Những câu chuyện truyền thuyết ca ngợi đức tính tốt đẹp của con người, thông qua hình tượng đẹp hướng con người sống thiện, yên vui.
Điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim – Truyền thuyết Nhật Bản
Ngày xưa có một chàng thanh niên làm nghề đánh cá đi qua vùng Shizuoka. Cảnh vật bày ra trước mắt đẹp quá, chàng dừng chân đứng ngắm. Mặt trời chiếu nghiêng nghiêng, núi Phú Sĩ nổi bật trên nền xanh với chiếc nón tuyết lấp lánh ánh bạc.
Gió thổi êm êm, cả đến tiếng sóng dịu dàng, hòa nhã. Ngoài khơi, hơi mây man mác, trời với nước liền một màu xanh.
Chàng đánh cá đang ngây ngất nhìn, bỗng làn gió đưa đến một mùi hương thơm ngát. Chàng đưa mắt nhìn quanh thì thấy một vệt gì màu sắc rất đẹp vướng trên cành thông.
Chàng lại gần. Đó là một chiếc áo khoác phụ nữ kết bằng lông chim, đẹp chưa từng thấy: lông trắng mịn màng trên cổ cò, lông xanh biêng biếc ở cánh chim trả, lông vàng óng ả dưới bụng vàng anh,… Chàng trai tự nhủ: “Vật này đẹp quá và hiếm có thật! Ta hãy đem về cho bà con xem, chắc thế nào rồi người có áo cũng tìm đến nhận”.
Nói đoạn, chàng với tay lấy áo, toan đem về.
Bỗng đâu có một người con gái nhan sắc tuyệt trần đi tới, dáng đi thướt tha, uyển chuyển [3]. Nàng cất giọng trong trẻo, nói:
– Thưa, áo kia của tôi. Chàng cho tôi xin lại.
– Không, áo tôi vừa bắt được ở cành cây này mà. Nàng ở đâu mới đến, tôi nào có biết? Đưa cho nàng, khi chủ có áo hỏi, tôi biết liệu làm sao?
– Đây là áo tiên, tôi cởi ra mắc trên cành thông để đi dạo hưởng ngọn gió mát và nhìn xem phong cảnh. Chàng ơi! Tôi không có áo đó thì không bay về trời được, rồi hôm sớm sẽ chết rũ nơi đây. Xin chàng nghĩ lại cho.
Ảnh minh họa.
Nước mắt lưng tròng, nàng tiên đứng im chờ đợi. Chàng đánh cá động lòng:
– Thôi, nàng đừng khóc nữa, để tôi trả áo lại cho. Nhưng tôi nghe nói tiên múa đẹp lắm, xin nàng hãy múa cho tôi xem một điệu đẹp nhất.
– Không có áo ấy múa không đẹp. Chàng cứ đưa áo cho tôi, rồi tôi múa cho chàng xem. Và cũng xin thưa rằng giờ đã khá muộn, xin cáo biệt chàng luôn, ơn chàng xin ghi lòng tạc dạ.
Chàng đánh cá trao áo, nàng tiên mặc vào trông lại càng đẹp. Rồi nàng bắt đầu múa. Là con sáo nhảy, con công xòe đuôi, con thiên nga rỉa cánh, con gà mái tơ tắm nắng, con chim chèo bẻo lộn mình giữa tầng không…, ấy là tất cả, hòa hợp thành một điệu múa thần tình [4].
Chàng đánh cá ngây ngất nhìn, quên cả việc trần thế… Nàng tiên càng múa càng lên cao dần, cuối cùng nàng chỉ còn là con chim nhạn trên trời thu, rồi mất hút trong xa thẳm.
Chàng đánh cá về nhà cố nhớ điệu múa, diễn tả lại cho các cô gái trong thôn xóm xem. Các cô cũng kết lông chim làm áo, ra sức luyện tập, rồi múa cho bà con xem. Tuy không thể bằng chính tiên múa, nhưng bà con cũng vô cùng thích thú, từ đấy cứ gọi điệu múa kia là điệu múa của Nàng Tiên áo lông chim.
Nữ hoàng Abla Pokou – Truyền thuyết Bờ Biển Ngà
Ngày xưa, có một nữ hoàng tên là Abla Pokou. Bà trị vì xứ Kumasi. Bà là người thông minh, biết nhìn xa thấy rộng, lại có tài hướng dẫn dân chúng trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy xứ của bà rất phồn vinh và bà được dân chúng mến phục.
Một năm gặp thời hạn hán to kéo dài, nạn đói kém xảy ra khắp nơi. Thấy xứ sở bà còn nhiều gia súc và lương thực dự trữ, các bộ tộc láng giềng ùa đến cướp bóc. Biết không đủ sức chống lại kẻ thù đông gấp nhiều lần, bà quyết định dời cả bộ tộc đến nới khác, mang theo toàn bộ gia súc và lương thực.
Trên đường, đàn gia súc khát nước quá, không đi được. Các cụ già muốn giết bớt đi cho nhẹ, nhưng nữ hoàng khuyên nên giữ lại để phòng đói.
Vừa bị kẻ thù đuổi gấp, vừa bị bầy gia súc quấn chân, dân chúng mệt mỏi, chán nản, lo sợ. Nhưng nữ hoàng Abla Pokou đã khéo động viên dân bằng cách gợi lòng tự hào của các bô lão và gợi lòng thương con của các bà mẹ. Bộ tộc lại tiếp tục đi.
Ảnh minh họa.
Nhưng khi đến bờ sông Komoe thì phải dừng lại. Nước sông chảy xiết, lòng sông sâu thẳm, đá mọc lởm chởm, hà mã hàng đàn. Biết làm thế nào qua sông bây giờ? Giữa lúc ấy, thần Sông hiện lên, đòi phải dâng máu hoàng tử mới được qua sông.
Nhiều cụ già kiệt sức tự nguyện dâng mình, nhưng thần Sông vẫn không nhận. Không còn cách nào khác, nữ hoàng đành lòng hiến dâng đứa con độc nhất của mình để cứu cả bộ tộc. Bà ôm hôn con thắm thiết, rồi đau lòng dâng con cho thần Sông.
Hoàng tử vừa bị ném xuống sông thì một cảnh tượng kì lạ xảy ra: Hà mã khắp sông kéo đến, đứng thành hàng ngang và làm thành chiếc cầu vững chắc. Kì lạ hơn nữa là hoàng tử lại xuất hiện trên cầu, giơ tay vẫy gọi mọi người qua sông.
nữ hoàng ra lệnh cho cả bộ tộc vượt sông với đàn gia súc của mình. nữ hoàng là người đi sau cùng. Vừa lúc ấy, quân thù kéo đến đông nghịt, nhưng cũng là lúc nữ hoàng vừa đặt chân lên bờ bên kia thì đàn hà mã biến mất. Kẻ thù kinh ngạc đứng nhìn dòng sông cuộn sóng, rồi kéo nhau quay về.
Đến một vùng phì nhiêu, bộc tộc dừng lại, dựng nhà của, trồng trọt, chăn nuôi và lập nên nước Baoule.
Ngày nay, những người chèo thuyền độc mộc ở Baoule vẫn còn hát vang bài ca ca ngợi công lao của nữ hoàng Abla Pokou với niềm tự hào về dòng dõi cao quý của mình.
Chàng John Reid và nàng tiên cá – Truyện thần thoại Anh
Cách đây khoảng một trăm hai mươi năm. Ngày đó, có một chàng trai thủy thủ tên là John Reid ở Cromarty. Chàng là người bất hạnh nhất trong số những người bất hạnh của thành phố.
Tuy là một người thông minh, nhân từ và trung thực, nhưng chàng lại rất nghèo. Đã ba mươi tuổi mà chàng vẫn chưa có vợ. Tuổi trẻ của chàng chỉ lênh đênh trên mặt nước, vượt qua nhiều đại dương. Có một lần, chàng đến Ấn Độ và Trung Quốc.
Tại đây, chàng đã tích lũy được một ít vốn liếng. Sau chuyến đi Trung Quốc và Ấn Độ về, John Reid mua được một ngôi nhà và lại tiếp tục làm nghề thủy thủ, đưa các nhà buôn từ nước Anh đến Hà Lan và ngược lại.
Cũng sau chuyến đi Ấn Độ và Trung Quốc ít lâu, John Reid quen biết một cô gái tên là Helen Stuart khi chàng lững thững một mình đi dạo chơi trên núi sát bờ biển. Từ đó, đêm nào chàng cũng nghĩ và nằm mơ thấy nàng.
Nhưng Helen là một cô gái trẻ đẹp, và được thừa hưởng gia tài giàu có, bởi vậy nàng tỏ ra kiêu kỳ và không thèm để ý đến chàng trai thủy thủ có nước da cháy nắng và nghèo khó đó. Giữa John Reid và Helen có một khoảng cách khá lớn, chính nó là một vật cản mà chàng không biết làm cách nào để vượt qua.
Ngày tháng qua đi, chàng John Reid cảm thấy đau khổ và trống trải mỗi khi nghĩ đến nàng Helen xinh đẹp. Những công việc và việc làm ăn có phần phát đạt cũng không an ủi được chàng.
Vào cuối ngày tháng tư, John Reid trở về nhà sau chuyến hành trình vất vả ở ngoài biển. Buổi sáng đầu tiên của tháng năm, chàng tỉnh dậy, và không hiểu sao, chàng lại hy vọng sẽ được gặp lại nàng Helen ở trong rừng. Chàng vẫn biết, các buổi sáng, nàng thường dạo chơi với các bạn gái ở đó.
Khi John Reid đến bờ vịnh thì trời đã sáng hẳn. Những ngôi sao nối nhau biến dần trong bầu trời xanh. Mặt trời xuất hiện đỏ rực, chiếu sáng khắp nơi.
Những chỗ cạn chạy dài những như con đường sáng nối liền mặt nước và bãi cát mịn màng. Một đống đá lớn che khuất cửa một cái hang ở phía trước mặt John Reid. Bây giờ những tảng đá này vẫn còn, nhưng nó có nhiều rêu và xám xịt, vì dãi dầu mưa nắng và giống như một đống đá tại một tòa lâu đài hoang tàn.
Chàng thủy thủ trẻ cẩn thận bước qua những tảng đá đó, rồi bỗng nhiên chàng nghe thấy tiếng hát. Chàng nhìn xung quanh. Một con thuyền đi qua vịnh và người lái thuyền đã hát? Hay ở trên núi có một chàng chăn cừu?
Nhưng John Reid không nhìn thấy gì, ngoài con chó biển đang gối đầu lên những lớp sóng và bơi về phía đông, nơi có tiếng hát vẳng đến. John Reid trèo qua những tảng đá và trông thấy nữ ca sĩ.
Ảnh minh họa.
Đó là một cô gái trẻ. Nàng có vẻ như đang tắm, một nửa người nằm trên cát và một nửa người ở dưới nước. Nàng quay mặt về phía hang, và John Reid thấy trong hang có tiếng hát trả lời. Hay đó chỉ là tiếng hát vọng của tiếng hát chính nàng?
Lúc này, John Reid biết rõ cô gái là một nàng tiên cá. Nếu John Reid thật sự say đắm nàng thì chàng có thể đứng ngắm trộm nàng. Nhưng không hiểu sao, lúc này chàng chỉ nghĩ đến nàng Helen xinh đẹp và muốn được lấy nàng mà thôi.
Bỗng nhiên, John Reid nhảy qua một tảng đá, đến thẳng chỗ nàng tiên cá đang nằm. Nàng giật mình quay lại thì chàng đã túm được nàng. Tiếng hát cuối cùng của nàng tiên cá là một tiếng thét thất thanh. Nàng định nhảy xuống nước, nhưng chàng thủy thủ đã ôm chặt lấy nàng bằng hai cánh tay khỏe mạnh.
Nàng tiên cá ôm lấy vai chàng, định kéo chàng xuống mép nước. Mặc dù nàng tiên cá dùng hết sức lực, nhưng John Reid vẫn cố kéo nàng về phía tảng đá và giữ cho mình khỏi bị ngã xuống nước. Dần dần nàng tiên cá yếu sức, nằm vật xuống bãi cát bên cạnh tảng đá. Chưa bao giờ John Reid thấy một cô gái nào xinh đẹp như nàng.
– Chà, chàng muốn gì ở ta? – Nàng tiên cá bỗng cất tiếng nói êm dịu và ngọt ngào hỏi John. Tiếng của nàng trong veo như tiếng chim hót.
– Ta muốn có ba điều ước. – Chàng trả lời.
Trước đây, cha John Reid cũng là một thủy thủ và đã bị chết đuổi ở ngoài biển cách đây mấy năm, bởi thế điều ước muốn đầu tiên của chàng là chàng và các bạn chàng không bao giờ bị chết đuối. Điều ước thứ hai của chàng là: Helen – một cô gái được thừa hưởng gia tài giàu có và xinh đẹp sẽ chỉ lấy một chàng trai nghèo.
Hai điều ước trên, sau này chính John Reid đã kể cho người sưu tầm ghi thành câu chuyện. Nhưng còn điều thứ ba thì chàng không hề kể cho một ai, ngoài nàng tiên cá.
Được, chàng sẽ có những điều ước muốn có. – Nàng tiên cá trả lời.
John Reid buông tay khỏi người nàng tiên cá. Nàng ngẩng cao đầu và nhảy xuống biển. Sau đó, John Reid đứng dậy và quay lại đường cũ để trở về thành phố.
Bỗng nhiên, chàng trông thấy Helen Stuart đang ngồi với một người bạn gái trên quả đồi cỏ mọc xanh rờn ở gần đó. Chàng thủy thủ nghĩ: Có lẽ phép thuật của nàng tiên cá đã có công dụng đây!
John cúi người chào Helen và cô bạn của nàng.
Cứ như là đã hẹn sẵn, cô bạn của Helen kêu lên:
– Chúng tôi vừa mới mong được gặp anh, thì anh đã có mặt ở đây rồi! Helen vừa kể cho tôi nghe về một giấc mơ kỳ lạ của cô ấy.
Tối hôm qua, khi Helen đã ngủ, cô ấy nằm mơ đến một con đường xanh rợp bóng cây ở phía trước một cái hang. Cô ấy nghe thấy tiếng hát từ giữa những tảng đá ở phía trước cửa hang vọng ra. Cô ấy nhìn vào. Bỗng nhiên thấy anh đang nằm ngủ bên bờ biển và một cô gái xinh đẹp ngồi bên anh và đang cất tiếng hát.
Helen lập tức quay lại. Nhưng bỗng nhiên con đường lại đầy sương mù và những bụi cây to chắn lối đi. Cô ấy hoảng sợ vì không biết làm cách nào để quay về nhà. Rồi anh choàng tỉnh và chạy đến bên Helen, mở lối cho cô ấy đi. Helen nhìn ra biển, thấy một cô gái xinh đẹp đang bơi giữa những lớp sóng biển và biến mất.
Tiếp đó là một trận mưa to. Những giọt mưa đều bằng vàng. Đó chính là giấc mơ. Nhưng vẫn chưa hết. Buổi chiều tôi và Helen đi chơi với nhau đến bờ vịnh. Anh có biết chúng tôi đã nghe thấy gì không? Những tảng đá ở đó cất tiếng hát như Helen đã được nghe trong giấc mơ!
– Đúng như thế chứ? – John Reid hỏi lại. – Nhưng tô đã được chứng kiên một chuyện kỳ lạ. Tôi đã nhìn thấy một nàng tiên cá.
– Anh nhìn thấy một nàng tiên cá? – Helen ngạc nhiên kêu lên.
– Anh nhìn thấy một nàng tiên cá? – Cô bạn gái của Helen cũng kêu lên. – Có trời mới tin được! Nhưng bây giờ xin anh chớ nhắc đến nữ thần linh này. Số phận của anh sẽ bị đe dọa đấy.
– Nhưng tôi lại là chủ nhân của nữ thần linh này rồi. – John Reid nửa đùa nửa thật trả lời. – Tôi chẳng cần thận trọng.
Sau đó, John kể tiếp chuyện chàng đã chứng kiến. Helen chăm chú lắng nghe, vừa ngạc nhiên vừa thích thú và cả sợ hãi nữa.
Khi họ trở về thành phố, Helen đã nắm chặt tay John Reid, mặc dù lúc đó trời đã sáng.
Năm sau, cũng vào ngày đầu tháng năm, không còn ai ngạc nhiên thấy Helen và John Reid khoác tay nhau đi trên đường, vì chàng thủy thủ đã trở thành chồng nàng.
Nữ Oa vá trời – Truyện thần thoại Trung Quốc
Người Trung Hoa kể rằng Nữ Oa là vị thần sinh ra loài người. Con cháu bà sống trong cõi thế gian bình yên vô sự thì bỗng một hôm Thủy Thần, Cung Công và Hỏa Thần, Chúc Dung gây sự đánh nhau rất dữ dội.
Cung Công thua to, tự nghĩ chẳng còn mặt mũi nào sống trong trời đất nữa bèn đập đầu vào núi Bất Chu, vốn là cây cột chống trời ở phía Tây Bắc, để tự tử.
Vì sức đập không đủ mạnh nên Cung Công không chết, chỉ có cây cột chống Trời là gẫy gập xuống, một góc trời bị sụt lở gây ra tai họa khủng khiếp cho loài người.
Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, loài người hốt hoảng kéo nhau chạy trốn. Nhưng trời sập còn biết trốn vào đâu!
Bà Nữ Oa đau lòng thấy con cháu ngoi ngóp trong cảnh đất trời nghiêng ngửa tối tăm. Bà nghĩ chỉ còn một cách vá lại vòm trời cho nguyên lành như cũ mới mong cứu được loài người.
Nhưng công việc vá trời đâu phải chuyện dễ, xưa nay đã có ai nghĩ đến, đừng nói dám làm! Chỉ vì thương con mà ngày đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con.
Ảnh minh họa.
Bà chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các vết thủng trên vòm trời. Bà lấy bốn chân lực lưỡng của con rùa khổng lồ đem dựng ở bốn phương trái đất làm cột chống trời hết sức vững chãi. Vòm trời được nâng cao, ánh sáng trở lại chan hòa.
Bà còn lấy lau lách ở các bờ sông đốt thành tro, chất đống lại để ngăn dòng nước lũ lan tràn trừ được tai họa do Thủy Thần gây ra.
Bà giết con rồng đen hung dữ, xua đổi các loài ác thú vẫn thường quấy phá khắp nơi. Bà lấy ống sậy [5] ghép lại với nhau thành một loại nhạc cụ hình giống đuôi con chim phượng rồi giao cho con cháu thổi lên nghe réo rắt vui tai.
Từ đấy, cảnh tượng bình yên đã trở về trên mặt đất. Con người sống dưới vòm trời trong xanh, điểm mây ngũ sắc, không còn lo trời sập, không sợ nước lũ và các loài ác thú, chăm lo làm ăn, bốn mùa no đủ, vui tươi. Họ tưởng nhớ công ơn bà Nữ Oa luyện đá vá trời cho đàn con được hưởng yên vui, no ấm, nên lập miếu để thờ bà.
Bài học hay từ những câu chuyện truyền thuyết thế giới
Những câu chuyện truyền thuyết thường kể các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong cảnh địa phương theo quan niệm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng yếu tố hư ảo, thần kỳ như cổ tích và thần thoại.
Nhưng chung quy lại vẫn ca ngợi những đức tính tốt đẹp của con người, thông qua hình tượng đẹp hướng con người sống thiện, có cuộc sống yên vui.
Những câu chuyện truyền thuyết ca ngợi đức tính tốt đẹp của con người, thông qua hình tượng đẹp hướng con người sống thiện, yên vui.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/truyen-co-tich-nhung-cau-chuyen-truyen-thuyet-the-gioi-y-nghia-me-nen-ke-cho-con-nghe-moi-toi-c59a6602.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/truyen-co-tich-nhung-cau-chuyen-truyen-thuyet-the-gioi-y-nghia-me-nen-ke-cho-con-nghe-moi-toi-c429a523218.html” name=””]