Sau lần đổ nợ đó, tôi đã thay đổi việc “tận thu”, siết tiền bạc chồng, nhưng nỗi sợ nợ nần cứ đến dịp cuối năm lại ám ảnh.
Trong buổi gặp gỡ chị em đồng nghiệp ở cơ quan cũ, khi được hỏi “năm nay đã làm được việc gì”, Ngọc bảo: “Đối với em, thành công nhất là không vỡ nợ”.
Mọi người cười vì nghĩ Ngọc nói đùa, đáng lẽ phải kể những thành tựu to tát như làm nhà, mua đất, tậu xe chứ! Nhưng tôi biết, Ngọc nói thật do vợ chồng cô ấy mới trải qua mấy năm lao đao vì nợ nần. Có lẽ do tôi từng ở vào hoàn cảnh bị nợ nần gõ cửa cuối năm nên càng thấm thía câu nói của Ngọc.
Chuyện đã xảy ra cách đây gần 3 năm, nhưng mỗi lần nhắc lại, tôi vẫn lạnh toàn thân. Nếu lần đó không có sự giúp đỡ của anh em hai bên gia đình, chắc hẳn vợ chồng tôi đã đường ai nấy đi.
Tôi siết chặt tiền bạc với chồng để anh khỏi “hư”, ai ngờ anh đổ nợ (Ảnh minh họa) |
Sau khi vay mượn tứ bề để mua nhà, vợ chồng tôi phân công rõ ràng chuyện chi tiêu tiền bạc. Tôi sẽ lo chi phí sinh hoạt và học hành cho con còn chồng lo trả nợ ngân hàng. Tôi biết lương chồng tôi thấp hơn số tiền phải trả hàng tháng nhưng vẫn ép anh nhận nhiệm vụ đó.
Về phần tôi, lương tôi cao hơn và nhiều cơ hội làm thêm để tăng thu nhập. Tôi nghĩ đơn giản, khi đeo cho chồng “cái gông trả nợ” anh sẽ không chi tiêu phung phí. Tôi bực vì chồng hay than vãn kẹt tiền nhưng vẫn rộng tay mua thứ này thứ kia hoặc gửi tiền cho nhà nội.
Để đủ tiền trả nợ ngân hàng, chồng tôi phải xoay xở làm thêm đủ kiểu, nhưng thu nhập từ việc làm thêm không nhiều và không ổn định, hầu như tháng nào anh cũng trong tình trạng rỗng túi. Thu nhập của tôi thì đủ lo chi phí sinh hoạt, còn dư ra một khoản nhỏm tôi gửi tiết kiệm phòng cho các khoản bất ngờ.
Có nhiều lần, chồng nhắn tin năn nỉ: “Em cho anh mượn 2 triệu đồng để đủ tiền trừ nợ tháng này, khi nào có anh trả” nhưng tôi vẫn lạnh lùng trả lời: “Việc ai người ấy lo, đã phân công rõ ràng thì cứ thế mà thực hiện”. Thậm chí, tôi còn bảo: “Anh vay tạm ở chỗ chú Ba, bác Hai thử xem”.
Tôi theo kinh nghiệm truyền tai của nhiều chị em: cứ phải “siết chặt” chuyện tiền bạc thì chồng mới không hư. Tôi thấy yên tâm vì lúc nào chồng cũng hết tiền, nếu phát hiện anh có khoản bên ngoài nào, tôi lại tận thu triệt để bằng cách hối đám trẻ xin ba mua cho thứ này thứ kia.
Nửa năm trôi qua, chồng tôi không còn than thở hay hỏi mượn tiền vợ. Tôi nghĩ anh đã thu xếp ổn thỏa chuyện nợ hàng tháng. Cuối năm, tôi tiết kiệm được một khoản tiền, đủ để lo tết cho gia đình nhưng vẫn hỏi tiền của chồng. Anh không nói gì nhưng cuối tuần đem về cho vợ 5 triệu, tôi nghi ngờ anh có quỹ đen.
Đến đầu tháng Chạp, những số máy lạ bắt đầu khủng bố điện thoại của tôi. Mấy anh chị em bên chồng cũng bị tương tự, tất cả đều cùng nội dung đòi nợ. Tôi cứ nghĩ trò đùa trên mạng, nhưng đến khi bên kia nói rõ tên tuổi và số tiền vay nợ, tôi mới hoảng hồn.
Chồng tôi vay của họ 100 triệu đồng, giờ tiền lãi lên đến 168 triệu đồng. Đối với vợ chồng tôi, số tiền đó quá lớn. Chồng tôi cũng nói thật, do hàng tháng không đủ tiền trả nợ ngân hàng và lo những việc phát sinh nên anh vay nóng theo số điện thoại trên cột điện. Nợ chồng nợ khi anh tiếp tục vay để thử vận may mong kiếm đủ tiền trang trải nợ nần.
Những cuộc gọi khủng bố đòi nợ cuối năm đó khiến tôi bị ám ảnh về sau (Ảnh minh họa) |
Lúc đó tôi chỉ muốn ly hôn vì giận chồng, không hiểu tại sao anh lại hành động nông nổi như thế. Chúng tôi cãi nhau kịch liệt. Chồng uất ức nói: “Anh vay để trả nợ chứ không phải chơi bời phá phách, em có hiểu cảm giác sắp đến ngày trừ tiền vay mà tài khoản thiếu tiền như thế nào không?”. Tôi vừa trách vừa thương chồng, một phần vì tôi siết chặt tiền bạc anh mới túng quẫn làm liều.
Anh chị em hai bên gia đình biết chuyện nên mới hỏi han, bàn bạc tìm cách giải quyết. Mọi người đều trách sao khó khăn mà không hỏi mượn anh em lại đi vay nóng. Nhưng tôi biết chồng vốn tính sĩ diện nên không dám hỏi mượn người quen họ hàng.
Lần đó, tôi phải dốc hết khoản tiền tiết kiệm cộng thêm số tiền mượn của anh chị em mới đủ để trả nợ. Mọi dự định đón tết tan tành, cũng may người cho bịch gạo nếp, nhà cho con gà, chiếc bánh chưng… chứ trong nhà không có tiền để mua sắm bất cứ cái gì.
Chuyện nợ nần năm đó ám ảnh tôi mãi sau này. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hỏi chồng có nợ khoản nào không vì sợ cuối năm nợ ập đến bất ngờ.
Kim Liên (Xuân Lộc, Đồng Nai)
Cuối năm, khi người này hân hoan thu hồi vốn, cũng là lúc người khác bị chủ nợ gõ cửa, xiết nợ. Bi kịch tài chính đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hôn nhân… Mở diễn đàn “Sợ như nợ cuối năm“, chúng tôi mong bạn gửi tới Phụ Nữ Online câu chuyện tình huống, kinh nghiệm của người trong cuộc, lời “nhắc nhẹ” những người đầu tư mạo hiểm, ham làm giàu nhanh, mong họ cân nhắc thiệt hơn. Mời bạn đọc gửi bài viết về địa chỉ email: Email: online@baophunu.org.vn |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vi-tan-thu-tien-chong-toi-da-om-no-tin-dung-den-a1481614.html” name=””]