( Yeni ) – Sau sinh là khoảng thời gian cơ thể người mẹ bắt đầu hổi phục, bận rộn với việc chăm sóc cho con. Vì vậy để sức khỏe được đảm bảo và chăm sóc con một cách tốt nhất, chị em phụ nữ nên trang bị cho mình 9 lưu ý sau đây:
1. Ớn lạnh sau sinh
Hiện tượng ớn lạnh là phản ứng bình thường của cơ thể phụ nữ sau khi mới sinh con. Bạn có thể cảm thấy cơ thể khó kiểm soát, thậm chí hai hàm răng va đập vào nhau dù cho thời tiết bên ngoài khá ấm áp. Nguyên nhân có thể là do bạn bị mất máu nhiều và sức lực cho cuộc vượt cạn vừa trải qua. Chính vì cơ thể mất máu quá nhiều và thay đổi tiết tốt sau sinh sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, từ đó làm giảm nhiệt độ cơ thể khiến mẹ bị ớn lạnh.
Cảm giác này thường rất khó chịu nhưng bác sĩ khuyên rằng bạn không nên cố gắng kiểm soát cơn run mà hãy cố gắng thả lỏng, thư giãn hết sức có thể tránh bị khiến vết mổ bị rách đối với những người đẻ mổ. Hoặc bạn có thể mặc quần áo ấm hơn; duy trì thói quen uống nước ấm, mang tất, dép trong nhà. Nếu không bạn nên uống một ly sữa nóng, đắp chăn ấm và ngủ một chút, cảm giác sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
2. Hiện tượng cương sữa
Cương sữa là hiện tượng thường xuất hiện từ 2-7 ngày sau sinh. Người mẹ sẽ cảm thấy đau nhức, nóng toàn bộ ngực, đôi khi có thể cảm thấy sốt nhẹ và tình trạng mệt mỏi. Nguyên nhân là do sự tiết sữa từ bầu ngực nhờ hai hormone chính là oxytocin và prolactin. Oxytocin co bóp tuyến sữa, còn prolactin tạo sữa.
Lúc trẻ mới chào đời, prolactin được tiết nhiều nhất giúp sữa đổ về các nang sữa. Tuy nhiên, lượng oxytocin tiết ra không đủ để co bóp tuyến sữa, dẫn tới sữa trong nang không được giải phóng ra ngoài, và gây ra tình trạng bầu ngực của mẹ căng cứng và khó chịu.
Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể sử dụng 3 phương pháp như chườm lạnh trong vòng 5 phút hai vú giữa các lần bú, cho con bú để giảm sữa, hoặc nếu quá nhiều bạn nên dùng máy hút sữa.
3. Đảm bảo nguồn sữa cho con
Để giữ gìn nguồn sữa mẹ cho bé, bạn cần chú ý đến việc cho bé bú nhiều lần trong ngày. Trước và sau khi cho con bú, bạn nên vệ sinh vú sạch sẽ bằng nước ấm.
Ngoài ra trạng thái tinh thần của bạn cũng ảnh hưởng đến lượng sữa cho con. Trong những tháng đầu, em bé thường thức nhiều về đêm và tất nhiên bạn phải thức theo để chăm sóc cho con, gây nên tình trạng mệt mỏi. Vì vậy những lúc rảnh hay lúc con ngủ bạn nên ngủ một lúc để giữ gìn sức khỏe và tinh thần được đảm bảo.
4. Ăn uống dinh dưỡng đầy đủ
Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh là vô cùng quan trọng vì đây là khoảng thời gian phục hổi cơ thể và cung cấp năng lượng để chăm sóc con. Vì vậy, phụ nữ sau sinh không nên kiêng khem quá mức, mà nên đảm bảo chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.
Trong thời gian sau sinh và suốt thời gian cho con bú bạn nên ăn thêm nhiều hơn, uống từ 1-2 cốc sữa mỗi ngày, và cũng nên bổ sung nước uống nhiều hơn. Chú ý tránh các thức ăn có nhiều gia vị, cay hay quá chua cũng như các chất kích thích như bia, rượu, cà phê. Những thứ này sẽ làm mùi sữa thay đổi.
5. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc
Đối với tất cả các loại thuốc cho dù là thuốc bổ, hay các bài thuốc dân gian, những loại thuốc mà người khác giới thiệu đem lại hiệu quả với họ, bạn cũng nên thông qua ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn. Vì mỗi loại thuốc, liều lượng thuốc sẽ phù hợp với một thể trạng khác nhau, có thể phản ứng với các loại thuốc bạn đang sử dụng, cùng với đó cơ thể phụ nữ sau sinh lại thường khá yếu rất dễ ngây nên nguy hiểm cho người mẹ.
6. Nên đi lại sớm một cách nhẹ nhàng
Đối với những người đẻ thường: Đi lại sau sinh là cần thiết để tử cung đàn hồi, ngăn ngừa nguy cơ bị bế sản dịch, chảy máu sau sinh hoặc thuyên tắc mạch. Những ngày mới sinh mẹ có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Sau sinh khoảng 15-20 ngày sản phụ có thể đi bộ ngoài trời, nhưng không nên đi quá lâu. Vì sau sinh cơ thể mẹ vẫn yếu, chưa phục hồi đủ năng lượng, đi lại quá nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và dễ bị tổn thương.
Đối với phụ nữ sinh mổ: Ngày đầu tiên, bạn chỉ nên cử động tay chân bằng cách nhẹ nhàng xoay trở tại giường. Những ngày sau đó, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, bạn nên đi lại nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để phục hồi lại các chức năng của cơ thể, giảm nguy cơ bị biến chứng hậu sản phổ biến ở bà mẹ sinh mổ như thuyên tắc mạch, bế sản dịch,…
7. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Đối với những người phải cắt tầng sinh môn để con có thể ra ngoài một cách thuận lợi, tránh sang chấn. Bạn cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ vùng vết khâu, hàng ngày nên ngâm rửa hai lần với thuốc sát trùng sản khoa và rửa sạch mỗi lần đi tiểu. Nên tránh tính trạng bị ẩm ướt kéo dài khiến vết thương sẽ chậm lành và dễ nhiễm khuẩn.
8. Vài ngày sau sinh bạn có thể tắm gội với nước ấm
Thời gian lý tưởng nhất để tắm của phụ nữ sau sinh là từ 3-4 ngày hoặc từ 5-7 ngày đối với sinh mổ. Nhiệt độ nước tắm cũng rất quan trọng với cơ thể mẹ sau sinh. Nếu là nước ấm phải là nước khoảng 40 độ, nhiệt độ phòng duy trì khoảng 22 độ C, đồng thời phải đóng cửa và tránh gió khi tắm.
9. Tránh thai sau sinh
Sau sinh, phụ nữ cần rất nhiều thời gian để có thể phục hồi hoàn toàn trở lại, việc tránh thai sau sinh là biện pháp cần thiết để nuôi con tốt hơn, phụ nữ có thể chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách cũng như số lượng con sinh ra và tránh được những tai biến sản khoa, không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặc biệt cần lưu ý, dù chưa có kinh nguyệt lại thì vẫn cần dùng biện pháp tránh thai. Kinh nguyệt là biểu hiện của chức năng rụng trứng đã được phục hồi, tuy nhiên lần rụng trứng đầu tiên không nhất thiết là phải sau khi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu, mà có thể là trước khi kinh nguyệt xuất hiện.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/9-luu-y-can-thiet-cho-phu-nu-sau-sinh-de-dam-bao-suc-khoe-cho-ca-me-va-con.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/9-luu-y-can-thiet-cho-phu-nu-sau-sinh-de-dam-bao-suc-khoe-cho-ca-me-va-con-d328519.html” name=”Sài Gòn Thể Thao”]