Sủi cảo, há cảo, hoành thánh… món ăn gần như trở thành biểu tượng đặc trưng, khiến ai cũng “nhảy số” ngay trong đầu mỗi khi nhắc đến ẩm thực Trung Hoa.
Cho đĩa há cảo, cho vài viên sủi cảo, cho bát hoành thánh… Ba món khác nhau là vậy, ấy thế mà nhiều người vẫn lầm tưởng chúng là một, hoặc luôn bị nhầm lẫn, không biết cách phân biệt.
Trong ẩm thực, chỉ cần một sự khác biệt nhỏ (nguyên liệu, nhân bánh, vỏ bánh, hình dạng…) cũng đủ khiến món ăn có tên gọi khác nhau trong dân gian từ cổ chí kim.
Sủi cảo và há cảo
“Sủi cảo và há cảo có gì khác nhau? Không phải là một sao?”.
Khác lắm đấy chứ chẳng đùa! Cách phân biệt dễ nhất giữa hai món này chính là nhân và vỏ bánh.
Nhân sủi cảo đa phần là thịt lợn, vỏ bánh dày và có màu đục hơn há cảo. Nhân há cảo lại là tôm, cộng thêm lớp vỏ mỏng gần như trong suốt, nhìn từ ngoài cũng có thể thấy phần nhân tôm đỏ hỏn bên trong sau khi hấp chín. Cũng chính vì vẻ ngoài này mà há cảo còn có tên gọi mỹ miều khác, đó là “bánh chẻo thủy tinh”.
Sủi cảo thường được ăn kèm với nước chấm
Há cảo, còn được gọi là “bánh chẻo thủy tinh”
Được biết, bánh chẻo là tên gọi chung cho các loại bánh dùng vỏ bột mì bọc nhân của người Triều Châu, Trung Quốc. Chữ “cảo” chính là cách đọc dần hình thành từ tiếng Quảng Đông và được người Việt ta gọi thành tên, âm Hán-Việt là “chẻo”.
Sủi cảo và há cảo còn có một khác biệt nhỏ trong cách nấu. Sủi cảo có thể dùng phương pháp luộc, hấp hoặc chiên, còn há cảo thì chỉ nên được hấp vì đặc tính vỏ bánh mỏng, hấp sẽ giúp vỏ bánh nguyên vẹn và có độ trong hơn.
Sủi cảo và há cảo nhìn chung vẫn giống nhau về ngoại hình. Nhưng nếu so sủi cảo/há cảo với hoành thánh thì lại là một câu chuyện khác.
Sủi cảo/há cảo và hoành thánh
Đã nói đến đây thì sủi cảo, há cảo và hoành thánh đều được nhận định là 3 món khác nhau rồi nhỉ?! Nhưng khác nhau chỗ nào?
Cách gọi “hoành thánh” hoặc “vằn thắn” được cho là xuất phát từ âm Quảng Đông của chữ có âm Hán Việt là “vân thôn”, nghĩa là “nuốt mây”. Ngoài khu vực Quảng Đông, người Trung Quốc gọi là “hồn đồn”.
Phân biệt bánh chẻo (sủi cảo, há cảo) và hoành thánh từ 4 phương diện sau:
1. Hình thức
Bánh chẻo nói chung thường được làm với kích thước lớn hơn, vỏ bánh bọc nhiều nhân, nắn thành hình bán nguyệt, phần viền phải được nén chặt, không được có khoảng hở, đặc biệt là sủi cảo, nếu không trong lúc nấu sẽ bị vỡ nhân ra ngoài.
Vỏ hoành thánh thường rất mỏng nên không được gói quá nhiều nhân. Hoành thánh lớn có thể được gói thành hình “nguyên bảo” (đồng tiền), nếu là hoành thánh nhỏ thì chỉ cần vo thành viên là được. Gói hoành thánh, chỉ cần đảm bảo phân nhân nằm gọn trong vỏ, không cần bọc kín, có vài khoảng hở cũng không sao.
Hoành thánh được gói theo kiểu đồng tiền
2. Vỏ bánh
Vỏ bánh chẻo thường có hình tròn, cần có độ dày một chút để bọc nhiều nhân. Vỏ bánh này thường được làm bằng bột mì, cán và nhào bột thủ công thì vỏ bánh càng ngon hơn, dai dai dẻo dẻo, dễ thao tác gói bánh.
Vỏ bánh hoành thánh thì có hình vuông, ngày nay thường được sản xuất công nghiệp cho nhanh. Nếu vỏ bánh chẻo dùng hoàn toàn bột mì thì vỏ hoành thánh được làm từ bột mì thêm tinh bột thực vật.
3. Cách ăn
Cách nấu bánh chẻo rất đa dạng, có thể luộc, hấp, chiên; nấu chín rồi thì ăn kèm với chén nước chấm bao gồm nước tương thêm tỏi và ớt. Người phương Bắc Trung Quốc thường cho thêm chút gia vị trong nước luộc sủi cảo, sau đó làm súp ăn cùng.
Nấu hoành thánh thì phức tạp hơn một chút, cần phải chuẩn bị nước dùng hầm kỹ. Ăn tới đâu thì cho hoành thánh vào nấu tới đó, rồi vớt ra bát kèm theo nước dùng. Có thể nói, nếu nước dùng không ngon thì bát hoành thánh xem như thất bại.
Nói chung, bánh chẻo nói chung thì thường ăn theo kiểu “khô”, chấm nước tương pha; còn hoành thánh thì ăn theo kiểu “nước” như món súp.
Hoành thánh, theo cách gọi của người Trung Quốc ở nhiều vùng khác là “hồn đồn”.
4. Phần nhân
Nhân bánh chẻo rất đa dạng, tùy theo sở thích. Heo, dê, gà, bò đều được, thậm chí còn thể thể dùng cá làm nhân. Bánh chẻo nhân rau củ cũng rất được ưa chuộng. Nhân bánh chẻo đòi hỏi phải mềm, đẫm nước cốt đậm đà, không được khô và rời rạc.
Nhìn chung, nhân hoành thánh cũng đa dạng và gần giống với nhân bánh chẻo. Nhưng vì vỏ hoành thánh khá mỏng nên phần nhân không nên quá ướt và đẫm nước, nếu không vỏ sẽ rách khi gói, nấu trong nước dùng sôi cũng sẽ bục nhân ra ngoài.
Hơn nữa, nhân hoành thánh thường là thịt chủ yếu, thật sự không ngon nếu dùng nhân rau củ. Ngày nay, người ta còn làm món hoành thánh chiên, cũng rất được yêu thích.
Bánh chẻo (sủi cảo, há cảo…) và hoành thánh có sự khác biệt nào? Bây giờ có lẽ bạn cũng đã biết cách phân biệt rồi nhỉ!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/sui-cao-ha-cao-hoanh-thanh-co-gi-khac-nhau-nhieu-nguoi-truoc-gio-cu-tuong-deu-la-mot-nghe-cach-phan-biet-ma-nhuc-nhuc-cai-dau-20240405191901168.chn” name=””]