Khi mọi người nôn nao chờ tết thì tôi mất ăn mất ngủ vì nợ vây. Tôi đã dốc toàn bộ vốn liếng, thậm chí vay lãi suất cao cho cuộc đầu tư “không chừa đường lùi”.
Tôi phải thuê nhà trọ, nợ vây tứ phía. (Ảnh minh họa) |
Từng là người nắm bạc tỷ, nhà 2 căn, ô tô, xe máy đủ cả, vậy mà giờ đây tôi phải ở nhà trọ, nợ vây tứ phía.
Đi xuất khẩu lao động ở Nhật, tôi dành dụm được gần hai tỷ đồng. Khi về nước, tôi đấu thầu thành công để kinh doanh bãi giữ xe lớn của một bệnh viện. Công việc ăn nên làm ra, tôi đầu tư mua trả góp 2 căn hộ chung cư. Tôi cũng mua 2 xe ô tô 7 chỗ để chạy dịch vụ.
Đầu năm 2020, bệnh viện lấy lại bãi xe, tôi dốc vốn và vay mượn thêm để chuyển hướng kinh doanh quán cà phê ở quận 7, quận 2. Tôi cũng thuê một ngôi nhà 3 tầng gần Bệnh viện Chợ Rẫy để mở phòng trọ và quán ăn. Tiền đầu tư 3 cơ sở đã gần 2 tỷ và tiền trả mặt bằng hàng tháng 110 triệu đồng.
Chuỗi quán vừa khai trương thì những ca COVID-19 đầu tiên đã xuất hiện, nhập viện ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi thấp thỏm lo, nhưng vẫn hy vọng: chỉ cần một trong 3 quán thành công thì “gánh” được 2 quán kia và tôi sống khoẻ.
Thế nhưng, quán mới mở ít khách, lại thêm nỗi lo sợ dịch nên ngày càng vắng tanh. Chủ và nhân viên ngồi ngáp dài ngáp vắn nhìn nhau. Tôi ráng cầm cự, mỗi tháng bù lỗ gần 200 triệu đồng (tiền mặt bằng, lương nhân viên…). Số tiền này tôi phải đi vay từ người thân, đến tín dụng đen lãi suất trên trời.
Rồi dịch bệnh ập tới, thành phố bị phong toả. 3 quán cà phê của tôi đóng cửa, chết cứng. Tôi đành trả mặt bằng để… bỏ của chạy lấy người. Tiền thế chân mặt bằng chủ trả lại và nội thất quán được cấn trừ vào nợ thuê mặt bằng chưa trả đủ.
Tôi cố giữ lại nhà nghỉ cho bệnh nhân vì tự tin: “Gì thì gì, người bệnh thì vẫn phải đi khám, điều trị bệnh, vẫn có nhu cầu về chỗ trọ”.
Tôi gồng, cầm cự với hy vọng dịch bệnh sớm qua, nhưng, sau gần một năm 2021 nhà trọ tê liệt vì dịch, tôi trở thành kẻ trắng tay khi phải bán nhà và xe để cắt nợ. Đồng thời, lãi mẹ đẻ lãi con nên tôi bán hết tài sản vẫn nợ hơn 400 triệu đồng, với số tiền lãi 12 triệu đồng phải trả mỗi tháng.
Tôi quay lại cảnh tay trắng như thuở mới lên Sài Gòn lập nghiệp, đành chọn một góc đường của Đại lộ Võ Văn Kiệt để bán bánh mì buổi sáng. Đến 9g30 tôi di chuyển địa bàn, bán nước giải khát lén trong một bệnh viện, rồi nuôi bệnh mướn và xin cơm từ thiện ăn qua ngày…
Mỗi ngày tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng, chưa đủ tiền trả lãi nói chi đến sắm sửa tết nhất. Cứ vài hôm, chủ nợ lại nhắn tin cho tôi, đòi “xin tí huyết” vì trả lãi chậm, làm tôi vừa làm, vừa trốn chui trốn nhủi, không biết tai họa ấp đến khi nào.
Vì đầu tư mạo hiểm, không suy nghĩ thấu đáo, tôi đã bị phá sản. (Ảnh minh họa) |
Thương nhất là con gái tôi. Từ sau khi tôi bán nhà, tôi gửi con về quê sống với ngoại, mấy ngày nay con cứ gọi hỏi: “Mẹ sắm đồ tết cho con chưa? Khi nào mẹ về quê ăn tết?”.
Tôi không biết trả lời với con như thế nào vì lòng rối bời với nợ nần vây quanh. Tôi luyến tiếc thời vàng son, đã không nghe lời khuyên của má tôi: “Mở thử 1 quán, đừng bung cùng lúc 3 cái”.
Khi ấy tôi tự tin nghĩ: Quán nằm ở khu đông dân cư, quán đẹp, thức uống ngon – tại sao không thể không thành công? Còn nhà nghỉ với mô hình: võng nằm thuê theo giờ, và phòng lưu trú qua đêm giá cực mềm dành cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh – lại ở ngay vị trí đắc địa, trước cổng một bệnh viện lớn, không thể không thu hút khách.
Người tính không bằng COVID-19 tính. Dịch bệnh khiến tôi trở thành con nợ vì sự ưa mạo hiểm của mình. Tết sát sau lưng mà tôi không biết đi đâu về đâu? Về quê thì không dám nhìn ai vì mình bây giờ là kẻ trắng tay. Ở lại thành phố thì nhớ con, nhớ mẹ già, nhớ không khí sum vầy, ấm cúng của những năm trước…
Trang Thanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mat-nha-cua-mat-tet-vi-dau-tu-khong-chua-duong-lui-a1482565.html” name=””]