Tôi cứ ngỡ chuyển nhà sống gần con cháu, gia đình sẽ sum họp vui vầy, nhưng thực tế rất khác…
Đồng hồ chỉ 9 giờ tối, tôi muốn tụt đường huyết vì chưa ăn tối. Người giúp việc xin về quê từ trưa do nhà cô ấy có việc gấp. Tôi gọi điện cho vợ và con trai thì đều không liên lạc được.
Tôi gọi con gái cuộc gọi thứ ba, con nói tôi chịu khó đợi vì con rể đi làm chưa về, không ai trông 2 đứa cháu đang khóc nhèo nhẽo vì bệnh vặt.
Tôi cứ nghĩ sống gần con cháu sẽ được sum vầy (ảnh minh họa) |
Tôi gắng ngồi dậy, nhưng vừa đặt chân xuống sàn, toàn thân đã đau buốt. Vụ tai nạn tháng trước khiến tôi chấn thương vùng lưng, không thể đi lại. Mấy tuần nay tôi chỉ nằm trên giường, thấy cuộc sống mỗi lúc thêm bế tắc.
Tôi đặt giả thuyết, nếu như lúc này tôi đang ở quê thì chỉ một cuộc điện thoại, các cháu hoặc hàng xóm sẽ lập tức có mặt. Nhưng 2 năm trước tôi đã thuận theo ý vợ con, bán ngôi nhà ở thành phố biển miền Trung để vào TPHCM.
Khi tôi rao bán nhà, bạn bè người thân nhiều lần can ngăn. Tôi cũng hiểu lý do, ai cũng ngại tôi đi theo con sẽ buồn vì xa anh em bạn bè và phụ thuộc nhiều thứ. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch sống gần con, nên tôi xem như đó là điều tất yếu.
Tôi gom hết tiền bán nhà và tiền tiết kiệm mua một căn hộ chung cư sống cùng cậu con trai chưa vợ. Căn này cùng khu với vợ chồng cô con gái đầu, nên cũng tiện qua lại. Tôi dự tính, khi con trai chuẩn bị lấy vợ sẽ gợi ý con mua một căn cùng khu nhà. Như vậy, vợ chồng con ở riêng cho tự do, nhưng không quá xa cách cha mẹ.
Tôi nghĩ đơn giản rằng, muốn về quê thăm anh em bà con bây giờ cũng tiện, chỉ một ngày đi tàu hỏa hoặc 1 tiếng đi máy bay là về tới. Nhưng khi thật sự “ly hương”, tôi mới thấy rõ, tuổi già sống bằng hoài niệm nên nỗi nhớ quê luôn cồn cào.
Ở thành phố, tôi không có bạn bè và bà con, vợ tôi thì ngược lại. Ngày trước, cô ấy học đại học ở Sài Gòn; nhà ngoại lại ngay miền Tây, cách thành phố chỉ vài chục km, vì vậy bạn bè của vợ rất nhiều. Vợ tôi bận rộn với các lớp học thiền, khiêu vũ cùng nhóm bạn sống tại thành phố và các cuộc họp mặt ở quê ngoại nên tôi hệt như bị bỏ rơi.
Quãng đường di chuyển xa nhất của tôi chỉ từ nhà mình ở sang nhà con gái ở lốc chung cư đối diện hay xuống sân thể dục. Mỗi lần nhìn hình ảnh tụ họp của anh chị em ở quê nhà, hay sự kiện giỗ chạp con cháu đăng trên mạng xã hội, tôi lại nhớ quê da diết.
Tôi dự tính tháng 3 này sẽ về sửa sang mộ phần cho cha mẹ, nhưng dự định không thành vì cú tai nạn xe quá nặng. Cứ ngỡ chuyển đến sống gần con cháu sẽ được vui vầy nhưng trên thực tế lại không như mong đợi. Lúc tôi chưa tai nạn, con gái thỉnh thoảng nhờ tôi đưa đón cháu đi học khi vợ chồng con bận đột xuất, chứ ít khi gửi các cháu qua chỗ tôi.
Con gái và con rể còn sợ cháu học theo âm giọng quê hương tôi, sẽ ảnh hưởng khi đi học lớp Một. Con trai tôi thì gần 40 tuổi nhưng chưa có ý định cưới vợ, chỉ mải mê tụ tập nhậu nhẹt, chơi bời.
Từ ngày đổ bệnh, tôi thấy cuộc sống trở nên bế tắc (ảnh minh họa) |
Với tôi, buồn nhất vẫn là sự thay đổi của vợ. Từ ngày vào thành phố, cô ấy như thành người khác. Tôi biết vợ không thích cuộc sống ở quê chồng, mấy chục năm làm dâu cô ấy cũng chịu nhiều điều tiếng của nàng dâu miền Tây. Bây giờ về gần nhà ngoại, vợ như chim sổ lồng. Thời gian vợ chồng gần nhau trở nên ít ỏi và quan niệm sống giữa chúng tôi ngày càng khác biệt.
Ngay cả khi tôi đau bệnh thế này, vợ vẫn xếp lịch với “hội chị em bạn dì”. Tôi nói thì vợ bảo: “Em vất vả cả đời rồi, giờ là thời gian hưởng thụ”. Từ khi tôi nằm bệnh, bà ấy thuê người giúp việc chăm sóc tôi, coi như hết trách nhiệm.
Nhiều lần, tôi muốn có ý định hồi hương, nhưng vợ con phản đối. Mà thực tế, nếu có về tôi cũng chẳng có chỗ nào để ở khi nhà cửa đã bán hết, tiền tiết kiệm đã cạn kiệt.
Hoàng Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ban-nha-vao-thanh-pho-theo-con-cha-bi-bo-roi-trong-co-doc-a1486107.html” name=””]