Một phụ nữ không quảng giao, lười vận động, “dị ứng” với những trò giải trí thời thượng, tài chính lại khiêm tốn, sở thích không rõ ràng, tôi biết làm gì để vui khi già?
Đọc bài đăng trên mạng của một cô bạn, nội dung đại ý “về già làm gì để vui?”, bỗng dưng tôi có chút ngẫm ngợi.
Bạn bảo bạn thấy mình sống nhạt nhẽo, cầm kỳ thi hoạ chẳng biết món nào. Về khoản nữ công gia chánh, bạn cũng không có đam mê gì đặc biệt. Với tiêu chí bữa ăn càng đơn giản càng tốt, ăn để sống chứ không phải sống để ăn nên bạn chả bày vẽ cầu kỳ. Còn khoản trang trí nhà cửa chỉ đạt đến “le-vồ” trồng cây gọn gàng thôi chứ đẹp mắt thì chưa, thậm chí cây còn mau chết.
Đọc xong tôi thấy nhột, cảm giác như thấp thoáng bóng mình trong những dòng tự sự tếu táo mà thấm thía. Bao nhiêu bài viết chỉ cách làm gì để vui khi đến tuổi xế chiều tôi đều thuộc, nhưng ngẫm lại thấy dường như chẳng “món” nào hợp với mình. Phải chăng tôi cũng thuộc dạng sống nhạt?
Không phải ai về già cũng có điều kiện du lịch để giải khuây (Ảnh minh hoạ) |
Tôi rất nể một chị bạn tôi quen trên mạng. Ở tuổi U70, chị vẫn thong dong vác máy ảnh chu du khắp nơi. Lúc chị đi xe đạp, lúc đi xe buýt, lúc đi gần, lúc đi xa, có lúc đi cùng hội “chị em bạn dì”, lúc lại lang thang “một mình một ngựa”.
Tuổi già không che giấu được những vết chân chim nơi khoé mắt khi chị cười, nhưng thần thái cũng như sự dẻo dai, tâm trạng luôn yêu đời, yêu người của chị đáng để bọn đàn bà U40, U50 hay than vãn như tôi phục sát đất. Chỉ ước đến tuổi ấy, chúng tôi vẫn còn đủ hứng thú và cả sức bền để ngao du khắp nơi như chị.
Mẹ tôi – người luôn được khen ngợi vì tài nấu nướng. Bà cũng từng chiều chồng con bằng việc phục vụ không biết mệt mỏi để đổi lấy sự hài lòng của mọi người. Chỉ cần được khen “ngon” là bà sẵn sàng bận sấp mặt trong bếp hay mệt đến độ nấu xong chẳng buồn đụng đũa.
Vậy mà ở cái tuổi thất thập, bà bảo chỉ muốn được ai đó phục vụ. Nấu ăn với bà giờ chẳng còn là sự vui thú như ngày còn trẻ, khoẻ. Nên ai đó bảo xem nấu nướng là một trong những cách giải khuây lúc về già chưa chắc đã đúng. Nhất là với người vốn không mê bếp núc như tôi.
Những người hồi trẻ chưa từng bước chân vô bar, vũ trường, những phụ nữ chưa từng va chạm với đàn ông lạ trong tiếng nhạc xập xình dưới ánh đèn mờ ảo thì ai đó đừng khuyên họ về già nên học khiêu vũ để giải trí. “Món” này không hẳn phù hợp với số đông.
Cũng đừng máy móc khuyên những người ngày còn trẻ chẳng đi đâu xa rằng về già hãy đi phượt hay du lịch bốn biển năm châu cho khuây khoả. Với những người chỉ có cuốn sổ tiết kiệm mỏng ở ngân hàng làm vui, đi đâu cũng sợ tốn kém, ăn hàng quán sợ không an toàn, đi xa sợ mệt, sợ nhà cửa không ai trông thì chỗ giải trí… lúc về già cùng lắm là loanh quanh trên cái sân thượng trồng mấy chậu kiểng hay mảnh vườn con sau nhà.
Có đường phố nào vui khi người ta không còn trẻ nữa? (Ảnh minh hoạ) |
Nghe nhạc ư? Ở cái tuổi mắt mờ, tai kém, chân run, liệu những khúc nhạc tình dập dìu có còn đủ sức làm người ta lay động, hay sự lo lắng cho sức khoẻ, những đêm khó ngủ hay tâm trạng gắt gỏng đã lấn át hết tâm trí lẫn cảm xúc?
Chưa kể nỗi khổ của những người cao tuổi phải trông cháu khi con cái khó khăn, hoặc những người không may mắc bệnh mãn tính nào đó. Kể cả khi tài sản tích luỹ đủ để không phải lăn tăn vụ chạy chữa thuốc men tốn kém, thì sự mệt mỏi, buồn phiền thôi cũng hết ngày hết giờ. Vậy thì làm sao vui!
Một phụ nữ không quảng giao như tôi, đã vậy còn lười thể thao, “dị ứng” với mấy trò giải trí thời thượng như khiêu vũ, không ngại di chuyển nhưng tài chính khiêm tốn, sở thích nhạt nhòa, thì biết làm gì để vui khi về già?
Ai đó cho tôi lời khuyên đi. Có đường phố nào vui khi người ta không còn trẻ nữa?
Vi Lê
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tuoi-gia-sam-sap-phia-sau-toi-bong-lo-khong-biet-lam-gi-de-vui-a1461757.html” name=””]