Dòng nước vẫn xanh biếc như thuở nào, chỉ khác chăng nay bến sông Nho Quế đã nhộn nhịp hơn xưa. Người Hà Giang có thêm nhiều cơ hội kiếm tiền hơn khi du lịch ngày càng phát triển trên cao nguyên đá…
Em bé Hà Giang chụp ảnh cùng du khách trên dốc Thẩm Mã – Ảnh: Bùi Tiểu Quyên |
Xe đưa chúng tôi xuống chân đèo, từ đó khách được xe trung chuyển chở thêm một đoạn vào đến bến thuyền. Buổi sáng, nơi này liên tục có xe vào ra đưa rước khách. Tiếng nói cười xôn xao. Nam thanh nữ tú quần là áo lượt, khuôn mặt ai nấy ửng hồng trong gió lạnh. Những thanh âm tươi vui hòa trộn vào nhau khiến bến sông như bừng lên sức sống mới.
Mã Pì Lèng vẫn chìm trong sương bay
10 năm trước, tôi đến Hà Giang cũng vào những ngày đầu xuân giá lạnh. Đoàn lúc đó có 7 người, thuê ô tô đi từ sân bay Nội Bài lúc hừng đông, đến nơi đã quá trưa. Dù ngồi xe một chặng đường khá dài nhưng dường như không ai cảm thấy mệt mỏi bởi khung cảnh đẹp hiện ra trước mắt. Hà Giang trong sương đẹp từ những thửa ruộng bậc thang, những hàng cây sa mộc và cả vạt hoa dại ven sườn núi.
Năm ấy, những người trẻ tuổi không có gì phải vội trên những cung đường lãng đãng mây bay như tiên cảnh. Còn nhớ, chúng tôi không ai chịu ngồi trên xe mà đều xuống đi bộ một quãng dài trên đèo Mã Pì Lèng, nhìn dòng Nho Quế với màu nước xanh ngọc bích chảy dưới chân núi.
Thuở ấy, Hà Giang chưa được khai thác du lịch nhiều. Bây giờ, bến thuyền nhộn nhịp khách. Thời tiết ngoài trời chỉ trên dưới 100C, nhưng ai nấy đều hào hứng nhìn ngắm mây nước. Giá đi thuyền ngắm hẻm vực Tu Sản là 350.000 đồng/khách, với thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ.
Truyền thuyết kể rằng dòng sông này được hình thành do cuộc nổi giận của Thủy thần. Vì muốn trừng phạt Sơn thần suốt ngày chỉ lo uống rượu không màng cai quản việc núi non, Thủy thần đã tách đôi ngọn núi tạo thành dòng sông chảy qua hẻm vực. Hạ nguồn sông Nho Quế ngày nay đổ vào sông Gâm, thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng.
Ở bến thuyền cũng có những điểm cho thuê trang phục dân tộc (với giá từ 100.000-250.000 đồng/bộ). Nam thanh nữ tú đến đây đều muốn lưu lại những bức ảnh đặc biệt với dòng sông nên khu thuyền cho thuê đồ lúc nào cũng rộn rã.
Trên bờ, một dãy hàng bày bán đồ ăn: cơm lam, thịt nướng, sữa đậu nành/sữa ngô nóng… tạo ra khung cảnh rộn ràng, ấm áp.
Khi vẻ đẹp của sông Nho Quế được khai thác du lịch, du khách có thêm trải nghiệm thú vị mà người địa phương cũng có thêm kế sinh nhai.
Hà Giang năm xưa tôi đến còn rất hoang sơ và nghèo. Mã Pì Lèng lừng danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam với vẻ đẹp như chốn bồng lai. Trở lại nơi này hôm nay, tôi cũng lững thững đi bộ một đoạn nhìn ngắm những cung đường uốn lượn như dải lụa vắt lưng chừng núi.
Từ khi có tòa nhà Panaroma, khách du lịch được dịp dừng chân thưởng trà, ngắm hoa ngắm núi. Tòa nhà này sau khi bị phản ứng vì thiết kế phá vỡ cảnh quan tự nhiên, nay đã được “sửa sai” bằng màu sơn hòa mình hơn với màu đá núi. Vé vào chụp ảnh là 30.000 đồng/người (nếu không uống nước) và 60.000 đồng/người (kèm một phần nước là cà phê hoặc các loại trà thảo mộc). Bạn có thể dành 30 phút là có thể trải nghiệm mọi dịch vụ ở nơi này.
Phía cổng trời ai kể chuyện núi Đôi…
“Em không về Khau Vai/ Tiếng đàn môi ở đâu sau những bờ rào đá/ Sa mộc quạnh hiu từng chiều Quản Bạ/ Phía cổng trời ai kể chuyện núi Đôi…” – khoảnh khắc đứng nhìn núi Đôi Quản Bạ, trong lòng tôi bỗng ngẫm ngợi đôi dòng thơ.
Núi Đôi ở Hà Giang không phải là núi Đôi trong bài thơ của nhà thơ Vũ Cao mà là một huyền thoại khác của cao nguyên đá.
Chuyện kể rằng xưa có nàng tiên nữ hạ phàm, vì phải lòng chàng trai người Mông thổi khèn môi rất hay mà ở lại trần gian, kết duyên cùng chàng. Sự việc khiến thiên đế nổi trận lôi đình, ra lệnh bắt nàng phải về trời. Tiên nữ khi ấy vừa sinh con, nàng đau đớn phải lìa xa hạnh phúc nhân gian. Trước khi rời đi, nàng đã kịp để lại cho con đôi bầu sữa mẹ. Đó chính là núi Đôi nằm lặng lẽ dưới thung lũng, biếc xanh.
Cánh đồng hoa tam giác mạch nhà Pao – Ảnh: Bùi Tiểu Quyên |
Những điểm dừng chân tham quan Hà Giang trong hành trình hôm nay không khác năm xưa. Tôi vẫn đi trong niềm hân hoan tươi mới bởi cảnh xưa vẫn ở đó nhưng mọi thứ đã không như trước. Trên dốc Thẩm Mã năm nào chỉ có 7 người hát ca chụp ảnh đã đời thì giờ đây, nơi này lúc nào cũng người xe đông đúc. Khách du lịch không chỉ dừng chân chụp ảnh với cung đèo chữ M trứ danh mà còn hào hứng chụp ảnh lưu niệm với những em bé Mông đeo gùi hoa cải.
“Nhà Pao” (thuộc huyện Sủng Là, Đồng Văn) không còn vắng lặng với góc sân, bếp lửa, bờ rào đá, vườn hoa tam giác mạch… mà đã trở thành một địa điểm văn hóa – du lịch thu hút du khách thập phương.
Hoa tam giác mạch và hoa cải được trồng nhiều hơn, sản vật địa phương được bày bán đa dạng; người người nô nức vào ra tham quan, mua sắm, chụp ảnh. Ngày ấy, chúng tôi cũng từng ở đây, mê đắm mảnh vườn tam giác mạch với sắc hoa trắng hồng quyến dụ. Thuở ấy, chúng tôi đã mong một ngày nào đó “nhà Pao” có thể khai thác du lịch, thu hút du khách nhiều hơn…
Đời người có bao nhiêu lần 10 năm để quay lại nơi chốn mình từng vấn vương, mãi thương nhớ trong ký ức? Câu hỏi đó xốn xang trong lòng trên đường đoàn đến thăm cột cờ Lũng Cú.
Sẽ có rất ít nơi chốn trong những chuyến du lịch khám phá xa xôi mà người ta có thể thêm một hoặc nhiều lần được trở lại. 10 năm đủ là một dấu mốc trên dặm dài đời người, trở lại để thấy đất khác xưa và ta cũng không phải là ta của ngày xưa. Năm ấy, tôi hào hứng với đôi chân và sức trẻ, đi bộ hàng trăm bậc thang lên chụp ảnh với cột cờ và phóng mắt nhìn bản làng mờ sương. Bây giờ, tôi không chịu nổi đường xa và gió lạnh, chỉ có thể ngồi ngắm cờ Tổ quốc từ xa và nhìn mọi người lục tục đi thăm cột cờ bằng xe điện.
Cung đường đi Hà Giang quá xa và sẽ rất mệt cho những ai say xe nhưng đến được rồi, cảnh đẹp cùng những điều ý nghĩa, thiêng liêng đủ để xóa tan mọi mệt nhọc. Như buổi chiều muộn ở cột cờ Lũng Cú, ai nấy vừa mệt vừa đói và lạnh nhưng đều hào hứng, sướng vui khi cuối cùng đã đến được đây. Chụp được một bức ảnh dưới chân cột cờ thiêng liêng này thật ý nghĩa biết bao.
Mua gì, ăn gì trên cao nguyên đá? Trong hành lý của mẹ tôi ngày trở về, có đủ sản vật của Hà Giang: mật ong hoa tam thất, trà hoa tam thất, các loại thảo dược của đồng bào, bánh tam giác mạch… Tôi cũng mang về những món quà đặc trưng của miền cao: lạp xưởng Hà Giang, thịt trâu/heo ba rọi gác bếp, chẩm chéo, những chiếc bình cắm bút bằng ống tre mua ở dinh Vua Mèo… Trà hoa tam thất có vị đắng nhẹ, pha thêm một ít mật ong thì trở nên ngọt dịu. Hoa tam thất hiếm nên giá thành của trà và mật ong hoa tam thất đều khá đắt (700.000 đồng/nửa lít mật ong và gần 200.000 đồng/1g trà). Dẫu vậy, đây vẫn là 2 món được du khách chọn mua nhiều. Với bánh tam giác mạch, quà tặng có thể là bánh dẻo với các vị: lá dứa, sô-cô-la, dừa… Riêng bánh nóng ăn tại chỗ thơm ngon, bùi hơn chỉ 10.000 đồng/cái. Cảm giác ngồi bên hàng bánh nướng bốc khói trong một sớm mai đi chợ phiên, nhâm nhi món bánh thơm ngon được làm từ bột, đường và loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá mới khó quên làm sao. Buổi tối ở TP Hà Giang, chúng tôi tản bộ ra phố thưởng thức món cháo ấu tẩu (20.000 đồng/tô). Củ ấu tẩu có chứa độc tố, sẽ gây ngộ độc nếu chẳng may chế biến quá liều lượng. Thế nhưng, qua tay người nấu nhiều kinh nghiệm, món cháo ấu tẩu hầm sườn trở nên thanh ngọt, có vị đăng đắng nhưng ngọt hậu. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức các món: xôi ngũ sắc, thắng dền (bánh trôi nước), phở chua, cam Bắc Quang, rượu ngô, chè shan tuyết… |
Bùi Tiểu Quyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/10-nam-sau-tren-dong-nho-que-a1486349.html” name=””]