Từ khi cậu tôi mất, má tôi sống không được yên ổn. Xem bà như… món hàng, các anh chị tôi tranh nhau mang đi giấu.
Cậu tôi không vợ con. Năm ngoái, cậu qua đời sau mấy năm điều trị bệnh ung thư. Má tôi là người thân duy nhất, được cậu lập di chúc, để lại ngôi nhà 4 tầng khang trang.
Ở tuổi 80, được sở hữu ngôi nhà trị giá không dưới 5 tỷ đồng, mà má tôi sống không còn yên ổn. Chuyện bắt đầu từ tờ di chúc má để lại ngôi nhà đó cho tôi, mà chính tôi cũng không biết việc này.
Từ khi cậu tôi mất, má tôi bắt đầu những ngày sống không được yên ổn (Ảnh minh họa) |
Trong nhà, tôi là con út và chưa lập gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại TPHCM làm việc. Cuộc sống xa nhà, mưu sinh nơi xứ người vất vả nhưng tôi được đánh giá là người con hiếu thảo. Thương má cả đời lam lũ, chồng mất sớm, một mình tảo tần nuôi năm người con khôn lớn nên làm có bao nhiêu, tôi đều gửi hết cho bà.
Má sống rất tiết kiệm. Phần lớn tiền tôi gửi về bà sắm vàng cất. Sau đó, để ý trong xóm có người nào bán rẻ đất, bà liền hỏi mua. Nhờ vậy, anh ba, chị tư, chị năm khi có gia đình đều có đất cất nhà, ổn định cuộc sống. Riêng anh hai thì má cho ngôi nhà cả gia đình sinh sống lâu nay. Ngôi nhà đó dột nát, tôi cũng từng gom góp tiền đưa anh hai sửa sang, để má có chỗ ở tinh tươm.
Nhiều khi trộm nghĩ, với thu nhập của mình trong chừng ấy năm, nếu không gửi má, tôi biết mình dư sức mua một căn hộ giữa thành phố đắt đỏ. Nhiều người cũng từng khuyên tôi nên lo cho bản thân mình trước, dư dả mới gửi về để má lo cho các anh chị. Nhưng tôi có lý lẽ của mình, dù lý lẽ ấy rất đơn giản là khiến má được vui.
Ngôi nhà quê má cho anh hai, từng dột nát, tôi cũng gom góp tiền gửi về sửa sang, để má có chỗ ở tươm tất (Ảnh minh họa) |
Cách đây hai tháng, một cán bộ làm ở ủy ban xã gặp anh hai tôi trong một đám giỗ của xóm. Lúc ngà ngà say, ông tiết lộ với anh hai tôi rằng, má đã làm di chúc để lại cho tôi chính ngôi nhà mà cậu cho má. Hôm đó, má lên xã cùng với một luật sư, kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe bình thường, tinh thần minh mẫn.
19 giờ, từ đám giỗ, anh hai tôi tức tốc trở về, mở cuộc họp gia đình. Tôi ở xa, điện thoại liên tục đổ chuông. Hết anh hai đến anh ba cùng hai chị chung nhau một câu hỏi cho tôi: “Cậu tham lam vừa phải thôi nhé. Cậu muốn một mình độc chiếm ngôi nhà của cậu phải không? Má già rồi, biết gì, cậu lừa bà đi làm thừa kế phải không?”.
Tôi sửng sốt. 42 tuổi, lần đầu tôi bật khóc như một đứa trẻ. Dù chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng lời lẽ của anh chị khiến trái tim tôi vỡ vụn.
Hôm sau, tôi bắt xe vượt hơn 500 cây số về quê, đến nhà đã quá nửa đêm. Tôi chạy một vòng từ nhà trên xuống bếp, ra sau vườn nhưng không thấy má đâu.
Anh hai đứng ngó theo tôi, tỉnh rụi: “Ngủ đi, mai chúng tôi nói chuyện với cậu, còn má không có ở đây đâu mà tìm”. Tôi sững sờ, hỏi lại “má đâu” nhưng anh bỏ đi ngủ. Tôi sang nhà các anh chị khác tìm má nhưng không ai mở cửa.
Sáng ra, anh hai gọi các anh chị sang nhà. Lặp lại những lời trách móc tôi “dụ dỗ” má, sau cùng, các anh chị đã đề nghị tôi: “Một là cậu làm đơn từ bỏ quyền thừa kế, hai là không bao giờ cậu được gặp lại má”.
Lúc này, tôi chỉ quan tâm chuyện má ở đâu, kiên quyết phải gặp được bà rồi mọi chuyện cứ theo ý anh chị. Thế nhưng, họ không đồng ý. Tôi vừa buồn vừa điên tiết, đứng dậy bỏ đi.
Hai ngày dài ở quê, mảnh đất chôn nhau mà tôi như người xa lạ lần đầu đặt chân đến xứ sở này. Ngày thì tôi cơm hàng cháo chợ, tìm người quen hỏi thăm má ở đâu. Đêm mệt lả về ngủ trên chiếc giường của má.
Dì bảy, một người hàng xóm có lẽ thương tình, kéo tôi lại kể chuyện. Dì cho hay, có lần má tôi tâm sự với dì, rằng bà thương tôi hiếu thuận, hy sinh nhiều cho gia đình nên quyết lòng lập di chúc cho tôi ngôi nhà của cậu. Dì bảy còn kể, má biết tính tình các anh chị của tôi, nên mới lặng lẽ ra chính quyền mà không cho ai hay.
Má lặng lẽ lập di chúc để lại ngôi nhà cho tôi (Ảnh minh họa) |
Tôi ngồi viết lá đơn theo ý của anh chị. Nội dung rằng, dù má có lập di chúc để lại cho tôi bất cứ thứ gì, tôi đều không nhận. Để lại lá đơn trên bàn, tôi mang ba lô trở về thành phố, một lần nữa bật khóc vì lòng dạ nát tan, vì tình anh em đã xáo xào, tan nát.
Bốn hôm sau, chị tư gọi điện cho tôi, giọng hốt hoảng: “Hôm qua anh hai đưa má ra ủy ban lập di chúc mới. Rồi qua giờ không ai biết má ở đâu cả. Chị qua nhà mấy lần tìm cũng không thấy. Kiểu này là ổng muốn một mình thừa kế hết, em lo về giải quyết đi”.
Không phải chuyện nhà cửa, mà thấy lo cho má, tôi quyết lòng thu xếp về quê thêm một chuyến. Thế nhưng, tôi chưa kịp về thì hai hôm sau, chị năm lại gọi vào, cho hay: “Chị tư với anh ba mang má đi đâu không ai biết cả em. Nhưng chị nghe người ta bàn tán có thể má lập di chúc mới vì họ được mời đến làm chứng”.
Tôi tắt máy giữa chừng, chán nản vô cùng.
Về nguyên tắc, di chúc được lập sau cùng mới là di chúc có hiệu lực, nếu được lập hợp pháp. Có lẽ nghĩ vậy, các anh chị tôi đã thay nhau giữ má, mang bà đi giấu để không bị những người con còn lại “dụ dỗ”.
Hiện tôi không biết phải quyết việc này ra sao. Đau lòng nghĩ về những ngày nghèo khó thương yêu lẫn nhau, tôi ít nhiều trách giận anh chị “mờ mắt”, thay lòng đổi dạ, đánh mất tình cảm thiêng liêng của gia đình chỉ vì một ngôi nhà. Nhưng hơn thảy, điều làm tôi lo lắng vẫn là sức khỏe của má. Sống đến tuổi này, bà bị các xem như một món hàng, thi nhau giành giật, không một ngày yên ổn.
P. Vân
(ghi theo lời kể của anh Trần Xuân T. – Q.11, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vi-tai-san-thua-ke-con-cai-ra-suc-tranh-gianh-mang-ca-me-gia-di-giau-a1467891.html” name=””]