Một quái vật siêu khổng lồ đỏ chưa từng thấy – vừa hiện ra trước mắt thần của kính viễn vọng tối tân James Webb bằng hình ảnh không phải của thực tại, mà của 10,7 tỉ năm quá khứ.
Đó là một quái vật không gian khổng lồ, đỏ rực, bí ẩn từ vũ trụ sơ khai mà nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Jose Diego từ Viện Vật lý Cantabria cho rằng có thể là một đại diện của loại sao “siêu khổng lồ đỏ”.
Theo Sci-News, sao siêu khổng lồ đỏ là hậu duệ tiến hóa của những ngôi sao lớn có khối lượng ban đầu gấp 7-40 lần khối lượng Mặt Trời. Chúng là những ngôi sao có bán kính lớn nhất trong mọi loại sao đã biết dù không phải là loại sao khối lượng lớn nhất, bởi lẽ là một thiên thể đã bị “phồng rộp”.
Ba vật thể hiện ra từ quá khứ, trong đó vật thể màu đỏ to lớn chính là ngôi sao quái vật “siêu khổng lồ đỏ” Quyllur – Ảnh: NASA/ESA/CSA
Các ngôi sao, bao gồm Mặt Trời của chúng ta, khi về cuối đời sẽ cạn năng lượng và phồng lên thành một dạng mới là sao khổng lồ đỏ, lớn hơn kính thước ban đầu rất nhiều. Sau một thời gian, sao khổng lồ đỏ sẽ kết thúc đời sống ngắn ngủi bằng cách sụp đổ thành sao lùn trắng.
Trở lại với vật thể gây tò mò vừa rồi, vật thể được đặt biệt danh là “Quyllur”, hiện ra đầy ma quái trong dữ liệu của kính viễn vọng James Webb, được điều hành chính bởi NASA với sự hỗ trợ của ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada). James Webb là kính viễn vọng không gian có tầm nhìn tốt nhất hiện nay.
Nhờ vậy, quái vật siêu khổng lồ đỏ nói trên, xa tới 10,7 tỉ năm ánh sáng, vẫn lọt vào ống kính của James Webb. Nó nằm trong cụm thiên hà lớn cổ xưa gọi là El Gordo.
Hiện tại có thể ngôi sao đã sụp đổ từ lâu và tan biến vào vũ trụ theo một siêu tân tinh từ hàng tỉ năm trước. Nhưng vì quá xa xôi, những hình ảnh “thời hoàng kim” 10,7 tỉ năm trước đã mất từng ấy thời gian để đến được kính viễn vọng của người Trái Đất. Nói cách khác, chúng ta đang nhìn vào bóng ma của một vật thể “xuyên không” từ bình minh vũ trụ.
Quái vật siêu khổng lồ đỏ này có nhiệt độ bề mặt khoảng hơn 2.800 độ C, một nhiệt độ khá “lạnh” so với những sao loại G như Mặt Trời, nên tỏa ánh sáng đỏ hơn. Trong vũ trụ, vật thể càng nóng thì ánh sáng càng xanh, loại nguội hơn màu sắc ngả dần sang trắng, vàng, cam, lạnh nhất là loại vật thể ánh sáng đỏ.
Cách Quyllur khoảng 33-49 năm ánh sáng là một cặp vật thể không rõ ràng, mờ và loãng hơn, xanh hơn, có thể là một vùng hình thành sao và cũng là hình ảnh “xuyên không”. Với khoảng cách 10,7 tỉ năm ánh sáng, cụm vật thể ngoạn mục trên ra đời khi vũ trụ mới 3,1 tỉ năm tuổi.
Quyllur cũng là ngôi sao siêu khổng lồ đỏ đầu tiên được “khai quật” từ vũ trụ sơ khai. Nghiên cứu về Quyllur vừa được công bố trực tuyến trên arXiv.org.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/xuyen-khong-107-ti-nam-quai-vat-sieu-khong-lo-do-cham-trai-dat-20221103094208763.chn” name=””]