Sinh ra một đứa trẻ, cố gắng hết sức để nuôi dưỡng con, đừng bao giờ lơ là công cuộc bảo vệ con, để mặc con loay hoay tự chiến đấu với những vấn đề của mình.
Sự việc bé N.T.Y.N (17 tuổi, ở Nghệ An) tự tử khi bị bạo lực học đường khiến các bậc cha mẹ giật mình. Trong số đó, rất nhiều người từng coi chuyện tẩy chay, bị bắt nạt học đường là chuyện nhỏ.
Mẹ của Y.N đã luôn sát sao bên con, nhưng chị vẫn không bảo vệ được con. Theo thông tin được chia sẻ, khi mẹ của Y.N nghe con nói: “Con sợ đi học, con sợ đến trường”, chị đã ngay lập tức tìm hiểu và biết được con bị đe dọa, bị đánh và đang ức chế tâm lý.
Chị cũng tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Khi chưa nhận được biện pháp can thiệp, chị vẫn cố gắng đưa đón con đi học, động viên con mỗi ngày.
Tin nhắn giữa 2 mẹ con Y.N. Mẹ vẫn theo sát con mỗi ngày. |
Mới đây, trong đoạn tin nhắn của nhóm phụ huynh lớp Y.N ngay từ đầu năm học (vào tháng 9/2022), một bà mẹ đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng học sinh bỏ tiết, một nhóm học sinh luôn tẩy chay, bắt nạt các bạn nếu vẫn đi học. Có 2 học sinh cùng lớp của bé Y.N phải chuyển lớp vì bị tẩy chay.
Biết được tất cả những áp lực, hiểu môi trường tiêu cực mà con phải đối mặt và cố gắng mọi cách để bảo vệ con, nhưng cuối cùng, mẹ Y.N vẫn mất con gái. Một cô bé xinh đẹp, ngoan ngoãn, học giỏi và được gia đình yêu thương đã chọn cái chết để thoát khỏi bạo lực học đường.
Nỗi đau đớn của mẹ Y.N không từ nào tả xiết. Nhiều bà mẹ khác cũng chia sẻ câu chuyện của mình, đồng thời góp thêm tiếng nói vào hồi chuông cảnh tỉnh các phụ huynh khác.
Tin nhắn đầu năm học, khi các phụ huynh nói với nhau về chuyện bắt nạt ở lớp Y.N. |
Một mẹ có tài khoản Facebook là P.T chia sẻ: “Năm lớp 7, con lớn nhà em cũng từng bị như thế. Về nhà, con khóc lóc đòi chuyển lớp, chuyển trường. Hỏi ra thì cũng là nhóm nọ nhóm kia, không theo chúng nó thế là chúng nó ghét. Em thấy thế, gặp ngay cô giáo trao đổi. Cũng may sau đấy em có hỏi han vài lần thấy con bảo không vấn đề gì nữa nên con vẫn tiếp tục đi học bình thường”.
Phụ huynh O.N.N thì kể câu chuyện của con trai: “Con trai tôi 9 tuổi mắc bệnh mạn tính, chậm tư duy đã bị một cô giáo chửi mắng ngăn cản không cho đi vệ sinh, con tôi đái ra quần. Và vì xấu hổ nên con có ý định leo lên lan can trường học nhảy xuống! Con tôi học lớp 2, liên tiếp hơn 10 ngày hoảng loạn không đến trường…”.
Bà mẹ tên H.H tâm sự: “Con nhà tớ cũng thường bị cô giáo chủ nhiệm mỉa mai, các bạn trong lớp kỳ thị vì nói giọng phổ thông, không nói giọng địa phương như các bạn. Hôm nào con đi học về cũng mang tâm trạng hậm hực. Mẹ bảo chuyển lớp chuyển trường cho con nhưng con bảo để con tự giải quyết. Qua vụ việc này, mình thấy có gì na ná giống câu chuyện của con mình. May mà con nhà mình hay tâm sự với mẹ nên mình biết hết mọi chuyện của con ở lớp”.
Một người khác nay đã là phụ huynh kể lại trải nghiệm bị bạo hành ngày trước: “Xưa em đi học lớp 8, lớp 9, là cái tuổi mà người ta gọi là dậy thì. Tụi con trai còn giật cả áo lót, song ngồi sau lưng còn vẽ bậy bạ lên lưng tụi con gái. Trước đám đông, con xấu hổ mắc cỡ mà về đâu dám nói với bố mẹ. Đi tới lớp thì bị bọn con trai xúm vô đánh hội đồng, trêu hội đồng, đứng trên bảng còn bị trêu cười làm em không dám dơ tay lên bảng. Bị nói con này mặt mũi xấu này nọ, môi thế này thế kia rồi mắt như thế này thế kia. Thiệt chứ lúc em đi học mà em buồn lắm luôn tưởng chừng như chẳng muốn đi học nữa. Từ đấy, em cũng thấy chẳng có hứng thú đi học, mất niềm tin vào bạn bè, thầy cô. Các thầy cô thấy vậy còn dửng dưng, kệ học sinh”.
Hầu hết các mẹ đều hiểu rằng con ở cái tuổi đang lớn mà nếu không quan tâm, không để ý thì rất nguy hiểm. Vấn đề bạo lực học đường xảy ra ở khắp mọi nơi, từ biểu hiện nhỏ cho đến lớn, nếu không ngăn chặn kịp thời thì con mình có thể nạn nhân bị bắt nạt trong thời gian dài, ám ảnh và tổn thương suốt cả cuộc đời. Thậm chí, có những đứa trẻ đã chọn cái chết để tự giải thoát cho mình như Y.N.
“Thương cô bé! Học giỏi, ngoan ngoãn, xinh xắn, gia đình có điều kiện, mẹ quan tâm như vậy mà còn chọn bỏ lại tất cả thì phải kinh khủng như thế nào?”, một mẹ đưa ra bình luận và nói lên suy nghĩ của rất nhiều người khác.
Không chỉ ở góc độ nạn nhân, nếu cha mẹ không quan tâm để ý, thì rất có thể con của mình lại chính là kẻ ác trong câu chuyện về tệ nạn ở trưởng học.
Tài khoản Facebook H.D chia sẻ: “Trước mình nghe một phụ huynh kể, trường cấp II trên địa bàn thành phố mình có 1 nhóm các bạn nữ chuyên đi bắt nạt bạn khác. Và nhóm phụ huynh ấy sau khi kể với nhau xong, có 1 phụ huynh trong nhóm về nhà điều tra con mình. Cuối cùng, chị mới tá hoả con mình cũng nằm trong nhóm đó”.
Bà mẹ tên Thúy Hà cũng chia sẻ câu chuyện kèm thực trạng của nhiều phụ huynh trên trang cá nhân: “Hãy chú ý hết sức để không phải hối hận! Mình luôn lắng nghe con để kịp phát hiện có những bất ổn trong đó, nhưng nhiều phụ huynh khác thì không và họ cho rằng chuyện trẻ con…”.
Y.N đã ra đi, nỗi đau ở lại, đừng để tiếng chuông cảnh tỉnh trở nên vô ích khi các bậc cha mẹ không rút ra những bài học riêng. Sinh ra một đứa trẻ, cố gắng hết sức để nuôi dưỡng con, đừng bao giờ lơ là công cuộc bảo vệ con, để mặc con loay hoay tự chiến đấu với những vấn đề của mình.
Mẹ không bỏ rơi con mà vẫn không bảo vệ được con, huống chi lơ là?
Linh Nguyễn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-khong-bo-roi-con-ma-van-khong-bao-ve-duoc-con-a1489869.html” name=””]