Có những bé gái chịu nhiều thiệt thòi khi mẹ đi tìm niềm vui đôi lứa.
Không phải đứa trẻ nào cũng ủng hộ mẹ đi bước nữa (ảnh minh họa) |
1. Ngay sau ngày tái hôn của mẹ, cô bé 5 tuổi tên Nhã Ca (sống tại Cần Giờ, TPHCM) không thể giao tiếp được nữa. Ai hỏi gì bé cũng không trả lời, có khi khóc lóc, hay nhìn vào nơi vô định. Bà ngoại xót cháu, đưa đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc về tâm lý, phải điều trị rất lâu.
Chuyện đã trôi xa 18 năm, giờ đây khi chia sẻ với người bạn thân, Nhã Ca vẫn khóc vì xót thương chính mình. Tuổi thơ Nhã Ca rất buồn, vì thường xuyên bị mẹ đánh mắng do lỗi “gương mặt y đúc cha”.
Mẹ Nhã Ca cấm con không được gặp cha và họ hàng bên nội, buộc phải gọi người chồng mới của mẹ là “ba”. 7 tuổi, vừa lo thân vừa chăm hai em cùng mẹ khác cha… Nhã Ca lớn lên trong vần vũ của quá khứ, đến nay cô vẫn chưa thể mở lòng với bất kỳ một người khác giới nào để có tình yêu lứa đôi.
Người ta thường nói, mình phải hạnh phúc thì mới có thể chia sẻ, lan tỏa đến người khác – như cách thoát hiểm khi máy bay gặp sự cố: mặc áo phao cho bản thân trước rồi mới giúp người bên cạnh. Chuyện bà mẹ đơn thân mưu cầu hạnh phúc lứa đôi là chính đáng, nhưng trong trào lưu sống hiện đại YOLO (You Only Live Once – bạn chỉ sống một lần) không ít những đứa con cô độc, chao đảo khi người mẹ đơn thân kiếm tìm hạnh phúc mới.
2. Năm 11 tuổi, Thừa Hoan cùng mẹ dọn về ngôi nhà mới khi ba má ly hôn. Là bác sĩ, má Thừa Hoan làm việc ca kíp. Ngoài giờ làm việc, bà say bất kể ngày đêm.
Bà đi vũ trường, quán bar… lúc lảo đảo về được đến nhà thì khóc lóc, gào thét, đập phá đồ đạc… Không lâu sau, má mắc bệnh trầm cảm và đau bao tử. Nhưng thời gian Thừa Hoan thấy má ở nhà vẫn vô cùng ít. Bà liên tục lao mình đi tìm tình yêu mới.
Rồi Thừa Hoan cũng quen dần với cuộc sống thui thủi, nhưng không quen được sự xáo trộn bởi hết người đàn ông này đến người đàn ông khác má đưa về nhà sống cùng. Khi bị một trong những gã ấy quấy rối, cô cầu cứu má. Bà chỉ lạnh lùng: “Không có chuyện đó đâu!”.
Năm nay 18 tuổi, Hoan chỉ mong mỏi có việc làm và đủ tiền để dọn ra ngoài sống riêng.
3. Chị Hải Thụy ăn mặc lộng lẫy, vội vã lướt ngang con gái, để ra xe đi cùng người đàn ông đang chờ sau vô lăng. Chị giúp việc mặt tái mét, đưa chị Thụy một xấp giấy nhăn nhúm vừa tìm thấy trong phòng bé Tịnh.
Vừa xỏ chân vào giày, chị Thụy tranh thủ đọc. Là những dòng chữ nhòe nhoẹt, xiêu vẹo. Là những câu chuyện về vô số ngày tháng đơn côi trong 4 bức tường. Là những lần Tịnh muốn nói chuyện với mẹ về bối rối lần đầu có kinh, xao xuyến trước ánh mắt bạn khác giới, khó khăn dần tăng trong việc học bị mất tập trung vô cớ…
“Mẹ không rảnh!” là 3 chữ mẹ hay nói, khiến Tịnh dẫu thèm muốn cũng không dám làm phiền mẹ. Mẹ không có thời gian, nên Tịnh muốn “gặp” mẹ thì lên các trang mạng xã hội để đọc những dòng trạng thái, xem hình mẹ chia sẻ cùng cả thế giới. Nhiều lúc Tịnh tuyệt vọng, không muốn sống…
Thật may chị đã kịp tỉnh tào để dành nhiều thời gian bên con (ảnh minh họa) |
Giờ đây, mở điện thoại ngắm Tịnh trong buổi hội thảo cùng bạn ở trường đại học, chuyện cũ như thước phim chiếu chậm khiến chị Thụy rùng mình. “Cũng may mình đã kịp tỉnh táo, dành nhiều thời gian cho con…”, chị nghĩ rồi rút điện thoại nhắn lời xin lỗi cô sinh viên năm thứ nhất.
Hoài Thư
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-me-don-than-ban-song-cho-minh-a1484664.html” name=””]