Vết sơn chủ nợ tạt còn ướt trên cửa, vỏ chai bia sắc nhọn còn lăn lóc khắp nơi. Cuối năm mà cảnh nhà tan hoang…
Khi thất bại, đàn ông cần người thân bên cạnh nâng đỡ về tinh thần (Ảnh minh họa) |
“Làm ăn kiểu gì mà để vướng nợ nần, để chủ nợ kéo đến nhà chửi bới, khủng bố. Anh là loại vô dụng” – vợ hét lớn, chỉ tay vào mặt tôi rồi hậm hực dắt cu Bin ra đường vẫy taxi về nhà ngoại.
Cu Bin ngoái nhìn tôi mếu máo. Vợ lôi con xềnh xệch, ấn vào xe. Tiếng gào khóc của con khiến tôi thêm bấn loạn…
Thời điểm đó là 23 tháng Chạp, nhà nhà đang rộn ràng cúng tiễn ông Táo về trời. Nhà tôi thì không có tết. Vết sơn chủ nợ tạt còn ướt trên cửa, vỏ chai bia sắc nhọn còn lăn lóc khắp nơi… Cảnh nhà cửa tan hoang và vợ con bỏ đi, nhiều năm sau này còn ám ảnh tôi, nhắc tôi thận trọng từng bước…
Tôi đau lòng vì chủ nợ nhục mạ đã đành, càng đau hơn khi vợ bỏ rơi tôi vào thời khắc gian nan. Tôi không phủ nhận gia sản có được là nhờ nhà vợ giúp. Ba mẹ vợ có công ty bất động sản. Tôi chập chững vào nghề môi giới nhà đất là nhờ ba vợ dìu dắt. Mảnh đất đầu tiên tôi mua là nhờ ba vợ giúp vốn. Sau này tôi có thể tự lập, dù đã trả hết tiền sòng phẳng cho ba vợ, nhưng ơn của ông tôi mãi không quên.
Vợ tôi sung sướng từ nhỏ. Đi làm ở công ty nào vợ cũng chê sếp dở, đồng nghiệp “cà chớn”, nên cô ấy không trụ được lâu. Nhà có người giúp việc, nên vợ không phải động móng tay. Rảnh rỗi, vợ cùng hội bạn thân đi shopping, du lịch trong nước lẫn nước ngoài.
Tôi tự hào có thể cho vợ con cuộc sống sung sướng, nhàn nhạ, nên việc vợ rong chơi tôi không ý kiến. Nhưng tôi cũng biết buồn những khi uể oải trong người, thèm tô cháo nóng mà vợ lười biếng nấu. Tôi cảm sốt, phải nhờ đồng nghiệp mua thuốc mang tới vì vợ sợ ra đường gặp khói bụi, nắng nôi…
Người ta hay nói vợ chồng không quan tâm nhau thì không còn là một gia đình. Tôi thì cố níu vào niềm tin: tôi đã hết lòng vì vợ sẽ luôn ở đó, cùng tôi sẻ chia cả khi thất bại. Nhưng cuộc đời quả thật khó lường…
Thị trường bất động sản vốn bất ổn. Vốn liếng của tôi không nhiều, phần lớn là tiền vay nên năm ấy thấm đòn khá nặng. Hàng loạt dự án chôn chân tại chỗ. Số đang trả góp thì không trụ nổi, phải bán đổ bán tháo…
Tôi giật đầu này vá đầu kia cũng không cầm cự được lâu. Chủ nợ dằn mặt tôi mấy lần, rồi cho người tạt sơn, ném vỏ chai vào nhà. Họ chửi bới những lời rất khó nghe, khiến tôi vuốt mặt không kịp. Bạn bè từng góp vốn cùng tôi, giờ thấy tôi khất nợ lần hồi cũng coi tôi như kẻ thù…
Ba vợ biết cảnh tôi lao đao, ông động viên tôi: “Ba biết vợ con nói những lời khó nghe, con nể mặt ba, đừng chấp. Đàn ông có lúc co lúc duỗi, con đừng vì vậy mà nản lòng. Té ở đâu thì đứng lên ở đó, phải chứng minh cho vợ con thấy con thật sự có bản lĩnh”.
Lời khuyên của ba khiến tôi tỉnh ngộ. Đời người, sợ nhất là không có ý chí, buông xuôi bản thân. Mất đi ý chí thì chẳng thể gầy dựng lại sự nghiệp. Sự gục ngã có thể khiến con người ta tuyệt vọng, dẫn đến quyết định sai lầm…
Tôi đã gượng dậy sau thất bại ê chề. Tôi thận trọng hơn trong công việc, không còn những pha liều mạng. Chọn đối tác làm ăn, tôi cũng nhìn trước ngó sau cẩn thận. Tôi cũng lảng dần những người bạn từng dồn tôi vào đường cùng. Nhờ vậy, tôi không còn cảm giác bất an, giải quyết công việc cũng sáng suốt hơn.
Những công trình nhỏ, tôi quyết định bán cắt lỗ để thanh toán nợ nần. Quy mô công ty chính tinh gọn hết mức và bắt đầu khởi sắc.
“Lúc gian nan, điều anh cần là có người thân bên cạnh. Dù không giúp được gì nhưng về tinh thần thì rất quan trọng…” – những lời gan ruột đó, tôi nói với vợ không phải để dằn hắt, mà để vợ hiểu mối quan hệ nào cũng có ranh giới.
Sau mấy tháng tá túc nhà ngoại, hẳn vợ hiểu ra không ai bằng chồng, không ở đâu bằng nhà mình. Vợ biết lỗi, cô ấy bớt sắm sửa, biết lo toan vun vén gia đình hơn.
Cú trượt té trên thương trường cũng biến tôi thành người trầm tĩnh, biết sống chậm.
Đức Huy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-chi-mat-noi-toi-vo-dung-roi-mang-con-ve-ngoai-a1482029.html” name=””]