Duyên nợ với trần gian đã chấm dứt, nhưng tinh thần mang tên Vivienne Westwood cùng những di sản của bà sẽ còn được lưu truyền tới đời sau.
Làng thời trang hôm nay hẳn đã chết lặng trước thông tin Vivienne Westwood qua đời. Những dòng viết đong đầy nỗi niềm thương tiếc, những bức ảnh hoài niệm về nhà thiết kế đại tài giờ ngập tràn khắp mạng xã hội. Một bộ phận giới trẻ ngày nay, đặc biệt là những thế hệ chưa từng nhen nhóm trong tim ngọn lửa yêu thời trang, có lẽ chỉ được biết tới cái tên Vivienne Westwood thông qua những bài đăng và dòng cáo phó vắn tắt đang nổi trên Internet.
Vivienne Westwood đã sống qua nhiều thập kỷ, tạo dựng tên tuổi khi mà Internet vẫn còn là điều gì đó quá xa vời với người dân Anh Quốc. Xuyên suốt thời kỳ trị vì “ngôi báu” của mình, bà đã cống hiến cho ngành thời trang tài nguyên và di sản lẫy lừng, đủ sức truyền lửa cho giới yêu thời trang mai sau.
Linh hồn nổi loạn yêu đường kim mũi chỉ
Vivienne Westwood, tên đầy đủ là Vivienne Isabel Swire, không hề có xuất thân từ Hoàng tộc hay một gia đình nào thuộc tầng lớp thượng lưu. Bà sinh ngày 8/4/1941 tại ngôi làng Tintwistle Derbyshire (Anh), là con gái của bà Dora và ông Gordon Swire. Thời điểm đó cha của Vivienne chỉ là người trông kho của nhà máy sản xuất máy bay.
Năm 17 tuổi, bà học tại Trường Nghệ thuật Harrow nhưng được có một kỳ thì bỏ dở, cũng bởi suy nghĩ: Sẽ chẳng có một cô gái thuộc tầng lớp lao động nào như mình lại có thể kiếm sống bằng con đường nghệ thuật. Bà tiếp tục con đường học sư phạm rồi trở thành giáo viên khi ra trường – công việc có phần “lệch sóng” với một linh hồn thích nổi loạn.
Từ lúc thơ bé cho tới khi trưởng thành, Vivienne Westwood đã thể hiện sự khác biệt trong tính cách
Tất nhiên, dù có bị kìm kẹp tới mấy thì ngọn lửa trong Vivienne vẫn cứ sôi sục. Để kiếm thêm thu nhập, bà đã vận dụng kỹ năng học tại trường nghệ thuật để thiết kế đồ trang sức, những phụ kiện thời trang cá tính. Càng làm càng hăng say, bà dần biến công việc kiếm miếng cơm manh áo này thành một đam mê. Tham vọng dựng xây cơ đồ trong Vivienne Westwood được nhen nhóm từ đây.
Tháng 7/1962, nhà thiết kế tương lai lên xe hoa với với người chồng đầu là Derek Westwood. Chính bà cũng tự phác thảo và may chiếc váy cưới cho mình. Tiếc thay, Derek Westwood lại không phải người giúp cái tên Vivenne Westwood được bay xa hơn. Sự nghiệp của bà cũng chẳng mấy khởi sắc, cho tới khi chia tay chồng cũ và đến với người đàn ông có tên Malcolm McLaren.
Từng bước lên ngôi nữ hoàng Punk của làng thời trang
“Hổ mọc thêm cánh” là câu nói chỉ một sự vật vốn đã mạnh nay lại được tiếp thêm sức mạnh, đạt tới sự phát triển không ngừng. Có lẽ tình yêu với Malcolm McLaren, cùng những cảm hứng mà ông mang lại đã mở đường, kích thích sự nổi loạn trong bà. Vivienne Westwood đã mở cửa hiệu bán đầy những loại quần áo lấy cảm hứng từ xe phân khối lớn, tình dục, những sản phẩm mang vẻ đẹp nhục cảm,… Ở thập niên cũ, sự phá cách điên loạn thế này không được chào đón là mấy, nhưng điều đó cũng không cản được bước chân của nữ hoàng Punk.
Không có Malcom, chưa chắc chúng ta đã có một Vivenne Westwood được người đương thời trọng vọng
Những biệt hiệu gây sốc như “Sex”,”Too Fast To Live Too Young To Die”, “Let It Rock”,… dần xuất hiện đầy rẫy phía bên ngoài cửa hàng của bà. Tên tuổi thương hiệu đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng khi các những trang phục mà bà thiết kế được Sex Pistols – nhóm Rock thành danh nhất thập niên 70, diện khi biểu diễn.
Những thiết kế phá cách, thể hiện sự điên loạn nhưng đầy chất thơ mà ngày nay chúng ta thấy, thực chất chịu ít nhiều ảnh hưởng từ đường lối sáng tạo của bà. Từ cách đây vài thập kỷ, bà đã mạnh dạn khai phá những giới hạn mới mà các NTK hiện đại còn e ngại. NTK Jasper Conran từng khẳng định rằng: “Vivienne làm ra rồi những kẻ khác sẽ bắt chước”.
Những thiết kế đặc sắc của Vivienne bao gồm corset, váy ngắn mang đường nét váy vóc thời Victoria, trang phục lịch sử của Anh được cách tân, quần áo được lấy cảm hứng từ các bức tranh nổi tiếng, những đôi giày wedge thế kỷ 19,…
Đôi khi, trang phục của bà mang tính cực đoan. Làng mốt từng chứng kiến pha ngã nhào duy nhất trong đời siêu mẫu Naomi Campbell, ngay tại sàn diễn của Vivienne chỉ vì đôi giày cao gót quá khó để đi
Sau thời kỳ chung sống, Vivienne dần tách khỏi Malcolm McLaren vào đầu thập niên 80 vì những bất đồng riêng, rồi độc bước tạo dựng con đường cho chính mình. Dòng sản phẩm Mini-Crini của bà là những chiếc váy ngắn phồng có tính ứng dụng cao được cho ra đời năm 1985 để rồi ít năm sau, thương hiệu Westwood phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tới cuối thập niên 80, cái tên Vivienne Westwood như một thỏi nam châm khổng lồ thu hút các tín đồ mua sắm tìm đến mọi buổi trình diễn của bà ở Paris, cũng như đổ xô tới những nơi bày bán các sản phẩm của thương hiệu.
Với bà, áo quần luôn ẩn chứa phía sau một câu chuyện. Chúng có có bản sắc riêng, tính cách và mục đích. Đó cũng là lý do tại sao những thiết kế của bà trở thành kinh điển, bởi vì chúng có thể mãi mãi kể chuyện
Năm 1990 và 1991, bà liên tục nhận giải thưởng “Nhà thiết kế người Anh của năm”. Vivienne ngày càng tiến gần hơn nền công nghiệp thời trang thế giới. Không lâu sau, NTK phải lòng Andreas Kronthaler – một giảng viên dạy thời trang ở Áo. Họ kết hôn năm 1993, sau đó Andreas Kronthaler cũng trở thành đối tác kinh doanh của bà.
Bên cạnh những câu chuyện hoa mỹ lãng mạn, chính trị cũng là chủ đề mà “Lão bà bà” này gửi gắm vào trang phục. Bà sử dụng danh tiếng để ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân, phản đối luật chống khủng bố cũng như vấn nạn tiêu dùng quá mức. Bà phê phán những thói hư tật xấu bằng nghệ thuật trào phúng khéo léo, lên án việc con người phá hoại trái đất. Tâm lý tái chế, giữ tính bền vững và sống xanh của bà xuất hiện trong mọi hành động, từ may mặc bằng chất liệu bền vững, giảm rác thải thời trang cho tới việc đạp xe đi làm. Không chỉ tính sáng tạo vô biên mà phong cách sống “healthy” cũng là giá trị mà bà truyền lại cho đời sau.
Vivienne luôn cài cắm những thông điệp vào thời trang
Thông qua cách tiếp cận thế hệ “It Girl” trẻ và idol Kpop, cũng như tạo ra những phân cảnh kinh điển trong các bộ phim nổi tiếng, Vivienne Westwood giữ cho tên tuổi của mình sống mãi
Mẫu choker bằng ngọc trai giả này là cách để Vivienne Westwood lan truyền thông điệp nổi loạn, chống lại những trang sức ngọc trai cổ điển đắt đỏ. Đây cũng là một di sản được hậu thế tôn vinh
Vivienne Westwood bộc bạch: “Phong cách của tôi là không bao giờ nghỉ hưu!”. Thời trang đối với bà là cái duyên, cái nợ không thể tránh. Tới mức dù đã chân yếu, mắt mờ, bà vẫn không ngừng lao động và cống hiến cho thời trang. Duyên nợ với kiếp người của Vivienne là hữu hạn, nhưng đối với làng mốt của hôm nay và mai sau, tên tuổi của bà là vĩnh hằng.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/vinh-biet-vivienne-westwood-nu-hoang-punk-cua-lang-thoi-trang-the-gioi-20221230122900595.chn” name=””]