Mỗi khi không vừa ý điều gì, chồng và mẹ chồng đều đem chuyện ba mẹ tôi ly hôn ra để chì chiết, mắng mỏ.
Ba mẹ tôi ly hôn khi tôi mới 5 tuổi. Sau đó cả hai người đều có gia đình riêng. Tôi sống với bà ngoại.
Tôi lớn lên với tình thương của ngoại và cả nỗi buồn. Mỗi lần đi học về, thấy bạn bè có ba hoặc mẹ đến đón, tôi lại chạy về khóc với ngoại. Tôi thèm được sống cùng ba mẹ, nhưng thỉnh thoảng họ mới về thăm tôi rồi nhanh chóng rời đi.
Rồi tôi lớn lên, biết yêu và lấy chồng. Tưởng đâu có chỗ nương tựa, nhưng từ ngày về làm dâu tôi lúc nào cũng như cái gai trong mắt bố mẹ chồng. Bất cứ điều gì tôi làm họ đều không vừa ý, đều thấy khó chịu. Và mỗi lần như thế, họ lại mạt sát: “Cha mẹ bỏ nhau nên cô không được dạy đến nơi đến chốn”.
Nhà chồng luôn đem chuyện ba mẹ tôi ly hôn ra để làm tôi tổn thương (Ảnh minh họa) |
Lúc đầu chồng tôi thương và bênh vợ, anh hay nói đỡ cho tôi, nhưng dần dần anh cũng vào hùa với bố mẹ và hai cô em gái. Không những thế, việc gì chồng cũng bảo “để anh về hỏi mẹ”, hoặc là “để xem ý mẹ thế nào đã”, hoặc là “mẹ anh bảo” trong khi đó là việc riêng của hai vợ chồng.
Hôm qua, tôi lỡ tay nấu canh mặn. Ba mẹ chồng lườm nguýt buông đũa, còn chồng thì bảo tôi chẳng được tích sự gì. Trong khi tôi cũng đi làm như anh, về nhà lại quần quật lo cơm nước cho cả nhà, mà tôi nào dám mở miệng than thở, những lúc mệt tôi cũng không dám nghỉ. Từ ngày lấy chồng, tôi cũng chẳng được phép… ốm.
Khi tôi mang thai và sinh con gái, tôi những tưởng có con chồng sẽ thay đổi, anh sẽ vì con mà thương vợ, nhưng anh ngày càng gia trưởng.
Con gái lên 2 tuổi, bố mẹ chồng bảo sẽ cho vợ chồng tôi một mảnh đất để làm nhà với điều kiện là không sang tên. Vợ chồng tôi cứ làm nhà ở, không cần chuyển quyền sử dụng đất vì “lỡ đâu ly hôn lại mất công chia chác, dính đến tài sản mệt lắm”.
Nghĩ cho con, tôi dặn lòng sẽ hy sinh. Vậy nhưng, hầu như ngày nào tôi cũng phải nghe lời cạnh khóe về chuyện mà lỗi không thuộc về mình.
Có lần, khi vợ chồng cãi nhau, anh chì chiết: “Ly hôn cũng có gen. Cô rồi cũng như mẹ cô thôi”. Tôi chết lặng.
Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng, dù có thế nào tôi cũng không để con mình chịu cảnh cha mẹ ly hôn, không để gia đình chồng đem ba mẹ tôi ra mạt sát.
Đi làm, vợ chồng tôi dành dụm được ít tiền, tôi muốn mua xe máy mới để đi làm, vì chiếc xe tôi đi đã cũ lắm rồi. Khi tôi nói với chồng, anh bảo về hỏi ý mẹ. Sau đó anh nói mua xe sẽ đứng tên anh, vì anh hợp tuổi. Hơn nữa, như thế để tôi không kiếm cớ mà ly hôn anh, rồi mọi thứ lại phải chia đôi.
Tôi luôn cố gắng nhịn nhục để con có đầy đủ mẹ cha (Ảnh minh họa) |
Tôi không hiểu hợp tuổi ở đây là hợp cái gì. Cũng không hiểu sao chồng lại giành quyền quyết định trong khi đó là số tiền chung của hai vợ chồng, và phần đóng góp của tôi lúc nào cũng nhiều hơn. Chưa kể, anh lại đem chuyện ly hôn ra để làm tổn thương tôi.
Có lẽ tôi cần một cuộc nói chuyện rõ ràng với cả nhà chồng, để họ biết rằng, vì có ba mẹ ly hôn nên tôi sẽ cố gắng hết sức để con mình đầy đủ mẹ cha. Tuy nhiên, nếu nhà chồng vẫn không thôi đem chuyện gia đình tôi ra chì chiết và o ép, thì cũng đã đến lúc tôi phải dừng cuộc hôn nhân của mình.
Nguyễn Thiên Thanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bi-nha-chong-coi-thuong-vi-ba-me-ly-hon-a1462505.html” name=””]