Chồng tôi là một người tài giỏi, nhưng… nhát. Hàng trăm lần trải nghiệm sự nhát cáy của anh, tôi vẫn không thấy lạ lùng bằng cái lần anh nhát cáy vì… sốt cao – một sự kiện cách đây mấy ngày.
Khi sốt cao đến ngày thứ hai, anh nêu ra những viễn cảnh: “Chắc anh bị viêm não”, “Hay anh bị ung thư”… Ngay cả khi bác sĩ trả lời rằng đây là chứng sốt siêu vi, anh vẫn không ngừng tự đưa ra những chẩn đoán theo cơn sốt cứ xập xình lên xuống.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Đến ngày thứ tư, anh sốt đến 40 độ C. Anh trừng mắt nhìn cái nhiệt kế, rồi quăng nó xuống giường. Tôi mệt mỏi sau bốn ngày đêm vừa chăm sóc, vừa dỗ dành và động viên tinh thần anh, bèn ráng nói: “Phải một tuần mới đỡ mà anh!”.
Nhưng anh không nghe nữa. Anh kéo mền trùm kín mặt. Tôi bỏ ra ngoài. Trong tôi bắt đầu len lên một cảm giác ấm ức quen thuộc mỗi lần chứng kiến sự nhát cáy của anh. Tôi trách mình sao không lấy một người chồng mạnh mẽ, mà lại đi mê tài năng để rước lấy một ông chồng nhát cáy. Đã bao lần khi nhà có biến, tôi phải vừa làm trụ cột, vừa phải gánh vác tinh thần phụ anh, trong khi chính tôi cũng cần được nâng đỡ.
Tôi ngồi một mình ngoài ban công, chảy theo dòng suy nghĩ về những “sai lầm” của mình khi lấy ông chồng này. Hồi đó, anh đại diện một công ty Nhật Bản đến giao lưu với sinh viên về tuyển dụng. Tôi lúc ấy là sinh viên năm cuối ngành tiếng Nhật, mê anh như điếu đổ – một người xuất thân từ đại học kinh tế nhưng cực giỏi tiếng Nhật. Anh có phong thái của người Nhật, rất chỉn chu, chừng mực và tinh tế. Tình cảm tiến triển khi tôi ra trường, cũng vào làm trong công ty Nhật và nhiều lần phải nhờ vả anh gỡ rối, hướng dẫn…
Nhớ đến đó, tôi lại tự an ủi mình. Hồi đó, và ngay cả bây giờ, nếu không phải là người đầu ấp tay gối với anh thì có nằm mơ tôi cũng không hình dung nổi anh có lúc lại nhát cáy một cách vớ vẩn như thế.
Đang nghĩ vẩn vơ thì em chồng gọi điện. Trong điện thoại, em nói giọng run run:
– Chị có ở gần anh Quang đó không? Ảnh có mệnh hệ gì chắc em chết mất chị ơi!
Tôi bối rối không hiểu, cho đến khi cô ấy kể rằng cả nhà vừa mới nhận được ghi âm của anh ấy. Anh nói anh đang rất mệt và có thể sẽ không qua khỏi, đồng thời thều thào “phân chia tài sản” cho từng người. Nghe xong, tôi không những không lo lắng, mà còn bực dọc vì sự làm quá của anh.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Tôi vào phòng thì thấy anh vẫn nằm li bì. Nhiệt độ sốt đã hạ một chút. Lúc trở ra, tôi phát hiện một bản ghi âm “di chúc” đã được gửi đến email của mình khoảng một giờ trước. Nhưng tôi… không thèm mở ra.
Tôi lo bếp núc và dọn dẹp nhà cửa để tự vượt qua sự mệt mỏi, bực bội này. Nhưng đầu óc rảnh rang trong lúc dọn dẹp lại khiến tôi trôi vào sự thắc mắc không biết anh phân chia tài sản thế nào. Chúng tôi cưới nhau đã bốn năm nhưng chưa có con. Ngoài tình yêu, chúng tôi hầu như không có gì chung bởi anh đã tạo dựng nhà cửa, xe cộ ngay trước khi cưới.
Sống chung, anh bảo tôi cứ tự sử dụng tiền bạc của mình, còn anh sẽ lo liệu mọi chi phí trong nhà. Lúc này, tôi chợt thảng thốt nhận ra, nếu anh không còn trên đời, có thể tôi sẽ không giữ được bất kỳ một kỷ vật nào của anh, ngoài những tấm ảnh kỷ niệm…
Tôi mở bản ghi âm được gửi chung cho tất cả người thân trong gia đình anh. Đúng như miêu tả của em chồng, giọng anh thều thào, mệt mỏi. Anh bắt đầu bằng tài sản cho mẹ, là một cuốn sổ tiết kiệm và số tiền chi trả phần bảo hiểm anh đã mua khi mới đi làm. Anh dặn mẹ hãy chi tiêu cho những việc tạo ra sức khỏe và niềm vui. Mẹ đã vào tuổi không cần phải dành dụm gì nữa.
Tôi rơi nước mắt khi anh nói đến tuổi của mẹ. Đến em gái, anh để cho cô ấy chiếc ô tô, vì anh nhớ cô ấy từng nói “chắc dành dụm cả đời cũng không mua nổi chiếc này”, và anh đoán cô rất thích chiếc xe ấy.
Rồi anh gọi tên tôi, dặn tôi hãy gửi chiếc xe đạp của anh cho đứa cháu gọi tôi bằng dì. Anh biết mọi đứa con trai tuổi teen đều thích chiếc xe đó.
Còn lại, tất cả tài sản đứng tên anh, anh để lại cho vợ duy nhất là Nguyễn Như Thùy, số căn cước công dân XXX. Tôi phì cười khi nghe anh đọc số căn cước của tôi, vẫn là một sự chu đáo và lo xa đến ngây ngô. Anh nói tiếp, mong mẹ và em gái đừng buồn khi anh để toàn bộ tài sản cho vợ. Vì nếu anh mất sớm, anh đã rất vô trách nhiệm với người mà anh đã hứa là sẽ chung sống đến cuối đời.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Tôi vừa khóc vừa gọi điện cho bác sĩ. Sau khi nghe tôi mô tả tình trạng của anh, bác sĩ khẳng định anh đang bình phục, và hướng dẫn tôi nấu vài món ăn cho anh mau lại sức.
Tôi vào phòng. Dường như anh đã đỡ mệt khi cơn sốt đã hạ, và nhẹ nhõm khi đã lo xong phần di chúc. Anh đang nằm lướt điện thoại. Tôi ôm anh, khóc không ngừng và nói may mà anh vẫn còn đây, anh sẽ khỏe lại. Tôi chỉ cần chồng chứ không cần nhà cửa hay tài sản.
Trong một sự mủi lòng xen lẫn hạnh phúc vô bờ bến đó, lần đầu tiên tôi được nằm gọn trong sự vỗ về của một ông chồng nhát cáy.
Thùy Nguyễn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-khong-can-tai-san-a1472225.html” name=””]