Theo chuyên trang BHG, thớt, bàn chải đánh răng, bình đựng nước… trong nhà bạn có thể chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn cả bồn cầu.
|
Nếu được yêu cầu nhận định nơi nào bẩn nhất trong nhà, nhiều người không ngần ngại gọi tên bồn cầu. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra thớt, bàn phím, bàn chải đánh răng… có lượng vi khuẩn cao gấp nhiều lần so với bồn cầu. Cùng điểm danh những vật dụng bẩn nhất trong nhà và cách bảo vệ gia đình bạn khỏi những hiểm họa sức khỏe từ chúng. |
|
Điện thoại di động: Một nghiên cứu gần đây phát hiện rằng các thiết bị di động chứa nhiều vi khuẩn gấp 10 lần so với bệ bồn cầu. Lý do chính là sự lây nhiễm chéo trong bếp. Nói cách khác, nhiều người trong chúng ta có thói quen chạm vào điện thoại khi nấu ăn. Để hạn chế điều này, bạn cần tránh xa điện thoại khi nấu ăn, khi đi vệ sinh, lau khử trùng điện thoại mỗi ngày… |
|
Bàn chải đánh răng của bạn liên tục tiếp xúc với độ ẩm, dù là khi bạn sử dụng trong miệng hay được dựng trong phòng tắm. Để hạn chế điều này, bạn cần cố gắng giữ bàn chải đánh răng khô ráo giữa các lần sử dụng, khử trùng hàng tuần và thay sau mới sau ba đến bốn tháng. Đừng quên đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước để tránh các hạt phân vô tình rơi xuống bàn chải đánh răng của bạn. |
|
Chai nước tái sử dụng: Theo một cuộc kiểm nghiệm, chai nước tái sử dụng có lượng vi khuẩn cao hơn 400.000 lần so với bệ ngồi bồn cầu. Số lượng vi khuẩn đến từ việc mảnh vụn thức ăn rơi vào và do không được rửa thường xuyên. Bạn nên rửa thật kỹ bình đựng nước mỗi ngày. |
|
Tay nắm cửa là vị trí các thành viên trong gia đình chạm vào đầu tiên khi về nhà, vì vậy vi khuẩn sẽ lưu lại cho người tiếp theo. Hãy đặt một chai nước khử trùng ngay cửa ra vào để mọi thành viên có thể làm sạch tay trước khi mở cửa. Tương tự như vậy, chúng ta bật và tắt đèn vô số lần trong ngày, điều đó có nghĩa là công tắc đèn cũng chứa đầy vi khuẩn và bạn cũng cần lau diệt khuẩn để hạn chế nhiễm chéo. |
|
Điều khiển từ xa: Chiếc điều khiển TV có thể được nhiều người sử dụng và cũng có khả năng là không phải ai cũng rửa tay trước khi chuyển kênh. Hãy vệ sinh chúng thường xuyên bằng khăn lau khử trùng. |
|
Bàn phím và chuột của bạn Không có gì ngạc nhiên khi bàn phím và chuột máy tính nằm trong danh sách những món đồ nhiều vi khuẩn nhất – vì chúng ta gõ máy tính và di chuyển chuột cả ngày. Dùng tăm bông để lấy chất bẩn và vệ sinh cẩn thận hai thiết bị này ít nhất một lần một tuần. |
|
Bàn làm việc của bạn: Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (Mỹ) chỉ ra rằng bàn làm việc của bạn có nhiều vi khuẩn hơn bệ ngồi bồn cầu gấp 400 lần. Vì thế, sau khi vệ sinh kỹ lưỡng bàn phím, hãy lau sạch toàn bộ bàn làm việc. |
|
Bồn rửa nhà bếp: National Sanitation Foundation đã tiến hành một nghiên cứu có tên “Những nơi bẩn nhất trong nhà” và bồn rửa nhà bếp được xếp hạng là khu vực thứ hai bị nhiễm khuẩn coliform – một loại vi khuẩn bao gồm Salmonella và E. coli. Có nhiều nguyên nhân gây ra lượng vi khuẩn tại đây như rửa nông sản, rửa thịt sống… Bạn cần vệ sinh khu vực này thường xuyên dù chúng được làm từ chất liệu gì. |
|
Tay nắm tủ lạnh: Hãy rửa tay thật sạch trước khi chạm vào tay nắm cửa tủ lạnh hay cố gắng khử trùng tay nắm cửa tủ lạnh ít nhất một lần/ngày. |
|
Thớt: Một kiểm nghiệm đã đưa ra kết quả thớt có thể chứa nhiều vi khuẩn E. coli gấp 200 lần so với bệ bồn cầu. Cách dễ nhất để giảm thiểu nguy cơ bạn hoặc người thân tiếp xúc với vi khuẩn có hại là vệ sinh thớt cẩn thận sau mỗi lần sử dụng, dành riêng thớt cho các loại thực phẩm khác nhau và thay thế ngay khi thớt bắt đầu trầy xước. |
|
Miếng bọt biển: Trong cùng một nghiên cứu của NSF, bọt biển rửa chén và giẻ lau được xếp hạng là những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà. Người ta phát hiện chúng chứa tới 45 tỷ vi khuẩn trên một centimet khối. Có một số cách để làm sạch bọt biển, hiệu quả nhất là cho chúng vào máy rửa chén hoặc lò vi sóng và bật chế độ làm sạch. |
|
Bát đựng thức ăn cho thú cưng cũng dễ bị vi khuẩn phát triển, gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng. Để giữ an toàn, hãy rửa sạch bát đựng thức ăn sau mỗi bữa ăn, cố gắng giữ chén khô khi không sử dụng và chọn chén đĩa làm bằng thép không gỉ. |
|
Nếu bạn lười thay ga trải giường, số liệu thống kê sau đây có thể khiến bạn phải suy nghĩ lại về thói quen của mình. Chỉ sau một tuần, vỏ gối chứa nhiều hơn 17.000 hạt vi khuẩn so với bệ ngồi bồn cầu. Nguyên nhân của lượng vi khuẩn gồm mồ hôi, dầu, da chết và các sản phẩm làm đẹp… Giặt ga trải giường hàng tuần và thay gối ít nhất 2 ngày/lần. Nên thay nệm sau 7-10 năm. |
An Huỳnh (theo BHG)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/14-thu-trong-nha-ban-ban-hon-ca-be-bon-cau-a1528226.html” name=””]