Sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ đang phủ kín chân núi lửa Chư Đăng Ya, tranh thủ đến “sống ảo” ngay kẻo qua mùa đẹp.
Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 11, tháng 12 hằng năm là Tây Nguyên sẽ được “thay áo mới”, bởi lúc này những rặng dã quỳ đều đồng loạt bung nở, nhuộm vàng cả triền núi, lối đi. Bên cạnh Đà Lạt đã quá nổi tiếng với mùa hoa dã quỳ thì Gia Lai cũng trở thành điểm check-in “ăn khách” năm nay. Ngập tràn trên mạng xã hội là hình ảnh con đường với rặng hoa dã quỳ cao lớn hai bên, toạ lạc ngay dưới chân ngọn núi lửa triệu năm Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Hoa dã quỳ nở bung tại núi Chư Đăng Ya (Ảnh: Tây Nguyên Ơi, Bùi Văn Hải, Thành Nam)
Dã quỳ là một loài thực vật thuộc họ hoa cúc, còn có nhiều tên gọi khác như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,… Từ lâu, hoa dã quỳ đã trở thành một nét đặc trưng riêng ở vùng đất Tây Nguyên bởi loài hoa này có sức sống mãnh liệt. Dù hoa dã quỳ mọc ở khắp mọi nơi, từ triền đồi đến thung lũng ở Gia Lai. Nhưng có lẽ, hoa dã quỳ dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya là rực rỡ và lâu tàn nhất. Sắc vàng của hoa xen kẽ với sắc xanh của nương rẫy, tạo nên vẻ đẹp cuốn hút cho xứ cao nguyên. Ngoài ra, vào tháng 11 hằng năm tại xã Chư Đăng Ya còn tổ chức lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động văn hoá, ẩm thực bản địa vô cùng đặc sắc.
Núi Chư Đăng Ya bao trùm sắc vàng của hoa dã quỳ (Ảnh: Bùi Văn Hải, @gialaigov, Tây Nguyên Ơi)
Chính nhờ khung cảnh núi non bạt ngàn, cộng với con đường mòn hoa nở tuyệt đẹp nên Chư Đăng Ya đã trở thành “thiên đường sống ảo” trong những ngày qua, được nhiều bạn trẻ kéo đến chụp ảnh kết hợp “săn” hoa. Thêm vào đó, đây là thời điểm “vàng” khi Gia Lai vừa chấm dứt những cơn mưa kéo dài hàng tháng, bước vào mùa đẹp nhất năm với khí hậu se lạnh, nhiệt độ cao hơn 1 – 2 độ so với các nơi khác và có nắng dịu nhẹ, rất thích hợp để cho ra đời những bức ảnh “xinh xỉu” với hoa dã quỳ.
Giới trẻ rủ nhau đến “sống ảo” liên tục nhân lúc hoa đang vào độ đẹp nhất (Ảnh: Huyền Tỷ Review, Đi Gia Lai)
Khi đến Chư Đăng Ya, không chỉ có những bức ảnh “sống ảo” lung linh mà bạn còn được dịp thả bộ chầm chậm trên những cánh đồng rộng lớn, hít thở bầu không khí trong lành, hòa mình vào không gian bao la của đại ngàn, trút bỏ hết những mệt nhọc thường ngày.
Ảnh: @lannnannn, @channgchangg, @lx.hai, Ánh Nguyệt, @thanuyne_
Ngoài núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai vẫn còn hai toạ độ lý tưởng khác để ngắm và chụp ảnh cùng hoa dã quỳ là đèo Mang Yang và dốc Hàm Rồng. Đèo Mang Yang nằm trên tỉnh lộ 19 nối Bình Định với Gia Lai. Dân địa phương còn gọi con đèo này với cái tên là Cổng Trời theo tiếng bản địa. Hoa ở đây tuy không nhiều như Chư Đăng Ya nhưng vẫn đủ sức nhuộm vàng cả con đèo. Riêng con dốc dẫn lên núi Hàm Rồng thì hoa mọc thành từng rặng cao chót vót, phủ kín hai bên đường, thậm chí mọc xen vào đá nên nơi đây cũng được xem là background “đắt giá”.
Ảnh: @tranchau.lupham, Tiến Huỳnh
“Mùa vàng” đã về đến Chư Đăng Ya, chỉ chờ hội mê “sống ảo”, thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ghé check-in. Thời điểm lý tưởng nhất để chụp ảnh cùng hoa dã quỳ là khoảng 9h – 10h hoặc từ 15h – 17h. Bạn nhớ đầu tư váy áo, trang phục, phụ kiện để có được bức hình ưng ý nhất. Lưu ý rằng dù có yêu hoa đến mấy cũng không được ngắt hoa, bẻ cành nhé!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hoa-da-quy-no-vang-ong-duoi-chan-ngon-nui-lua-trieu-nam-o-gia-lai-khien-dan-tinh-ron-rang-den-song-ao-20221122160924377.chn” name=””]