Quả Phật thủ từ lâu đã trở thành loại quả quen thuộc dùng để thờ hoặc lễ trong những ngày trọng đại, mùng một, rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Theo các chuyên gia phong thủy, mâm quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự.
Người phương Đông quan niệm mâm ngũ quả cần có 5 loại quả với 5 màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên.
Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí.
Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả có thể nhiều hơn. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định. Trong đó dù đặt gì bạn cũng đừng quên 5 loại quả gọi may mắn dưới đây:
Bưởi
Bưởi là một trong những loại trái cây thường được trưng bày vào dịp Tết ở các gia đình miền Bắc. Quả bưởi tươi xanh, căng bóng và tròn đều luôn được các bà nội trợ trưng bày trên mâm quả, với ý nghĩa tròn đầy, viên mãn, gia đình thịnh vượng, sum vầy và mọi người mạnh khỏe, bình an.
Ngoài ra, trong tiếng Hán, từ “bưởi” có cách phát âm gần giống với từ “con trai”. Vì vậy mà bưởi còn được mọi người chưng cúng để xin lộc về con cái.
Lựu
Quả lựu với màu đỏ hồng vô cùng thu hút, khi trưng bày sẽ càng khiến mâm trái cây của bạn thêm nhiều màu sắc. Đó là màu sắc biểu trưng cho sự sinh sôi, phát triển, mang đến vận may về con cái. Trong phong thủy bàn thờ tổ tiên, quả lựu cũng được cho rằng những đứa trẻ trong gia đình khi sinh ra đều bụ bẫm và khỏe mạnh, bởi trong quả lựu chứa nhiều hạt, mọng nước lại rất ngon ngọt.
Chuối
Với hình dáng bên ngoài tựa như một bàn tay đang ngửa ra thu hứng lấy phúc lộc và những điều may mắn, những nải chuối trên bàn thờ với mong cầu một năm mới nhiều sắc màu, làm ăn phát đạt. Hình ảnh những quả chuối liền kề cạnh nhau cũng tượng trưng cho hình ảnh cả gia đình quấn quýt, sum vầy bên nhau một cách đông đủ, đầm ấm.
Tuy nhiên, bạn nên tránh mang loại trái cây này đi tảo mộ hay chưng trong tháng cô hồn bởi theo tâm linh, nó ám chỉ sự “chào đón” các vị khách không mời mà tới.
Phật thủ
Trong tín ngưỡng của người Việt, Phật giáo có một vị trí quan trọng trong niềm tin của mọi người. Quả Phật thủ từ lâu đã trở thành loại quả quen thuộc dùng để thờ hoặc lễ trong những ngày trọng đại, mùng một, rằm hay trên mâm ngũ quả ngày Tết vì hình dáng của quả Phật thủ rất giống bàn tay Phật.
Gia chủ bày loại quả này với ý nghĩa mong bàn tay phật che chở cho cả gia đình. Quả Phật thủ đẹp là quả màu vàng óng, những ngón tay mọng, bung xòe rộng, xếp thành nhiều tầng.
Dưa hấu
Dưa hấu được chọn là thức quả dâng tổ ngày Tết bởi nhiều lẽ. Hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ sự tích dưa hấu Mai An Tiêm phải không nào? Dưa hấu chứa đựng ý chí tự lực cánh sinh, kiên cường, xanh vỏ mà đỏ lòng của ông cha ta ngày xưa.
Đồng thời đó cũng là thức quả quý được dâng lên vua nên trong ngày Tết dưa hấu dâng lên tổ tiên để thể hiện sự tôn kính của con cháu dâng lên ông bà đã khuất. Dưa hấu là thức quả của sự đoàn viên, ẩn chứa tình cảm của người thân, gia đình trong từng hương vị ngọt thanh.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/5-loai-qua-mang-y-nghia-phat-tai-binh-an-chac-chan-phai-co-tren-ban-tho-ngay-tet-d298713.html” alt_src=”” name=””]