Một bài đăng trên mạng xã hội thu hút gần 4 ngàn bình luận. Trong đó phần lớn than thở về mặt trái của tục lì xì thời hiện đại.
Phát ngôn gây ra cả sự đồng cảm lẫn tranh cãi của đạo diễn Lê Hoàng |
Mùa tết năm nào, chuyện tiền lì xì cũng “nóng”. Mới đây, một fanpage đăng tải phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng, thu hút hàng ngàn người quan tâm. Nam đạo diễn cho rằng phong tục lì xì ngày tết đã trở thành “món nợ” khiến nhiều người không dám đi thăm bạn bè, công nhân nặng trĩu tâm tư khi về quê đón tết.
Trong gần 4 ngàn bình luận, nhiều người bày tỏ nỗi lòng về chuyện lì xì: Lì xì đầu năm là nhận lộc, để xin vía may mắn, cả năm hưởng lộc, nhưng nhiều người đặt nặng chuyện này, làm tâm lý người lì xì căng thẳng theo. Mỗi khi nhét tờ polime vào bao, phải đắn đo, suy nghĩ bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì đủ, ít quá không được mà tài chính thì có hạn. Họ hàng, gia đình nào đông con cháu là tốn bộn. Nhà có con nít thì còn “thu hồi vốn” được phần nào, không thì cũng phải ráng chi.
Những bình luận nhận nhiều like nói nên bỏ tục lì xì, vì đây cũng là một khoản chi rất áp lực ngày tết: “Lì xì vốn dĩ mang ý nghĩa phát lộc, nhận may mắn, còn bây giờ đa số chỉ quan tâm là tiền ít hay nhiều”, “Thời chưa lấy chồng tôi không quan tâm lắm. Nhưng sau khi kết hôn, có cuộc sống riêng thì ngày tết cũng bị áp lực vì tiền lì xì. Lì xì thì không tiếc nhưng sợ lì xì ít quá thì không được. Có người chỉ lì xì thôi bay luôn cả tháng lương ấy chứ”…
Có người kể lại trải nghiệm “khó quên” với chuyện lì xì trong năm mới: “Hồi nhỏ được lì xì 10 ngàn, 20 ngàn là vui lắm, nhưng bây giờ là bọn nhỏ chê. Tôi chứng kiến một đám nhỏ kéo nhau ra góc mở bao lì xì, rồi nói: “Chỉ có 10 ngàn này”, “Con nít bây giờ bóc bao lì xì trước mặt mình luôn. Tiền ít, nó biết là chê luôn. Nhiều khi nó quay sang nói với cha mẹ khiến mình ngại ghê: “Có 50 ngàn mẹ ơi”, “Mỗi đứa nhỏ bây giờ cho ít nhất 100 ngàn đồng. Thậm chí có đứa còn chê 100 ngàn là ít”…
Chị đồng nghiệp của tôi kể chuyện lì xì này khiến chị mệt mỏi mỗi mùa Tết. Bởi chị đông bạn bè, khi gặp nhau phải lì xì cho con họ. Mỗi bao lì xì, chị để từ 200 đến 500 ngàn đồng và bạn bè sẽ lì xì lại cho con chị. Với chị, việc này giống trao qua đổi lại hơn là phong tục. Sau mỗi mùa tết, chị lại phải năn nỉ con để được “giữ” phần tiền lì xì đó, như cách “thu hồi vốn”.
Câu chuyện lì xì nhận được sự quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội |
MC Phan Anh chia sẻ trên trang cá nhân rằng, anh từng có cảm giác việc lì xì như trả nợ, vì phong tục này bị biến tướng. Năm ngoái, để giải quyết vấn đề này, anh quyết định để một mức tiền giống nhau cho tất cả bao lì xì. Năm nay cũng như thế. Đồng thời, anh luôn chú trọng dạy con về phép lịch sự khi nhận lì xì.
Đồng quan điểm với Phan Anh, nhiều người cũng cho rằng chỉ vì sự biến tướng mà bỏ phong tục lì xì thì không nên, bởi đây là nét văn hoá đẹp. Họ chia sẻ: “Cảm giác được cầm trên tay phong bao đỏ thắm rất vui và hạnh phúc. Tôi luôn tin có nhiều tình cảm, lời cầu mong may mắn được trao gửi bên trong đó”, “Cảnh cả nhà quây quần, chúc tục nhau và nhận lì xì đáng được giữ gìn”, “Phải có tục lì xì thì mới là cái tết trọn vẹn. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta nhìn nhận và ứng xử với chúng ra sao”…
Ở gia đình tôi, các anh, chị và tôi từ nhỏ được cha mẹ dạy dỗ rất kỹ về chuyện nhận lì xì. Khi nhận lì xì phải biết cảm ơn, gửi lại những lời chúc tốt đẹp. Bao lì xì phải cất vào túi, về đến nhà mới được mở. Điều này tiếp tục được truyền dạy sang các cháu của tôi. Tôi vẫn có thói quen giữ lại các phong bao lì xì khi tết qua đã lâu, bất kể số tiền bên trong ít hay nhiều. Bởi tôi tin rằng giá trị của chúng là gửi gắm năng lượng tích cực, sự may mắn.
Mùa tết năm nào chuyện lì xì cũng “nóng” |
Bản chất của tục lì xì không xấu, vì thế, thay vì đòi xoá bỏ, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh, định hướng; trước nhất là từ suy nghĩ của mình, rồi dạy bảo con trẻ.
Hà Sơn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chua-tet-nhieu-nguoi-da-thay-ap-luc-voi-khoan-li-xi-a1482266.html” name=””]