Thảm đỏ LHP Quốc tế Cannes trở thành sân khấu để các nghệ sĩ bộc lộ mình, bằng cả tài năng lẫn chiêu trò.
Cannes là thành phố biển, địa điểm du lịch được yêu thích tại miền Nam nước Pháp. Từ tháng 10/1946, vùng duyên hải còn nổi tiếng với vai trò là nơi tổ chức LHP Cannes – một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh. Suốt 75 năm qua, LHP Cannes đã trở thành sự kiện được giới nghệ thuật toàn cầu mong đợi.
Các nhà làm phim mang tác phẩm mới tới chiếu tại Cannes, tìm kiếm đối tác phát hành hay nhà đầu tư điện ảnh… Những nghệ sĩ kém tên tuổi, ít tài năng mong tới LHP vì vài chục giây ít ỏi tạo dáng trên thảm đỏ trước ống kính của hàng trăm nhiếp ảnh gia.
Giống như thành phố biển Cannes mở rộng cửa chào đón khách du lịch bốn phương, LHP quốc tế cũng tỏ lòng hiếu khách khi trải thảm đỏ cho bất kỳ ai muốn đặt chân đến. Tuy nhiên, sự hiếu khách nào cũng kèm những điều kiện. Với LHP Cannes, nếu bạn không có tài, bạn cần phải có tiền.
Lý Nhã Kỳ và Hương Giang có “đánh lận con đen”?
Vừa qua, thảm đỏ LHP Cannes 2022 có sự xuất hiện của hai gương mặt đến từ Việt Nam là Lý Nhã Kỳ và Hương Giang. Trong khi Lý Nhã Kỳ đã là gương mặt quen thuộc tại sự kiện điện ảnh, đây là năm đầu tiên Hương Giang xuất hiện ở Cannes. Sau sự kiện thảm đỏ, trên trang cá nhân, cả hai nghệ sĩ đều nhanh chóng cập nhật hình ảnh với người hâm mộ. Hương Giang và Lý Nhã Kỳ chia sẻ các bức ảnh chụp mình được lấy từ kho ảnh Getty Images. Các bức ảnh đều gắn logo của hãng rất to phía góc dưới bên phải. Trong bài đăng, cả hai nghệ sĩ đều gửi lời cảm ơn Getty Images đã ghi lại những hình ảnh của mình.
Dường như Lý Nhã Kỳ và Hương Giang đang muốn chơi trò “đánh lận con đen” với khán giả Việt Nam khi dành lời tri ân Getty Images như một đơn vị truyền thông quốc tế, trong khi bản chất đây chỉ là công ty trung gian mua bán hình ảnh. Tiếp đến, việc các bức ảnh còn nguyên logo cho thấy các người đẹp đã tải trực tiếp ảnh từ website về thay vì trả tiền bản quyền cho phóng viên ảnh (và Getty Images). Tất nhiên, đây có thể chỉ là hành động cốt khoe logo Getty Images, một cách nhằm đánh bóng bản thân của hai ngôi sao.
Chính Hương Giang cũng chia sẻ những bức ảnh tại Cannes của cô là “may mắn có được” khi một nhiếp ảnh gia quyết định bấm thêm vài kiểu ảnh nữa sau khi đoàn phim The Star at Noons đã rời khỏi thảm đỏ. Về phần Lý Nhã Kỳ, dữ liệu trên Getty Images cho thấy các bức ảnh của nữ doanh nhân đều được chụp khi cô đến xem các buổi chiếu phim với tư cách khán giả.
Ở những bức ảnh góc rộng, có thể thấy dàn phóng viên ảnh phía sau khá thờ ơ với Hương Giang và Lý Nhã Kỳ. Đến LHP Cannes nhưng không có tác phẩm trong tay, hai cái tên đình đám của showbiz Việt chỉ là những cái bóng vô danh trong sự kiện vinh danh những nghệ sĩ khác. Họ chỉ đang đánh bóng tên tuổi bằng cách dùng vài tấm ảnh sử dụng không bản quyền để vẽ ra trước mắt người hâm mộ một câu chuyện hư cấu mà trong đó mình được sánh ngang hàng với các tài tử, minh tinh với tên tuổi phủ sóng toàn cầu.
Câu chuyện cười ra nước mắt của Lý Nhã Kỳ và Hương Giang khiến khán giả nhớ về một “đặc sản” mỗi mùa LHP Cannes – cuộc trình diễn thời trang của các nghệ sĩ trên thảm đỏ.
Nghệ sĩ dự thảm đỏ đông như trẩy hội ở Cannes
Trước ngày khai mạc, nhắc đến LHP Cannes, báo chí quan tâm đến việc nhà làm phim nào sẽ mang tác phẩm mới liên hoan, những sản phẩm điện ảnh nào sẽ tham gia tranh giải Cành cọ Vàng… Nhưng trong ngày khai mạc, câu chuyện phủ sóng trên mặt báo, gắn liền với từ khóa Cannes lại là diện mạo các ngôi sao khi bước lên thảm đỏ, ai diện đẹp ai mặc xấu, ai thảm họa… Những bức ảnh chụp ngôi sao tạo dáng trên thảm đỏ được đại chúng quan tâm hơn hẳn câu chuyện điện ảnh đao to búa lớn đang diễn ra bên trong các khán phòng.
Từng có thời điểm nghệ sĩ Trung Quốc kéo đến LHP Cannes đông như trẩy hội, mà Phạm Băng Băng là một trong những gương mặt năng đi lại hơn cả. Mỗi năm, người đẹp lại mang đến thảm đỏ LHP những bộ cánh cầu kỳ, bắt mắt hơn năm trước. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cuộc du ngoạn của các nghệ sĩ Trung Quốc trên thảm đỏ LHP Cannes đã thưa vắng dần. Cá biệt, trong năm 2022, số diễn viên, nghệ sĩ Trung Quốc tham dự Cannes chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Sina, xu hướng này phản ánh ba vấn đề. Đầu tiên, điện ảnh Trung Quốc thiếu các tác phẩm nghệ thuật đủ sức gây ấn tượng với khán giả nước ngoài; thứ hai, họ thiếu vắng những gương mặt đẳng cấp quốc tế và thứ ba, chính sách Zero Covid ngặt nghèo của xứ tỷ dân khiến nghệ sĩ không muốn xuất ngoại. Trong khi hai vấn đề đầu tiên được Sina liệt kê dẫn đến hậu quả là Trung Quốc thiếu những nghệ sĩ được mời tới sự kiện một cách danh chính ngôn thuận; thì vấn đề thứ ba cản bước rất nhiều nghệ sĩ đi đến Cannes theo diện “tự thân vận động”.
Nếu không có tác phẩm tranh giải, nghệ sĩ sẽ phải tự bỏ tiền để đến Cannes. Đây là điều tất nhiên, không ai còn bất ngờ. Tiếp đến, tùy vào danh tiếng của nghệ sĩ ấy, họ có thể tới LHP lớn nhất nhì hành tinh bằng tài trợ của nhãn hàng hoặc phương án cuối cùng, là tự bỏ hàng nghìn USD tiền túi. Để có thể tới Cannes bằng tài trợ từ nhãn hàng, các nghệ sĩ buộc phải nổi tiếng. Còn muốn tới Cannes bằng tiền túi, họ phải giàu.
Cũng từ đây, không thiếu những tên tuổi vô danh “đã trót mua mâm thì phải đâm cho thủng”, quyết gây sự chú ý của ống kính máy ảnh bằng mọi giá. Cũng từ đây, những bộ trang phục với thiết kế khó hiểu, quái dị thậm chí phản cảm, thảm họa đã ra đời và trở thành đặc sản mỗi mùa LHP. Để có một khoảnh khắc thoát khỏi “ao làng”, nở mặt với đời tại một sự kiện quốc tế, không ít người đã chấp nhận biến mình thành trò hề.
Việc cánh cửa dẫn vào thảm đỏ LHP Cannes mở rộng cho mọi đối tượng – từ những nhà làm phim, nghệ sĩ chân chính, các chuyên gia điện ảnh, nhà phát hành, nhà đầu tư… cho tới những người không có gì ngoài tiền – cũng dung túng cho nhiều tình huống khách mời mất kiểm soát đầy đáng tiếc. Ngày 21/5, một phụ nữ đã làm náo loạn LHP khi đột ngột cởi đồ, để lộ cơ thể được che phủ bằng sơn màu xanh dương và vàng với thông điệp “Dừng cưỡng hiếp chúng tôi!”. Người này đã được hộ tống ra khỏi khu vực tổ chức sự kiện.
Tới ngày 23/5, thảm đỏ Cannes tiếp tục trở thành sân khấu để một nhóm 12 phụ nữ mặc đồ đen biểu tình đòi quyền công bằng cho nữ giới. Nhóm biểu tình giơ cao một cuộn giấy ghi tên 129 phụ nữ đã thiệt mạng trong các vụ giết người tại Pháp kể từ LHP 2021. Những người này còn thả bom khói màu đen, khiến khung cảnh càng thêm hỗn loạn.
Cannes để thả cửa thảm đỏ nhưng chỉ số ít được tôn vinh
Bất cứ ai cũng có thể có cơ hội bước lên thảm đỏ LHP Cannes, nhưng chỉ số ít trong nhóm này được là một phần của những giá trị nghệ thuật điện ảnh mà sự kiện 75 năm tuổi tôn vinh. Theo chia sẻ của ông Thierry Frémaux, LHP Cannes trung thành với tôn chỉ thu hút sự chú ý từ khán giả và nâng cao danh tiếng của các bộ phim với mục đích đóng góp vào sự phát triển của điện ảnh, thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh trên toàn thế giới cũng như văn hóa thưởng thức phim ở đẳng cấp quốc tế.
Để giới thiệu những bộ phim mới đến với khán giả, cũng như tìm kiếm những nhà đầu tư/phát hành tiềm năng, trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức LHP Cannes đã tổ chức trình chiếu hàng chục bộ phim đến từ nhiều nền điện ảnh khác nhau trên toàn thế giới ở các hạng mục dành cho phim tranh giải và không tranh giải. Tại LHP Cannes năm nay, đã có 72 bộ phim được giới thiệu. Trong số đó có những phim thương mại đang/sắp phát hành tại rạp như Top Gun: Maverick, Elvis của Mỹ hay Hunt từ điện ảnh Hàn Quốc… Bên cạnh các buổi công chiếu tác phẩm mới, LHP Cannes cũng là nơi để kết nối các nhà làm phim với nhà đầu tư và các đơn vị phát hành.
Một “đặc sản” khác của Cannes bên cạnh cuộc trình diễn thời trang trên thảm đỏ chính là những tác phẩm điện ảnh gây tranh cãi và thử thách sức chịu đựng của khán giả. Tràng pháo tay dài hàng phút hoặc hình ảnh người xem bỏ ra ngoài khi phim còn chưa chiếu hết đã trở thành những phản ứng thường thấy bên trong các buổi công chiếu tại LHP Cannes. Trong nhiều trường hợp, cả hai phản ứng này sẽ cùng diễn ra.
Tại Cannes 2022, khán giả từng bỏ về giữa buổi công chiếu tác phẩm Crimes of the Future của David Cronenberg vì không chịu nổi những cảnh tượng kinh tởm trên màn ảnh. Năm 2021, hai tác phẩm Titane và Benedetta cùng lúc khiến khán giả tò mò và ghê sợ khi khai thác những câu chuyện điên rồ, nhạy cảm và cấm kị. Đây chỉ là ba ví dụ trong số rất nhiều bộ phim từng gây tranh cãi xuyên suốt lịch sử 75 năm của LHP Cannes.
Những năm qua, Oscar, giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, đang dần mất đi uy tín do mải chiều lòng các phong trào tiến bộ xã hội hay sa đà vào lối phân phối giải thưởng thay vì tôn vinh một người chiến thắng sau cùng xứng đáng. Khán giả thậm chí đoán đúng kết quả của các hạng mục quan trọng ngay trước đêm trao giải do đã đọc vị được tiêu chí lựa chọn của ban giám khảo.
Nếu thảm đỏ Oscar là cánh cửa hẹp, chỉ chào đón những người xứng đáng nhưng ban tổ chức ngày càng dễ dãi trong việc trao giải, thì LHP Cannes và Cành cọ Vàng, ngược lại, chào đón tất cả nhưng khắt khe trong việc chọn ra ai là người xứng đáng. Dù cái tên giành chiến thắng Cành cọ Vàng đôi khi không thỏa mãn toàn bộ khán giả, nhưng ban giám khảo đã làm tốt công việc của mình – đánh giá các bộ phim vì chất lượng nội dung của chính nó thay vì cân nhắc phim thuộc vùng văn hóa nào, có thể hiện sự đa sắc tộc hay mang thông điệp xã hội cấp tiến nào hay không. Giải Cành cọ Vàng 2019 trao cho Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho đã trở thành bệ phóng giúp tác phẩm thành công rực rỡ tại Oscar 2020.
LHP Cannes đã bế mạc hôm 28/5 với giải Cành cọ Vàng trao cho tác phẩm Triangle of Sadness của đạo diễn kiêm biên kịch Ruben Östlund. Trong phim, một du thuyền chở theo những hành khách siêu giàu đã bị chìm, bỏ lại những người sống sót – gồm một cặp tình nhân là người mẫu thời trang – mắc kẹt trên một hòn đảo. Tác phẩm từng nhận tràng vỗ tay dài 8 phút trong sự kiện công chiếu. Năm 2021, Cành cọ Vàng được trao cho Titane, bộ phim kể về một cô gái với tình yêu đến ám ảnh dành cho các chiếc xe hơi. Chuyện càng trở nên quái gở khi cô nhận ra mình đã mang thai với máy móc.
Trong cuốn sách European Cinema: An Introduction, hai tác giả Jill Forbes và Sarah Street đã dành thời lượng để nói về vai trò của LHP Cannes với diện mạo điện ảnh châu Âu. Các tác giả viết: “LHP Cannes đã trở nên cực kỳ quan trọng với việc phê bình, lợi ích thương mại và nỗ lực của các nhà làm phim châu Âu khi bán tác phẩm của mình dựa trên việc định giá chất lượng nghệ thuật của chúng”. Hai cây bút cũng chỉ ra Cannes, cùng với những liên hoan phim khác như Venice hay Berlin, đã mang đến cơ hội cho các quốc gia định rõ hình ảnh dân tộc mình thông qua ngôn ngữ điện ảnh và nhìn chung, khuyến khích quan điểm phim châu Âu là phim nghệ thuật.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/vai-giay-cua-ly-nha-ky-huong-giang-o-tham-do-va-chuyen-cannes-chi-can-co-tien-20220601124744453.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]