Sau 20 năm ca hát chuyên nghiệp, Tùng Dương tự nhận bản thân đã buông bỏ được sự cực đoan của tuổi trẻ. Anh mong đợi những cái bắt tay với lớp nghệ sĩ trẻ để đưa âm nhạc thăng hoa.
Năm 2004, Tùng Dương trở thành hiện tượng khi thắng giải Quán quân của chương trình Sao Mai Điểm Hẹn với các ca khúc dân gian đương đại. Chàng ca sĩ “lẻo khoẻo, tóc thì dài, bờm xờm, nhìn lại tôi còn thấy thảng thốt” – như nam nghệ sĩ tự mô tả mình một cách hài hước với chúng tôi trong buổi phỏng vấn mới đây – đã có một hành trình âm nhạc bền bỉ, thăng hoa trong hơn hai thập kỷ.
Dù đã ở vị trí cây đa cây đề trong thị trường nhạc Việt, những năm qua, Tùng Dương vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo những xu hướng mới – trẻ trung hơn nhưng vẫn đúng chất “độc, lạ”. Tùng Dương dành sự quan tâm đặc biệt tới lớp nghệ sĩ trẻ, không ngừng tìm kiếm những cá tính âm nhạc độc đáo.
Sự cọ xát giữa Tùng Dương và nhạc trẻ thời gian qua phần nào đã giúp giọng ca Con Cò rũ bỏ được lớp vỏ thời gian xù xì để âm nhạc mới đâm chồi. Cuối tháng 11 tới đây, anh sẽ tổ chức liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát với sự góp mặt của nhiều người bạn tri âm, tri kỷ trong âm nhạc cũng như đời sống riêng.
Tùng Dương ngẫu hứng hát Bên Trên Tầng Lầu
Tùng Dương ngẫu hứng hát Bên Trên Tầng Lầu
Khán giả nghe Tùng Dương hát đến nay vẫn chia làm hai luồng ý kiến. Một nửa yêu thích, ngợi ca cá tính âm nhạc của Tùng Dương là độc, lạ, dám dấn thân vào những địa hạt âm nhạc chưa ai khai phá. Nửa kia lại xem anh có chút lập dị và khó cảm thụ nổi giọng hát Tùng Dương. Sự đối lập này gợi lên trong anh suy nghĩ gì?
Tôi đã xác định một ca sĩ khác biệt, luôn theo đuổi những thứ đặc biệt thì sẽ có một tập fan đặc biệt. Ca sĩ nào thì fan nấy mà. Mỗi nghệ sĩ sẽ luôn có một tập hợp fan tinh chất của mình bên cạnh những người chưa thích giọng hát của bạn. Tuy nhiên, nếu một người nghệ sĩ đủ khéo léo và biết cân bằng, thì dần dà, họ sẽ có cách để khiến những người nghe chưa thích mình sau này sẽ thích mình, dần dần sẽ thích mình. Tất nhiên việc thích được đến đâu thì còn tùy thuộc vào cá nhân mỗi người.
Sau thời gian hát cover rất nhiều ca khúc nhạc trẻ, Dương đã lôi kéo được một lượng không nhỏ khán giả trẻ tuổi – thậm chí cả Gen Z – nghe các ca khúc của chú Tùng Dương, yêu thích âm nhạc của chú Tùng Dương. Không chỉ ông bà, bố mẹ các em nghe nhạc Tùng Dương, mà các cháu giờ đây cũng biết và nghe nhạc chú – dù có thể chưa phải những bài hát thể hiện rõ cá tính của Tùng Dương mà là chùm ca khúc gần gũi với công chúng hơn. Từ đó các bạn sẽ khám phá, tìm hiểu sâu hơn những ca khúc mang đậm tính triết lý của tôi. Có thể quá trình này sẽ cần thời gian lâu hơn.
Tùng Dương từng cover nhiều bài nhạc trẻ như Ngày Chưa Giông Bão, Mập Mờ, Anh Ơi Ở Lại…
Anh nghĩ bản thân đã thay đổi như thế nào so với Tùng Dương của 20 năm về trước?
Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì rõ ràng bản thân mình đang có một sự cân bằng rất tốt. Một người nghệ sĩ lúc nào cũng như đang đi trên dây, phải tìm cách giữ được sự thăng bằng, nếu không sẽ trượt ngã bất cứ lúc nào. Càng cân bằng tốt, bạn sẽ càng trụ vững rất lâu.
Sau 20 năm, Tùng Dương đã có nhiều đổi khác. Tôi không còn là một Tùng Dương gai góc, thô sơ như một viên đá chưa qua mài giũa thời Sao Mai Điểm Hẹn. Nhưng tôi cũng biết ơn những khoảng thời gian trong sáng như thế, vì đã mang lại cho mình những trải nghiệm nhất định. Đến bây giờ mình đã có thể cân bằng lại được giữa những gì mình thích và những gì khán giả thích.
Ngày xưa tôi cực đoan lắm, 20 năm trước tôi cực đoan kinh khủng. Tôi chỉ thích hát những dòng nhạc kén khán giả mà tôi thích thôi. Khi đi xin hát ở những quán bar thời ấy, tôi thường bị loại từ vòng gửi xe. Bầu show nói Tùng Dương hát rất hay, nhưng ngoại hình của em cứ loẻo khoẻo, rồi nhạc của em chọn lựa như này thì khách không muốn nghe. Em có thuộc bài nào nhạc Hoa lời Việt không. Lúc đấy mình mới ngớ ra, ơ kìa mình còn trẻ, nhưng mình lại chẳng thuộc bài nào cả. Nhưng đó là cá tính của mình, và nhờ đó mình có được con đường âm nhạc như ngày hôm nay.
Trên kênh YouTube chính thức của Tùng Dương, ba video đang có lượt xem cao nhất lần lượt là bản cover Ngày Chưa Giông Bão với 14 triệu view, Tùng Dương song ca Ngày Chưa Giông Bão với Bùi Lan Hương có khoảng 7 triệu lượt và Mẹ Tôi là 5,5 triệu lượt. Anh có cảm thấy chạnh lòng không khi các video Tùng Dương hát nhạc của người khác lại có độ phủ sóng rộng hơn Tùng Dương hát nhạc của chính mình?
Nếu chạnh lòng, thì ngay từ đầu tôi đã không bao giờ chọn cover nhạc của các nghệ sĩ trẻ. Tôi xác định từ đầu là những bài hát nghệ thuật, thể nghiệm và ca khúc thị trường sẽ không thể nào có độ phổ biến với đại chúng giống nhau được. Hiểu được điều ấy, tôi đã quyết định cân bằng lại.
Khán giả “ruột” của Tùng Dương chắc chắn vẫn thích những ca khúc mang thông điệp quê hương, đất nước, con người mà tôi thể hiện. Thế nhưng khán giả trẻ muốn nghe được nhạc Tùng Dương thì phải thông qua một cây cầu nối nào đó. Nếu mình không hát các ca khúc tuổi trẻ, không tìm hiểu tâm lý của các bạn, thì chắc chắn các bạn sẽ không thể đón nhận mình như thế được.
Việc cover nhạc không phải chiến dịch lớn mà chỉ là một chặng trên con đường sự nghiệp của Tùng Dương. Không nghệ sĩ nào có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng mình sẽ không bao giờ cover nhạc cả, bởi cover cũng giống như một hình thức làm mới nhạc phẩm theo cách của bạn. Nếu một clip cover được khán giả đón nhận, thu về hàng triệu đến hàng chục triệu lượt xem, thì thành công đó thuộc về bạn khi đã mang lại màu sắc mới cho bài hát cũ.
Nếu như bạn có đủ sự sáng tạo, đủ tâm huyết, quan trọng nhất là làm việc với tinh thần nghiêm túc, chọn được bài hát phù hợp để cover thì sản phẩm làm ra ắt sẽ được khán giả đón nhận. Tôi hoàn toàn hạnh phúc với điều ấy, không có gì phải tự ti cả. Tôi vẫn luôn biết con đường mình đang đi còn nhiều chông gai. Nếu muốn các bạn trẻ yêu mến âm nhạc của Tùng Dương thì trước hết Tùng Dương cần phải phổ cập âm nhạc của mình đến với các bạn.
Thời gian qua, có không ít các bạn nhạc sĩ trẻ vì ấn tượng với việc Tùng Dương hát nhạc trẻ rất hay nên đã nhận lời mời hợp tác hoặc chủ động “dâng hiến” các ca khúc cho tôi. Chắc chắn trong thời gian tới Tùng Dương sẽ hát nhiều nhạc ballad hơn. Nhưng tôi chắc chắn không thể hát với tâm thế như các bạn trẻ được mà sẽ hát với tâm thế của một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, đã có nhiều trải nghiệm và đưa những chiêm nghiệm ấy vào ca khúc, mang đến cho nó nhiều màu sắc hơn.
Mỗi khi Tùng Dương cover nhạc của người khác, sức lan tỏa của sản phẩm phái sinh ấy đôi khi khiến nguyên tác bị lu mờ. Anh có thấy mình giống một người chuyên đi “cướp hit” của ca sĩ khác không?
Ôi giời ơi (cười). Tôi dại gì lại đi nhận mình là người “cướp hit” để các bạn ấy ghét tôi ra. Dương luôn muốn giao hòa với thế giới của các bạn nghệ sĩ trẻ, nhưng là theo cách riêng của Tùng Dương chứ không thể nào giống y như các bạn được. Nhưng các bạn có thể yên tâm là khi chọn cover một ca khúc, tôi sẽ luôn làm trên tinh thần trân trọng, tôn vinh. Dù bài hát gốc có ca từ trẻ trung, trẻ con, xa với lứa tuổi của tôi, thì tôi vẫn nghiên cứu, tìm kiếm một cách hát nào đấy để đồng cảm nhất với các bạn.
Còn nói về việc cướp hit, thì chẳng ai lại nhận mình đi cướp hit của người ta cả. Ngay cả bây giờ nếu các bạn trẻ “cướp” được các bản hit của Tùng Dương, hát hay hơn được Tùng Dương thì tôi lại càng mừng.
20 năm trước, Tùng Dương từng thất nghiệp vì không thuộc các ca khúc nhạc Hoa lời Việt
Ca sĩ, nhạc sĩ Tăng Duy Tân chia sẻ từng được anh cho lời khuyên không nên theo đuổi dòng nhạc giống mình vì mất rất nhiều thời gian mới có thể khẳng định bản thân. Tùng Dương muốn nhắn nhủ gì đến Tân và các nghệ sĩ trẻ đang trên hành trình xây dựng phong cách âm nhạc cho riêng mình?
Câu chuyện của Dương và thành công của Tân thời gian qua chứng minh việc chỉ cần bạn có ước mơ và sự quyết tâm khổ luyện, bạn sẽ tìm thấy thành công dù ở dòng âm nhạc nào. Quan trọng là sự cố gắng của bạn, còn vận may, xét cho cùng cũng chỉ là vận may thôi. Vận may không phải thước đo các giá trị trong cuộc đời bạn.
Điều ấy để chứng minh sự bền bỉ của một người nghệ sĩ không chỉ đo đếm bằng sự viral một chốc một lát trên các nền tảng mạng xã hội. Các bạn hãy tin rằng những nền tảng như TikTok, dù có hoành tráng đến mấy, cũng chỉ như một thứ thời trang, trong một thời điểm thôi. Đừng cố thần thánh hóa nó để rồi quên đi rằng một người nghệ sĩ có thể trụ lại với nghề là nhờ những lao động nghệ thuật miệt mài, trong một chặng đường dài lâu.
Đương nhiên con đường ấy sẽ có lúc thăng lúc trầm, lúc vui lúc buồn, khi hạnh phúc khi khổ đau… nhưng quan trọng là bạn vẫn tiếp tục. Sau 20 năm, 30 năm bạn vẫn đứng trên sân khấu, vẫn cống hiến cho nghệ thuật, vẫn đầy nội lực và lòng kiêu hãnh. Khi ấy, dù bạn hát gì đi chăng nữa, khán giả vẫn yêu mến bạn.
Dương vẫn nói với Tân rằng hôm nay em có thể rất nổi tiếng với Bên Trên Tầng Lầu, nhưng ngày mai sẽ có người còn nổi tiếng hơn em, và bản hit của em lại trở thành dĩ vãng. Chính vì thế, quan trọng hơn hết là sự rèn luyện, để tác phẩm của em ngày một chất hơn, được đông đảo công chúng đón nhận hơn. Những bài hát được nhớ đến lâu nhất luôn là các ca khúc có chiều sâu ý nghĩa, chiêm nghiệm nhân sinh rộng lớn hơn chứ không chỉ là những rung động nhất thời, đầy bản năng.
Tùng Dương rất mừng nếu có các bạn nghệ sĩ trẻ cover bài hát của mình
Thanh Lam và Tùng Dương đã hợp tác cùng Hoàng Thùy Linh trong ca khúc Đánh Đố. Anh nhận lời góp giọng trong ca khúc của Hoàng Thùy Linh có phải vì nhìn thấy ở nữ ca sĩ hình bóng mình thời trẻ?
Linh có một sự quyết liệt giống Tùng Dương. Linh còn từng học làm đạo diễn nữa, nên ở bạn có cái nhìn bao quát. Bạn cũng biết rõ thế mạnh của mình, không hướng bản thân theo con đường trở thành một giọng ca nặng về kỹ thuật mà theo đuổi hình tượng nghệ sĩ trình diễn năng động, đa mảng. Bạn nhảy múa, ca hát, tạo cho mình một phong cách riêng biệt.
Quan trọng nhất, cũng là điều Tùng Dương đánh giá cao ở Hoàng Thùy Linh là tính dân tộc trong các ca khúc của bạn. Bạn ấy có theo trend, có hút view đến như thế nào thì cái màu sắc dân gian, lòng tự hào dân tộc vẫn rõ rệt. Để tới một thời điểm, chính bạn ấy là người tạo ra xu hướng cho giới trẻ từ các chất liệu văn hóa dân gian của Việt Nam. Đây là điều đáng quý hơn rất nhiều so với việc tạo trend hay bắt trend nhất thời. Tôi tin các bài hát của Linh sẽ được khán giả nhớ lâu. Ví dụ, tới tận bây giờ, người ta vẫn nhớ Để Mị Nói Cho Mà Nghe vì giai điệu đẹp và MV chất lượng.
Tùng Dương biết Hoàng Thùy Linh muốn sáng tạo không ngừng. Linh không ngần ngại đánh đố chính mình và thành công vượt qua khi chọn hát với Thanh Lam và Tùng Dương – những người vẫn được khán giả mệnh danh là có chất giọng “khủng”. Đánh Đố là một bài toán mà Hoàng Thùy Linh đã tìm được lời giải.
Điều quyết liệt ở Hoàng Thùy Linh là bạn ấy đã xác định ngay từ đầu Đánh Đố có thể không đạt hiệu quả viral, nhưng em được làm cái em thích, hợp tác với những tên tuổi như chị Thanh Lam, anh Tùng Dương, anh Tấn Lộc… – toàn những người đã gắn bó lâu năm với nghề. Dương đã nghe album mới của Linh. Rất trẻ trung và sáng tạo.
Anh có nghĩ “chủ nhà” Hoàng Thùy Linh đã gặp khó khăn khi hát với Tùng Dương?
Dương nghĩ trong mọi tình huống, chủ nhà đều sẽ là người hiểu hết và lường trước khi quyết định sẽ hợp tác với ai. Cá nhân tôi chưa bao giờ ngại hợp tác với ai cả, tôi không ngại hát chung với Tăng Duy Tân, Hoàng Thùy Linh… Dương rất thích hợp tác với các bạn nghệ sĩ indie, vì các bạn có nhân sinh quan vô cùng thú vị – nhất là những người có thể tự sáng tác như Ngọt, như Bùi Lan Hương; mới đây Dương thích cả Cá Hồi Hoang, Mỹ Anh cũng như những bạn trẻ không chỉ hát mà còn có thể tự làm nhạc cho mình. Các bạn ấy rất thú vị, vô cùng giỏi và có nhiều điều để mình học hỏi.
Dương nghĩ trong ca khúc đó, Hoàng Thùy Linh cũng đã chiến thắng chính mình. Bạn ấy đã đứng chung với hai nghệ sĩ gạo cội mà không kém cạnh gì; Linh cho thấy ai cũng có giá trị của mình. Đấy là cá tính của bạn ấy, đã nói là sẽ làm, và luôn biết mình làm được đến đâu.
Sau 20 năm sáng tạo trên con đường nghệ thuật, Tùng Dương nhận thấy thị trường âm nhạc Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Tôi nghĩ là sau 20 năm thì âm nhạc của chúng ta đã quá phát triển. Chúng ta tự hào có những đại diện trẻ rất tài năng – tự sáng tác, tự hòa âm, tự làm từ A-Z. Nói vui là “làm cả ăn tất”. Tuy nhiên, các bạn vẫn có một chiến lược phát triển lâu dài, có công ty quản lý, bầu show, nhả sản xuất… đứng đằng sau để tạo thành một ê-kíp chuyên nghiệp nhất. Chúng ta đang chú trọng phát triển một nền âm nhạc chuyên nghiệp hóa ở mọi mặt, mọi khâu – từ marketing cho tới sản phẩm âm nhạc các bạn lựa chọn.
Tuy nhiên, tôi vẫn mong chờ ở các bạn trẻ những dấu ấn âm nhạc khác lạ, sự táo bạo dám đi, dám chọn những con đường riêng thay vì chỉ là những bản ballad hát về tình yêu dễ nghe, dễ thuộc nhằm chứng minh độ viral của mình với công chúng. Mọi điều đến mỗi người trong cuộc sống đều là sự đền đáp cho các giá trị của họ. Bạn viral hơn người khác không đồng nghĩa với việc bạn giỏi hơn họ nhiều.
Tùng Dương quan điểm ngoài sự nổi tiếng trên các mạng xã hội, nghệ sĩ trẻ cũng cần có các giá trị thật là kỹ năng thanh nhạc, bản lĩnh sân khấu…
Các ca sĩ trẻ hiện có trào lưu đăng tải, quảng bá sản phẩm âm nhạc trên TikTok thay vì các trang nghe nhạc. Cụ thể, họ cắt một đoạn bắt tai hơn cả trong bài hát của mình và tung lên TikTok nhằm tạo viral. Anh nghĩ gì về trào lưu này?
Theo tôi, những platform (nền tảng) đang nở rộ ngày nay giúp cho một bài hát đến được với công chúng được nhanh chóng hơn. Có thể chỉ một đoạn thú vị nhất trong bài hát được tung ra, nhưng khán giả nghe xong và thấy hợp tai thì sẽ tìm đến bài hát gốc thôi, bạn đừng lo lắng quá.
Điều đáng quan tâm ở đây là chất lượng tác phẩm. Đôi khi người ta quá để tâm vào những câu key, đoạn nhạc bắt tai nhất mà quên đi tổng thể ca khúc. Nếu trình diễn một ca khúc mà chỉ chăm chăm vào đôi, ba câu hát bắt tai thôi thì đấy mới là điều đáng lưu tâm. Dương nghĩ các bạn trẻ ngày nay khá là tinh nhạy với thời cuộc. Họ luôn cập nhập các xu thế mới để làm sao đưa sản phẩm âm nhạc đến được với khán giả xa và rộng hơn chỉ một nền tảng TikTok.
Ngày xưa ta phải nghe hết 5 phút của một bài hát, giờ thì đời sống gấp gáp, ca khúc chỉ cần một đoạn cắt dài vài chục giây trên các nền tảng mạng xã hội là đã đủ nổi tiếng rồi. Nó giống như việc bạn đang xem/được gợi ý một vài sản phẩm mới đáng chú ý vậy. Hiệu quả của bài hát giờ chỉ còn gói gọn trong chưa đầy một phút ấy thôi.
Tôi nghĩ thực trạng này cũng phần nào phản ánh thực tại cuộc sống cũng như cách làm nhạc mà chúng ta đang ưa thích sử dụng. Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, rồi mạng xã hội cũng chỉ giống như thời trang thôi. Chỉ sau vài năm nữa, TikTok rồi cũng sẽ cũ đi so với nhiều nền tảng mới ra đời.
Sự bùng nổ của công nghệ trong thời đại này đã tạo ra thêm một hệ thống giá trị thuộc về thực tế ảo trên Internet. Đây là hướng đi mà các bạn nghệ sĩ trẻ tập trung phát triển để PR hay marketing cho mình. Theo tôi chừng ấy là chưa đủ.
Để đứng được trên sân khấu, nghệ sĩ cần các giá trị thực. Đó là thực tài, là bản lĩnh và sự tự tin để có thể đứng trên sân khấu hát live. Một nghệ sĩ khi hát trong phòng thu đã rất khác với vài chục giây bài hát trên Internet, lại càng khác với lúc trình bày trực tiếp ca khúc ấy trước mặt hàng trăm, hàng nghìn khán giả.
Quay lại với vấn đề, nhiều nghệ sĩ trẻ có thể có tiếng tăm, có độ viral trên mạng xã hội. Nhưng cái họ còn thiếu là chất lượng. Nếu cách làm nghệ thuật chưa được giới chuyên môn đánh giá cao, tiếng tăm chưa đủ gây ấn tượng với các nhà sản xuất, thì họ vẫn chỉ là các hiện tượng mạng, các ngôi sao trên Internet mà thôi.
Thời gian qua, ta đang nhắc nhiều đến cụm từ viral – độ phổ biến của một ca khúc trên các nền tảng trực tuyến. Liệu có phải “độ viral” đã vươn lên thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá thành công của một sản phẩm âm nhạc mới ra mắt?
Viral chỉ là đong đếm về độ phổ cập của một sản phẩm thôi, không phải thước đo giá trị nghệ thuật của một ca khúc. Để đong đếm giá trị nghệ thuật của một ca khúc, ta cần bộ tiêu chí bao quát nhiều khía cạnh khác nhau: đánh giá của giới chuyên môn, độ phổ cập, phản hồi của khán giả… song song với nhau chứ không chỉ là độ viral.
Nếu chỉ nói đến độ viral không thôi, thì ta đã thấy hàng tá bài hát có độ phổ biến rất cao, được nhắc đến liên tục vì bê bối bên lề hay chất lượng yếu kém. Thời gian qua, tôi quan sát thấy tình trạng nhiều ca sĩ đều đặn ra sản phẩm âm nhạc mới nhưng hát còn chẳng rõ lời. Họ hát tiếng Việt không ra tiếng Việt mà tiếng nước ngoài cũng chưa sõi. Độ viral của các ca khúc này có cao không? Có chứ.
Nhưng đó là vì khán giả đang xem nhạc thay vì nghe nhạc. Họ sẽ ấn vào các đường link để xem xem MV có nội dung gì, thần tượng của họ xinh hay xấu, concept lần này như thế nào… hơn là chú trọng vào chất lượng. Chưa chắc một bài hát có độ viral cao đã là ca khúc chất lượng. Đây là hai phạm trù khác hẳn nhau mà ta cần phân định rạch ròi và suy xét cho đúng.
Tùng Dương có theo đuổi chiến lược quảng bá các sản phẩm âm nhạc mới của mình trên các nền tảng mạng xã hội?
Thời gian vừa qua, tôi đã đưa một số MV ca nhạc mới của mình lên YouTube và một số nền tảng mạng xã hội khác. Dương nghĩ đây đều là các kênh hấp dẫn để thu hút truyền thông nhanh chóng mà mình không thể bỏ qua. Tất cả platform này đều là sự thêm thắt, giúp tôi và tác phẩm của mình rộng đường đến với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ.
Cũng chẳng oan nếu nói ngày nay nghệ sĩ nhìn TikTok mà sống. Tôi nghĩ sự bùng nổ này cũng mang đến hiệu quả tốt và hậu quả trái chiều. Nếu cứ ăn ngủ cùng các mạng xã hội, bạn sẽ quên mất chính mình là ai, đang cảm thấy gì và phấn đấu vì điều gì. Lúc nào bạn cũng phải canh cánh câu chuyện quay gì, cắt gì, đăng gì lên MXH để duy trì tương tác. Lâu dài, không chỉ những mối quan hệ trong đời thực của bạn bị ảnh hưởng, bạn sẽ còn mất kết nối với cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tùng Dương quan niệm đôi khi mình cần đóng cửa với thế giới bên ngoài để tập trung cho sáng tạo. Thời gian một mình nghiền ngẫm các ý tưởng ấy đôi khi tốt hơn việc ngày nào cũng xuất hiện chình ình trên mạng xã hội. Có những lúc bạn cần phải tạm biến mất để tái tạo năng lượng, chuẩn bị cho lần trở lại hoành tráng hơn. 20 năm qua Tùng Dương vẫn hoạt động âm nhạc sôi nổi chứ không phải chờ đến lúc TikTok xuất hiện. Tôi vẫn có những liveshow cháy vé, những dự án âm nhạc thành công, bạn thấy đấy.
Liveshow sắp tới kỷ niệm 20 năm Tùng Dương theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Trong lần trở lại này, anh sẽ dùng âm nhạc để kể câu chuyện gì?
Liveshow sắp tới của tôi sẽ gồm bốn chương: chương đầu là tuổi thơ với những ký ức khi được đi hát ở Moscow, cũng là khoảng thời gian Tùng Dương phải sống xa bố mẹ; chương thứ hai là Sao Mai, đánh dấu điểm khởi đầu trong sự nghiệp ca hát của tôi với dòng nhạc dân gian đương đại; chương thứ ba có thể sẽ kể về thời thanh xuân từng trải, “dan díu mập mờ” của tôi với các ca khúc cover; chương cuối cùng sẽ là Tùng Dương của thời hiện tại với cá tính rõ nét nhất, giao thoa giữa dân gian và đương đại.
Trên hành trình âm nhạc ấy chắc chắn không thể thiếu được những gương mặt nghệ sĩ gạo cội mà tôi gắn bó và yêu mến nhất, có sự đồng điệu với hành trình âm nhạc của Tùng Dương là Thanh Lam và Hà Trần. Ba gương mặt còn lại, dù các bạn không còn quá trẻ, nhưng lại là lần đầu tiên song ca với tôi. Những cái tên này sẽ được tiết lộ trong khoảng thời gian sắp tới.
Tùng Dương của 20 năm nữa sẽ là một người như thế nào?
Nếu cứ sống tích cực như này, luyện tập gym 4 buổi một tuần rồi đều đặn hát các bài nhạc trẻ như thế này thì tôi nghĩ 20, 30 năm nữa mình vẫn đứng hát trên sân khấu một cách đầy máu lửa. Thậm chí còn hơn bây giờ. Nhưng có lẽ cái lửa của những người đã có thâm niên đi hát 20, 30 rồi 40, 50 năm nó sẽ khác so với những người còn trai trẻ.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tung-duong-toi-khong-ngai-ket-hop-voi-hoang-thuy-linh-tang-duy-tan-20220923131152721.chn” name=””]