( Yeni ) – Gần đây xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.
Với sự phát triển của công nghệ, đã đánh dấu con người bước vào một giai đoạn phát triển mới. Các giao dịch tiền bạc có thể thực hiện nhanh chóng qua một nút xác nhận. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi thì hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và liên tục đổi mới. Gần đây xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp này người dân cần lưu ý những gì để tránh mắc bẫy?
1. Cuộc gọi báo khoá thuê bao điện thoại
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), ghi nhận từ các hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do đơn vị quản lý cho thấy, gần đây hàng loạt người dùng điện thoại di động phản ánh họ liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa sẽ bị “khóa thuê bao điện thoại”, đây là một hình thức lừa đảo mới.
Đầu tiên, các đối tượng liên tục thực hiện cuộc gọi thoại tới số máy của người dùng và thông báo rằng số thuê bao đó sẽ bị cắt dịch vụ sau 1 hay 2 giờ, để giải quyết cần liên hệ tới số điện thoại “tổng đài” do đối tượng cung cấp.
Trường hợp người dùng gọi lại vào số “tổng đài” do đối tượng cung cấp, phía đầu dây bên kia yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… để được hỗ trợ kỹ thuật.
Khi đã nắm được thông tin cá nhân của người dùng, ngay lập tức các đối tượng hướng dẫn làm bước tiếp theo như thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi…
Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của người dùng và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
2. Giao diện giả mạo ngân hàng
Thủ đoạn hoạt động của bọn chúng là thiết kế giao diện giả mạo của một số ngân hàng, sau đó, giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện để liên lạc, tư vấn cho khách hàng, thông báo tài khoản của họ đang gặp sự cố do lỗi, chuyển nhầm tiền, hoặc bị khóa…
Để khắc phục sự cố này, các đối tượng đã gửi cho chủ tài khoản một đường link giả mạo là website ngân hàng và yêu cầu các bị hại nhập các thông tin tài khoản, mật khẩu, cung cấp mã OTP…Sau đó, các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân rồi đăng nhập vào tài khoản rồi chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác để chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ năm 2019 đến khi bị bắt, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản đối với nhiều chủ tài khoản là khách hàng trên cả nước với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Bên cạnh những chiêu thức lừa đảo truyền thống như giả danh nhân viên ngân hàng, thời gian gần đây nổi lên một thủ đoạn đó là tạo lập các website, fanpage giả danh các ngân hàng để lừa đảo. Trong các trang giả mạo này chứa mã độc để đánh cắp mã OTP. Nếu người dùng không tỉnh táo, không kiểm tra kỹ mà nhấn vào đường link có giao diện, thông tin giống với ngân hàng và nhập mã OTP thì sẽ bị mất tiền trong tài khoản. Sau khi chiếm đoạt tiền, tội phạm thường chia nhỏ số tiền và chuyển lòng vòng qua các ngân hàng khác nhau, sử dụng nhiều tài khoản không chính chủ để rút tiền.
Người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi. Đồng thời, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật.
[yeni-source src=”https://xevathethao.vn/uncategorized/xuat-hien-hinh-thuc-lua-dao-moi-sieu-tinh-vi-nhieu-nguoi-sap-bay-mat-hon-5-ty-dong.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/xuat-hien-hinh-thuc-lua-dao-moi-sieu-tinh-vi-nhieu-nguoi-sap-bay-mat-hon-5-ty-dong-d337494.html” name=”Xe và Thể thao”]