Chẳng có chuyện gì to tát, chỉ là mâu thuẫn thường ngày, nhưng hình như tình cảm vợ chồng đã có dấu hiệu nhạt phai.
Vậy là vợ chồng cô đã chiến tranh lạnh được 1 tuần. Lần này, cô chưa biết cuộc chiến im lặng sẽ kết thúc bằng cách nào, khi tần suất chúng xuất hiện ngày càng nhiều. Mà cũng chẳng có chuyện gì to tát, chỉ là mâu thuẫn thường ngày, nhưng hình như tình cảm vợ chồng đã có dấu hiệu nhạt phai.
Ngày mới yêu nhau, cô vẫn thường tự hỏi không biết có ai như cô không. Cách đây gần 20 năm, khi mà điện thoại thông minh còn chưa xuất hiện ở Việt Nam, ai có điện thoại di động kiểu “cục gạch”, màn hình trắng đen, để nhắn tin SMS là đã sang lắm rồi.
Mỗi lần muốn nói một câu thì nhắn một tin và bị trừ tiền. Rồi nhắn tin cũng phải ráng đếm chữ cho vừa vặn, kẻo dư ra một ký tự thôi cũng bị tách làm 2 tin. Vất vả, tốn kém vậy đó, mà cô với anh cứ nhắn tin với nhau suốt ngày đêm.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Lãng mạn hơn, cô còn có sáng kiến đem tất cả tin nhắn mùi mẫn trong ngày của 2 người gõ thành văn bản trên máy tính dạng đối thoại theo từng ngày, như ghi nhật ký. Cô đâu chỉ làm việc đó một mình mà còn phân công cho anh cùng tham gia. Cô đánh máy tin nhắn của ngày thứ Hai thì anh sẽ “rã text” tin nhắn của ngày thứ Ba, cô phụ trách thứ Tư thì anh làm cho ngày thứ Năm trong tuần.
Cứ thế, đến cuối tuần, anh chép vô USB, đem cho cô để cô đổ nội dung ra máy, sắp xếp lại theo ngày, tháng, cùng với phần cô gõ, để chuẩn bị tư liệu cho một quyển nhật ký điện tử, nói đúng hơn là nhật ký tình yêu của 2 người. Cô còn mong sau này anh và cô sẽ biên tập thêm rồi xuất bản thành sách, như một minh chứng cho tình yêu thật đẹp của họ, lưu truyền cho con cháu.
Bây giờ nghĩ lại, cô không hiểu sao ngày đó mình siêng khủng khiếp đến như vậy. Nhắn tin cho nhau suốt ngày đã mất rất nhiều thời gian, thế mà cô và anh còn bỏ công gõ lại thành văn bản. Quyển nhật ký tin nhắn điện tử ấy của cô dài đến hơn 100 trang A4 thì anh và cô cưới nhau. Từ ngày về chung nhà, nhu cầu nhắn tin cho nhau cũng dần… lụi tàn.
Bây giờ, với chiếc điện thoại thông minh và internet thông suốt, chuyện copy tin nhắn thành văn bản trở nên vô cùng đơn giản. Thế nhưng cả vợ chồng cô đã chẳng còn ai nhớ đến quyển nhật ký tin nhắn điện tử ngày xưa.
Hôm nay ngồi dọn lại máy tính cũ, vô tình cô tìm thấy thư mục có tên “Chuyện của Sóc Nâu và Thỏ Trắng”. Đúng rồi, ngày xưa, mật danh của cô là Thỏ Trắng, còn anh là Sóc Nâu – 2 cái tên họ dùng gọi nhau trong những lúc nhắn tin và lâu rồi không gọi nữa. Cô cũng không nhớ nổi lần cuối mình nhắn câu “Em yêu anh”, “Em nhớ anh” với chồng là từ hồi nào. Bây giờ, những câu giao tiếp hằng ngày của vợ chồng thường chỉ là: “Ba đón con nhé, mẹ họp”, “Ba tiếp khách, mẹ con khỏi chờ cơm”, “Vòi nước hư, chiều ba về xử lý đi nhé”.
Ai đó nhận xét: cứ thấy anh nào, cô nào suốt ngày hí hoáy nhắn tin thì nhiều khả năng họ đang có bồ. Bởi chỉ có người đang say tình hay muốn cưa cẩm nhau mới mất thời gian bấm bấm, nhoáy nhoáy. Phiền chết đi được! Muốn gì cứ gọi cho nhanh, gọn, lẹ. Mà đã gọi thì nói gì nói toẹt cho xong, hơi đâu mà rào trước đón sau, rồi nói lời có cánh. Cứ thế, sự lãng mạn, ngọt ngào trốn đi đâu mất, còn lại giữa vợ chồng cô là những thực tế trần trụi và nỗi lo cơm áo gạo tiền.
“Sóc Nâu đi đâu, làm gì mà bỏ Thỏ Trắng cả ngày không thèm nhớ?” – dòng tin mùi mẫn trong nhật ký điện tử ngày xưa làm cô đỏ mặt. Thu hết can đảm, cô copy tin nhắn ấy, sửa chữ “cả ngày” thành “cả tuần”, thả vào Messenger gửi chồng, lòng hồi hộp chờ đợi. Sau 10 phút, dòng tin hiện trạng thái “đã xem”. Mất thêm 5 phút lặng im.
Rồi màn hình hiện biểu tượng cho thấy người kia đang soạn tin nhắn. Trống ngực cô đập thình thịch. Và kìa, tin nhắn của chồng: “Thỏ Trắng hết giận rồi à? Chiều nay Sóc Nâu về sớm đưa Thỏ Trắng và Thỏ Con đi ăn nhé”.
Ôi là trời, Thỏ Trắng và Sóc Nâu tái xuất sau gần 20 năm, đã cứu vợ chồng cô một bàn thua trông thấy.
Ngọc Thanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-tin-nhan-tinh-yeu-a1531107.html” name=””]