Khi công việc của vợ chồng Mi đang ổn định, mua nhà và đón con gái thứ hai thì chồng Mi mất trong một tai nạn giao thông.
Ba má Mi là người Quảng Ngãi. Năm 1980, ông bà mang 8 đứa con vào vùng Đạ Huoai, Lâm Đồng “đi kinh tế mới”. Lũ con không lớn không nhỏ, việc phá rừng trồng cây, chăm cây do ông bà đảm nhiệm. “Ăn mắm mút dòi” khoảng 5-6 năm, rồi sầu riêng, điều, cà phê cũng cho trái. Cuộc sống gia đình khởi sắc dần với từng mùa thu hoạch trong năm.
Khi các con lớn, mỗi lúc dựng vợ gả chồng cho con, ông bà lại cắt đất để “vợ chồng nó làm ăn”. Đến cô con gái út là Mi, sau ngày cô cưới tầm 1 tháng, ông bố ra đi luôn trong giấc ngủ. Mi học đại học, lấy chồng ở thành phố, nên miếng đất hồi môn ba mẹ cho, Mi không nói với chồng. Mi nghĩ mình được ba má nuôi ăn đến đại học, cô có thể có công việc, có thu nhập, nên mảnh đất đó, khi nào má già, cô sẽ bán để lo cho má.
Ảnh mang tính minh họa – DCStudio |
Người tính không bằng trời tính. Khi công việc của vợ chồng Mi đang ổn định, mua nhà và đón con gái thứ hai thì chồng Mi mất trong một tai nạn giao thông, để lại cho Mi 1 đứa trẻ chưa kịp biết ngồi, 1 đứa con đang trong tuổi mầm non và khoản vay ngân hàng tiền tỉ mua nhà.
Một mình ở thành phố xa lạ, tâm lý không ổn định, Mi gửi con gái nhỏ cho chị gái, con trai lớn cho anh trai. Còn cô đi đi về về giữa TPHCM và Lâm Đồng để kiếm tiền.
Thời gian càng dài, áp lực công việc, áp lực tiền bạc, áp lực dạy con, thời gian di chuyển trên xe và cả nỗi buồn, gần như vắt cạn sức khỏe của Mi. Bệnh án của Mi liên tục xuất hiện những căn bệnh mới, bệnh nào cũng mạn tính và chỉ có thể theo dõi định kỳ. Và khi gan, thận, tim, bao tử… đều được “gọi tên”, Mi quyết định giải phóng bớt áp lực. Mỗi tháng, Mi có 3 khoản tiền phải lo là tiền lo cho 2 đứa trẻ, tiền lãi ngân hàng. Trẻ con thì không thể giảm bớt tiền ăn học, nhưng tiền lãi ngân hàng thì có thể nếu cô trả bớt nợ gốc.
Mi về bàn với má, xin bán miếng đất hồi môn, để trả nợ. Dù đất quê Mi đang sốt từng ngày nhưng diện tích đất nhỏ, lại ở vị trí hẻm sâu nên giá bán không cao. Má Mi không phản đối việc con gái cắt bán đất. Các anh chị cũng đồng tình, bởi từ lâu, khoảng đất ấy đã được mặc định là của Mi.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Vì đã rao bán từ trước, người mua cũng đặt cọc từ trước, nên giấy chứng nhận vừa ra, Mi đã chở má đến phòng công chứng ký hợp đồng mua bán và nhận tiền chuyển khoản. Nhìn con số trong tài khoản, Mi thở ra vậy là các tháng sau, số tiền lời hằng tháng chỉ còn khoảng 2 triệu đồng. Phần nợ gốc còn lại, nếu Mi cố gắng một chút, giờ này sang năm, có thể trả hết. Trả bớt nợ, những căn bệnh cô mắc phải suốt 3 năm qua, có thể sẽ không biến mất, nhưng có thể tần số xuất hiện bệnh mới không còn dồn dập.
Mi thấy má mỉm cười. Mi nhớ khi cô bảo muốn nhận phần đất hồi môn để bán trả nợ, má đã thở dài. Nếu biết trước nghịch cảnh của Mi, má đã cho Mi nhiều đất hơn để có điều kiện trang trải cuộc sống. Mi thắp nhang kể cho chồng biết về miếng đất hồi môn, để anh yên lòng về cuộc sống của các con.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tac-dung-than-ky-cua-mieng-dat-hoi-mon-a1478968.html” name=””]