Nhìn vợ, tôi chợt nghĩ về hình ảnh những người thầy, người cô mà mình đã được gặp trong đời. Đến khi về hưu họ vẫn ở trong ngôi nhà tôi ghé thăm gần 30 năm trước, vẫn chiếc áo sơ mi cũ sờn, vẫn chạy chiếc Honda 82. Nhưng luôn họ được đáp lại bằng những cái cúi đầu chào kính trọng.
8 giờ tối vợ tôi mới về đến nhà, bỏ mặc tôi quay cuồng với 2 đứa nhỏ. Tôi tự hỏi không biết một cô giáo mầm non thì làm gì đến 8 giờ tối ở trường?
Tôi cứ nghĩ vợ làm trường công thì hết giờ dạy, giáo viên sẽ hết việc. Ấy thế mà vợ tôi chẳng hôm nào tới nhà khi trời còn nắng.
Không ít giáo viên phải đầu hàng trước áp lực của nghề nghiệp (Ảnh minh họa) |
Chưa kịp giải tỏa nỗi bực dọc trong người, tôi đã thấy vợ buông mình xuống ghế ôm mặt khóc. Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì kinh khủng đã xảy ra.
Sau một hồi thút thít, vợ kể về chuyện có một phụ huynh của trẻ trong lớp làm ầm ĩ tại trường, khiếu nại lên ban giám hiệu vì vết bầm trên người trẻ. Chẳng là, bạn nhỏ ấy hôm qua đùa nhau với bạn khác, rồi hai cậu cào cấu lẫn nhau. Đến hôm nay các vết bầm hiện rõ hơn trên cánh tay và lưng.
Thế nhưng thay vì nghe lời giải thích, ông nội của bé cương quyết rằng đây là vết bầm do bị cô giáo đánh. Vị phụ huynh còn buông những lời khó chịu như giáo viên nhân cách yếu kém, vòi vĩnh phụ huynh, xuống cấp đạo đức nghề nghiệp…
Sau hơn 2 tiếng đứng giải thích, xin lỗi và hứa không để sự việc lặp lại phụ huynh mới chịu ra về, nhưng để lại lời doạ “chuyện này vẫn chưa xong với tôi đâu”. Hơn một tiếng sau đó, vợ tôi phải họp kiểm điểm với ban giám hiệu.
Đã vậy gần đây, liên tiếp những phi vụ lùm xùm không hay trên mạng xã hội liên quan đến cô giáo mầm non, nên vợ tôi càng nhạy cảm, dễ tủi thân.
Tôi nhìn lại mấy tiếng đồng vừa qua, khi một mình xoay xở với hai đứa nhỏ. Nếu được trả tôi gấp đôi giờ công hiện tại của vợ, tôi cũng sẽ lắc đầu. Chẳng phải là con mình thì chắc chắn tôi không đủ kiên nhẫn như thế. Ấy thế mà hằng ngày, vợ tôi chăm sóc gần 20 trẻ, với đủ các tính cách, thói quen khác nhau. Không hiểu nổi áp lực mà cô ấy đã phải chịu đựng lớn như thế nào.
Chờ vợ bình tĩnh lại, tôi nói: “Em có thấy áp lực quá không? Hay anh tìm hiểu một công việc mới cho em nhé. Chẳng nhiều thì đủ tiền rau cháo là được. Chứ nhìn thấy em thế này anh cũng xót xa…”.
Vợ tôi ngừng khóc, hít thở sâu mấy giây rồi nói: “Tại em lỡ yêu cái cảm giác ngày ngày đến lớp được các con vây xung quanh. Em khóc vì mệt mỏi và ức chế, nhưng em cũng khóc khi phải chia tay các con vào mỗi cuối năm. Em vui khi các con gọi em là mẹ, người mẹ thứ 2 của các con. Em thấy tự hào khi các con sau khi rời khỏi mái trường mầm non này biết lễ phép chào hỏi, biết ăn ngủ đúng giờ, biết vui chơi múa hát. Công việc em làm có thể không mang lại giá trị về tiền, hay có kết quả tức thì. Nhưng em biết em đang làm điều có ích… Rồi mai đây con mình, cháu mình cũng thế, cũng cần thầy cô tốt… Em không sao đâu, em khóc một tí thôi”.
Chẳng phải tự nhiên mà nghề giáo được gọi là nghề cao cả trong xã hội (Ảnh minh họa) |
Quả thật nhiều khi nhìn lại, tôi thấy mình cũng đang ích kỷ với khoản đầu tư cho giáo dục của các con. Một bữa ăn bán trú, một tiết học bổ sung đôi khi cũng phải so đo. Tôi có thể bỏ ra nhiều triệu đồng để mua sữa, đồ bổ cho con mà không suy nghĩ, nhưng học phí chỉ tăng vài chục ngàn đã thấy “bất hợp lý”. Phải chăng khoản đầu tư cho giáo dục không mang lại những kết quả có thể nhìn thấy một cách nhanh chóng, nên chúng ta đang bủn xỉn với nó.
Tôi chợt nghĩ về hình ảnh những người thầy, người cô mà mình đã được gặp trong đời. Đến khi về hưu vẫn ở trong ngôi nhà tôi từng ghé thăm gần 30 năm trước, vẫn chiếc áo sơ mi cũ sờn, vẫn chạy chiếc Honda Cub. Nhưng họ luôn được đáp lại bằng những cái cúi đầu chào kính trọng.
Lê Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-toi-khong-the-bo-nghe-giao-vien-mam-non-a1478258.html” name=””]