Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm, tôi nhảy việc đến 3 nơi. Liệu, có đúng như lời bạn thân nói, tôi là đứa quá cầu toàn?
Nhà nhà người người bắt đầu gác lại chuyện ăn, chơi để bắt đầu “cày vụ mới”. Riêng tôi, hết tết tôi vẫn chưa có lý do gì để tất bật, vì từ trong tết tôi đã chủ động xin nghỉ việc.
Từ Phú Quốc, tôi về Huế trong tâm trạng lơ lơ lửng lửng. Ngay phút giây ấy, tôi thật sự không biết mình muốn gì. Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm, tôi nhảy việc đến 3 nơi. Liệu, có đúng như lời bạn thân nói, tôi là đứa quá cầu toàn?
Bạn tôi cho rằng tôi quá cầu toàn trong công việc ( Ảnh minh họa) |
Những ngày tết, tôi cùng ba mẹ đi thăm họ hàng. Đã lâu không gặp nên mọi người cởi mở chia sẻ chuyện này chuyện kia, nhiều nhất vẫn là chuyện công ăn việc làm.
Anh Tuyên, con bác tôi mấy năm nay làm ăn khấm khá trong một nhà máy dệt may. Vợ anh cũng vậy. Hai người “song kiếm hợp bích”, thường xuyên đầu tư sắm sanh, chỉnh trang nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành với điều kiện tốt nhất.
Thế mà tết năm nay, gian thờ đèn nhang lợt lạt, phía trước căn nhà cũng không bày biện tầng tầng lớp lớp hoa tươi, chậu cảnh như mọi năm.
Anh kể: “Nơi anh làm là công ty con của một công ty mẹ ở TPHCM nên chưa bị đóng cửa. Chứ nhiều cơ sở dệt may nhỏ lẻ quanh khu vực điêu đứng, lần lượt giải thể vì thiếu đơn hàng. Ra Giêng, vợ chồng anh cũng chưa biết tính sao vì kế hoạch sản xuất năm mới chỉ cập nhật được tới tháng 3. So với mọi năm thì kém hẳn 5 tháng. Đợt tết vừa rồi, hai vợ chồng chờ mãi đến ngày cuối mới nhận được lương. Thưởng tết không có đồng nào nên chi tiêu dịp tết chật vật, khó khăn”.
Từ nhà bác bên nội, tôi sang thăm nhà cậu bên ngoại, thấy Tiến con cậu lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, liên tục gọi điện đặt xe để vào Nam. Hỏi ra mới biết, Tiến thất nghiệp nghỉ ở nhà, phụ giao thịt bò cho mẹ đã mấy tháng nay.
Tiến kể: “Mấy năm gần đây, người trẻ ít học hành ở các tỉnh miền Trung như bọn em ít nhiều đều không cần xa quê kiếm chỗ làm ăn như thế hệ trước. Ngay ở quê hương cũng có nhà máy, các cụm công nghiệp để đầu quân. Nhưng tình hình bây giờ đã khác, trong cơn địa chấn thất nghiệp, làn sóng di cư vào Nam đang rộn ràng trở lại. Từ hôm qua đến giờ, em đặt xe mãi vẫn chưa có chỗ. Giá vé máy bay thì đắt, gần 5 triệu đồng một chiều bay”.
Tôi hỏi em đã liên hệ trước hay có quen ai nhờ kết nối, giới thiệu chỗ làm ở TPHCM. Em trả lời: “Em đi đại, cứ vào trong đó rồi tính. Không ở TPHCM thì em về Bình Dương, Biên Hòa, chắc chắn cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn ở quê”.
Tiến nhiều lần chán nản vì cảnh thất nghiệp ( Ảnh minh họa) |
Con đường lập nghiệp phương xa của Tiến dẫu thật mơ hồ, chưa có gì rõ ràng nhưng có lẽ đó là phương án cuối sau gần cả năm trời thất nghiệp, long nhong. Cậu bảo đã chán việc ngày nào cũng phải dậy 3g sáng đi giao thịt cho mẹ rồi cả ngày sau đó vật vờ, lê la ở quán cà phê vì ngại chạm mặt cha.
Mọi người thay nhau kể chuyện với vẻ mặt âu sầu, lo lắng mà đâu biết chính tôi cũng đang rối ruột. Với kiến thức chuyên ngành du lịch được đào tạo bài bản và hơn 5 năm kinh nghiệm trong nghề dịch vụ từ Bắc chí Nam, liệu trong năm mới tôi có thể gặp duyên lành, cơ hội nào đó để mình kết nối?
Với tôi, sự nghiệp không phải là một nơi, một điều gì đó chỉ để kiếm tiền, thăng tiến, mà còn là một nơi chốn để mình đi về, phụng sự, gắn bó. Điều tôi cần bây giờ có lẽ là một quãng nghỉ để bản thân có cơ hội nhìn nhận lại, lắng đọng lại, sau đó mới bình tĩnh đặt ra mục tiêu.
Cánh đồng cuối vụ có được mùa, vui vẻ hay không phụ thuộc rất lớn vào độ, nông sâu của những đường cày. Người cày ruộng là tôi đây không thể ra đồng với tâm thế uể oải, tùy tiện, được chăng hay chớ. Chỉ cần có môi trường làm việc phù hợp, tôi sẽ luôn làm việc bằng thái độ nghiêm túc, cầu thị, tận tâm và cống hiến.
Tôi sẽ ở nhà với ba mẹ hết tháng Giêng cho căn nhà đỡ vắng, sau đó sẽ cân nhắc, lựa chọn điều gì, nơi nào, thật sự phù hợp với nhu cầu, sở trường, sở thích của bản thân, rồi đi tiếp cũng chưa muộn.
Thanh Tuyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vi-that-nghiep-toi-se-o-nha-voi-cha-me-den-het-thang-gieng-a1483994.html” name=””]