Dân số Hunza hiện có khoảng 30.000 người. Họ tự xem mình là hậu duệ của Alexander Đại Đế và nổi tiếng với cách sống thân thiện, hòa nhã, hiếu khách.
Mùa thu ở Hunza |
Mùa thu, Hunza trở thành một thung lũng vàng ruộm được bao phủ bởi những tấm thảm thực vật nhiều sắc độ, những vườn táo đỏ rực, những cây poplar tua tủa vươn dài. Mùa xuân, Hunza thay áo mới nhờ sắc hồng của những tán hoa anh đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ. Xa xa là những rặng núi tuyết hùng vĩ.
Nằm ở độ cao 2.438m so với mực nước biển, thung lũng Hunza được 3 dãy núi huyền thoại “bảo vệ”: Himalaya, Karakoram và Hindu Kush. Đặc trưng về địa hình đã mang đến cho Hunza khí hậu dịu mát, trong lành gần như quanh năm và thảm thực vật đa dạng. Những người Anh đặt chân đến Hunza lần đầu tiên vào khoảng thập niên 1960 của thế kỷ trước đã ví von thung lũng đẹp như tranh này là “vườn địa đàng” không chỉ vì tiết trời trong trẻo, thiên nhiên đa sắc mà còn vì sự hiền hòa và yên bình hiếm có.
Sở dĩ nhắc đến yên bình bởi Hunza nằm ở phía Bắc Pakistan – đất nước thường xuyên gắn liền với những bất ổn về chính trị. Tuy nhiên, nhờ địa thế và lối sống tách biệt với bên ngoài, người dân Hunza đã tránh được những trận giao tranh trong nhiều thế kỷ qua. Dân số Hunza hiện có khoảng 30.000 người. Họ tự xem mình là hậu duệ của Alexander Đại Đế và nổi tiếng với cách sống thân thiện, hòa nhã, hiếu khách. Nhiều giả thuyết cho rằng chính tinh thần lạc quan, thoải mái và chế độ ăn uống lành mạnh, chú trọng thực vật cũng như thực phẩm hữu cơ đã khiến người dân địa phương có tuổi thọ trung bình cao hơn dân số Paskitan nói chung.
Ngày nay, sự du nhập của các sản phẩm công nghiệp phần nào làm thay đổi lối sống ở Hunza nhưng ẩm thực truyền thống vẫn giữ nguyên hương vị vốn có. Bên cạnh các loại trái cây tươi ngon, mọng nước như táo, quýt, hồng…, bạn đừng bỏ qua những loại hạt, quả khô làm nên thương hiệu của vùng đất này. Óc chó, hạnh nhân, nho khô…, đặc biệt là mứt mơ khô đã theo chân lữ khách đi khắp thế giới. Tất nhiên, không thể thiếu thịt bò Tây Tạng thơm ngọt và cay nồng của giống bò trên thảo nguyên. Và, tuyệt đối đừng quên trà sữa ấm!
Những người Anh đặt chân đến Hunza lần đầu tiên vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước đã ví von thung lũng đẹp như tranh này là “vườn địa đàng” |
Sau khi đã thưởng thức ẩm thực và nhẩn nha đi dạo khắp thung lũng để tận hưởng mùa xuân, pháo đài Baltit được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII là nơi rất đáng để bạn dừng chân. Kiến trúc của pháo đài mang đậm nét lối kiến trúc Ladakhi (Tây Tạng) nên dễ nhận ra nhiều nét trong pháo đài tương đồng với cung điện Potala. Các họa tiết chạm khắc trên khung cửa, bề mặt các bức tường và đồ vật trang trí được chế tác tinh xảo sẽ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và tự hỏi, tại sao người ta có thể làm được như thế. Sân thượng pháo đài có tầm nhìn bao quát ra thung lũng. Trong ánh tà dương se lạnh, phủ đầy sắc hoa, ta thấy mọi thứ thật hữu hạn và cũng đáng giá vô cùng.
Một mách nhỏ dành cho bạn là nếu đến Hunza vào mùa xuân, hãy mang theo đồ giữ ấm vì sẽ có những ngày âm độ. Mách nhỏ thứ hai, nơi đây cách xa trung tâm nên việc sử dụng thẻ khi mua sắm khá bất tiện. Do đó, hãy chuẩn bị lượng tiền mặt đủ dùng.
Văn Khoa
Nguồn ảnh: Internet
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vuon-dia-dang-hunza-a1516552.html” name=””]