Thái độ khác lạ của mẹ chồng khi con dâu chạm vào chiếc túi vải đã cũ sờn, rách mép làm tôi sinh nghi. Và một lần bà đi vắng, tôi tò mò mở thử thì giận run người khi nhìn thấy món đồ bên trong.
Chồng tôi là con trai duy nhất, dưới còn có 2 cô em gái đều đã yên bề gia thất. Bố chồng lại mất sớm, thế nên chuyện sống chung cùng mẹ chồng là không thể tránh khỏi. Cũng vì thế, rất nhiều lần tôi thấy cuộc hôn nhân này thật quá mệt mỏi, áp lực…
Mẹ chồng tôi rất tiết kiệm. Hồi tôi còn đang bầu, bà bảo ở nhà chơi lãng phí thời gian, thế là tự đi gõ cửa từng nhà khu chung cư hỏi ai cần giúp việc cho bà làm. Sự kiên trì của bà cũng được đền đáp. Mẹ chồng tôi được nhận vào trông em bé cho đôi gia đình ở tòa bên với mức lương 5 triệu, trông từ 6h sáng tới 6h tối.
Toàn bộ số tiền đó tôi không rõ bà cất giữ ra sao, nhưng chưa bao giờ bà bỏ 1 đồng nào san sẻ cùng vợ chồng tôi phí sinh hoạt. Chồng tôi bảo con cái chăm sóc, phụng dưỡng mẹ là đúng rồi, tính toán làm gì vài đồng bạc. Nhưng tôi thì chẳng cần bà đóng góp nhưng thi thoảng cũng nên đồng quà tấm bánh cho con cho cháu. Một hành động quan tâm nho nhỏ ấy thôi, vậy mà mẹ chồng chẳng bao giờ bỏ ra 1 đồng.
Mặc dù mẹ chồng hỗ trợ trông cháu nhưng tôi chỉ thấy thêm mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
Thậm chí, bà thèm ăn gì thì từ sáng trước khi đi làm đã nhắc khéo: “Này, lâu lắm nhà mình không ăn canh cua con nhỉ!”, “Mẹ thấy vợ chồng cái đứa mẹ đang làm thuê cho ấy, chúng nó mua quả nho gì màu xanh ăn ngọt, giòn lắm con ạ”…
Và tới khi tôi sinh bé đầu lòng, bà vẫn không dừng công việc kia. Lúc này, đã có sự tin tưởng rồi, mẹ chồng còn xin nhà chủ cho… trông trẻ tại nhà tôi. Mẹ chồng cùng 1 đứa trẻ xa lạ đã biến tháng ngày ở cữ của tôi trở nên kinh hoàng, thảm họa.
Bà không những không giúp mà thi thoảng còn thả đứa trẻ kia vào phòng tôi nhờ trông hộ. Rồi buổi trưa, bà bảo để bà trông 2 đứa cho tôi đi nấu cơm. Lúc đó, tôi vừa sinh được 6 ngày! Rồi nhiều chuyện tủn mủn, vặt vãnh khác khiến tôi chẳng thể yêu thương mẹ chồng được.
Mẹ chồng tôi chăm cháu nội thì ít mà chăm trẻ để kiếm tiền thì nhiều. (Ảnh minh họa)
Càng bực mình hơn khi hễ nói với chồng thì anh lại bênh chằm chặp, rồi nói tôi phải thông cảm và hiểu cho bà. “Mẹ anh vốn vất vả từ nhỏ, bà luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền, tích lũy thì có gì sai? Em chỉ cần bằng một nửa mẹ thôi thì vợ chồng mình cũng sớm trả hết nợ mua nhà đấy”. Câu nói ấy của anh làm tôi tổn thương vô cùng.
Tuy nhiên, phải tới khi sự thật bên trong chiếc túi vải của mẹ chồng được phơi bày, chồng tôi mới thôi bênh vực bà bất chấp như xưa.
Dạo đó, bé nhà tôi bị bệnh khá nặng, tháng 30 ngày thì nằm viện hết 20 ngày. Tiền lương của cả 2 vợ chồng đều bay theo những đơn thuốc, tiền ăn tiêu sinh hoạt còn phải đi vay. Tiền trả góp nhà tháng ấy tôi cũng phải đi hỏi 4-5 người mới góp đủ.
Cứ nghĩ thế là xong thì thằng bé lại bị bỏng nước sôi, tiếp tục nhập viện. Vừa xót con, vừa lo về khoản vay nóng cũ chưa kịp trả, giờ đi xoay xở ra sao. Bí quá, tôi nói chồng thử hỏi vay mẹ chồng. Dù sao bà cũng đi làm nhiều năm như vậy, ăn tiêu sinh hoạt chẳng dùng tới chắc sẽ có dư ít nhiều. Nhưng bà dửng dưng bảo không có, cũng không giải thích gì thêm. Cháu nằm viện bà chẳng vào trông ngày nào, tiền cũng không cho 1 đồng. Hộp sữa, tấm bánh… không một thứ gì!
Tôi khá giận nên dù chẳng tin vẫn chỉ giữ im lặng. Hơn nữa, thời điểm đó tôi có quá nhiều điều phải lo nghĩ, không muốn gặng hỏi, kiếm thêm chuyện với mẹ chồng.
Trong lúc tôi khó khăn nhất, mẹ chồng đã từ chối cho vay. (Ảnh minh họa)
Cho tới ngày 2 mẹ con tôi về nhà, vừa bước vào đã thấy chiếc túi vải cũ sờn, rách cả mép của mẹ chồng rơi gần bàn uống nước. Tôi tiện tay nhặt lên, thấy cũ nhưng cứng cáp, đang quan sát thêm thì mẹ chồng lao như tên bắn từ bếp ra, giật phắt lại.
– Không phải đồ của mình đừng có chạm vào.
– Con thấy rơi xuống sàn, chỉ muốn nhặt lên giúp mẹ thôi mà!
Mẹ chồng chẳng nói chẳng rằng, cắp chiếc túi cũ rồi quay đi. Thái độ của bà rõ là không bình thường. Điều đó khiến tôi sinh nghi. Quan sát thêm, tôi nhận ra từ hôm đó mẹ chồng luôn đeo khư khư chiếc túi cũ. Bà cảnh giác cao độ ngay cả khi ở trong nhà.
Cho tới một ngày, tôi mang quần áo phơi khô vào cất cho mẹ chồng thì thấy chiếc túi trên giường, bà có lẽ đang tắm. Tôi mở ra, bên trong chỉ có chiếc ví nhỏ, cái lược, vài sợi dây linh tinh. Nhưng chiếc túi là vải mà lại rất cứng, có cả lớp giấy bìa bên trong nữa thì phải.
Hí hoáy 1 hồi, tôi phát hiện ra chiếc túi này được may thêm 1 lớp vải bên trong, lôi từ bên trong ra là 5 cuốn sổ tiết kiệm, giá trị 50 – 80 triệu. Ngoài ra, còn 3 miếng vàng, mỗi miếng 2 chỉ. Tôi đứng đơ ra một hồi, rồi bất chấp việc sẽ khiến mẹ chồng giận, tôi đem về phòng cho chồng tận mắt chứng kiến.
(Ảnh minh họa)
– Đấy, anh nhìn đi. Lúc nào cũng lo mẹ đói, mẹ không có tiền. Trong lúc 2 con chật vật đi vay, cháu nội đi viện, bà thì có mấy trăm triệu cũng không chịu bố thí 1 đồng. Em chẳng cần bà phải cho, nhưng bà không tin tưởng anh tới mức cho vay cũng không được à? Suốt thời gian qua mình chăm sóc, nuôi bà chưa đủ khiến bà có niềm tin à? Anh bắt em phải có hiếu với mẹ, nhưng mẹ đã bao giờ thương con, thương cháu chưa?
Trước sự phẫn nộ của tôi, chồng không nói nên lời. Tới giờ tôi vẫn chưa nguôi ngoai, mẹ chồng thì khăng khăng rằng việc bà giữ tiền phòng thân chẳng có gì là sai. Người sai là tôi khi đã lục lọi đồ của bà. Tôi thật sự không muốn chăm sóc và phụng dưỡng bà nữa khi biết bí mật về chiếc túi vải nhưng chồng tôi thì không làm vậy được dù anh cũng trách bà. Tôi không biết nên xử lý ra sao…
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/vua-cham-vao-chiec-tui-cu-me-chong-da-quat-roi-giat-lai-va-su-that-phan-no-phia-sau-c59a9101.html” alt_src=”https://eva.vn/tam-su/vua-cham-vao-chiec-tui-cu-me-chong-da-quat-roi-giat-lai-va-su-that-phan-no-phia-sau-c391a527423.html” name=””]