến vẫn thường bày lễ vật, thắp hương rồi hướng mặt lên trời cao cầu xin sự che chở, phù hộ độ trì của nàng tiên, mà từ đó trở đi được kính cẩn tôn xưng là bà chúa Ngọc. Bà chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa tiên hay Thánh mẫu Thiên Ya na, theo cách gọi của người Champa – một dân tộc đã định cư lâu dài ở vùng đất này.
Từ Huế đến Nha Trang ở đâu cũng có điện thờ bà chúa Ngọc. Triều Nguyễn có sắc thượng phong cho bà là “Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần”.
Tại Nha Trang có tháp lớn cao sáu trượng để thờ bà chúa Ngọc. Lại có cả những tháp nhỏ xung quanh để thờ hoàng tử, hai người con và hai ông bà bố mẹ nuôi. Bia đặt trong tháp lớn do chính tay quan đại thần Phan Thanh Giản thời Tự Đức soạn. Trước kia, hàng năm triều Nguyễn đều ủy thác cho bộ Lễ về đây làm lễ quốc tế.
Sự tích ông Dầu bà Dầu
Ngày xưa, vào đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội đều được vời vào cung chạy chữa, trong số đó cũng có những tay lương y nổi tiếng, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu.
Cặp mắt của nhà vua cứ sưng húp lên, đêm ngày nhức nhối rất khó chịu. Đã gần tròn hai tháng, vua không thể ra điện Kính Thiên coi chầu được. Triều đình vì việc vua đau mà rối cả lên. Những cung giám chạy khắp nơi tìm thầy chạy thuốc và lễ bái các chùa đền, nhưng mắt của thiên tử vẫn không hề giảm bớt.
Một hôm có hai người lính hầu đưa vào cung một ông thầy bói từ núi Vân Mộng về. Ông thầy chuyên bói dịch nổi tiếng trong một vùng. Sau khi gieo mấy đốt cỏ thi, ông thầy đoán:
– Tâu bệ hạ, quẻ này có tượng vua rất linh nghiệm. Quả là bệ hạ bị “thủy phương càn tuất” xuyên vào mắt cho nên bệnh của bệ hạ không thể bớt được, trừ phi trấn áp nó đi thì mới không việc gì.
Vua bèn sai hai viên quan trong bộ Lễ đi về phía Tây Bắc kinh thành. Thuở ấy ở phía Tây Bắc thành Thăng Long có hai con sông nhỏ là Tô Lịch và Thiên Phù đều hợp với nhau để thông ra sông Cái ở chỗ cứ như bây giờ là bến Giang Tân.
Họ tới ngã ba sông dựng đàn cúng Hà Bá để cầu thần về bệnh của hoàng đế. Đêm hôm đó, một viên quan ăn chay sẵn nằm trước đàn cầu mộng. Thần cho biết: đến sáng tinh sương ngày ba mươi cho người đứng ở bên kia bến đò, ai đến đó trước tiên lập tức bắt quẳng xuống sông, phong cho làm thần thì trấn áp được.
Nghe hai viên quan tâu, vua lập tức sai mấy tên nội giám chuẩn bị làm công việc đó. Một viên đại thần nghe tin ấy khuyên vua không nên làm việc thất đức: nhưng vua nhất định không nghe. Con mắt của hoàng đế là rất trọng mà mạng của một vài tên dân thì có đáng kể gì. Hơn nữa sắp sửa năm hết Tết đến, việc vua đau mắt sẽ ảnh hưởng nhiều đến những nghi lễ long trọng và quan hệ của triều đình.
Ở làng Cảo thuộc về tả ngạn sông Tô hồi ấy có hai vợ chồng làm nghề bán dầu rong, người la vẫn quen gọi là ông Dầu bà Dầu. Hàng ngày hai vợ chồng buổi sáng đưa dầu vào thành bán, buổi chiều trở ra: vợ nấu ăn, chồng đi cất hàng.
Hôm đó là ngày ba mươi tháng Một, hai vợ chồng định bụng bán mẻ dầu cho một số chùa chiền vào khoảng cuối năm, người ta cần dùng nhiều dầu để thắp Tết. Họ dậy thật sớm, chồng gánh chảo vợ vác gáo cùng rảo bước đến ngã ba Tô Lịch – Thiên Phù. Đến đây, họ vào nghỉ chân trong chòi canh đợi đò.
Đường vắng tanh vắng ngắt chưa có ai qua lại. Nhưng ở trong chòi thì vẫn có hai tên lính canh đứng gác. Vừa thấy có người, chúng liền từ trong bóng tối xông ra làm cho hai vợ chồng giật mình. Họ không ngờ hôm ấy lại có quân cấm vệ đứng gác ở đây. Tuy thấy mặt mũi chúng hung ác, nhưng họ yên tâm khi nghe câu hỏi của chúng:
– Hai người đi đâu sớm thế này?
Họ cứ sự thật trả lời. Họ có ý phân bua việc bán dầu hàng ngày của mình chỉ vừa đủ nuôi miệng. Nhưng chúng cứ lân la hỏi chuyện mãi. Chúng nói:
– À, ra hai người khổ cực như thế đó. Vậy nếu có tiền thừa thãi thì hai người sẽ thích ăn món gì nào. Nói đi! Nói đi, rồi chúng tôi sẽ kiếm cách giúp cho.
Thấy câu chuyện lại xoay ra như thế, ông Dầu bà Dầu có vẻ ngạc nhiên. Nhưng trước những lời hỏi dồn của chúng, họ cũng phải làm bộ tươi cười mà trả lời cho qua chuyện:
– Tôi ấy à? Người chồng đáp. Tôi thì thấy một đĩa cơm nếp và một con gà mái ghẹ là đã tuyệt phẩm.
Ảnh minh họa.
Người vợ cũng cùng một ý như chồng nhưng có thêm vào một đĩa bánh rán là món bà ấy thích ăn nhất.
Thấy chưa có đò, hai vợ chồng lấy làm sốt ruột. Nói chuyện bài bây mãi biết bao giờ mới vào thành bán mẻ dầu đầu tiên cho chùa Vạn Thọ được. Hai người bèn bước ra nhìn xuống sông. Hai tên lính từ nãy đã rình họ, bây giờ sẽ lén đến sau lưng, thình lình bịt mắt họ và lôi đi sềnh sệch. Họ cùng van lên:
– Lạy ông, ông tha cho chúng cháu, chúng cháu chẳng có gì.
Nhưng hai tên lính chẳng nói chẳng rằng, cứ cột tay họ lại và dẫn đến bờ sông. Chúng nhấc bổng họ lên và cùng một lúc ném mạnh xuống nước. Bọt tung sóng vỗ. Và hai cái xác chìm nghỉm. Xong việc, chúng cắm cổ chạy.
Lại nói chuyện mắt vua sáng mồng một tháng Chạp tự nhiên khỏi hẳn như chưa từng có việc gì. Nhưng ông Dầu bà Dầu thì căm thù vô hạn. Qua hôm sau: hai tên cấm vệ giết người không biết vì sao tự treo cổ ở gốc đa trong hoàng thành. Rồi giữa hôm mồng một Tết, lão chủ quản bên kia Giang Tân phụ đồng lên giữa chùa Vạn Thọ nói toàn những câu phạm thượng.
Hắn nói những câu đứt khúc, nhưng người ta đều hiểu cả, đại lược là: “Chúng ta là ông Dầu bà Dầu đây… Các người là quân man rợ bạc ác, các người là quân giết người lương thiện… Các người sẽ chết tuyệt chết diệt… Họ Lý nhà các người sẽ không còn một mống nào để mà nối dõi… Chúng ta sẽ thu hẹp hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù lại… Chừng nào bắt đầu thì các người đừng hòng trốn thoát…”.
Những tin ấy bay về đến tai vua làm cho nhà vua vô cùng lo sợ. Vua sai lập một cái đền thờ ở trên ngã ba Giang Tân và phong cho hai người làm phúc thần. Mỗi năm cứ đến ba mươi tháng Một là có những viên quan bộ Lễ được phái đến đấy cúng ông Dầu bà Dầu với những món ăn mà họ ưa thích.
Nhưng đúng như lời nguyền của ông Dầu bà Dầu, ngôi báu nhà Lý chẳng bao lâu lọt về tay nhà Trần. Dòng họ Lý quả nhiên chết tuyệt chết diệt, đến nỗi chỉ người nào đổi qua họ Nguyễn mới hòng trốn thoát.
Sông Thiên Phù quả nhiên cứ bị lấp dần, lấp dần cho mãi đến ngày nó chỉ còn một lạch nước nhỏ ở phía Nhật Tân. Sông Tô Lịch cũng thế: ngày nay chỉ là một rãnh nước bẩn đen ngòm. Duy có miếu thờ ông Dầu bà Dầu thì hàng năm dân vùng Bưởi vẫn mang lễ vật theo sở thích của hai vợ chồng đến cúng lễ vào ngày ba mươi tháng Một.
Bát Nàn công chúa
Thời nhà Hán đô hộ, vùng Phượng Lâu, Đức Bác thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ ngày nay là một trang ấp lớn dưới quyền ông Vũ Chất và bà Hoàng Thị Mẫu cai quản. Ngoài công việc nông trang ông bà còn biết nhiều bài thuốc chữa chạy cho những ai đau yếu bệnh tật, nên được dân chúng khắp vùng mến phục.
Nàng Thục Nương – con gái của ông bà, là người tài đức, có võ nghệ cao cường, lại có dung mạo xinh đẹp tuyệt vời. Đến tuổi trưởng thành Thục Nương hứa hôn với Phạm Danh Hương là một chàng trai anh tuấn, con của vị huyện trưởng Nam Châu.
Tiếng đồn về tài sắc của Thục Nương đến tai Thái thú Tô Định của quận Giao Chỉ. Y sai bày tiệc rượu rồi cho mời ông Vũ Chất đến để cầu thân. Ông Vũ Chất từ chối, nói là con gái mình sắp lấy chồng. Tô Định không tin, liền sai mời cả Phạm Danh Hương cùng đến. Y nói với ông Vũ: nếu đúng như vậy thì y sẽ đứng ra làm chủ hôn.
Giữa bữa tiệc, Tô Định ra ám hiệu hất chén rượu, thế là bọn thủ hạ trực sẵn hai bên lập tức xông ra lôi tuột ông Vũ Chất và Phạm Danh Hương đem giết đi. Sau đó Tô Định cho một toán quân đến trang Phượng Lâu để bắt Thục Nương đem về dinh.
Nhưng người thân tín theo ông Vũ Chất vào dinh Tô Định đã nhanh chân chạy về báo trước. Thục Nương vô cùng căm giận, vội thu xếp cho mẹ và gia quyến đi trước, còn tự mình thì ở lại chờ giặc.
Khi quân Tô Định tới nơi, thục Nương múa song kiếm xông ra, tên cầm đầu cùng mấy tên nữa bị giết. Những tên còn lại hoảng hốt bỏ chạy. Thục nương cũng vội thu xếp tư trang hành lý, rồi mau chóng lánh mình.
Nàng đi mãi đi mãi… xuống phía Nam. Khi tới một ngôi chùa nhỏ ở ấp Tiên La bên bờ sông Thiên Đức, thuộc địa phận tỉnh Thái Bình ngày nay, thì dừng lại.
Đêm ấy, các vị bô lão trong ấp Tiên La đều nằm mộng thấy thần thành hoàng đến báo có vị thượng nhân ở nơi khác tới chùa. Sáng hôm sau, các vị bô lão kéo đến tập trung trước sân chùa. Một số người mở cửa vào trong thấy sau ngôi tam bảo có một người con gái đang đứng, tay cầm song kiếm. Thục Nương lúc ấy nghe có tiếng động tưởng quân Tô Định đến bao vây, liền đứng vào thế thủ sẳn sàng chiến đấu.
Thấy vậy các vị bô lão và dân làng vội vàng quỳ xuống, kể lại giấc mộng đêm qua. Thục Nương cảm động cũng quỳ xuống đáp lễ, rồi thuật lại gia cảnh của mình. Tất cả đân làng đều nhất tề hãy ở lại làm ăn sinh sống để chờ thời cơ giết giặc, bởi vì sưu cao thuế nặng và sự dã man tàn bạo của quân thù làm cho ai nấy đều căm giận trong lòng.
Ảnh minh họa.
Thấy mọi người đồng tâm đồng ý, lại thấy nơi đây địa hình thuận lợi có thể lập căn cứ được, Thục Nương đã vui lòng ở lại.
Từ đó Thục Nương trông coi chùa Tiên La. Nàng xuống tóc đi tu nhưng tâm trí thì lúc nào cũng nấu nung đến nợ nước trả thù nhà. Vốn là người có võ nghệ cao cường, lại tinh thông nhiều trận pháp nên Thục Nương bắt tay vào việc tập luyện cho dân làng. Thế là mọi người lo sắm sửa khí giới, chuẩn bị lương thực và đêm đêm lại tập luyện võ nghệ, trận pháp.
Các làng xung quanh biết tin cũng kéo đến ngày đêm mỗi đông. Dần ấp Tiên La trở thành một căn cứ lớn, có mấy ngàn dân binh, được trang bị khí giới đầy đủ, lại tinh thông võ nghệ và các trận pháp. Thục Nương phất cờ khởi nghĩa, được dân chúng tôn xưng là Bát Nàn đại tướng quân, đã giao chiến nhiều trận với giặc và thu được nhiều thắng lợi.
Lúc ấy Hai Bà Trưng đã dấy binh ở Mê Linh, chuẩn bị đánh thành Luy Lâu, cho sứ giả đi khắp nơi truyền lệnh khởi nghĩa…
Khi sứ giả đến Tiên La thì Bát Nàn tướng quân đã hay tin ở Mê Linh có cuộc khởi nghĩa. Còn đang băn khoăn đem quân đến Mê Linh hay cứ ở lại độc lập tác chiến thì một đêm đang ngủ Bát Nàn mộng thấy một nữ thần xuất hiện, tay cầm lá cờ xan. Nữ thần nói tuân lệnh ngọc hoàng xuống trao cho bà lá cờ, rồi lại đọc bốn câu thơ:
Nữ binh, nữ tướng
Thiên dĩ định danh
Vật khả độc lập
Sự nãi bất thành.
Tạm dịch:
Tướng gái quân gái
Trời đã định danh
Chớ đứng một mình
Việc không thành được.
Đọc xong nữ thần biến mất. Bát Nàng tướng quân tỉnh dậy và hiểu là mình phải quyết định thế nào. Mấy hôm sau có sứ giả đến, Bà sai thù tiếp rồi ngay sau đó tập hợp binh sĩ tiến về Mê Linh tụ nghĩa.
Thấy Bát Nàng tướng quân đến Hai Bà Trưng vô cùng mừng rỡ. Đây là một lực lượng hùng mạnh lại dưới quyền chỉ huy của vị danh tướng tài ba. Sau mấy ngày hội quân, Hai Bà giao cho Bát Nàn lĩnh đạo quân tiên phong tiến đánh Luy Lâu. Quả danh bất hư truyền, mỗi khi song kiếm của Bát Nàn tướng quân múa tới đâu là đầu giặc rơi tới đó, quân Hán về sau chỉ vừa trông thấy đã phải bỏ chạy.
Thành Luy Lâu và các thành khác bị hạ, Hai Bà Trưng xưng vương, phong thêm Bát Nàn tướng quân là Trinh Thục công chúa, cho hưởng thực ấp và quản lĩnh cả hai nơi là Tiên La (Thái Bình) và Phượng Lâu (Phú Thọ).
Khi Mã Viện kéo quân sang xâm lược, sau trận Lãng Bạc, Hai Bà Trưng rút về Cẩm Khê, Bát Nàn tướng quân cũng rút về Tiên La. Tại đây khi thấy tình thế đang lúc khó khăn, bà cho giải tán lực lượng, ai về nhà ấy làm ăn sinh sống, để chờ thời cơ, còn bà, tự mình cũng về tu trong chùa cũ.
Tuy vậy, bà và các thủ lĩnh vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ nhau để bàn bạc đại sự.
Quân giặc vẫn ngày đêm cho lính đi dò la tin tức của bà. Một đêm trăng sáng khi bà đang cùng mọi người họp mặt thì quân giặc bỗng ở đâu ập tới. Chúng kéo mỗi lúc một đông. Bát Nàn tướng quân múa song kiếm tử chiến với giặc.
Bà tả xung hữu đột, phá vòng vây rồi chạy tới một gốc cây tùng. Tại đây, do vết thương quá nặng nên bà đã gục xuống và ra đi. Đó là lúc rạng sáng ngày 18 tháng 3 Âm lịch.
Sau này, mọi người Tiên La đã lập đền thờ bà ngay tại gốc cây tùng đó và lấy ngày bà hi sinh làm ngày lễ.
Các làng Phượng Lâu, Đức Bát ở Phú Thọ cũng lập đền thờ bà. Các triều đại trước kia đều có sắc thượng phong cho bà.
Bài học hay từ những câu chuyện truyền thuyết
Những câu chuyện truyền thuyết giải thích về sự tích, nguồn gốc, tín ngưỡng, văn hóa vùng miền ở một số nơi của người Việt.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/truyen-co-tich-nhung-cau-chuyen-truyen-thuyet-ky-ao-hay-nhat-be-biet-them-van-hoa-viet-c59a8175.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/truyen-co-tich-nhung-cau-chuyen-truyen-thuyet-ky-ao-hay-nhat-be-biet-them-van-hoa-viet-c429a526192.html” name=””]