Tuổi dậy thì là một giai đoạn trong quá trình trưởng thành của một con người đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện về khả năng sinh sản của người đó.
Bất cứ ai cũng đều phải trải qua giai đoạn dậy thì. Ở nữ giới được đánh dấu bằng lần xuất hiện kinh nguyệt đầu tiên còn ở nam giới thì là lần xuất tinh đầu tiên.
Tuổi dậy thì của bé gái là bao nhiêu?
Tuổi dậy thì ở mỗi bé gái là khác nhau tùy vào từng cơ địa của mỗi bé. Thường bé gái sẽ dậy thì ở tuổi từ 11 – 13 tuổi, kết thúc trong khoảng từ 15 – 17 tuổi. Bé gái sẽ dậy thì sớm hơn so với bé trai từ 1,5 – 2 năm.
Tuổi dậy thì của bé gái sẽ trải qua các giai đoạn (Ảnh minh họa)
Dù là bé trai hay bé gái khi dậy thì sẽ phải trải qua 5 giai đoạn. Quy trình dậy thì ở bé gái:
– Giai đoạn 1: Từ 8 – 11 tuổi
Giai đoạn này chưa có gì thay đổi, cuối giai đoạn này các tín hiệu bắt đầu xuất hiện nhờ sự giải phóng hormone GnRH, tuyến yên sản xuất hormone FSH kích thích nang trứng. Giai đoạn này xuất hiện ẩn bên trong, chưa có nhiều biểu hiện ra bên ngoài.
– Giai đoạn 2: Từ 8 – 14 tuổi
Các hormone bắt đầu gửi tín hiệu đi khắp cơ thể, cơ thể bé gái bắt đầu có những cảm nhận khác lạ hơn.
Cơ thể có những biểu hiện như ngực nhú, lông mu xuất hiện, mùi cơ thể và chiều cao tăng.
– Giai đoạn 3: Từ 9 – 15 tuổi
Giai đoạn này xuất hiện các thay đổi rõ rệt trên cơ thể của bé gái. Những thay đổi nhận thấy là ngực lớn hơn, lông mu nhiều và xoăn, có dịch âm đạo tiết ra.
– Giai đoạn 4: Từ 10 – 16 tuổi
Cơ thể phát triển mạnh mẽ nhất, các dấu hiệu dậy thì xảy ra rõ rệt nhất và sắp hoàn thiện. Những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là có kinh nguyệt, có núm vú, núm vú có quầng thâm xung quanh.
– Giai đoạn 5: Từ 12 – 19 tuổi
Đây là giai đoạn cuối cùng hoàn thiện thể chất và chức năng sinh sản của bé gái. Bé gái hoàn thiện các chức năng như lông mu rậm phía vùng trong đùi, cao tăng lên và chậm lại.
Dấu hiệu dậy thì ở bé gái
Như đã nói, bé gái sẽ dậy thì ở giai đoạn từ 11 – 13 tuổi và sẽ có những biểu hiện nhận biết. Những biểu hiện dậy thì ở bé gái đó là:
– Phát triển chiều cao và cân nặng
Khi bắt đầu dậy thì, bé gái sẽ phát triển rất nhanh về chiều cao và cân nặng, điều này có thể nhận thấy bằng mắt thường, bé phổng phao hơn.
Sự thay đổi về chiều cao khi con gái dậy thì (Ảnh minh họa)
– Hông của bé gái bắt đầu rộng hơn
Cũng như phát triển chiều cao, cân nặng đi kèm với đó là vùng hông của bé bắt đầu rộng hơn, nở hơn, mông cũng to lên và có độ căng hơn.
– Lông mu, lông nách bắt đầu mọc
Lông nách bắt đầu xuất hiện, từ ít đến nhiều. Lông mu sẽ mọc từ từ, ban đầu là lưa thưa, sau đó sẽ dày hơn, dậm hơn và xoăn hơn.
– Cơ thể có mùi
Cơ thể tiết mùi, đặc biệt là ở vùng nách do hormone thay đổi. Có nhiều bạn gái sẽ có mùi rất nặng, có nhiều bạn gái thì mùi cơ thể nhẹ hơn.
– Nổi mụn trứng cá
Mụn có thể mọc bắt đầu từ trên mặt, ngực, lưng do các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức dưới sự tác động của hormone.
– Âm đạo tiết dịch
Âm đạo bắt đầu tiết dịch màu trắng hoặc vàng và sẽ không có mùi. Đây là cơ chế tự sản sinh của vùng kín nhằm bảo vệ vùng kín. Nếu xuất hiện dịch có mùi hôi thì cần phải đi gặp bác sĩ.
– Thấy kinh nguyệt lần đầu tiên
Hầu hết kỳ kinh đầu tiên của bé gái bắt đầu từ 12 – 14 tuổi, có một số sẽ bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn. Khi thấy kỳ kinh đầu tiên là dấu hiệu đánh dấu sự kích hoạt của chức năng sinh sản hoàn thiện dần. Kỳ kinh tiếp theo có thể xuất hiện vào 1 hoặc 2 tháng sau. Kinh nguyệt sẽ dần ổn định khi bé gái bước vào giai đoạn sau năm 20 tuổi.
– Ngực to lên
Ngực của bé gái bắt đầu to lên, quầng vú có thể sưng lên, ngực tròn và đầy đặn dần dần. Có một số trường hợp ngực không phát triển đều mà một bên to, một bên nhỏ, đây không phải là điều quá bất thường.
Hình ảnh quá trình phát triển ngực của bé gái qua các giai đoạn (Ảnh minh họa)
Một số câu hỏi liên quan đến tuổi dậy thì của bé gái?
– Dậy thì sớm ở bé gái là bao nhiêu tuổi?
Bé gái từ 6 – 9 tuổi dậy thì là dậy thì sớm. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên dậy thì sớm, chủ yếu trong đó đến từ chế độ dinh dưỡng, vận động.
– Bé gái có kinh nguyệt có khó chịu không?
Dù là ở độ tuổi nào thì có kinh nguyệt cũng đều khiến tâm lý ảnh hưởng và một vài bé có thể bị đau bụng kinh, đau lưng. Cần lưu ý:
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng.
Nếu bé gái sau 15 tuổi mà chưa có kinh nguyệt thì mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế được được bác sĩ kiểm tra.
Bé có kỳ kinh dài quá 9 ngày cũng cần phải đưa con đến cơ sở y tế. Nếu kỳ kinh quá 90 ngày không xuất hiện lại thì đó cũng là dấu hiệu bất thường.
– Có nên đưa con gái dậy thì đến gặp bác sĩ phụ khoa?
Nên cho con đến khám phụ khoa lần đầu tiên từ năm 13 – 15 tuổi. Đó sẽ chỉ là buổi nói chuyện của bác sĩ với bé, giúp con hiểu hơn về tâm sinh lý, con chuẩn bị cho một hành trình mới mẻ với mình.
– Bé gái dậy thì bị mụn trứng cá nhiều?
Do thay đổi hormone ảnh hưởng đến các tuyến bã nhờn gây nên mụn trứng cá. Chỉ cần chăm sóc chăm sóc da sạch sẽ, không nặn, cậy mụn, mụn sẽ giảm dần. Nếu mụn quá nhiều và có hiện tượng mụn bọc, mụn viêm, sưng thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
– Làm gì khi con gái ở tuổi dậy thì?
Giai đoạn tuổi dậy thì của con gái từ 11 – 13 tuổi và kéo dài đến năm 15 – 17 tuổi. Giai đoạn này con rất hoang mang, lo lắng, rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi, cảm xúc… vì vậy, mẹ hãy đặc biệt quan tâm, ở bên con, chia sẻ với con về các kiến thức về giới tính, giúp con gái vượt qua giai đoạn nhạy cảm này.
Sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu của mẹ là đặc biệt quan trọng khi con gái bước vào tuổi dậy thì (Ảnh minh họa)
Như vậy, tuổi dậy thì của bé gái bắt đầu từ năm 11 – 13 tuổi và kéo dài đến khoảng năm 15 – 17 tuổi. Sẽ có dấu hiệu nhận biết và đặc biệt cha mẹ hãy đặc biệt quan tâm con trong giai đoạn khó khăn này.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tuoi-day-thi-cua-be-gai-la-bao-nhieu-co-dau-hieu-gi-de-nhan-biet-d297533.html” alt_src=”” name=””]