Sau nhiều thăng trầm, váy phồng trở lại một cách mạnh mẽ tại các sàn diễn thời trang và bước ra đường phố.
Váy phồng đã tồn tại hàng thế kỷ trong dòng chảy của thời trang. Số phận của chiếc váy này khá lận đận bởi có thời điểm, chúng được tôn sùng, ngợi ca nhưng cũng từng khiến người mặc rơi vào vòng bi thảm. Sau nhiều thăng trầm, váy phồng trở lại một cách mạnh mẽ tại các sàn diễn thời trang và bước ra đường phố.
Kiểu dáng váy phồng có sự thay đổi theo thời gian |
Ngược về quá khứ
Có nhiều giai thoại về mốc thời gian chiếc váy phồng đầu tiên xuất hiện. Trong đó, nhiều thông tin cho rằng vào đầu thế kỷ XV, thời kỳ phục hưng ở châu Âu, các vương tộc bắt đầu để mắt đến những chiếc váy phồng có hình dáng như chiếc lồng chụp. Niềm yêu thích dáng váy này nhanh chóng lan tỏa và kéo dài đến thế kỷ XVI.
Nữ vương Joan của Bồ Đào Nha được cho là người có ảnh hưởng lớn trong việc đưa váy phồng trở thành một trào lưu ăn mặc. Trong thời gian trị vì với tư cách nữ hoàng vào đầu những năm 1500, bà nổi tiếng với thói quen mặc những chiếc váy lót có lồng khung. Phần khung thời bấy giờ thường được làm từ chất liệu đan lát hoặc cỏ khô. Có giai thoại cho rằng vì nữ vương từng 2 lần sinh con ngoài giá thú nên chiếc váy lồng khung là sáng kiến để bà che giấu những lần mang thai tai tiếng. Tạm bỏ qua những thêu dệt đằng sau, chiếc váy phồng giúp nữ vương khoe vóc dáng cơ thể và thể hiện nét vương giả, quyền quý.
Theo nhà sử học thời trang Jessica Glasscock, từng công tác tại Viện Trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), hiện đang dạy lịch sử thời trang tại Trường Thiết kế Parsons (Mỹ), thông qua vải vóc, váy phồng được xem như một phương tiện thể hiện sự giàu có. Trên thiết kế, chỉ cần thấy số lượng vải đắt tiền được sử dụng, sự giàu sang của người mặc được “khoe” mà không cần giới thiệu. Càng nhiều vải càng cho thấy gia thế “khủng” của người mặc. Trong những bức chân dung các thành viên hoàng gia thời đó, đa số phụ nữ đều mặc váy phồng.
Váy/đầm phồng giúp người mặc trông lộng lẫy hơn nhưng khó di chuyển |
Đến cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, váy phồng đã bước sang một thời kỳ mới với nhiều sự cách tân. Phần thân váy không chỉ có khung hình tròn mà chuyển sang khung hình thoi, hình chữ nhật. Nhiều chiếc váy có phần đuôi trải dài ra sau nhằm tăng thêm độ hoành tráng. Chiếc váy khi ấy đa phần được tầng lớp trung lưu, thượng lưu chọn mặc.
Một bức họa về Nữ vương Joan |
Khoảng đầu thế kỷ XVIII, váy phồng ngưng “làm mưa, làm gió” vài chục năm. Cho đến khoảng năm 1850, khi chuyển đến Pháp cùng chồng, Công chúa nước Áo – Pauline Metternich – mở ra một thời kỳ rực rỡ cho những chiếc váy phồng. Thời điểm mới chuyển sang, Công chúa Pauline Metternich chưa được chú ý nhưng sau khi có duyên gặp gỡ nhà thiết kế (NTK) người Anh Charles Frederick Worth, cha đẻ của thời trang cao cấp, bà bắt đầu diện những chiếc váy phồng và trở nên xinh đẹp, thời thượng hơn. Những chiếc váy được làm từ nhiều lớp vải lanh, váy lót làm bằng lông ngựa. Độ dày từ vải và phần khung làm từ xương cá voi hoặc bã mía giúp người mặc trở nên lộng lẫy nhưng khó di chuyển và gây cảm giác nóng. Ngoài ra, giá váy cũng vô cùng đắt đỏ. Những yếu tố đó khiến kiểu trang phục này khá kén người mặc.
Giá thành giảm và biến cố bủa vây
Tháng 4/1856, sau thời gian nghiên cứu, Công ty R.C. Milliet ra mắt chiếc váy phồng với phần khung kim loại. Đây được xem là bước cải tiến đáng kể trong lịch sử hình thành mẫu váy quý tộc này. Chỉ trong vài tháng, hàng chục ngàn chiếc váy đã có mặt ở khắp châu Âu và Mỹ. Khi việc sản xuất đã dễ dàng hơn, giá thành váy phồng giảm mạnh.
Nhà nghiên cứu Jessica Glasscock tiết lộ sau hơn 10 năm, giá 1 chiếc váy phồng đã giảm từ 5 USD còn 15 xu. Nếu trước đó, kiểu váy trên chỉ dành cho giới vương giả, thượng lưu thì sau này, nó được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Thậm chí, nhiều người vì muốn nhạo báng gu ăn mặc của tầng lớp giàu có trước đó nên để váy phồng xuất hiện ở cả những nơi nhếch nhác.
Cũng trong thời gian được mọi tầng lớp ưa chuộng, váy phồng bắt đầu trở thành nguyên nhân của nhiều thảm kịch: một số phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân thương vong chỉ vì diện váy phồng. Nguyên do là bởi sự đồ sộ, rườm rà của thiết kế khiến họ gặp bất tiện trong sinh hoạt đời thường.
Trên trang bìa tờ The New York Times ngày 16/3/1858 là tin tức về việc 1 phụ nữ diện váy phồng đã bị bốc cháy khi đến quá gần lò sưởi. Theo tờ này, không dưới 19 phụ nữ ở Anh đã gặp tai nạn tương tự từ đầu tháng Một đến giữa tháng Hai năm đó. Bài viết cung cấp thông tin rằng mỗi tuần, trung bình có 3 phụ nữ thương vong vì váy phồng – con số buộc mọi người phải suy nghĩ, đặc biệt cẩn trọng hơn khi diện “mẫu thiết kế nguy hiểm”.
Tái xuất mạnh mẽ
Trên sàn diễn mùa xuân – hè 2023, thương hiệu Loewe đưa váy phồng trở lại. Bên cạnh các thiết kế hoa được cách điệu, NTK Jonathan Anderson của nhãn hàng dành một phần của bộ sưu tập (BST) để tôn vinh phom dáng độc đáo của váy phồng. Những chiếc váy cúp ngực với phần thân nhô ra như có giá sắt bên trong của Loewe hầu hết đều là phom váy ngắn, đơn sắc. Các thiết kế không phô trương, rườm rà như trong lịch sử của mẫu váy này mà vô cùng tối giản, chỉ giữ lại phom dáng cơ bản, đủ để gợi cho người xem nhớ đến dáng váy kinh điển trong lịch sử thời trang.
Váy thêu hoa từ nhà mốt Matty Bovan |
Với thương hiệu Comme des Garçons, trên sàn diễn mùa mới nhất, váy phồng chỉ còn là nguồn cảm hứng, hoàn toàn không được tái hiện như nguyên mẫu. Đại diện hãng – bà Rei Kawakubo – cho biết từ lâu, những phom dáng độc đáo đã gắn với Comme des Garçons và mùa mốt này, bà muốn nói nhiều điều hơn thế. Những thiết kế có kích thước hình tròn, lồng khung hay trông giống chiếc hộp đều có câu chuyện ẩn sau. Những “không gian rộng” trên từng thiết kế ấy có thể xem như khoảng cách giữa người với người trong xã hội nhiều biến số, trống rỗng của thực tại.
Thương hiệu Christopher Kane hay Dior cũng chuộng phom dáng quả chuông, lồng chụp – một số biến thể khác của váy phồng đưa vào BST mới nhất, ra mắt tại Tuần lễ Thời trang xuân – hè 2023. Theo Giám đốc sáng tạo của Dior – Maria Grazia Chiuri – nguồn cảm hứng để bà sáng tạo nên các thiết kế mới là từ chiếc áo nịt ngực của quý bà Caterina de’ Medici – một nữ quý tộc nổi tiếng của Ý, người sau này trở thành vương hậu nước Pháp. Bà Caterina de’ Medici từng vô cùng yêu quý những chiếc váy phồng và cũng giúp phần lớn thiết kế trở nên nổi tiếng hơn trong thế kỷ XV.
Các mẫu thiết kế mới từ Dior siết khá chặt phần ngực giúp tôn vinh đáng kể những đường cong cơ thể phụ nữ. Phần váy đi kèm được NTK sử dụng khung để định hình. Khung có kích thước nhỏ để dễ dàng di chuyển, phù hợp với cuộc sống năng động hiện đại.
Bộ sưu tập xuân – hè 2023 của Viktor&Rolf |
Khánh An
Ảnh: Internet
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-chiec-vay-phong-da-bot-nguy-hiem-a1485771.html” name=””]