Vốn dĩ nguồn gốc của ngày Black Friday lại không liên quan gì tới mua sắm, và đúng như cái tên, nó có nguồn gốc đen tối hơn một ngày lễ khuyến mại nhiều.
Black Friday hay Thứ Sáu Đen Tối trong vài năm trở lại đây đã trở thành một hiện tượng phổ biến của ngành tiêu dùng và mua sắm. Bắt nguồn từ nước Mỹ, ngày này đã lan ra khắp thế giới và trở thành một trong những sự kiện khuyến mãi/giảm giá được mong chờ nhất trong năm tại nhiều quốc gia.
Black Friday thường diễn ra vào thứ Sáu đầu tiên sau ngày Lễ Tạ ơn (thứ Năm thứ 4 của tháng 11 tại Hoa Kỳ). Đây còn được coi là ngày mở màn cho mùa mua sắm Giáng sinh của Mỹ – một trong những thời điểm hoạt động tiêu xài của người dân lên mức cao nhất trong năm.
Vì sao gọi là Black Friday?
Nhiều người lý giải rằng cái tên Black Friday bắt nguồn từ việc từ sau Lễ Tạ ơn, các cửa hàng sẽ bắt đầu buôn bán được, có lãi và hiện số dư “màu đen” trong tài khoản ngân hàng (thời xưa ở Mỹ, kế toán thường sử dụng mực đỏ để đánh dấu ghi nợ và mực đen để đánh dấu ghi có). Thậm chí tiếng Anh Mỹ còn có một thành ngữ riêng chỉ hiện tượng này là “in the black”.
Tuy nhiên, sự thật thì nguồn gốc của ngày Black Friday có chút “đen tối” hơn nhiều.
Theo Ben Zimmer, chủ mục Ngôn ngữ của tờ The Wall Street Journal, Black Friday là một cụm từ đã được dùng từ cách đây khá lâu để nhắc một cách chung chung tới các sự kiện tiêu cực xảy ra vào thứ Sáu.
Một trong những lần đầu tiên cụm từ này được sử dụng là tít tận năm 1869. “Hồi đó có một cặp nhà đầu tư tên Jay Gould và James Fisk. Họ đã đầu cơ và làm lũng đoạn thị trường vàng, gây ra một vụ khủng hoảng tài chính và ngày diễn ra sự việc đó đã được gọi là Black Friday'”, Ben giải thích.
Không có bằng chứng xác đáng về việc ai là người đầu tiên nghĩ ra cụm từ này hay việc nó được sử dụng cho ngày ngay sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng có thể việc này đã bắt nguồn từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Nhưng kể cả vào lúc đó, khi đã có “tuổi đời” khoảng hơn 80 năm, cụm từ này vẫn chưa liên quan gì đến mua sắm hết, mà đơn giản ám chỉ việc vắng mặt của người lao động tại các nhà máy khi họ quyết định bỏ làm vào ngày này để nghỉ thông từ thứ Năm Tạ ơn đến cuối tuần. Một thời gian ngắn sau, cụm từ này bắt đầu được sử dụng bởi giới cảnh sát để nhắc đến ngày mua sắm nhộn nhịp nhất năm diễn ra ngay sau Lễ Tạ ơn và ngay trước trận bóng bầu dục thường niên giữa đội của Học viện West Point và Học viện Hải quân Hoa Kỳ.
Cảnh tượng chen lấn mua hàng vào ngày này từng khiến cảnh sát Mỹ “ám ảnh”.
Khi đó, Black Friday vẫn mang nghĩa tiêu cực khi cảnh sát cho rằng họ phải làm việc quá sức để đối phó với tình trạng giao thông, tắc nghẽn và đảm bảo an ninh trong thời điểm này.
Phải tới cuối những năm 1980, cụm từ này mới đồng nghĩa với ngành bán lẻ và các sự kiện khuyến mãi. Không muốn giữ ý nghĩa tiêu cực trước đây của nó và muốn tận dụng cái tên này cho chiến dịch khuyến mãi, các nhà bán lẻ bắt đầu “tái phát minh” cụm từ theo nghĩa số dư ghi có bên trên đề cập. Từ lúc này, Black Friday gắn với ý nghĩa các cửa hàng bắt đầu thu được lợi nhuận.
Nhờ chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi liên tục không ngừng nghỉ của các nhà bán lẻ sau nhiều năm, ý nghĩa này trở nên thông dụng cho tới ngày nay và đã trở thành một phần không thể tách rời của ngành tiêu dùng, mua sắm, tương tự như Cyber Monday hay Small Business Saturday.
Các phiên bản tương tự Black Friday
Black Friday không phải dịp duy nhất người tiêu dùng thấy mức giá giảm sâu ở nhiều mặt hàng khác nhau để kích cầu. Khi mua sắm và đặc biệt là các kênh trực tuyến ngày càng phát triển, càng có nhiều ngày được giới kinh doanh tận dụng cho mục đích tăng doanh số. Một vài trong số đó là:
Boxing Day, hay Day After Christmas (ngày sau Giáng sinh), thường diễn ra vào 26/12 hàng năm. Ngày này phổ biến hơn ở Anh, Canada, Úc, New Zealand và các nước châu Âu và cũng được coi là ngày hội giảm giá lớn nhất năm tương đương Black Friday tại các quốc gia này.
Cyber Monday (thứ Hai điện tử): Một phiên bản “ăn theo” của Black Friday, diễn ra vào thứ Hai liền kề sau Lễ Tạ ơn và thường được áp dụng bởi các nhà bán hàng trực tuyến nhằm đẩy doanh số.
Mua sắm online cũng có ngày riêng để quảng cáo – gọi là Cyber Monday.
Small Business Saturday (thứ Bảy dành cho doanh nghiệp nhỏ): Hơi khác so với các ngày còn lại, ngày này diễn ra ngay sau Black Friday và là dịp thường niên để người tiêu dùng ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương nhằm khuyến khích họ trong mùa mua sắm.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/vi-sao-black-friday-tro-thanh-dip-khuyen-mai-bung-no-nhat-trong-nam-20221125100345869.chn” name=””]