Lúc rửa bát, rất nhiều người có thói quen hất luôn vài hạt cơm thừa xuống đường ống cống, hãy ngừng ngay hành động này.
Những ai đã từng mất gần 10 triệu đồng cho một lần gọi thợ tới thông tắc cống sẽ thấm thía việc tắc cống phức tạp và ảnh hưởng tới kinh tế như thế nào. Vậy nên để hạn chế tối đa việc mất tiền oan, ngay từ hôm nay hãy ngưng đổ những thứ này xuống cống.
Cơm thừa
Lúc rửa bát, rất nhiều người có thói quen hất luôn vài hạt cơm thừa xuống đường ống cống vì nghĩ đơn giản: vài hạt cơm làm sao tắc được. Nhưng thực tế là, những hạt cơm đó khi tiếp xúc với nước sẽ trương phình lên, hình dáng to gấp đôi khi bình thường.
Lượng nước không đủ lớn sẽ khiến những hạt cơm đó chẳng thể trôi đi, vẫn nằm yên ở đó. Một bữa không sao nhưng hai, ba lần sau bạn vẫn tiếp tục đổ cơm thừa xuống cống thì số lượng sẽ dần tăng lên, chiếm hết diện tích và việc tắc đường ống là đương nhiên.
Dầu mỡ thừa
Lượng dầu mỡ dư thừa sau quá trình nấu nướng thường được đổ đi thay vì tái sử dụng nhưng nếu bạn đổ vào đường ống nước, hậu quả có thể đáng lo ngại.
Home Serve, một chuyên trang tư vấn gia đình của Anh, cho biết hậu quả thấy rõ nhất của việc này là tất cả dầu mỡ tích tụ theo thời gian trong đường ống có thể gây tắc nghẽn. Ước tính, chất béo và dầu tích tụ gây ra khoảng 47% số vụ tràn cống vệ sinh xảy ra mỗi năm ở Mỹ.
Không giống nước hoặc các chất lỏng khác, dầu mỡ không hoàn toàn thoát khỏi đường ống và chảy ra hệ thống nước thải. Sau khi nguội đi và đạt đến nhiệt độ môi trường, chúng rắn lại, bám vào đường ống và tích tụ, dày lên theo thời gian, trở thành vật cản dòng chảy.
Tóc
Mỗi lần gội đầu, phụ nữ đều bị rụng một lượng tóc đáng kể nhưng vì chủ quan nên cứ để mặc chúng rơi tự do xuống cống. Tóc cực kỳ khó phân hủy và không bị ảnh hưởng bởi nước, lượng tóc ngày một nhiều sẽ khiến đường cống bị tắc.
Tốt hơn hết, bạn hãy nhặt bỏ tóc rụng sau mỗi lần gội đầu hoặc mua những thiết bị “bảo vệ” ngăn không cho tóc rơi xuống cống.
Cát dành cho mèo
Nhiều loại cát vệ sinh cho mèo được dán nhãn “flushable” – nghĩa là có thể xả xuống bồn cầu, nhưng thực ra trong hầu hết các trường hợp nếu chọn làm theo, bạn có thể trả giá đắt. Bởi lẽ, cát mèo có thể kết dính và vón cục trong ống, gây tắc nghẽn và đẩy nước thải ngược lại cho bạn hưởng.
Nhưng điều quan trọng hơn là cát mèo có thể chứa hóa chất, và khi tan ra có thể làm ô nhiễm nguồn nước, bất chấp việc nguồn nước thải có được đi qua nhà máy xử lý hay không.
Khăn giấy
Nhiều người có thói quen vứt khăn giấy xuống bồn cầu mà không biết rằng nó có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn đường nước thoát nước thải. Khăn giấy có thể phân hủy nhưng chúng có khả năng hút nước tốt nên dễ kết thành khối và làm tắc cống.
Bột mì
Một số người cho rằng sử dụng bột mì cọ rửa sẽ giúp chậu rửa bát sáng bóng như mới. Thế nhưng, đó là một mẹo tồi. Bởi bột mì và các loại bột nói chung là những thứ không bao giờ được xả xuống chậu rửa nhà bếp.
Khi bột gặp môi trường ẩm ướt trong đường cống dẫn sẽ đặc lại và ngăn cản nước thoát, chúng còn có tác dụng giữ rác lẫn trong nước thải tương tự như các bánh mỡ. Nên nhớ, luôn luôn đổ bột thừa vào thùng rác và vệ sinh sạch bột của đồ dùng đã sử dụng để pha trộn bột trước khi rửa chúng trong chậu rửa bát.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/6-thu-do-xuong-cong-ca-nam-sau-van-con-nguyen-lam-sai-mat-gan-chuc-trieu-thong-tac-c59a12443.html” alt_src=”https://eva.vn/tu-van-nha-cua/6-thu-do-xuong-cong-ca-nam-sau-van-con-nguyen-lam-sai-mat-gan-chuc-trieu-thong-tac-c172a531823.html” name=””]