Ở tuổi ngoài 50, khi con cái đã lần lượt lập gia đình, chị tôi bắt đầu cân nhắc đến chuyện sẽ sống với ai?
Ảnh minh họa |
“Với ai” ở đây là với người con nào? Chị có 4 người con, đủ trai gái. Chồng mất, chị bôn ba làm ăn để kiếm tiền nuôi 4 con từ năm 30 tuổi.
May sao, chị học được bí quyết nấu phở rất ngon từ một người chú lớn tuổi trong nhà. Quán của chị mới mở đã thu hút khách nhờ hương vị ngon, giá cả mềm và cả mặt bằng thuận lợi trong khu dân cư đông đúc. Chị mở thêm quán thứ 2, thứ 3. Chưa đầy 15 năm, chị tích cóp được số tài sản kha khá làm của hồi môn cho các con. Con của chị, đứa nào lập gia đình chị cũng cho căn nhà, hoặc miếng đất trị giá tương đương. Hiện tại, chị đang ở với vợ chồng con trai lớn. Đó cũng là căn nhà mà chị hứa sẽ để lại cho người con nào ở cùng với chị đến cuối đời.
Chị nghĩ trong đầu sẽ ở cùng vợ chồng con trai lớn. Chị nói: “Tính nó đâu ra đó nhất. Cô con dâu lớn của chị cũng nói chuyện dễ nghe, để ý để tứ, biết trước biết sau. Vậy mà đùng một cái, vợ chồng con lớn ly hôn.
Con trai thứ 2 của chị đi làm ăn xa. Bao năm mà vẫn chưa ổn định. Chỉ thi thoảng tết chị mới gặp 1 lần. Những đứa cháu nội của chị chẳng thể gần gũi với bà, vì có đứa đến vài tuổi mới gặp bà. Cô con dâu cũng khách sáo nên chị không nghĩ sẽ ở cùng cậu con trai thứ 2.
Con trai Út của chị lại quá hiền lành, vợ nói sao nghe vậy. Mỗi lần đi đâu cùng vợ chồng con trai, chị muối mặt vì vợ quát chồng y như ở nhà. Bất cứ chuyện gì, con trai chị cũng phải thông qua vợ. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Chị chỉ mong vợ chồng con trai Út sống đầm ấm với nhau, chứ không nghĩ sẽ ở cùng.
Cô con gái duy nhất của chị thì lanh lợi, chịu khó làm ăn và rất thích về ở cùng mẹ, nhưng cô bị anh Hai với tính tình gia trưởng cực lực phản đối: “Con gái phải theo chồng chứ không về nhà mẹ ở”.
Vậy nên cả những chuyến về nhà chơi, cô em gái cũng chẳng thể ở lâu. Anh em thuở nhỏ thương yêu nhau, đến khi có gia đình thì khác hẳn.
Vậy nên chị tôi không tìm ra lời giải đáp cho việc sẽ sống cùng người con nào lúc tuổi già. Mà “tuổi già” ấy đến nhanh lắm. Ngoài 50 tuổi “nó” đã nhắc nhở chị bằng những cơn đau xương khớp khi trái gió trở trời, huyết áp cao, thoát vị đĩa đệm… Túi thuốc chị mang theo bên người mỗi khi đi đâu, còn nhiều hơn là hành lý cá nhân…
Càng có tuổi, chị càng để ý những chuyện không đâu, rồi buồn. Có thể do chị quá kỳ vọng vào con cái, rồi giờ đứa nào có phần đời đứa nấy, sống cho bản thân mà chẳng đoái hoài gì đến mẹ, nên chị tủi thân.
Có lần, chị gọi điện cho tôi, tâm sự: “Nghĩ lại, nhiều lúc thấy thương mình. Hồi con cái còn nhỏ, lúc nào cũng nghĩ cho con, chẳng khi nào nghĩ cho bản thân mình. Đến mức, thèm tô phở cũng chẳng dám ăn, vì biết với giá 1 tô phở có thể mua thêm cho con hộp sữa, cái bánh… Vậy mà con cái lớn lên coi mình chả ra sao”.
Tôi chưa chạm đến ngưỡng tuổi ấy nên mọi ý nghĩ cũng chỉ dừng lại ở suy đoán chứ không có trải nghiệm. Nhưng qua chị, tôi có dịp nhìn lại thế hệ cha mẹ mình. Dường như họ chẳng mấy lăn tăn việc sống với ai. Thậm chí, có người sinh ra, lớn lên rồi già đi trong một căn nhà như lẽ tất nhiên, chẳng hề có sự chọn lựa nào khác.
Tôi nhớ, sau khi bố mất, sợ mẹ buồn, chị gái tôi gợi ý chở mẹ về nhà chị ở ít hôm. Vừa để có mẹ có con thủ thỉ với nhau sau biến cố quá lớn, vừa là dịp để chị tôi có cơ hội chăm sóc mẹ. Bố mất, bao tình thương của các con đổ dồn về mẹ. Nhưng mẹ tôi nói mẹ không đi đâu cả, mẹ ở nhà “với bố”. Mẹ muốn sáng tối thắp nén nhang cho bàn thờ bố luôn ấm áp. Và rồi, mẹ cũng mất đi ở căn nhà đó.
Tôi đã nghĩ, khi trẻ người mới lăn tăn quá nhiều về vấn đề “với ai”, “cùng ai”, còn khi con cái đề huề, mọi thứ đã được “ấn định” rồi chứ!
Hóa ra không phải vậy.
Ti Gôn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ve-gia-se-song-voi-ai-a1522448.html” name=””]