Từ một phương thức chế biến của người Triều Châu trong quá trình di cư, giờ đây, món phá lấu đã trở thành món ăn phổ biến gắn liền với ký ức bao thế hệ người Việt Nam.
Phá lấu vị truyền thống của người gốc Hoa
Khi đặt chân đến con phố Chợ Lớn, thực khách sẽ bất ngờ khi tận mắt trải nghiệm nét văn hoá lâu đời và những nền ẩm thực Trung Hoa độc đáo. Nói đến đây, chúng ta không thể không nhắc đến các món ăn truyền thống của người gốc Hoa, đặc biệt là phá lấu.
Nằm trên con đường Nguyễn Trãi, quận 5, quán Phá lấu Tâm Ký được mệnh danh là ngon nức tiếng khu Chợ Lớn, ai cũng biết đến. Quán phá lấu được các thực khách đánh giá là chuẩn hương vị truyền thống của người Hoa, ăn một lần là “nhớ”. Bởi chủ của quán là người gốc Hoa, được ông bà truyền nghề lại. Với thâm niên của quán hơn 30 năm, dù chỉ bán mang đi nhưng lượng khách của quán lúc nào cũng đông đúc.
Quán Phá lấu Tâm Ký chỉ có một chiếc xe đẩy và nồi nước hầm sôi ùng ục kế bên. Theo chủ quán chia sẻ, nồi nước dùng được hầm xuyên suốt 24 tiếng, vì cơ bản hầm càng lâu thì các bộ phận nội tạng càng mềm mịn và gia vị thấm đều.
Khi các nguyên liệu hầm bên trong nồi nếu đã đủ mềm, thì sẽ được chủ quán vớt lên và xếp lên xe gọn gàng. Chủ quán trưng bày đầy đủ các nguyên liệu có trong thực đơn như lòng heo, lưỡi, bao tử, tai heo, chân gà, đậu hũ, trứng vịt,…
“Ở đây mình nêm nếm vị vừa phải nên ăn ai cũng khen ngon hết. Đa số khách quen nhiều, nhưng những khách lần đầu đến cũng khen ngon” – chủ quán chia sẻ.
Thực khách dù đứng cách xa 300m cũng có thể cảm nhận được hương thơm phảng phất của nồi nước dùng. Chính vì, nó được nấu cùng thuốc bắc với trên dưới 11 nguyên liệu. Trong đó kể đến như lá nguyệt quế, thảo quả, đinh hương, quế chi, tai vị,…
Sau thời gian hầm, nước dùng phá lấu tại quán có màu nâu đẹp và độ đặc vừa phải. Thịt và bộ phận nội tạng được hầm chín mềm trong nước dùng đậm đà, mang đến một hương vị mặn ngọt, thơm ngon.
Thực khách đến mua sẽ được chọn lựa theo khẩu phần mình thích. Sau đó đôi tay thoăn thoắt của chủ quán xắt mỏng miếng phá lấu mà thực khách chọn rồi cho lên cân, bỏ bịch thêm nước dùng vào.
Phá lấu tại đây được ăn cùng với cải chua và nước chấm tương do quán làm. Tổng thể, phá lấu truyền thống người Hoa mang hương vị mằn mặn kết hợp cùng vị chua chua của cải và vị ngọt của nước chấm tạo ra món ăn vô cùng hài hòa, vừa vị.
Phá lấu hương vị riêng của người Việt
Trong phần lớn những xe đẩy và hàng quán phá lấu ở nước ta, khó tìm ra được một nồi phá lấu truyền thống của người Hoa như ở phần trên. Tuy nhiên, sau khi du nhập vào Việt Nam món ăn cũng đã được biến tấu đặc sắc, hấp dẫn thực khách không kém gì phá lấu truyền thống của người gốc Hoa.
Không khó để tìm một quán phá lấu mang hương vị Việt, món ăn được bày bán khắp nơi trên các con đường. Nhưng để tìm được một quán ăn ngon, rẻ và chất lượng luôn khiến thực khách quan tâm.
Điển hình như quán Phá lấu bò Ngọc Hân (B43 Tô Ký, Đông Hưng Thuận, Quận 12) là danh bất hư truyền hơn 8 năm nay. Hầu hết các thực khách đến đây ăn, đều quay lại tấm tắc khen ngon. Từ bên ngoài nhìn vào, thực khách sẽ vô cùng thích thú trước màu sắc bắt mắt của những nguyên liệu được treo bên trong tủ kính.
Phá lấu được quán khéo léo cắt gọn đầy đủ gồm các thành phần như gân, khăn lông, phèo non, tổ ong, trái khế,… Tại đây, thực khách có thể ăn kèm phá lấu cùng với bánh mì và mì trộn để tận hưởng trọn vẹn mùi vị thơm ngon của món ăn. Nếu như món phá lấu của người gốc Hoa gây thương nhớ bởi hương vị nước dùng hầm thuốc bắc đặc trưng, thì ở phiên bản Việt này, nước dùng cũng làm cho thực khách nhớ da diết khi thử đến.
“Mình hay đến quán để ăn, vì đồ ăn ở đây sạch với nước dùng ở đây rất béo ngon. Rất hợp với khẩu vị của mình”, một thực khách chia sẻ.
Nước dùng phá lấu Việt mang vị ngọt của nước hầm nội tạng, nước dừa tươi, cùng vị béo của nước cốt dừa, vị cay thơm của quế và ngũ vị hương. Khi thưởng thức món ăn, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị béo, hương thơm của nước dùng, ngon mềm của từng nguyên liệu phá lấu.
Đặc biệt, nếu phá lấu của người gốc Hoa ăn kèm chấm tương, thì phá lấu Việt có nước mắm me ớt để ăn kèm. Nước chấm tại quán được làm theo công thức riêng, nước mắm mặn mặn đặc sánh, chua ngọt vừa phải, rất phù hợp khi ăn cùng phá lấu.
Tuy có những sự khác nhau như trên, nhưng cả phá lấu người Hoa và người Việt đều mang đến hương vị đặc trưng và trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Sài Gòn nói riêng và người Việt nói chung.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/2-huong-vi-dac-trung-cua-pha-lau-sai-gon-chi-an-1-lan-la-nho-mai-ban-co-phan-biet-duoc-20240401154124475.chn” name=””]