Lấy người chồng từng phá sản, tôi không ngờ di chứng của những khoản nợ lại dai dẳng đến vậy.
Buộc phải rút tiền tiết kiệm đưa cho chồng, để anh mang cho bạn vay, tôi tê tái cõi lòng. Số tiền đó tuy không nhiều với người giàu, nhưng là số tiền lớn với tôi. Tôi dự định sẽ dùng nó để chữa bệnh, một căn bệnh mà bao lâu tôi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Hơn nữa, đó còn là tiền giải thưởng mà tôi có được nhờ một cuộc thi viết về hạnh phúc.
Trước khi cùng tôi kết hôn, chồng tôi từng phá sản vì mở công ty riêng. Mặc dù phần lớn số nợ anh đã trả gần xong qua mấy năm cật lực lao động, nhưng tôi vẫn vui vẻ cùng anh nhịn cơm nhịn áo để dành dụm trả hết số tiền còn lại.
Tôi biết những ai dám cho anh vay để giải quyết hậu quả phá sản là những người thực sự tốt, hào hiệp. Thậm chí còn có một vài người nói họ không nhận lại khoản tiền họ đã đưa cho anh.
Người chồng lẽ nào không hiểu rằng ân nghĩa người vợ trao cho anh ta còn lớn hơn vạn lần (Ảnh minh họa) |
Nhưng tôi không ngờ, vì ơn nghĩa với bạn bè mà chồng tôi sẵn sàng chà đạp lên mồ hôi công sức của tôi – người vợ đã nửa thập kỷ cùng anh gồng gánh, vun vén gia đình.
Bất cứ ai trong số họ, hễ cứ hỏi vay tiền là chồng tôi lập tức xoay xở cho vay. Không có tiền, anh cũng đi vay người khác để đưa cho bạn. Anh nói năm xưa phá sản, chính những người không nề hà rút tiền cho anh trả nợ đó đã cùng anh vượt qua được cái vực thẳm tài chính tồi tệ và mới có hôm nay.
Anh nói, chỉ những người từng phá sản mới hiểu hết nỗi cơ cực của cảnh thiếu tiền và nợ nần chồng chất. Nên dù nợ cũ họ chưa trả, lại tiếp tục vay nợ mới, anh vẫn sẵn lòng giúp. Anh nói nợ tiền bạc có thể sòng phẳng, nhưng nợ ân nghĩa là nợ suốt đời.
Hồi đầu năm, mẹ chồng cho chúng tôi mượn năm mươi triệu đồng để làm ăn, anh cũng lấy cho bạn mượn, mà người bạn ấy đang đầm đìa nợ tiền tỷ. Anh còn nói, biết là không thể đòi lại được, nhưng vẫn phải cho mượn vì không cam lòng nhìn bạn vật vã trong đống nợ nần.
“Không thể nhìn bạn vất vả bươn chải, thế còn vợ anh? Anh không cam lòng khi thấy vợ vất vả kiếm tiền, chăm lo cho cả gia đình, nhịn chưng diện, nhịn cả lòng hiếu thảo hay sao?”, đã nhiều lần tôi cay đắng nói.
Cứ mỗi lần chồng cho bạn bè vay dăm bảy triệu đồng, (và tôi biết là không bao giờ họ hoàn trả) tôi lại tự nhủ lòng: “Thôi, mình cố gắng chút nữa, kiếm thêm để bù vào số đã mất”. Tôi phải lọ mọ sớm khuya làm thêm đủ loại việc, chắt bóp từng đồng nhỏ, vì tôi hiểu kiếm được tiền nào có dễ dàng gì.
Năm năm lấy chồng, tôi không dám mua lấy vài bộ váy áo đẹp. Có sự kiện lớn, bạn tôi nhắn: “Nhớ mặc đẹp vào nhé để còn chụp ảnh”. Tôi không đến sự kiện đó, chính vì câu nhắn của bạn. Lần gần nhất tôi xỏ chân vào đôi giày cao gót là bốn năm trước.
Chồng la mắng tôi tủn mủn. Anh nói: “Sao không tự mua giày mà đi, tự mua váy đẹp mà mặc!”. Nhưng hỡi ôi, tôi có mua váy áo đẹp, giày sang, túi xịn, thì khó khăn tài chính của tôi vẫn nằm nguyên xi ở đó, có khi còn tệ hại hơn, chẳng có chuyện vì tôi tiêu tiền cho bản thân mà những nỗi lo thiếu hụt biến mất.
Nhiều chị em bảo tôi dại, bây giờ không sống cho mình thì đến bao giờ. Nhưng tôi dám chắc, nhiều chị em sau phút quyết định sống cho mình, vấn đề của họ không hề được giải quyết.
Vấn đề chỉ có hướng ra khi chồng tôi và những người chồng như anh nhận thấy rằng: Với người vợ, ân nghĩa cô ấy trao cho anh còn lớn gấp vạn lần bạn bè, mà vợ anh thì sẽ cho anh nợ vĩnh viễn, không bao giờ phải trả…
Bảo An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-lien-tuc-lay-tien-cho-ban-vay-bat-chap-noi-co-cuc-cua-vo-a1468377.html” name=””]