Trước khi bắt tay trồng những luống xà lách và tỏi tại nhà, các bà nội trợ cần chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” như khay trồng, đất và giống.
Xà lách
Xà lách là loại rau được ưa chuộng trong mỗi bữa ăn thường ngày của nhiều gia đình. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong xà lách có chứa nhiều chất xơ, vitamin A, K, C nhằm giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hóa.
– Cách trồng xà lách đơn giản trong chai nhựa:
Trước khi bắt tay trồng những luống xà lách tại nhà, các bà nội trợ cần chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” như khay trồng, đất và giống.
Có thể lựa chọn và sử dụng hộp nhựa, có kích thước tối thiểu 40x60cm sẽ giúp rễ cây có điều kiện phát triển tốt nhất. Ngoài ra, cần lưu ý đục các lỗ dưới đáy thùng để nước thoát ra ngoài dễ dàng, không gây ngập úng.
Trước tiên, hãy cho đất vào thùng, sử dụng bay để san bằng bề mặt đảm bảo làm sao cho đất cao khoảng 10cm để rễ bám chắc. Kế tiếp, gieo xà lách trực tiếp trên đất với khoảng cách, từng hàng đều nhau và cách tối thiểu 10cm, khoảng cách giữa hai hàng tối thiểu 15cm. Sau đó, phủ một ít đất lên phía trên, tưới thêm nước rồi đặt chậu vào nơi thoáng mát, có ánh nắng sẽ giúp cho hạt dễ nảy mầm.
Rau xà lách là loại rau dễ thích nghi với mọi điều kiện về đất trồng, vì thế các bà nội trợ không phải tốn quá nhiều thời gian cho việc chăm sóc. Đều đặn mỗi ngày, các bà nội trợ chỉ cần sử dụng nước sạch (hoặc nước vo gạo) để tưới rau mà không cần dùng đến phân bón.
Cố gắng tưới rau xà lách với tần suất 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều muộn. Điều chỉnh lượng nước sao cho hợp lý để đất không bị khô hay bị úng, tránh làm cây còi cọc kém phát triển hoặc chết.
Sau 30 – 45 ngày, rau xà lách đã có thể thu hoạch. Lưu ý dành cho các bà nội trợ khi thu hoạch, là nên dùng tay tách các lá rau xà lách từ phía dưới gốc, không kéo mạnh vì rất dễ rách tàu lá. Hoặc sử dụng dao sắc, cắt sát gốc rau xà lách để lấy lá, tránh làm ảnh hưởng đến gốc rễ.
Tỏi
Tỏi là một gia vị không thể thiếu trong thực đơn mỗi bữa ăn của các gia đình Việt. Công dụng không chỉ bó hẹp ở các gian bếp, tỏi còn có khả năng vươn xa trong việc phòng và chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt tỏi còn được xem là “khắc tinh” của nhiều loại bệnh ung thư. Thậm chí trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, các bác sĩ Anh đã dùng tỏi như một chất kháng sinh để điều trị vết thương cho binh sĩ.
– Cách trồng tỏi trong chai nhựa
Đầu tiên, chai nhựa đem rửa sạch, sau đó dùng dao cắt đáy chai với độ dài thân chai khoảng 5 – 7 cm. Bạn có thể cắt đáy chai dài hơn tùy thuộc vào số tỏi muốn trồng.
Tiếp theo, lấy khoảng vài củ tỏi (lựa những củ không bị sâu, thối) bóc sạch vỏ rồi ngâm nước trong khoảng 12 giờ.
Xếp tỏi đã ngâm nước vào đáy chai nhựa, để phần đầu củ tỏi hướng lên trên. Đổ từ từ nước vào đáy chai cho đến khi ngập đến gần đầu củ là được. Không đổ ngập nước kẻo tỏi dễ mọc mầm.
Đặt tỏi đã xếp vào chai nhựa ra chỗ có ánh sáng mặt trời để mầm tỏi nhanh phát triển. Khi tỏi đã phát triển thành cây và đủ rễ, bạn có thể đem trồng trong chậu. Thường xuyên tưới nước cho cây. Khi cây đã mọc hoa, hãy cắt ngồng tỏi để củ phát triển.
Khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng nâu, bạn có thể thu hoạch. Đem phơi khô tỏi rồi treo ở nơi râm mát, khô ráo trong vài tuần đến khi khô hoàn toàn thì cắt cuống là có thể dùng.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/2-loai-rau-duoc-tan-dung-trong-chai-nhua-30-ngay-thu-hoach-1-lan-du-cho-ca-nha-an-d299172.html” alt_src=”” name=””]