Tôi cũng áp dụng phương thức 30 phút chơi cùng nhau trước khi ngủ. 2 đứa nhỏ đều cười khanh khách khi được “bay lên trời” hoặc chơi trò sói và thỏ…
Khi có bầu đứa con thứ nhất, tôi đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp nuôi dạy con của nhiều nước nhằm tìm phương án thích hợp nhất. Sau tất cả, phương án tốt nhất vợ chồng tôi có thể dành cho con là “trước khi đi ngủ sẽ chơi cùng con”.
Phương án này nói thì đơn giản nhưng không dễ để thực hiện. Tắt hết thiết bị đồng nghĩa vợ chồng tôi phải thả chiếc điện thoại thông minh ở đâu đó, chấp nhận bỏ lỡ các tin nhắn, email công việc và cả những cuộc gọi của sếp.
Tắt hết thiết bị đồng nghĩa gập lại máy tính dù có khi bản vẽ của chồng tôi chưa hoàn thiện, khi hộp thư của tôi thông báo vừa có 1 email mới cần xử lý càng sớm càng tốt. Tắt hết thiết bị đồng nghĩa chương trình ca nhạc thiếu nhi trên YouTube của con tôi cũng phải được tắt đi…
Sau khi tắt ti vi, bọn trẻ lao vào phòng ngủ, trốn trong mền và gọi mẹ đi tìm |
Điều đó khó nhưng không phải không làm được và nếu làm một phép so thì 30 phút dành cho con không nhiều so với thời gian cả ngày chúng tôi đã dành cho công việc. Trong khi chúng tôi cố làm việc cũng chỉ với mục đích duy nhất: để con mình có cuộc sống tốt hơn.
Khi con lên 2, tầm 20g30 mỗi ngày, không ai nhắc ai, vợ chồng tôi tự giác kiểm tra điện thoại, máy tính lần cuối rồi người cho con uống sữa, đánh răng, giúp con thay đồ; người dọn dẹp phòng ngủ để đúng 21g, cả nhà vào phòng ngủ. Cuộc vui sẽ bắt đầu bằng việc con vào phòng trước, trốn trong mền để chúng tôi tìm.
Dù biết mười mươi con đang trùm mền, vợ chồng tôi cũng giả vờ khi thì mở cửa tủ, khi thì kéo cái kệ, vừa làm vừa hỏi: “Có John lùn trong này không ta?”. Mỗi lần câu hỏi kết thúc, tiếng cười dưới mền lại vang lên. 20 phút đầu chơi cùng con, vợ chồng tôi không cần phải suy nghĩ hay cố tạo trò chơi mà chỉ cần “Bay lên nào”, tạo hình tay dưới ánh đèn…
Trẻ con chỉ cần được cùng chơi với cha mẹ, chơi gì cũng khiến con cười tít. 10 phút sau, chúng tôi bắt đầu kể chuyện. Con còn nhỏ, lại mê khủng long, nên tôi và chồng tha hồ sáng tác những mẩu chuyện về một nhóm bạn khủng long trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như khủng long không đi cùng người lạ khi cha mẹ chưa kịp đến trường đón; khi khủng long lạc cha mẹ ở siêu thị phải tìm ai, không đi theo ai; dạy con nhớ số điện thoại của mẹ, khi có chuyện thì tìm ai để nhờ gọi điện cho mẹ…
Sau 30 phút, chúng tôi tắt đèn, rời giường, bật đèn ngủ và con sẽ tự đi vào giấc ngủ.
Cây thông Giáng sinh cả nhà cùng làm |
Không biết do cảm nhận được tình thương của cha mẹ hay muốn được chơi cùng chúng tôi mà nếu ở những gia đình khác, mỗi lần đến giờ đi ngủ, cha mẹ phải làm nhiều cách để con rời mắt khỏi đồ chơi, ti vi hay điện thoại thì nhà tôi ngược lại. Chỉ cần cha hay mẹ nhắc: “Đi ngủ thôi con”, dù đang làm gì, con tôi cũng đứng dậy, dọn dẹp đồ chơi, nhanh chóng đi vào phòng ngủ.
Sau khi chồng tôi mất, chị gái phụ tôi chăm bé nhỏ trong 1 năm. Khi đưa con gái về, để kết nối anh trai 6 tuổi và em gái hơn 1 tuổi, tôi cũng áp dụng phương thức 30 phút chơi cùng nhau trước khi ngủ. 2 đứa nhỏ đều cười khanh khách khi được “bay lên trời” hoặc đè lên người mẹ trong trò “sóng thần” hay chơi trò sói và thỏ…
Trong suốt thời gian chơi với nhau, cả ba mẹ con đều… mướt mồ hôi. Song, nhờ vậy, sau thời gian đầu bỡ ngỡ, 2 đứa trẻ đã gắn kết với nhau hơn. Bây giờ, nếu ai hỏi con bé thương anh Hai không, con gái tôi đều trả lời có và con trai tôi cũng trả lời “Con thương em Kem nhất”.
Câu “Tụi con trốn xong rồi, mẹ đi tìm đi” lại vọng ra từ phòng ngủ, những tiếng cười đang rinh rích dưới mền… 3 năm ở cùng nhau, hơn 1.000 đêm như thế nhưng bọn trẻ chưa bao giờ chán trò chơi trốn tìm.
Bài và ảnh: Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/30-phut-chat-luong-cho-con-hay-tam-tat-het-thiet-bi-a1484742.html” name=””]