Nghiên cứu mới cho biết mọi người đã có sự suy giảm về tính hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm vì đại dịch.
Tính cách của một người có thể thay đổi tự nhiên theo thời gian hoặc có chủ ý nhờ cố gắng. Nó cũng có thể thay đổi toàn diện, rõ ràng, vì những biến động lớn như cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu mang tên COVID-19.
Con người thay đổi tính cách trong 2 năm với tốc độ tương đương 10 năm
Nghiên cứu mới được công bố trên PLOS One báo cáo rằng những người trưởng thành ở Mỹ đã trải qua những thay đổi trong tính cách của họ một cách đáng kể sau đại dịch COVID-19. Những thay đổi tính cách trong 2 năm này tương đương với khoảng một thập kỷ nếu dịch bệnh không xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 7.109 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 109 tuổi. Những người tham gia đã thực hiện các bài kiểm tra tính cách để đánh giá các đặc điểm dựa trên 5 yếu tố: tình trạng loạn thần kinh (quản lý căng thẳng), sự hướng ngoại (kết nối với người khác), sự cởi mở (suy nghĩ sáng tạo), sự dễ chịu (tin tưởng người khác) và sự tận tâm (kỷ luật và trách nhiệm). Nghiên cứu đã kiểm tra, đối chiếu kết quả thử nghiệm từ trước đại dịch, giai đoạn đầu của đại dịch (từ tháng 3 đến tháng 12/2020) và sau trong đại dịch (tháng 1/2021 đến tháng 2/2022).
Tính cách con người thay đổi nhanh chóng vì COVID-19 (Ảnh minh họa)
Kết quả cho thấy đã có sự suy giảm về tính hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm ở các đối tượng. Nhóm bị ảnh hưởng và thay đổi mạnh nhất là những người trẻ tuổi.
“Những người trẻ tuổi trở nên ủ rũ hơn và dễ bị căng thẳng hơn, ít hợp tác và tin tưởng hơn, cũng như ít kiềm chế và có trách nhiệm hơn”, người phụ trách nghiên cứu nói với từ The Guardian.
Bản thân nghiên cứu chỉ ghi lại những thay đổi về tính cách và không giải thích chính xác nguyên nhân gây ra chúng. Nhưng các nhà nghiên cứu đã mạo hiểm giải thích. Ví dụ, họ cho rằng cuộc sống của thanh niên đã bị gián đoạn nhiều hơn bởi các quy định giãn cách, cách ly hơn nhóm tuổi khác vì đây là lứa tuổi thích ra ngoài, hướng ngoại hơn cả.
Không phải ai cũng thay đổi giống nhau
Tuy nhiên, trong khi hầu hết mọi người trên khắp thế giới đều trải qua những đợt phong tỏa, cách ly, không phải ai cũng thay đổi theo cùng một cách.
“Tôi buộc phải học cách ở một mình”, Cara Paguio, 27 tuổi, đến từ Manila, Philippines, nói về trải nghiệm của cô về đại dịch.
Trong quá trình dịch COVID-19 diễn ra, cô đã chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ mình và ở riêng, tìm một công việc mới và nhận nuôi một chú mèo. Cara cho biết những điều này khiến cô tận tâm hơn, trái ngược với kết quả nghiên cứu và sống nội tâm hơn, phù hợp với nghiên cứu.
Dù mọi người sống ở đâu, hầu hết đều dành nhiều thời gian hơn ở nhà trong suốt thời gian 2 năm vừa qua và đây là lý do cho sự suy giảm về tính hướng ngoại. Thật khó để hướng ngoại khi bạn không được phép ra ngoài.
Jason, 35 tuổi, sống tại Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết mình ngày càng lười tham gia các hoạt động xã hội hơn. Dẫu vậy, lý do không phải vì việc ít tương tác hơn với mọi người khiến anh hướng nội hơn, mà là sau thời gian dài làm việc tại nhà, Jason trở nên gắn bó hơn với công việc của mình so với trước đại dịch. Vì vậy anh có ít năng lượng hơn cho những việc khác.
(Ảnh minh họa)
Những thay đổi trong tính cách của Jason cũng có thể chỉ là một thay đổi tự nhiên theo tuổi tác, nhưng nó đã đến nhanh hơn vì đại dịch.
Carrie Nakpil, 27 tuổi, đến từ Manila, Philippines, nói rằng mình trở nên khó khăn, kén chọn hơn các đối tượng hẹn hò. Giống như Jason, cô nghĩ dù sao thì điều đó cũng sẽ xảy ra vào lúc này hay lúc khác, nhưng sẽ không nhanh như vậy nếu không phải vì đại dịch.
“Tôi nghĩ nó sẽ xảy ra ngay cả khi không có đại dịch. Khi cuộc sống chậm lại theo tuổi tác, bạn tìm thấy những vòng kết nối mà bạn gần gũi hơn và đó là nơi bạn phân bổ thời gian của mình. Tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi nhưng đại dịch chắc chắn đã đẩy “nó” lên sớm hơn. Tôi sẽ không trải qua những điều này ở tuổi 26 nếu đại dịch đã không làm thời gian “dừng lại” trong hai năm”, Carrie nói.
Paguio, một phụ nữ trẻ khác, không đồng ý với quan điểm của Jason hay Carrie vì tin rằng những thay đổi trong tính cách mà cô trải qua sẽ không xảy ra nếu không có đại dịch.
“Nếu tôi cứ tiếp tục như vậy, với môi trường xã hội và tất cả mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, tôi sẽ không thấy cần phải thay đổi. Tôi chấp nhận đó là chuẩn mực và mặc định tôi là ai. Thời kỳ phong tỏa đã cho tôi một cơ hội để tạm dừng và quyết định xem đây có phải là mẫu người mà tôi thực sự là hoặc muốn trở thành hay không”, cô nói.
Nhưng chỉ vì đại dịch đã cho một số người thời gian để suy ngẫm không nhất thiết có nghĩa là mọi người đều thay đổi. Đại dịch có thể đã làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về cách họ đang tồn tại, hoặc không.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi đại dịch đi qua?
Những thay đổi tính cách được tìm thấy trong nghiên cứu không được xác định là tốt hay xấu. Ví dụ, tình trạng loạn thần kinh nói chung có xu hướng giảm dần theo tuổi tác, trong khi tính dễ chịu và tận tâm có xu hướng tăng lên. Một trong những tác giả của nghiên cứu mô tả quỹ đạo này là “sự phát triển hướng tới sự trưởng thành”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đặt ra câu hỏi liệu những thay đổi đó có đảo ngược được hay không khi mà những hạn chế xã hội đã ít nhiều chấm dứt.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà nghiên cứu cho hay, trên thực tế, mọi người đang nghĩ về bạn sự suy giảm nhỏ về chứng loạn thần kinh của những người tham gia so với chứng rối loạn thần kinh của họ trước đại dịch. Nhưng sự suy giảm này đã quay trở lại sau đó. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi những người tham gia của họ để xem liệu những thay đổi trong tính cách của họ là tạm thời hay lâu dài hơn.
Có người sẽ quay trở lại với tính cách cũ, hoặc vĩnh viễn thay đổi
Carrie Nakpil nói rằng cô vẫn sẽ vẫn chọn lọc mình sẽ dành thời gian cho ai, cho việc gì ngay cả khi giờ đây có thể thoải mái ra ngoài, tương tác xã hội. Điều này có nghĩa là thay đổi trong đại dịch tác động đến cô là lâu dài. Jason thì nói rằng anh ấy sẽ rời khỏi Hồng Kông để thử “tìm lại” hứng thú với việc ra ngoài, đi chơi, cho thấy rằng những thay đổi mà anh trải qua trong đại dịch vẫn có thể bị đảo ngược khi môi trường thay đổi.
Một trong những giới hạn của nghiên cứu là nó không có nhóm đối chứng. Các nhà nghiên cứu không thể so sánh những người tham gia nghiên cứu của họ với những người không sống qua đại dịch bởi vì rõ ràng, COVID-19 đã tác động sâu sắc tới toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là mọi người chỉ được so sánh bản thân hiện tại với quá khứ của họ. Và một số người, như Paguio, hài lòng về sự thay đổi của mình.
“Tôi thích con người của tôi bây giờ hơn rất nhiều so với con người trước đại dịch, vì vậy tôi không có lý do gì để quay trở lại với con người cũ của mình”, cô nói.
Nguồn: Vice
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/2-nam-dai-dich-covid-19-khien-con-nguoi-thay-doi-tinh-cach-nhanh-chong-tuong-duong-1-thap-ky-20221028170030993.chn” name=””]